Nghị lực phi thường của chủ tàu khuyết tật

Thứ Hai, 30/11/2015, 19:40
Vì chủ quan nên vết thương bị nhiễm trùng, phải lần lượt cắt bỏ cả hai chân, rồi căn bệnh viêm tắc động mạch, lại còn vướng vào nghiện ngập nhưng anh Lê Văn Xuân (53 tuổi) đã vượt qua được khó khăn, vươn khơi bám biển làm giàu và tạo việc làm cho hơn 10 thuyền viên trên tàu.

Chúng tôi tìm đến nhà khi vợ chồng anh Xuân đang sửa mẻ lưới cuối cùng gần xong. Khuôn mặt sạm đen, nếp da nhăn nheo cùng cách nói chuyện xởi lởi là những gì mà ai cũng có thể cảm nhận được ở người chủ tàu không lành lặn này.

Quá khứ buồn

Sinh ra và lớn lên tại vùng biển Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An), từ nhỏ cậu bé Lê Văn Xuân đã sớm quen với cái vị mặn mòi của biển cả. Là con trai thứ 3 trong gia đình có 8 anh em, 14 tuổi Xuân đã được bố đưa lên tàu vươn khơi). Năm 18 tuổi, khi quá quen thuộc với biển cả, Xuân chuyển vào Hợp tác xã (HTX) tàu biển Hồng Hải làm thợ máy. 

Tuy nhiên, không may trong một lần ra khơi, Xuân giẫm phải một chiếc đinh lâu ngày bị ô xi hóa, vì chủ quan nên vết thương đã bị nhiễm trùng nặng. Tuy đã được chuyển ra Bệnh viên Phong - Da liễu Quỳnh Lập điều trị nhưng bàn chân của Xuân càng ngày càng bị đen bầm và tới năm 1986 phải cắt chân tới sát đầu gối.

Đau đớn hơn, chân còn lại của Xuân ngày càng bị teo tóp vì máu khó lưu thông. Cuối cùng anh cũng phải cắt bỏ phần nửa chân còn lại 5 năm sau đó. Từ một người lành lặn, lại là trụ cột của gia đình bỗng chốc trở thành người tàn phế, với Xuân đó là một nỗi đau đớn không diễn tả bằng lời. Nhưng dường như nỗi đau của Xuân chưa dừng lại khi anh biết mình còn bị viêm tắc động mạch. 

Nhiều lúc chứng kiến cảnh anh lên cơn đau quằn quại, các bác sỹ đã tiêm cho anh một loại thuốc giảm đau có chất gây nghiện. Không chỉ vậy, Xuân còn tiết lộ, trước đó cứ mỗi lần vươn khơi, bám biển là Xuân mang theo cả "nàng tiên nâu" để bỏ vào thuốc uống mỗi lúc trái gió trở trời, lên cơn đau nhức nhằm xoa dịu cơn đau khủng khiếp. Cứ như vậy, anh nghiện lúc nào không hay.

Chủ tàu tật nguyền đầy nghị lực - anh Lê Văn Xuân (áo trắng).

Đôi chân không còn, lại vướng vào nghiện ma túy, kinh tế gia đình kiệt quệ, vợ con nheo nhóc, cánh cửa cuộc đời dường như đã đóng sập trước mặt Xuân. Nhiều đêm, anh khóc ướt đẫm gối, anh thấy mình như gánh nặng cho cả gia đình. Đã có lúc, anh tìm đến ý định tử tự để vợ con nhẹ gánh nặng nhưng nghĩ đến người vợ tảo tần, chăm sóc anh từng li, từng tí, anh lại không nỡ lòng nào rời xa.

Anh gắng gượng đứng dậy, nuốt từng cơn đau giày vò vết thương để tập đi bằng được trên hai đầu gối. Thời gian đầu tập đi, hai đầu gối anh tứa máu. Nước mắt, mồ hồi cùng máu hòa quyện vào nhau nhưng người đàn ông tàn phế vẫn không gục ngã. Cuối cùng, anh đã tự đứng được trên đôi đầu gối và di chuyển được khắp nhà. Tập đi được bằng đầu gối, anh lại phải nghĩ ngay đến cai nghiện. Không có tiền để đến trung tâm, anh quyết tâm cai nghiện tại nhà.

Anh dặn vợ con mỗi khi anh bắt đầu lên cơn thì phải lấy dây chạc trói chặt mình lại để không thể phá phách được. Có những lúc lên cơn thèm thuốc quá, anh phá được cuộn dây rợ quanh mình, lao ra hất tung đồ đạc vỡ loảng choảng xuống nhà để tìm thuốc. Nhưng sau đó nhìn vợ con ngồi ở góc tường với ánh mắt đờ đẫn, cam chịu thì tim anh đau nhói, anh thề với lòng mình sẽ đoạn tuyệt với "nàng tiên nâu". Và rồi, nỗ lực của anh cũng được đền đáp khi cai nghiện thành công.

Đi lên bằng con số 0

Đôi chân không còn lành lặn, gia tài không có gì ngoài mấy chiếc ghế nhựa dùng để tiếp khách và 2 chiếc giường tre ọp ẹp, vợ con ngày càng sống trong cảnh thiếu thốn, Xuân quyết tâm vực dậy nền kinh tế gia đình. Nhiều đêm trằn trọc, anh suy nghĩ, biển là nguồn lợi vô cùng phong phú và đa dạng, chỉ có cách bám vào biển mới mong thoát được nghèo. Nghĩ là làm, anh chạy vạy khắp nơi để có được khoản tiền 85 triệu đồng đầu tư một tàu đánh cá riêng do mình làm chủ.

Thấy Xuân tàn tật sắm tàu, chuẩn bị vươn khơi đánh bắt cá, người dân trong vùng không ai tin, có người còn bĩu môi dè bỉu. Vì người lành lặn, bình thường còn khó khăn để bám biển được, chứ nói gì người đàn ông tật nguyền đi đâu cũng phải nhờ vợ cõng, con bế ấy thì làm được gì giữa muôn trùng biển khơi? Xuân nghe nhưng không cảm thấy nản chí mà còn ngược lại, anh càng quyết tâm vươn lên chính nỗi sợ hãi của bản thân mình.

Ba năm đầu, với vốn kinh nghiệm tích lũy trước đó trong các chuyến đi biển, chủ tàu Nguyễn Văn Xuân làm ăn phát đạt. Anh trả hết nợ nần. Tuy nhiên, tới năm thứ 4 thì anh nghiện trở lại và đành phải bán tháo tàu và lưới với giá bèo. Và đầu năm 2000, anh cùng em trai thứ 6 hùn vốn đầu tư sắm con tàu 72 mã lực với giá 100 triệu đồng. Có tàu mới, việc làm ăn cũng thuận lợi thì tai họa giáng xuống gia đình anh. Trong một lần ra khơi, người em trai của Xuân đã một đi không trở về.

"Khi ấy bất chợt trời nổi sóng to, gió lớn, tui đang cầm tay lái để tránh các đợt sóng cao, thằng em trai tui vì chủ quan, không kịp vào trong tàu để trú nên bị sóng biển cuốn trôi", anh Xuân buồn bã nhớ lại. Sự ra đi của người em trai xấu số, nhìn lại hoàn cảnh khó khăn của gia đình, năm 2002, Xuân đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy. Tự nhủ lòng mình, dù căn bệnh có hành hạ Xuân như thế nào nữa thì anh cũng không bao giờ dùng ma túy để giảm đau.

Gặt hái quả ngọt

Gạt nước mắt thương đau người em trai xấu số, cắn răng mỗi khi đôi chân tê dại vì đau đớn, Lê Văn Xuân quyết định bán tàu cũ và sắm tàu mới với công suất 200 mã lực, số hiệu NA TS 94009,  với trị giá 1,7 tỷ đồng và tiếp tục ra khơi. Trung bình hằâng năm, tàu của anh dao động từ 20-25 chuyến ra khơi đánh bắt. 

Người chủ tàu ấy trải lòng đã hàng chục năm trời, anh chưa được đón giao thừa ở nhà bên vợ con. Nhưng nghĩ đến bát cơm manh áo, anh lại ra đi. Đến nay, không những trả hết các khoản nợ nần, xây được ngôi nhà khang trang kiên cố, vị chủ tàu không lành lặn còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 thuyền viên với thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ.

Cuộc nói chuyện bỗng ngắt quãng vì đã đến giờ anh phải ra tàu để kiểm tra. Nhìn cảnh người vợ cúi xuống, ghé lưng để cõng chồng lên thuyền, những bước chân thoăn thoắt, in dấu đậm vào bãi cát trắng xen lẫn với những chiếc vỏ ốc, sò… của người vợ tần tảo, hy sinh, không ai là không khâm phục. 

Vượt lên tất cả, anh Xuân đã chiến thắng số phận.

"Anh ấy bệnh tật lẫn bị mất cả đôi chân mà vẫn nỗ lực vượt qua để theo nghề, tui cũng không biết gì hơn chỉ biết an ủi, động viên chồng mình. Cứ mỗi lần anh ấy ra khơi là ở nhà, lòng tui như lửa đốt vì lo lắng cho sự an nguy của chồng. Chỉ đến khi tàu cập bến, tui thấy hình dáng nhỏ con lấp ló của anh ấy thì tui mới thở phào, vui mừng được",chị Hồ Thị Linh, vợ anh Xuân trút bầu tâm sự.

Người vợ chủ tàu không lành lặn cho biết thêm, cứ vào mùa lạnh, chị lại đưa chồng ra tận Hà Nội để điều trị và lấy thuốc chữa bệnh. "Tui khuyên anh ấy nên thuê người làm tất cả luôn để ở nhà chữa bệnh nhưng anh ấy không nghe. Anh ấy bảo nếu làm thế thì thà anh ấy bán tàu luôn. Anh ấy muốn ra khơi, muốn được hít hà hơi biển mặn mòi", vợ anh Xuân chia sẻ.

Với đôi chân tật nguyền, chủ tàu Lê Văn Xuân đã trải qua bao gian khó, hiểm nguy nơi biển khơi sóng gió nhưng bằng nghị lực phi thường và tình yêu biển đã giúp anh không chỉ chiến thắng được số phận mà còn chinh phục được những trận cuồng nộ của biển khơi.

Thu Thủy
.
.
.