Nghị lực của người đàn ông từ ăn mày trở thành tỉ phú

Thứ Năm, 10/03/2016, 09:00
Nhìn dáng vẻ khắc khổ chả ai nghĩ anh giờ đã là tỉ phú, tài sản ước tính cũng ngót chục tỉ đồng, lại càng không dám tin rằng, trong quá khứ anh đã từng hành khất, ngửa tay xin từng đồng bố thí của thiên hạ. Khi cha chết, gia đình anh thậm chí còn không mua nổi một chiếc áo quan để khâm liệm. Chính cái sự nghèo đến kiệt cùng ấy đã giúp anh có một ý chí kiên cường để vươn lên. Và cuộc đời đã rất công bằng khi cho anh có những thứ mà anh xứng đáng được hưởng.


Bố chết không có nổi chiếc áo quan

Về thôn An Lao, xã An Thanh (Tứ Kỳ, Hải Dương) hỏi địa chỉ nhà anh Phạm Văn Sông chúng tôi đều nhận được một câu trả lời giống nhau: "Ở đây có những mấy người tên Sông cơ. Có phải anh chị hỏi Sông ngày xưa nghèo kiết xác giờ thành tỉ phú đúng không?". Có lẽ, nghị lực vươn lên của anh Sông đã trở thành tấm gương sáng nơi đây. Quả là, nếu ai biết về cái quá khứ "rách như tổ đỉa" của gia đình anh thì có lẽ chẳng ai dám tin rằng anh Sông sẽ có ngày hôm nay.

Sinh ra trong một gia đình 5 anh em, anh Sông là người con áp út. Gia đình anh đáng lẽ cũng không nghèo đến thế nếu không có chuyện đã đi khai hoang ở vùng đất mới Quảng Ninh nhưng vì chiến sự biên giới nên lại phải trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Về đây, gia đình anh trở thành trắng tay, không nhà ở, không ruộng canh tác nên phải ở nhờ sân kho của HTX. Sau thấy hoàn cảnh của gia đình anh Sông quá đáng thương nên thôn đã quyết định cắt cho nhà anh một mảnh đất hoang sát đê, gần nghĩa địa để dựng lều.

Anh Sông nhớ lại những tháng ngày khất thực, ngửa tay xin tiền thiên hạ.

Đất canh tác không có nên bố mẹ và các chị của anh đều phải đi làm thuê. Làm lụng vất vả nhưng tiền kiếm được cũng chỉ đủ để mua bò gạo hoặc hạt mạch. Bữa ăn của cả gia đình thường là gạo hoặc hạt mạch rang lên. Bố anh sẽ là người phân phát đồ ăn bằng cách lấy chiếc chén sứt múc gạo hoặc hạt mạch rang rồi gạt miệng, mỗi người một chén. Nhiều lúc đói lả, anh Sông rủ cô em gái ra ruộng hái cây rau thài lài về luộc chấm muối ăn cho căng bụng.

"Nói có khi cô chú chẳng tin chứ tôi đã nhiều lần phải ăn cỏ, chẳng khác nào con bò đâu. Tóm lại là, cái gì có thể cho vào bụng mà không chết thì tôi đều ăn hết cả" - anh Sông nhớ lại.

Nhiều lần nhìn các con đói lả, bố anh Sông nghĩ không thể để chúng nó chết được nên rủ anh Sông hành nghề ăn xin. Vốn là một đứa trẻ thông minh và học rất giỏi nhưng anh Sông đã phải bỏ dở giữa chừng để đi ăn xin cùng bố.

Anh bùi ngùi kể lại: "Tôi và bố có tới hàng nghìn ngày lang thang khắp chốn để ăn xin. Sáng ra mỗi bố con đi một hướng, nhiều khi sợ người ta quen mặt thì đảo lại địa bàn. Có lần tôi sang tận Hải Phòng ăn xin thì bị bọn côn đồ đánh cho tơi bời và trấn lột hết những đồng tiền lẻ mà tôi xin được. Lúc đó tủi thân chỉ biết ngồi gục xuống đường mà khóc thôi".

Sau 3 năm hành khất, anh Sông xin đi làm việc tại nhà máy vôi. Lúc đó khoảng 15 tuổi nhưng người anh bé tẹo như học sinh cấp 1. Vậy mà ngày ngày anh cũng phải đội những thúng vôi nặng như bao người lớn khác. Năm anh 17 tuổi thì bố mất: "Hồi đó nhà nghèo quá không có nổi tiền để mua chiếc áo quan khâm liệm bố. Cả nhà định bụng sẽ quấn bố trong một cái chiếu rồi mang đi chôn nhưng may lại có một người thương tình tặng cho chiếc quan tài" - anh Sông nhắc lại kỷ niệm mà nước mắt rưng rưng. Ba năm sau mẹ anh cũng mất, các chị lớn thì đã lấy chồng. Nhà chỉ còn anh và người em gái út. Ngày em gái đi lấy chồng anh đã gói một cái nồi và một cái bát sành - là tất cả tài sản - cho em làm của hồi môn.

Khi chỉ còn một mình anh Sông lại tiếp tục bươn chải đủ nghề, hết đi làm hàng sáo, đi mua sắt vụn, đi chở chuối thuê, bốc hàng thuê ở Móng Cái và còn theo cả người anh rể vào tận Sài Gòn để nhặt hạt điều thuê. Anh bảo, thượng vàng hạ cám chẳng còn nghề nào là anh không làm qua.

Hành trình vươn lên thành tỉ phú

Anh bảo mình nghèo thế nhiều lúc cứ nghĩ sẽ chẳng bao giờ lấy được vợ. Thế mà đời anh lại may mắn, trong một lần anh đi đám cưới người họ hàng, gặp chị, anh thấy lòng xao xuyến. Nhưng cũng chỉ dám thầm thương trộm nhớ vậy thôi chứ nào dám nói ra. Một người bạn của anh bắn tin đến nhà chị, không ngờ lại được mẹ và anh trai của chị nhiệt tình vun vén. Cuối cùng anh cũng lấy được người con gái mà mình yêu thương.

Lấy vợ rồi, nhà vợ cũng nghèo nên anh hầu như không được giúp đỡ gì. Anh Sông lại tiếp tục hành trình vật lộn mưu sinh. Anh buôn thóc, buôn cau rồi chuyển sang buôn chuối. Trên chiếc xe đạp tồng ngồng không phanh, không chuông anh Sông chất chuối cao ngất ngưởng mang đi bán. Tầm 9h tối anh ra khỏi nhà đến tờ mờ sáng thì đến được chợ đầu mối dưới Hải Phòng. Bán hết chuối anh lại buôn ngược mỡ lợn về bán cho người làng.

Cứ thế ròng rã nhiều tháng trời, tuy có lãi nhưng anh Sông nghĩ nếu mình cứ làm thế này mãi cũng chả giàu được. Anh lại chuyển nghề, lại vào tận miền Nam buôn hoa quả. Trong một lần tình cờ, anh nghỉ chân dưới một vườn chuối ở Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Qua bao gian khó, anh Sông giờ đã có cuộc sống ấm no, ổn định.

Anh kể: "Ngồi nghỉ ở đó tôi quan sát thấy lạ quá, chuối họ trồng cạnh cái chuồng lợn, ngập trong chất thải mà vẫn tốt bời bời không bị sâu, trổ buồng thì dài lắm, quả thây lẩy. Trong khi chuối ngoài Bắc thường chỉ trổ một buồng là héo dần mà bón nhiều phân cũng chết. Tôi thắc mắc với gia chủ thì ông ấy bảo đây là giống chuối mới. Tôi đánh bạo xin vài cây non về làm giống, ông ấy đồng ý".

Xin được giống chuối mới anh Sông bỏ luôn việc buôn bán và quyết định quay ra Bắc lập nghiệp. Lần đó, anh xin tất cả 14 cây chuối non cho vào bao tải vác về. Cũng phải mất gần 1 tuần sau anh Sông mới trở lại được quê, 14 cây chuối non lúc đó đã héo rũ làm lòng anh nặng trĩu. Mất bao nhiêu công mới vận chuyển được về, hơn nữa những khóm chuối đó chính là hy vọng cho một sự đổi đời. Dù chẳng dám nghĩ là nó sẽ sống nhưng anh Sông vẫn trồng 14 cây chuối non trong vườn, ngày nào cũng tưới tắm rất chu đáo.

Anh bảo: "Tôi cũng chẳng ngờ là nó sống được, thế mà lại còn tốt tươi, cao tới 4- 5 mét, tán lá xum xuê, buồng trổ dài như đòn gánh, quả to và mẩy. Giống chuối mới này khi chín lại ngả màu vàng đỏ, ăn thì ngọt lịm. Sản phẩm khi bán ra ngoài thị trường có giá cao gấp đôi so với giống chuối cũ.

Từ 14 cây chuối non anh Sông nhân giống ra cả vườn trong, vườn ngoài. Sau, cả hai vườn đều hết chỗ anh đánh liều úp 4 mẫu đất bỏ hoang ngoài bãi sông để mở rộng diện tích. Anh nhớ lại: "Vì đó là đất hoang nên cỏ mọc ngang người, tôi úp xong rồi mà không biết cách nào để trồng được chuối. Cỏ nhiều như thế, đất rộng làm sao mà phạt hết. Đêm tôi nằm vắt tay lên trán nghĩ cách, nghĩ càng nhiều thì càng thấy tuyệt vọng thôi. Giờ đất đã úp rồi không lẽ đầu hàng. Run rủi thế nào đúng lúc đó một người em họ tôi nó tậu máy múc. Tôi chợt nghĩ ra ý tưởng chỉ có máy múc mới giúp tôi úp cỏ xuống dưới và lật đất lên trên. Chỉ nghĩ ra cách đó thôi là tôi đã nhìn thấy tương lai rồi".

Bốn mẫu đất bỏ hoang đã được trồng lên 3.000 gốc chuối. Hồi đó, chuối của anh trồng đã trở thành thương hiệu, rất nhiều người thèm được mua cây giống nhưng anh quyết giữ độc quyền. Trò đời, khi người ta đã thích thì không làm cách này họ sẽ làm cách khác để có được thứ mình muốn.

Trong một đêm sơ sểnh không để ý, 1.4 mẫu chuối của anh đã bị đào trộm. Sáng ra nhìn vườn chuối tan hoang mà anh Sông như muốn đổ gục. Anh lại phải hì hục trồng lại những gốc chuối bị đào. Năm đó, anh thu hoạch được 500 triệu tiền bán chuối. Năm sau cũng tương tự như vậy. Đến năm thứ 3 thì vườn chuối của anh mất trắng vì gặp phải một cơn bão to, chuối đổ rạp, thâm sì cả bãi. Nhìn nửa tỉ bạc của mình bỗng chốc mất trắng anh Sông phát ốm cả tháng trời.

Vườn chuối, bãi rươi của anh Sông khiến nhiều người mơ ước.

Nhưng nghị lực của một người vươn lên từ kẻ hành khất đã không cho anh gục ngã. Anh lại tiếp tục trồng và ông trời đã không phụ lòng người. Năm đó bãi chuối 4 mẫu của anh lại bội thu.

Anh Sông chia sẻ: "Có được nhiều tiền nhưng lúc nào tôi cũng nơm nớp lo người ta lại đào trộm cây. Sau cái lần bị đào trộm tôi hầu như không phút giây nào ra khỏi bãi chuối mà ở đó cả ngày lẫn đêm. Đêm hầu như cũng không ngủ nên người gầy rộc, suy nhược. Lúc đó tôi đã nghĩ có nhiều tiền nhưng thế này thì khổ mà nên tôi quyết định không giữ thế độc quyền nữa mà chấp nhận bán giống. Hồi đó, người ta đến nhà tôi mua cây giống từ sáng sớm cho tới tối mịt. Có người phải ăn trực nằm chờ ngày này qua ngày khác mới đến lượt. Mỗi cây giống tôi bán với giá từ 30 đến 50 nghìn đồng, mỗi vụ tôi bán hàng vạn cây".

Giờ đây giống chuối mới ấy đã được phủ xanh cả tỉnh Hải Dương, phủ sang cả Hưng Yên và làm thay đổi đời của biết bao gia đình. Anh Sông bảo, niềm hạnh phúc nhất của anh là mỗi khi nhận được thư, quà của những người đã từng mua cây giống của anh. Họ nói, nhờ có anh mà gia đình họ giờ không chỉ thoát nghèo mà còn có cuộc sống khấm khá hơn hẳn.

Giờ đây, anh Sông không chỉ trồng chuối mà còn có trang trại nuôi rươi. Số tiền thu được từ rươi mỗi năm cũng lên tới vài trăm triệu. Anh cười bảo: "Khi còn đi ăn mày, ai mà dám nghĩ mình rồi sẽ có ngày như ngày hôm nay nhỉ!".

Phong Anh
.
.
.