Nghị lực phi thường của chàng giám đốc có chiều cao 83 cm

Thứ Năm, 15/12/2011, 10:50

Số phận đã không cho anh được bằng bạn bằng bè nhưng bằng nghị lực phi thường, chàng giám đốc sở hữu chiều cao "khiêm tốn" Nguyễn Sơn Lâm đã khiến hàng triệu lớp trẻ hôm nay phải cảm phục và tự thay đổi những suy nghĩ. Chàng trai chỉ cao 83 cm, cân nặng khoảng 27 kg hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đào tạo Tỏa Sáng tại Hà Nội. Có trụ sở tại căn nhà nhà số 37, ngách 66 ngõ Thái Thịnh 2 (quận Đống Đa, Hà Nội).

Tuổi thơ đầy nước mắt

Lọt lòng mẹ, Lâm đã không được may mắn như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Sinh ra với một thân hình nhỏ bé, tứ chi teo tóp. Đôi chân và hai cánh tay èo uột, mềm nhũn chẳng khác gì sợi bún, như không hề có xương vậy. Như đứt từng khúc ruột, đôi vợ chồng trẻ gắng gượng chăm sóc chạy chữa cho đứa con trai tội nghiệp. Nghe tin ở đâu có thầy hay thuốc giỏi là gia đình lại bế Lâm đến, bao nhiêu của cải tích cóp bấy nhiêu năm nay hết sạch. Bác sĩ bảo, Lâm bị ảnh hưởng bởi di chứng từ thứ chất độc quái ác dioxin nên vô phương cứu chữa.

Không chỉ riêng Lâm, trong gia đình có người anh là Nguyễn Sơn Hải cũng mang căn bệnh hiểm nghèo. Hải bị viêm màng não, suy nhược thần kinh, mất trí nhớ suốt ngày quanh quẩn nơi góc nhà. Hai đứa con bị bệnh, người bố lại mất đến 81% sức khỏe do chiến tranh khiến gia cảnh đã nghèo túng lại thêm kiệt quệ. Có nỗi đau nào hơn thế. Gánh nặng gia đình đè lên đôi vai người mẹ, người vợ vốn đã yếu nhưng vẫn phải oằn lưng ra mà gồng gánh cả gia đình khổ hạnh ấy. Nhìn hai đứa con tội nghiệp, người bố trở nên chán nản rồi thay đổi tâm tính.

Bà Hiền tâm sự, ngày đó tôi chỉ muốn tìm đến cái chết, bởi như vậy sẽ bớt khổ hơn. Trong làng chẳng có ai khổ như gia đình tôi. Đã có lần người mẹ ấy bế đứa con tội nghiệp Nguyễn Sơn Lâm ra đứng giữa dòng sông cuồn cuộn chảy xiết để chỉ cần ngả mình là dòng nước xoáy sẽ cuốn trôi đi. Nhưng không, tiếng kêu khóc đến xé lòng của cậu bé đã thức tỉnh trong thâm tâm của người mẹ. Bởi đằng sau đó còn có con, chồng và chút niềm tin vào một tương lai phía trước.

Đến tuổi đi học, ngày ngày thấy các bạn tung tăng tới trường mẫu giáo, được học chữ, tập hát, tập múa mà cậu bé Lâm nóng lòng khao khát. Thế nhưng với thân hình như vậy, Lâm không có khả năng tự đi lại, đôi tay không có khả năng viết chữ được thì làm sao có thể theo học được. Thương con, ngày ngày bà Hiền lại sang hàng xóm mượn những cuốn sách vỡ lòng về dạy chữ cho con.

Dạy Lâm tập làm quen với mặt chữ, từng chữ cái, dạy đọc, đánh vần và viết. Tối đến, bên ngọn đèn dầu leo lét, từ ngôi nhà tranh vách đất lại vẳng lên tiếng bi bô đánh vần của người lớn và con trẻ. Dù bệnh tật, yếu ớt nhưng bù lại cậu bé Lâm có cái đầu thông minh lanh lợi. Mẹ hướng dẫn đến đâu cậu hiểu và thuộc làu đến đó. Ngày mùa, việc đồng áng nên mẹ phải quần quật tất bật từ sớm đến khuya, cả xóm lại thấy một cậu bé lấm lem đất cát hì hục, nhoài người trên nền đất mà nguệch ngoạc con chữ, phép tính.

Không được đến trường như các bạn nhưng lên 5 tuổi Lâm đã có thể đọc được sách báo và viết được cả chữ nữa. Ước muốn được đến trường là niềm mơ ước bấy lâu nay của cậu bé tý hon. Lên 6 tuổi, Lâm được nhận vào học lớp 1. Lớp học có bảng đen phấn trắng và lũ trò, có cô giáo. Đặc biệt có cậu học trò ngồi trên chiếc phản đặc biệt ở một góc lớp khiến ai nhìn thấy cũng lấy làm lạ. Ước mơ thành hiện thực, ngày ngày hình ảnh người mẹ cõng trên lưng một đứa trẻ đến trường đã quen thuộc với người dân nơi đây.

Không để mẹ vất vả, Nguyễn Sơn Lâm dần làm "bạn" với đôi nạng bằng gỗ. Những khi mưa gió hay nhà có việc bận, những người bạn của Lâm luôn sát cánh cùng cậu nâng bước đôi chân để cậu không phải bỏ phí mất một buổi học nào. Nhờ nghị lực, sự chịu khó, sức chịu đựng dẻo dai mà nhiều năm liền dưới mái trường phổ thông trung học Nguyễn Sơn Lâm luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Chắc tại bởi gia cảnh cậu bé Lâm nghèo khó nên ngày đó những đêm học bài Lâm thường hay thủ thỉ với người mẹ là "lớn lên con sẽ làm giám đốc cho mà xem. Mẹ cứ yên tâm!". Những lần như thế bà Hiền chỉ biết cười động viên đứa con tội nghiệp.

Nghị lực, niềm đam mê làm đổi thay số phận

Ý thức về bản thân trong chàng trai tật nguyền ngày càng được biểu hiện rõ. Bởi hơn ai hết, cậu bé Lâm hiểu rằng chỉ có học lấy con chữ, học thật giỏi thì may ra mới có cơ hội để thay đổi số phận. Suy nghĩ đó đã ăn sâu vào máu thịt của chàng trai này. Nghị lực đã khiến đôi chân ấy dù bước đi khó nhọc, nhiều khi mỏi mệt cộng thêm chán chường, tự ti mặc cảm về bản thân. Thế nhưng anh không gục ngã. Lâm vùi đầu vào học để quên đi tất cả.

Thấm thoát, mới ngày nào đó còn tập tễnh đôi nạng gỗ đến trường, mới đó thôi mấy đứa bạn thân còn thay nhau cõng hết quãng đường hơn 4 cây số cả đi lẫn về. Lâm nhớ lại, năm cuối cấp là năm ai đó cũng phải quyết định tự chọn, tìm hướng đi cho mình bằng một ngành nghề phù hợp với năng lực và điều kiện gia đình, bản thân. Cầm bộ hồ sơ dự thi đại học trên tay mà lòng anh nặng trĩu chất chứa đầy những suy tư. Biết chọn nghề gì đây cho phù hợp khi cơ thể không được khỏe mạnh. Lâm trăn trở, nếu như đậu thì mẹ lại càng vất vả hơn, lấy tiền đâu mà nuôi mình ăn học, sau mình còn đứa em.

Với học lực khá tất cả các môn học, Lâm cũng hi vọng sẽ đậu một trong số những trường đại học mà anh đã chọn. Một tai họa ập đến với Nguyễn Sơn Lâm, anh không may lại bị tai nạn đúng vào những ngày cận kề kỳ thi. Lâm bị chấn thương sọ não, bác sĩ bảo tình hình rất nguy kịch đến tính mạng. Ròng rã một tháng trời người mẹ chỉ biết ôm đứa con mà khóc. Bao nhiêu dự định cho tương lai, trông chờ vào Lâm bỗng chốc tan biến. Thế nhưng điều kỳ diệu một lần nữa đã đến với chàng trai tý hon đất Quảng. Sau hơn một tháng nằm điều trị tại bệnh viện, Lâm đã hoàn toàn bình phục khi chỉ còn mấy ngày nữa là đến kỳ thi.

May mắn đã không đến với Lâm trong lần thi cử ấy, Lâm trượt đại học bởi tai nạn đã làm em quên hết kiến thức. Cảm giác của em khi thi trượt thế nào?. - chúng tôi hỏi. Chất giọng khỏe, trầm ấm, một nghị lực toát lên từ con người bé nhỏ ấy sao mà hút người đến vậy. "Em không buồn. Thương bố mẹ, thương gia đình nên em càng phải cố gắng và phấn đấu" - Lâm quả quyết. Phía trước chưa phải là một ngõ cụt, với ý nghĩ thật táo bạo và liều lĩnh nên Lâm quyết định lên Hà Nội để ôn thi đại học. Thương con, bà Hiền không nỡ lòng nào ngăn cản. Nhưng khi nghĩ về Lâm, nếu để một mình anh với thân hình và sức khỏe như vậy mà bươn chải xa nhà nơi đô thị phồn hoa thì mẹ cũng không yên lòng.

Để yên tâm, thế là bà Hiền buộc phải chuyển trường cho đứa em út kế cận Lâm lên Hà Nội học để tiện bề chăm sóc và giúp đỡ người anh tật nguyền. Căn phòng trọ nhỏ chưa đầy 10 mét vuông là chỗ ở của hai anh em Lâm. Một buổi đi học, một buổi đứa em ở nhà thay anh làm những công việc giặt giũ quần áo, lo cơm nước. Hằng ngày ở khu trọ ấy người ta vẫn thấy cậu học trò bé nhỏ bên đèn sách. Thật không phụ công người, một năm miệt mài ôn luyện, năm đó Lâm đăng kí dự thi và hạnh phúc hơn khi kết quả thông báo là em đậu cả 2 trường đại học cùng một lúc với số điểm khá cao. Đó là Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (Khoa tiếng Anh) và Đại học dân lập Phương Đông (Khoa tiếng Nhật).

Cảm phục trước nghị lực của cậu học trò khuyết tật nhà nghèo Nguyễn Sơn Lâm mà cô Tôn Thị Thu Nguyệt - công tác tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội đã dìu dắt nâng bước đôi chân em, giúp đỡ em những khi khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Cho đến bây giờ, mỗi khi gợi lại chuyện cũ Lâm vẫn đinh ninh và xem cô Nguyệt như là người mẹ thứ hai của mình.

Bốn năm học trôi qua, Nguyễn Sơn Lâm tự hào và hạnh phúc khi có hai tấm bằng đại học trong tay cùng một lúc. Đây là niềm động viên an ủi cho chính anh và gia đình. Tốt nghiệp ra trường, cầm tấm bằng trên tay, bước đầu Lâm tìm được một công việc phù hợp với bản thân. Lâm làm cộng tác tại báo điện tử Vietnamnet cho chuyên mục Thể thao 24 giờ. Và nhiều người biết đến Nguyễn Sơn Lâm từ đó.

Chưa dừng lại ước mơ, Nguyễn Sơn Lâm nuôi hi vọng sẽ mở một công ty. Nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn, với Lâm thứ của cải duy nhất mà bố mẹ cho anh là thân thể nhỏ bé. Thứ duy nhất anh có hiện tại là nghị lực, kinh nghiệm sống, từng trải và thứ kiến thức từ trường lớp. Ý tưởng về Công ty Cổ phần Tỏa Sáng đã thôi thúc anh. Đây là công ty được thành lập với mục đích cung cấp và đào tạo các kỹ năng sống cho sinh viên các trường đại học và cao đẳng tại Hà Nội. Tháng 6/2011, công ty chính thức thành lập, ba người bạn là: Nguyễn Hữu Cát, Nguyễn Hữu Huân và Đỗ Minh Đức đã sát cánh bên Lâm. Lâm được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Hỏi về ý tưởng và những kỹ năng đào tạo này, "chàng giám đốc bé nhất Việt Nam" cái tên được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gọi trìu mến chia sẻ: "Em thấy hiện nay hầu hết sinh viên Việt Nam tại các trường đại học và cao đẳng trên cả nước đều thiếu thứ căn bản nhất đó là kỹ năng sống". Nguyễn Sơn Lâm còn được mọi người biết đến là một diễn giả nổi tiếng lấy đi nước mắt của bao nhiêu người

Văn Long
.
.
.