Nghị lực làm giàu, vượt khó của một "dị nhân"

Thứ Năm, 08/01/2015, 08:00
Người chỉ ngắn một mẩu, dù hơn 40 tuổi nhưng anh đã gắn bó với chiếc giường nhỏ hơn 30 năm. Thế nhưng, bằng nghị lực phi thường, người đàn ông này đã vượt qua được số phận trớ trêu để trở thành ông chủ của một cơ ngơi ở vùng quê nghèo Nga Sơn (Thanh Hóa)...
Nghit ngã cuc đi "d nhân"

Khi nghe cái danh Sơn "phích", tôi cũng chưa hình dung được những gì anh phải chịu đựng. Chỉ cho đến khi bước chân vào ngôi nhà ấy, nơi anh Sơn đã xây dựng từ một túp lều tranh trở thành ngôi nhà mái bằng, tôi mới thấy được lý do vì sao người ta gọi anh như vậy. Thân hình khẳng khiu, teo quắt của anh chỉ cao tầm 70cm, đôi mắt một bên đã trắng đục như màu nước gạo, một bên thì có dấu hiệu của đốm trắng. Qua vài câu giới thiệu, người đàn ông nhỏ bé này cất tiếng cười giòn tan và anh bắt đầu kể câu chuyện cùng khổ của đời mình.

Tên đầy đủ của anh là Trịnh Thanh Sơn, sinh năm 1970. Ngày ấy, khi mới được sinh ra, anh Sơn trắng trẻo, lành lặn. Nhưng rồi số phận nghiệt ngã khiến mẹ anh qua đời khi đứa con nhỏ vừa tròn 1 tuổi, bố anh cũng bỏ đi biệt xứ từ đó. Đứa bé 1 tuổi còn chưa kịp nhớ mặt mẹ cha thì đã phải xa cách, rất may anh được gia đình ông Trịnh Văn Toại, là họ hàng bên mẹ, nhận về làm con nuôi. Nhưng niềm vui ấy chưa được tày gang, năm anh tròn 10 tuổi, trong lúc đi hái lá dâu giúp mẹ nuôi tằm thì bỗng nhiên thấy chân mình đau nhức khó chịu. Các khớp đầu gối, ngón chân, ngón tay của anh bỗng nhiên sưng tấy lên rồi không thể đi lại. Thương con, bố mẹ đưa anh đi khắp các bệnh viện điều trị nhưng không khỏi. Anh được chẩn đoán mắc phải căn bệnh viêm đa khớp, sẽ không thể đi lại. Có lẽ cũng vì buồn bã, lao lực ảnh hưởng đến sức khỏe, bố nuôi anh mắc bệnh nặng một thời gian rồi cũng nhắm mắt xuôi tay.

Anh Trịnh Thanh Sơn.

Một người bố nữa của anh lại ra đi mãi mãi, giờ đây trong căn nhà tranh dột nát chỉ còn người mẹ nuôi và đứa con bệnh tật. Hành trình chữa bệnh của anh đã hao tốn rất nhiều sức lực và tiền của, hai mẹ con không thể đi được đến cùng khiến căn bệnh của anh mỗi lúc một nặng. Sau một thời gian, từ đôi chân không thể đi lại, đôi tay anh cũng dần co quắp hoàn toàn, cơ thể bị co rút lại, khiến giờ đây dù đã ngoài 40 nhưng hình hài anh lại như một đứa trẻ lên 4. Nhưng chưa dừng lại ở đó, đến năm 1996, đôi mắt của anh tiếp tục bị viêm giác mạc dẫn đến mù lòa, người mẹ nuôi lại một lần nữa đưa con đi chạy chữa nhiều nơi nhưng không được, giờ đây cả hai mắt anh đều đã không còn nhìn thấy. Như vậy, từ một cậu bé nhanh nhẹn, khỏe khoắn, bỗng chốc anh lại trở thành một "dị nhân" trong con mắt người đời. Dẫu vậy, cuộc đời không đóng cửa với anh từ đó, những người từng chỉ chỏ, bàn tán thì giờ đây chỉ còn biết gật đầu thán phục khi nhắc đến tên Sơn "phích".

Không chp nhn đu hàng

Những ngày khốn khó ấy, một tay mẹ nuôi anh phải đỡ đần mọi việc, lại phải đi làm lụng để kiếm tiền nuôi con. Trong hơn 30 năm, anh Sơn không đi đâu khỏi giường. Cơ thể của anh chỉ ở một tư thế nằm ngửa, hai chân co lên, đầu cách mặt giường 20cm mà không bị mỏi; đầu và cổ tạo thành đường cong, cứng như que củi, không nâng lên cũng không hạ xuống được. Mọi việc từ ăn uống, tắm rửa, đi vệ sinh..., anh đều phải nhờ mẹ nuôi. Anh Sơn chia sẻ: "Lúc ấy mình chỉ nằm một chỗ, chẳng làm được gì. Cho đến khi đôi mắt của mình không thấy gì nữa, chỉ muốn cắn lưỡi kết thúc cuộc đời".

Thế nhưng, ông trời không lấy hết của ai cái gì, anh bị mất đi sức khỏe và đôi mắt, nhưng bù lại là một nghị lực sống phi thường. Anh kể, hàng đêm anh đều thức trắng, một phần vì thương mẹ, một phần vì nghĩ đến cuộc sống tương lai. Hết nghĩ rồi lại khóc, nhưng nào dám khóc to vì sợ mẹ biết. Và rồi cũng từ những đêm suy nghĩ ấy, từng ý tưởng lớn bé nảy ra trong đầu người đàn ông bé nhỏ này và anh bắt đầu hành động.

Người vợ đã giúp anh chia sẻ khó khăn.

Anh nhờ vả vay mượn anh em, bạn bè được 300.000 đồng để cùng mẹ buôn hàng tạp hoá ở nhà. Gọi là tạp hóa cho sang chứ thực ra hàng của mẹ con anh không khác cái mẹt bán rong là mấy. Chỉ có mấy lạng chè khô, vài gói kẹo lạc, dăm cái bánh đa…, được bà con chòm xóm thương tình mua ủng hộ. Tuy lời lãi không đáng là bao nhưng cũng giúp Sơn thấy vui vì đỡ đần phần nào khó khăn cho mẹ. Rồi từ buôn bán nhỏ, lãi ít, anh Sơn quyết định quay sang công việc chăn nuôi.

Ban đầu, anh và mẹ nuôi một đôi lợn nái sinh sản và một ít gà, vịt thả vườn. Nhưng sau nhiều đêm trăn trở, nghĩ rằng nếu cứ thế sẽ không thể làm lâu dài được nên đến năm 2006, anh đã đưa ra quyết định táo bạo, đó là gom vốn liếng để nuôi gà, ấp trứng. Ý tưởng của anh ban đầu bị mẹ nuôi và nhiều người thân phản đối kịch liệt. Sau đó, liên tiếp hàng tháng trời, anh Sơn vẫn nài nỉ thuyết phục mẹ cho đến khi bà mủi lòng trước nghị lực và quyết tâm của anh.

Vậy là anh nhờ mẹ bế sang nhà bác họ để học cách ấp trứng gia cầm bằng công nghệ lò ấp. Suốt 3 tháng trời, Sơn "phích" nằm nghe bác giảng giải kỹ thuật ấp trứng. Cũng nhờ trí nhớ đặc biệt của mình, những kinh nghiệm bác anh chỉ bảo, anh nghe như nuốt từng chữ vào đầu một cách chi tiết và chính xác từng công đoạn nhỏ. Do vốn ban đầu không có nhiều, chủ yếu vẫn chỉ là tiền đi vay mượn anh em bạn bè hàng xóm, chỉ đủ mua được 30 con gà giống. Nhưng sau 1 năm, số gà của anh đã tăng lên tới hơn 100 con gà mái đẻ và 30 gà trống. Khi số lượng gà tăng, anh bắt đầu bán để thu hồi vốn và xây chuồng trại cũng như tường rào. Sau đó, anh tiếp tục vay mượn để đầu tư mua thêm một máy ấp trứng, công suất 500 quả/lần ấp.

Như vậy, từ một người tàn phế, chỉ từ những suy tính, quyết định táo bạo của mình mà giờ đây anh không chỉ tạo nên cơ ngơi cho mình, mà còn tạo ra công việc cho người khác. Những ngày gian khó của hai mẹ con cuối cùng cũng qua đi, nhưng không được bao lâu thì vào đầu năm 2012, người mẹ nuôi của anh qua đời do bệnh nặng. Đây là một cú sốc rất lớn đối với người đàn ông nhỏ bé này, có lẽ còn lớn hơn cả khi anh phát hiện ra căn bệnh quái ác của mình.

Sau khi mẹ anh mất, mọi sinh hoạt cá nhân của anh đều phụ thuộc người làm hoặc anh em đến giúp. Nhưng riêng anh cũng có những dụng cụ riêng để làm một số việc cơ bản, đó là một cành tre nhỏ dài khoảng 50cm, một chiếc radio và một chiếc điện thoại bàn. Anh bảo, chiếc que giống như tay của anh dùng để rửa mặt, gãi đầu, gãi chân. Mỗi buổi sáng thức dậy, sau khi nhờ người giặt khăn cho ướt, anh lấy chiếc que kẹp vào khuỷu tay, trên đầu que là chiếc khăn quấn chặt đưa qua đưa lại trên mặt. Chiếc radio do cô giáo và học trò Trường Chu Văn An (Nga Sơn) tặng trong một lần đến thăm thì luôn trong trạng thái bật, để mỗi khi có tin tức hay kĩ thuật mới thì anh có thể nghe và học hỏi. Chiếc điện thoại bàn dùng để liên lạc với anh em, khách hàng và các mối quan hệ xã hội...

Không còn đơn đc

Không còn mẹ chăm sóc, nhưng cuộc sống của anh không đơn độc bởi bên cạnh anh còn có sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, hàng xóm và giờ là người cha đỡ đầu. Ông Tịnh, người nhận anh là con đỡ đầu mỗi ngày đến giúp anh 2 buổi từ công việc chăm sóc chuồng trại cho đến bán gà giống. Mỗi tháng ông chỉ nhận tiền xăng chứ không lấy thêm một khoản nào khác. Ngoài ra, anh còn cho biết, có một cậu em cũng chăm sóc anh từ rất lâu, kể cả việc vệ sinh cá nhân cũng không hề nề hà. "Cũng nhờ những sự giúp đỡ nhiệt thành ấy, tôi mới có được ngày hôm nay...", anh Sơn chia sẻ.

Ngoài người cha đỡ đầu và những người anh em ấy ra, giờ đây "dị nhân" Sơn "phích" đã không còn cô đơn bởi cách đây không lâu anh đã kết hôn. Chị là người ở huyện Hà Trung (Thanh Hóa), cách nhà anh gần 30 cây số, hoàn cảnh cũng khá trắc trở, đã li dị chồng và có một đứa con gái lên 4 tuổi. Họ đến với nhau một phần cũng vì sự cảm thông và thấu hiểu, vì vậy không quan tâm đến quá khứ cũng như khó khăn phải đối mặt. Và từ khi có vợ, mọi công việc trong nhà của anh cũng không phải lo lắng nhiều. Ngày ngày, trên chiếc giường cỏn con ấy, anh Sơn vẫn nằm nghe đài nắm bắt thông tin để truyền đạt cho vợ làm những công việc chăm sóc chuồng trại.

Hiện nay, gia trại của "dị nhân" Sơn "phích" có hàng trăm gà mái đẻ và xuất bán mỗi tháng hơn 5.000 con gà giống cho các thương lái trong huyện và tỉnh Ninh Bình. Mới đây, anh còn làm thêm chuồng trại để nuôi hàng chục con chó giống. Dự tính, sau khi trừ chi phí mỗi năm, có thể thu về hàng chục triệu đồng, thậm chí là gần trăm triệu đồng, một mức thu nhập cao so với người dân địa phương.

Trưởng thôn Trịnh Xuân Trúc.

Theo ông Trịnh Xuân Trúc - Trưởng thôn Đồng Đội (xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) cho biết: "Tôi và nhiều người dân nơi đây rất nể phục nghị lực vươn lên, không chịu cảnh tàn tật của anh Sơn. Cũng nhờ nghị lực ấy mà giờ đây anh có thể nuôi gia đình, trở thành một hộ khá giả, thậm chí là tạo việc làm cho một vài người. Địa phương cũng thường xuyên thăm hỏi gia đình anh và đưa lên làm điển hình vượt khó để mọi người noi theo".
Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.