Nghị lực phi thường của MC khiếm thị trên sóng truyền hình VTV

Thứ Ba, 11/09/2018, 13:48
Ngay từ khi mới sinh ra, một bên mắt của cô bé Lê Hương Giang (23 tuổi, Hà Nội) hoàn toàn không nhìn thấy gì, bên mắt còn lại thị lực cũng chỉ còn 1/10. Đến năm học lớp 6, chút thị lực còn lại cũng vĩnh viễn biến mất. Nhưng bằng nghị lực phi thường, cô gái ấy đã không ngừng cố gắng vươn lên.


Thay vì nhìn cuộc đời bằng đôi mắt sáng, Giang lại cảm nhận cuộc sống bằng cả trái tim và sự hiểu biết của mình. Hiện cô không chỉ là sinh viên đang theo học 2 khoa khác nhau của Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn mà còn là MC khiếm thị đầu tiên trên sóng truyền hình VTV.

Cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi gặp Giang - đó chính là nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi và sự tự tin, lạc quan về cuộc sống. Giang chia sẻ, khi chút ánh sáng cuối cùng cũng bị cướp đi vì căn bệnh thoái hóa võng mạc, điều khiến cô lo sợ không phải là cuộc đời từ đây sẽ chìm trong bóng tối mà là làm cách nào để kết nối với cuộc sống, để không bị lạc lõng giữa bao người. 

Ngay từ những ngày đầu cắp sách tới trường, Giang luôn bị cô lập. Các bạn trong lớp không ai thích chơi với một đứa trẻ khiếm thị. Thế nên, trong khi những bạn cùng lớp chơi đùa, chạy nhảy thì Giang ngồi một chỗ lắng nghe mọi âm thanh và cảm nhận cuộc sống bằng cách riêng của mình. Giang quan niệm: "Khi biến cố xảy đến với mình, thay vì buồn chán thì hãy đón nhận nó một cách bình thản nhất".

Cùng với MC Lê Anh dẫn chương trình Cà phê sáng.

Năm 2001, Giang theo học Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Lên cấp 3, Giang là học sinh khiếm thị duy nhất theo học Trường PTTH Thăng Long. Đó là một ngôi trường công lập dành cho những học sinh bình thường. Vì thế, không có phương tiện hỗ trợ cho người khiếm thị nên việc theo học đối với cô gái này đã gặp rất nhiều khó khăn. 

Đã có lúc Giang muốn bỏ cuộc và trở về với ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu nhưng rồi ước mơ được làm việc như một người mắt sáng đã giúp Giang có thêm nghị lực để bước tiếp. 

Kết quả, 3 năm học cấp 3 Giang luôn đạt học sinh giỏi và giành giải 3 nghiên cứu khoa học quốc gia với việc phát minh ra máy đếm tiền và phân biệt tiền giả phát ra tiếng nói. Với những thành tích trên, Giang đã được tuyển thẳng vào Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.

Một ngày bình thường của Giang được bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 11, 12 giờ đêm. Cụ thể, sáng dậy Giang bắt xe bus đến trường đi học sau đó thì tham gia các hoạt động tình nguyện, ngoại khóa và dẫn chương trình thực tế cho chính Giang và các bạn khác tổ chức.

Mặc dù con gái cả bị thiệt thòi về thị giác nhưng bố mẹ của Giang luôn có niềm tin vào con mình. Nhiều người đã từng khuyên bố mẹ Giang nên dành dụm một khoản tiết kiệm để lo cho cuộc sống của con gái sau này. Nhưng bố mẹ cô chưa bao giờ nghĩ thế. 

"Bố mẹ mình luôn tin rằng mình có thể làm việc và kiếm tiền như một người bình thường. Bằng chứng của việc tin tưởng ấy là bố mẹ luôn tạo điều kiện để mình có thể tự lập. Mẹ mình luôn động viên mình là con cứ làm những điều mình thích. Lần đầu có thể sai, lần thứ 2 cũng có thể sai nhưng nếu con kiên trì thì cuối cùng con nhất định sẽ làm được" - Giang chia sẻ. 

Sau này, khi con gái đã trở thành MC, mẹ của Giang vẫn luôn là người đồng hành cùng con trong mọi hoàn cảnh. Mẹ chính là người trang điểm, chọn trang phục phù hợp cho Giang mỗi khi con gái mình lên sóng truyền hình.

Để trở thành một người như bao người bình thường khác, Giang không chỉ trang bị cho mình kiến thức mà cô gái này còn rất chú trọng tới phong thái giao tiếp với những người xung quanh. 

Giang tâm sự: "Hầu hết những người khiếm thị đều có cảm giác tự ti nên trong khi giao tiếp, họ thường cúi đầu xuống thấp hoặc ngẩng mặt lên cao hay nghiêng tai sang một bên. Còn mình khi học hòa nhập, mình cố gắng nhìn thẳng mặt người đối diện. Cho dù không được chuẩn xác lắm nhưng đó cũng là cách mình thể hiện sự tự tin của bản thân".

Mặc dù đôi mắt không thể nhìn thấy ánh sáng nhưng Giang vẫn luôn ấp ủ ước mơ được trở thành MC truyền hình. Trước khi có thể biến ước mơ ấy thành hiện thực, cô gái trẻ này đã từng làm MC cho chương trình phát thanh VOV giao thông trong suốt 3 năm liền. Vì muốn mọi người nhìn nhận mình như một người bình thường nên Giang chưa từng nề hà bất cứ việc gì, kể cả việc một mình đi lấy tin bài. 

Nhiều lần trong khi đi tác nghiệp, Giang đã từng lên nhầm tuyến xe bus và đến sai địa điểm cần lấy tin nhưng không vì thế mà Giang nản lòng. Ngoài làm MC cho chương trình phát thanh VOV, cô gái này còn làm cộng tác viên dẫn chương trình "Cuộc sống tươi đẹp" của VTV4.

Hương Giang trong buổi trao giải "Người dẫn chương trình The Next 2016".

Với sự tự tin và nghị lực phi thường của bản thân, Giang đã làm được những điều mà không phải người sáng mắt nào cũng làm được. Năm 2014, Giang được nhận bằng khen "Người tốt, việc tốt" do Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao tặng. 

Năm 2016, cô gái trẻ này đã giành giải nhất cuộc thi "Người dẫn chương trình The Next 2016" do Thành đoàn kết hợp với CLB MC Hà Nội tổ chức. "Trước đó gần một năm ròng rã mình đã đi casting nhiều nơi nhưng không thu được kết quả gì. 

Khi ấy mình thực sự đã có chút chán nản và tự ti với suy nghĩ có lẽ nào mình không có duyên với công việc này? Nhưng rồi sau những khoảnh khắc mà lòng trùng xuống thì mình lại tự lên dây cót tinh thần. Mình tin nếu cố gắng không ngừng thì rồi sẽ nhận được trái ngọt" - Giang nhớ lại.

Nhớ lại lần đầu tiên được làm MC cho một chương trình truyền hình thực tế, Giang rất run. Khi ấy Giang không biết mình sẽ phải đứng với tư thế như thế nào, cầm máy ghi âm ra sao để tránh tiếng gió. Thậm chí, nhiều cảnh quay phải quay đi quay lại hàng chục lần chỉ vì cái chân đứng không chuẩn hay cái tay đưa sai tư thế. 

Khi ấy, Giang đã rất lo lắng và cảm thấy mình đã làm ảnh hưởng tới tiến độ chung của đoàn. Nhưng những khó khăn ấy dần qua đi, cảm giác đọng lại đó là hạnh phúc. Bởi lẽ, khi trong vai trò là một MC, Giang luôn thấy mình như một người kết nối. 

Kết nối những điều tốt đẹp, kết nối những câu chuyện ý nghĩa với khán giả. Nhiều người khuyết tật sau khi xem Giang dẫn chương trình đã thay đổi suy nghĩ. 

Nếu như trước đó họ luôn tự ti nghĩ rằng mình sẽ chẳng làm được việc gì nên cơm nên cháo và chỉ là gánh nặng cho những người thân của mình thì giờ đây họ có thêm động lực để tin rằng "không gì là không thể". Hiện Giang trở thành gương mặt MC dẫn chương trình "Cà phê sáng" cùng với MC quen thuộc Lê Anh.

Nhiều người đã từng hỏi Giang rằng, sao cô không nghĩ tới một chương trình dành cho người khiếm thị, như thế sẽ phù hợp hơn với tình trạng bệnh tật của cô. 

Sao cô nhất định muốn trở thành một MC truyền hình như bao MC bình thường khác, như vậy chẳng phải tự làm khó mình sao. Mỗi lần như thế Giang cười và đáp rằng, nếu sớm lựa chọn những thứ dễ dàng nhất thì sao có thể biết được khả năng của mình đến đâu.

Phút nhí nhảnh đời thường của Giang.

Không chỉ cố gắng ở vai trò là một MC truyền hình, Giang còn là đạo diễn phim ngắn "Khi bạn tin bạn có thể - Bạn có thể". Cô cũng là người sáng lập Đom Đóm Studio. Bên cạnh đó, Hương Giang có thể chơi được đàn guitar, đàn tranh và là 1 trong số những gương mặt năng nổ trong công tác hội, nhóm của trường.

Không chỉ nuôi dưỡng ước mơ cho riêng mình, Lê Hương Giang còn luôn canh cánh nghĩ về những số phận đồng cảm. Việc chọn cho mình ngành Tâm lý học cũng là bởi cô gái này luôn mong muốn có thể hỗ trợ tâm lý cho học sinh và trẻ em khuyết tật. 

Từ đó giúp những đứa trẻ bất hạnh ấy gạt bỏ tâm lý mặc cảm để tự tin đến trường học hỏi kiến thức. Không chỉ vậy, Giang còn luôn ấp ủ sau này có thể làm những clip hướng dẫn cách chăm sóc trẻ khuyết tật. 

Cô gái này cũng muốn được đến nhiều nơi trên khắp đất nước để hỗ trợ tâm lý cho phụ huynh, giúp họ có niềm tin rằng con mình dù khiếm khuyết về cơ thể nhưng vẫn có thể có cơ hội để làm được những việc như một người bình thường. Nó giống như thông điệp trong bộ phim ngắn của Lê Hương Giang "Khi bạn nghĩ bạn có thể - bạn có thể". 

Song Anh
.
.
.