Nghị lực phi thường của cô gái suy thận

Thứ Hai, 18/01/2016, 14:00
Bị suy thận nặng khi đang học cấp 3, chị phải bỏ lại giấc mơ vào đại học còn dang dở để lên Hà Nội chạy thận. Hơn 10 năm chiến đấu với căn bệnh quái ác tưởng rằng chị sẽ gục ngã nhưng ở người con gái ấy luôn tràn ngập niềm lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống.


Không muốn phụ thuộc nhiều vào gia đình, chị tự bươn chải bằng đủ mọi thứ nghề để kiếm sống. Và rồi từ những khó khăn, vất vả, từ chính những trải nghiệm của người trong cuộc, chị đã viết nên những câu chuyện đời đầy cảm động về những nhân vật cùng cảnh ngộ và giúp đỡ những người nghèo khó hơn bằng chính những đồng nhuận bút ít ỏi từ viết báo, viết sách của mình.

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp chị Trần Phương Nhung là vóc dáng nhỏ bé, khuôn mặt hay cười, hay chuyện của chị. Nhìn chị ít ai biết rằng cô gái ấy đang bị suy thận nặng, bởi chẳng bao giờ người ta thấy chị buồn bã, chán nản, than vãn vì khó khăn, bệnh tật. Trái lại, ở cái xóm chạy thận Phương Mai này, các bệnh nhân lúc nào cũng thấy chị vui vẻ, lạc quan và hay đi đến từng gia đình, từng phòng trọ để trò chuyện với mọi người.

Chị Nhung kể, đang học cấp 3, chị phát hiện mình bị mắc bệnh suy thận. Lúc ấy chị thực sự hoang mang, lo lắng, nhưng vẫn nuôi hi vọng một ngày nào đó mình sẽ khỏi bệnh. Thế nhưng, học hết cấp 3, trong khi bạn bè đều đèn sách để thi đại học thì chị đành gác lại giấc mơ tuổi học trò còn dang dở để lên Hà Nội chạy thận.

Chị Nhung trao tiền ủng hộ của một độc giả cho một bệnh nhân suy thận nặng.

Nhớ lại hôm vào nhập viện cấp cứu, chị Nhung bị thiếu máu trầm trọng, độc tố lên rất cao gây suy đa phủ tạng. Bác sĩ khuyên nên đưa chị về nhà vì không còn hy vọng nhưng bố mẹ vẫn quyết tâm cho chị ở lại điều trị lâu dài với suy nghĩ "còn nước còn tát". Và từ đấy, chị trở thành cư dân bất đắc dĩ của xóm chạy thận ở Phương Mai, Hà Nội. Thời gian đầu chạy thận, do chưa quen với thuốc thang và các máy móc thiết bị, chị bị khó thở do tràn dịch phổi và thiếu máu nặng. Cộng thêm việc phải kiêng hem nhiều thứ như nước, rau và hoa quả... khiến cơ thể chị gần như bị suy kiệt.

Mới đầu còn có cha mẹ thay nhau đưa đi, đỡ đần mọi việc, nhưng lâu dần, chị sống một mình lại thành quen, bởi việc chạy thận như cơm bữa, chẳng còn đáng sợ như lúc đầu nên chị không muốn làm phiền đến cha mẹ đã già yếu. Mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày, chị cũng tự bươn chải để kiếm sống. Bán trà đá, bắp rang bơ, bán khăn rằn, đan len, đính tranh hạt… không việc gì là chị không làm đến.

Chị Nhung tâm sự, bố mẹ chị đã già cả, là công nhân Nhà máy Dệt Nam Định về hưu nên tiền lương chẳng đáng bao nhiêu, nay phải lo toan, vất vả cho cô con gái bệnh tật, nhìn các cụ chị không đành lòng. Nên ngoài thời gian chạy thận, chị lại tranh thủ thời gian rảnh rỗi kiếm thêm việc làm để không phiền luỵ đến bố mẹ. Những người suy thận như chị sức khoẻ yếu, không thể làm được việc nặng nhọc, cũng không thể đi đâu xa nên chị tìm những công việc làm thêm nhẹ nhàng ngay tại nhà. Công việc giúp chị quên đi nỗi đau bệnh tật và sống ý nghĩa hơn với cuộc sống này.

Ông trời chẳng cho ai hết cũng chẳng lấy đi của ai hết thứ gì. Phải bỏ dở dang việc học hành vì bệnh trọng, nhưng những tháng ngày chiến đấu với bệnh tật đã đem đến cho chị Nhung những trải nghiệm, những suy nghĩ và những nhạy cảm rất đời, để rồi từ những rung cảm ấy, chị bắt đầu cầm bút viết những câu chuyện đầy cảm động về chính cuộc sống của những con người ở xóm chạy thận. Những câu chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng qua con mắt quan sát tinh tế của chị lại trở nên lay động tâm hồn. Năm 2014, những bài viết của chị được tài trợ in thành cuốn sách "Điều kì diệu quanh ta". Sắp tới cuốn sách sẽ được tái bản lần thứ 2.

Khi chúng tôi tìm đến căn phòng trọ nhỏ, chị Nhung vui vẻ khoe, chị vừa hoàn thành xong tập bản thảo "Những trái tim đẹp nhất", trong đó tập hợp 50 bài viết về những nhân vật có hoàn cảnh đặc biệt mà chị chứng kiến trong suốt hơn chục năm chiến đấu với căn bệnh suy thận. Chị bảo cuốn sách này chị viết rất nhanh chỉ trong 2 tháng, bởi đó là những hoàn cảnh, những nhân vật mà chị đã gặp, đã chứng kiến và coi như người thân trong gia đình. Vì thế khi đặt bút viết, mạch văn cứ thế tuôn trào. Sống lâu với những bệnh nhân của xóm chạy thận Phương Mai, chị coi họ như những người thân trong gia đình. Hơn ai hết chị hiểu nỗi đau đớn về thể xác, về tinh thần của họ, bởi chính chị cũng là người trong cuộc. Điều đặc biệt trong những câu chuyện của chị, chị không than nghèo kể khổ, không nhắc đến nỗi đau của người bệnh mà chỉ xoáy sâu vào những chi tiết giản dị, đời thường, nhưng chứa đựng những thông điệp đầy ý nghĩa của cuộc sống.

  Cuốn sách đầu tay của chị Nhung.

Đó là câu chuyện về một đôi vợ chồng già đưa nhau đến xóm chạy thận này để chữa bệnh. Bà lão bị suy thận nặng, lại cộng thêm bệnh tuổi già lúc nhớ lúc quên nhưng ông lão vẫn cơm nước, chăm vợ chu đáo. Giờ uống thuốc bà chẳng nhớ, ông lại mang thuốc đến cho bà uống, mắc màn cho bà ngủ. Còn bà đi đâu cũng khoe, chỉ ăn được đồ ông nấu, chỉ vui khi có ông ở bên. 

Có lần trời mưa to, ông cầm ô đi đón bà, giữa đường mệt quá, ông đứng cạnh hàng rào đường ray xe lửa thở dốc để đợi bà trong mưa. Khi đưa bà lão ra khỏi viện, nhìn cảnh tượng ấy, chị Nhung không khỏi xúc động và chị hiểu rằng vì sao bà yêu ông, bà chỉ thích ăn cơm ông nấu vì ông đã thêm nếm vào đó một thứ gia vị của sự yêu thương, chăm sóc mà những người bệnh như bà đều rất cần.

Chị Nhung từng chứng kiến một câu chuyện cảm động về vợ chồng một người phụ nữ bị mù, suy tim, suy các cơ quan nội tạng do biến chứng của bệnh suy thận nặng. Suốt thời gian vợ bị bệnh, anh chồng một mực lo lắng, thương yêu vợ con. Nhiều người khuyên anh nên tìm một người đàn bà khác về vừa giúp anh chăm sóc các con vừa chăm sóc cho vợ để anh có thời gian làm việc kiếm tiền, bởi bệnh tình chị nặng thế, chẳng biết còn sống được bao lâu. Nhưng anh vẫn một lòng một dạ chăm sóc vợ và chị Nhung nhận ra rằng, với người vợ mù kia, chị vẫn còn có một thứ ánh sáng diệu kì che chở cho chị đi hết quãng đời còn lại, đó chính là ánh sáng của tình yêu thương.

Hay câu chuyện về một cô bé một mình lên Hà Nội chạy thận. Nhà em ở xa, hoàn cảnh khó khăn, bố bị bại liệt, nhưng chẳng ngày nào là em không lo, không nhắc đến bố. Chạy thận đã đau đớn, vật vã, lại thân gái một mình, không có người thân bên cạnh, nhưng em không lo cho bản thân mình mà chỉ lo ở nhà bố đi lại thế nào, có người nào đẩy xe giúp bố lên dốc cao hay xuống dốc không. 

Rồi hình ảnh một người cha già ngồi xe lăn, bất lực nhìn đứa con đang chết dần chết mòn vì căn bệnh suy thận mà gào khóc lên rằng, tại sao ông trời bất công không để ông gánh chịu hết bệnh tật cho đứa con tội nghiệp của mình. Một người phụ nữ dân tộc vì suy thận mà mặt mũi sần sùi nổi mụn, bao năm chị chẳng dám về thăm quê vì mặc cảm bệnh tật, vì sợ người ta dị nghị, nghi kị mình nhiễm HIV.

Chị Nhung tâm sự, những câu chuyện chị viết ra không phải là để mong muốn nhận được sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm, mà chị chỉ muốn mọi người hiểu hơn, đồng cảm hơn với số phận của những bệnh nhân suy thận. Những đồng nhuận bút ít ỏi, chị đều sử dụng để giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn hơn. Dù bệnh tật nhưng chị vẫn đứng ra tổ chức nấu những suất cơm từ thiện để phát miễn phí ở Bệnh viện Bạch Mai. 

Có những hôm đi chạy thận về đau đớn, mệt mỏi, nhưng gặp người mù đi bán tăm dạo, chị lại rút tiền ra cho vì thương họ còn khổ hơn mình nhiều lần khi không được nhìn thấy ánh sáng cuộc đời. Người ta nói "sống như ngày mai mình sẽ chết", nhưng chị lại nghĩ khác, sống như không bao giờ chết để yêu và được yêu nhiều hơn nữa.

Ngọc Mai
.
.
.