Nghị lực phi thường của cô gái “chim cánh cụt”

Thứ Hai, 08/07/2019, 11:46
Sinh ra đã không có hai tay nhưng cô gái Lê Thị Thắm, SN 1998 (xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) nhất quyết không đầu hàng số phận. Đến tuổi đi học, Thắm nằng nặc đòi bố mẹ cho được đến trường. 12 năm học phổ thông, năm nào Thắm cũng đạt học sinh giỏi.


Và ngay cả khi đã đỗ vào Trường Đại học Hồng Đức, khoa Tiếng Anh sư phạm, Thắm vẫn không ngừng phấn đấu để trở thành sinh viên giỏi và giành được học bổng. Đặc biệt, mấy năm qua, cô gái “chim cánh cụt” này đã mở lớp học thêm Tiếng Anh miễn phí cho nhiều học trò trong và ngoài xã.

12 năm liên tiếp đạt học sinh giỏi

Dáng người bé như học sinh cấp 1, gặp Thắm không ai nghĩ cô gái này hiện đang là sinh viên năm thứ 3 của Trường Đại học Hồng Đức. Lúc chúng tôi đến, Thắm đang dạy bọn trẻ học tiếng Anh. Đôi chân Thắm thoăn thoắt dùng bút xóa những từ tiếng Anh mà học sinh viết sai rồi nhẹ nhàng nhắc nhở chúng tập trung học bài. Nhìn cảnh ấy chúng tôi chỉ biết thốt lên hai từ “thán phục”.

Thắm có thể làm nhiều việc bằng đôi chân của mình.

21 năm trước, vợ chồng chị Nguyễn Thị Tình và anh Lê Xuân Ân sinh cô con gái đầu lòng. Niềm vui đón con chào đời cũng là nỗi đau và sự tuyệt vọng khi chứng kiến đứa con gái bé bỏng không có hai tay.

Chị Tình nhớ lại: “Lúc mới sinh tôi mất sức nhiều lả đi nên không thể nhìn con được ngay lúc đó. Sau khi tỉnh lại trong lúc cho con bú ở trạm xá tôi định vạch tã con ra để nhìn ngắm chân tay nó thì mẹ đẻ của tôi cứ gạt đi. Bà bảo trời đang lạnh đừng để con bị hở dễ ốm, tôi buộc phải nghe lời. Nhưng đến khi mẹ tôi ra khỏi phòng tôi vạch tã của con ra thì bàng hoàng nhìn thấy nó không có 2 tay. Lúc đó tôi chỉ biết hét lên một tiếng rồi ngất luôn”.

Khi tỉnh dậy, chị Tình đã khóc lên khóc xuống và oán thán ông trời sao nỡ tàn nhẫn với vợ chồng chị. Nhưng rồi được những người thân và nhất là chồng an ủi, chị Tình đã cố gắng lấy lại bình tĩnh để chăm con.

Dù không có tay nhưng Thắm cũng không quấy khóc, ngược lại bé rất ngoan, chịu ăn, chịu chơi còn hơn nhiều đứa trẻ bình thường khác. Đến khi Thắm lên 3 tuổi, chị Tình thấy hai chân của con ngoe nguẩy, lúc lắc và giơ giơ lên tai gãi, rồi vắt đi, vắt lại dẻo như cánh tay. Tôi không dám nói với ai, mà đợi chồng về mới kể.

Lúc đầu, bố cháu cũng không tin, bèn hỏi Thắm: Đầu, mắt, mũi, tai trái, tai phải… của con ở đâu? Thấy con gái đều giơ chân lên chỉ tận nơi… anh ôm lấy hai mẹ con mà bảo: “Lạy trời, như vậy là con gái mình có thể lấy chân thay cho tay được em ạ…”.

Đến tuổi đi mẫu giáo, do nhà neo người nên chị Tình buộc phải gửi con đến trường mầm non. Sau này, khi học đến lớp Lá được cô giáo dạy chữ, về nhà Thắm cũng tập viết bằng chân trái. Thấy con hứng thú với việc học chữ nên chị Tình mua cho Thắm một chiếc bút chì rồi viết chữ mẫu cho con. Chị cũng không ngờ con mình lại chăm chỉ và viết đẹp đến vậy.

Lên 6 tuổi, thấy bạn bè cắp sách đến trường Thắm cũng đòi mẹ cho đi học. Biết là con ham học nhưng với khiếm khuyết cơ thể như vậy rất khó để con có thể theo các bạn nên chị Tình đã cố gắng giải thích để cho con gái hiểu nhưng Thắm không nghe. “Hồi đó còn bé tí mà để được đi học nó đã hứa với tôi là nếu con đến lớp mà không học giỏi bằng các bạn thì con sẽ đồng ý ở nhà” – chị Tình kể lại.

Chiều lòng con, chị Tình bàn với chồng cứ cho con đến trường xem sao. Khi đến trường, Thắm thấy các bạn tập viết chữ, em cũng tập viết bằng chân trái. Lúc về nhà, bố mẹ viết mẫu và cứ thế em ngồi trên giường chăm chỉ tập viết. Chữ viết bằng chân của Thắm thậm chí còn đẹp hơn rất nhiều so với chữ của các bạn cùng học. Thắm tiếp thu nhanh và có trí nhớ rất tốt.

Thắm kể: “Em thích đến trường lắm nên đánh liều hứa với mẹ là sẽ cố gắng học thật giỏi. Những năm đầu học tiểu học nhiều khi em đã tưởng là mình phải bỏ học giữa chừng vì khi tập viết các đầu ngón chân sưng tấy, mỏi nhừ. Có lúc đau quá em quẳng bút và ngồi khóc tu tu nhưng rồi sau đó lại nhặt bút và tiếp tục luyện chữ”.

Mẹ luôn là người đồng hành với Thắm trong mọi hoàn cảnh.

Với nghị lực phi thường, không cho phép mình gục ngã trước khó khăn, cô gái “chim cánh cụt” đã tốt nghiệp phổ thông với thành tích đáng nể 12 năm liên tiếp là học sinh giỏi. Năm 2016, trước khi quyết định thi vào Trường Đại học Hồng Đức, chị Tình đã phải chở con gái xuống gặp thầy hiệu trưởng để hỏi xem với thể trạng bị tật nguyền như vậy, nhà trường có nhận sinh viên không.

Khi PGS.TS Nguyễn Mạnh An – Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức nhìn thấy Thắm và đọc bảng thành tích phổ thông của cô gái này đã không giấu được sự cảm phục. “Khi đó thầy An nói rằng mặc dù từ trước tới nay Khoa Sư phạm ngoại ngữ của Trường chưa từng nhận học sinh khuyết tật nhưng nếu em thi đỗ, thầy sẽ đứng ra làm tờ trình, đề nghị nhà trường tiếp nhận em. Lúc đó mẹ con em đã xúc động đến rơi nước mắt” – Thắm chia sẻ.

Khó khăn chồng chất

Không chỉ đạt học sinh giỏi liên tiếp 12 năm phổ thông mà ngay cả khi đã đỗ đại học thì Thắm vẫn không ngừng cố gắng. Ba năm theo học tại Trường Đại học Hồng Đức, Thắm luôn là sinh viên giỏi của trường và được nhận học bổng. Thương cảm và khâm phục trước nghị lực của cô gái “chim cánh cụt” nhà trường đã cho 2 mẹ con Thắm mượn một phòng ký túc để ở miễn phí.

Không chỉ vậy, lãnh đạo Trường Đại học Hồng Đức còn tạo công ăn việc làm cho chị Tình khi đồng ý nhận chị vào làm lao công trong trường với mức lương 2.5 triệu đồng/tháng. Bản thân Thắm thì được miễn phí toàn bộ học phí và các khoản đóng góp khác.

Thắm chia sẻ rằng, trước kia mình rất thích học công nghệ thông tin và ao ước sẽ thi đỗ vào một trường có môn học này. Nhưng càng lớn Thắm càng ý thức hơn những khiếm khuyết của bản thân nên cô gái này buộc phải lái ước mơ của mình theo hướng khác.

Bởi theo Thắm thì: “Nếu theo ngành công nghệ thông tin thì sau này ra trường em sẽ khó xin việc còn chọn nghề sư phạm nếu không xin được việc em cũng có thể mở lớp dạy tại nhà. Như vậy sẽ không phải ăn bám bố mẹ cả đời”.  

Cách đây 2 năm, Thắm mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ quê mình. Học sinh đến với lớp cô Thắm thuộc nhiều lứa tuổi, từ cấp 1 đến cấp 2. Vì không nhận thù lao, nên bố mẹ học sinh đưa con đến học, ai cũng mua hộp sữa, mang quả trứng, cân gạo biếu cô giáo.

Năm nay, sau khi thấy hoàn cảnh nhà cô giáo ngày một khó khăn nên các bậc phụ huynh nhất quyết đóng góp học phí cho cô giáo thì mới chịu cho con đến học. Trước sự “quyết tâm” của phụ huynh nên cô giáo Thắm buộc phải đồng ý nhưng cũng chỉ nhận từ 10 đến 15.000 đồng/học sinh mỗi buổi.

Điều nan giải đối với Thắm hiện nay là sức khỏe ngày một giảm sút, nhiều bệnh mới phát sinh. Thắm vừa được mẹ đưa đi Hà Nội để chữa bệnh dạ dày và đại tràng. Không những thế mấy năm nay Thắm còn bị viêm đa khớp, phình đĩa đệm, thoái hóa đốt sống thắt lưng, viêm khớp háng, đau dạ dày và cả viêm nang buồng trứng.

Năm 2016, sau khi đậu vào Trường Đại học Hồng Đức, nhập học một thời gian, Thắm đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật để tháo bớt xương đòn vai. Lý do là bởi, đến tuổi phát triển xương đòn của Thắm cứ ngày càng trồi ngược lên nên buộc phải phẫu thuật để tháo bỏ. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể không chỉ dừng lại 1 lần mà còn sẽ có thêm những lần tiếp theo nếu như xương đòn vẫn tiếp tục phát triển.

Tận tụy dạy những học trò nghèo.

Theo đơn thuốc mà bác sĩ kê, mỗi tháng bố mẹ Thắm sẽ phải bỏ ra 6 triệu đồng để mua thuốc chữa bệnh cho con. Nhưng chị Tình cho biết: “Chưa bao giờ vợ chồng tôi có đủ tiền để mua đầy đủ một đơn thuốc cho con nên cố lắm cũng chỉ theo được nửa đơn là dừng. Không những thế cứ khoảng 3 tháng tôi lại phải đưa con ra Hà Nội 1 lần để tiêm thuốc. Mỗi lần tiêm như vậy cũng mất 3 triệu nữa”.

Cảm phục nghị lực của Thắm, nhiều người đã đến thăm, động viên và hứa sẽ hỗ trợ một số dụng cụ như: máy chiếu, máy trợ giảng... để Thắm có điều kiện thuận lợi dạy học tại nhà.

Vợ chồng chị Tình cũng đã ấp ủ dự định sẽ xây một căn phòng chừng 10 mét vuông để cho con làm nơi dạy học nhưng rồi tai họa lại bất ngờ ập xuống khiến dự định ấy tan biến. Mới đây, trong một lần đi khám bệnh chị Tình phát hiện mình bị ung thư tuyến giáp. Chị đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật và nhiều lần xạ trị.

Cuộc đời dường như đã thử thách cô gái “chim cánh cụt” Lê Thị Thắm quá nhiều. Mẹ vốn là chỗ dựa, là đôi tay, là người đồng hành của Thắm thì nay lại lâm bệnh hiểm nghèo. Mong rằng với nghị lực phi thường, Thắm sẽ tiếp tục vượt qua được những thử thách sắp tới.

Phong Anh
.
.
.