Nghị lực phi thường của một cô gái khuyết tật

Thứ Tư, 30/08/2017, 08:00
Số phận nghiệt ngã không mỉm cười với cô gái chân quê mang tên một loài hoa đẹp khi tứ chi co rút, teo tóp dần sau nhiều cơn sốt. Cứ tưởng định mệnh đã khép lại ước mơ và khát vọng, không ngờ những câu thơ dung dị bất chợt hiện hữu, thắp sáng niềm tin yêu cuộc sống.


Mỗi dòng thơ chắt lọc từ sức sáng tạo nghệ thuật của cô bé khuyết tật đều được viết trên điện thoại bằng ngón tay út và được lưu lại trong facebook cá nhân…

1. Cô gái khuyết tật sống với những dòng thơ mộc mạc, giàu tính tự sự mà tôi đã tìm gặp là Nguyễn Thủy Tiên (26 tuổi), trú ở thôn Phong Thái, xã An Lĩnh, huyện Tuy An (Phú Yên).

Đường đến nhà Thủy Tiên phải vượt qua lầy lội nối tiếp sỏi đá gập ghềnh sau cơn mưa rào cuối mùa hạ ở miền sơn cước.

Thủy Tiên nằm trên giường xếp, đặt cạnh cửa sổ trong căn nhà nhỏ có tiếng chim lảnh lót giữa không gian bên ngoài xanh màu cây lá. Chân tay teo tóp, cơ gân co rút đến mức không còn teo co hơn được nữa, nhưng gương mặt cô vẫn sáng trong đôi mắt lấp lánh niềm tin, nụ cười hồn nhiên và giọng nói trong, lành đến lạ.

Sau giây phút trầm tư hồi tưởng, Thủy Tiên tâm sự: "Nhà có năm anh chị em, cháu là con út trong gia đình. Ba cháu ra đi sau căn bệnh hiểm nghèo khi cháu bảy tuổi. Một mình mẹ tất bật giữa đời thường, vất vả lo toan cuộc sống gia đình, nhưng vẫn chăm lo việc học của cháu.

Rời Trường tiểu học An Lĩnh năm 11 tuổi, cháu vào lớp 6A Trường THCS Nguyễn Hoa với thể chất bình thường như bạn bè cùng trang lứa. Bỗng dưng cuối năm học đó, cháu lâm bệnh sốt cao kéo dài, chân tay đau buốt đến mức nhiều đêm thức trắng, sức khỏe suy kiệt dần…".

Chuyến đi điều trị nội trú ở các bệnh viện tại Phú Yên, nhưng ở đâu bác sĩ cũng chẩn đoán Thủy Tiên sốt bại liệt, những liều thuốc điều trị chỉ giảm cơn sốt và đau buốt chân tay, nên căn bệnh tái diễn nhiều lần dẫn đến teo tóp, co rút tứ chi.

Nguyễn Thủy Tiên sáng tác thơ trên điện thoại.

Sau hai năm chống chọi, cuối năm học lớp 8, cô bé Thủy Tiên lâm vào tình trạng tê liệt trên giường. Đến nay, hơn 12 năm trôi qua, Thủy Tiên chỉ nằm ngửa, không ăn được cơm mà chỉ uống sữa, nước lọc qua ống hút và chút cháo loãng do người mẹ chăm sóc.

Tiếp chuyện phóng viên, bà Nguyễn Thị Nguột - mẹ ruột Thủy Tiên chia sẻ: "Những tháng đầu tiên, nhìn nó oằn mình đau buốt và mê man cơn sốt, tui lặng lẽ quay mặt nơi khác để che giấu nước mắt xót xa, bất lực khi thừa biết gia cảnh hết sức khó khăn, không thể tìm đâu ra tiền để đưa nó vô TP Hồ Chí Minh điều trị".

Vậy là ước mơ trở thành giáo viên ngữ văn bế tắc, cũng từ đó cô bé tuổi 13 đã phải cảm nhận nỗi buồn số phận hắt hiu. Nhịp sống đời thường bên ngoài căn nhà trở nên xa dần, chỉ còn lại nhịp đập đớn đau từ trái tim nhỏ bé của Thủy Tiên.

"Mưa sao băng" và "Triền sống" - hai tác phẩm thơ in riêng của Nguyễn Thủy Tiên.

2. Để tự "giải thoát" mình ra khỏi khuôn viên căn nhà nhỏ bé, chia sẻ buồn vui với nhiều người, cách đây hơn bốn năm, Thủy Tiên tìm đến mạng xã hội fecebook bằng chiếc điện thoại cũ của người thân.

Để có được những dòng sẻ chia, tâm sự trên fecebook, Thủy Tiên phải dùng ngón cái và ngón trỏ của bàn tay trái giữ lấy điện thoại đặt trên lồng ngực, rồi dùng ngón út của bàn tay phải gõ từng ký tự trên mặt phím.

Trong một đêm thức trắng suy ngẫm về cuộc đời mình, những câu thơ bất chợt đánh thức tâm trí Thủy Tiên để cô gái khuyết tật tìm thấy ở đó niềm tin yêu cuộc sống.

Và khi những câu thơ song thất lục bát đầu tiên trong bài thơ "Tâm sự" được chia sẻ trên facebook cá nhân với những câu chữ dung dị: "Tôi cũng giống như bao cô gái/Chỉ khác là số phận kém may/Một đời vướng phải đắng cay/Chịu nhiều thua thiệt…kiếp này chẳng phai" đã khiến cho nhiều trái tim rung cảm.

Những giọt nước mắt lấp lánh niềm vui và mặn nồng hạnh phúc lăn chảy trên gương mặt Thủy Tiên khi cô nhận được nhiều dòng chia sẻ từ những người bạn ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận… với nhiều độ tuổi, nghề nghiệp khác nhau.

Trong số đó có người đã gửi tặng điện thoại L.G để Thủy Tiên có điều kiện làm thơ và giao lưu trên fecebook, có người tự nguyện tài trợ xuất bản tập thơ đầu tiên và cũng có người tình cờ biết được gia cảnh của mẹ con "nhà thơ khuyết tật" khó khăn nên phải lưu trú dưới căn chòi bên gốc cây xoài nên đã kết nối, vận động những tấm lòng nhân ái tài trợ gần 120 triệu đồng để mua đất, xây dựng căn nhà nhỏ trao tặng Thủy Tiên vào đầu mùa mưa năm 2015.

Thêm một niềm vui mới đến với Nguyễn Thủy Tiên khi tác phẩm thơ "Triền sống" vừa ra mắt bạn đọc.

Cuối năm đó, thêm một niềm vui mới khi Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tập thơ "Mưa sao băng" của Nguyễn Thủy Tiên gồm 51 bài thơ mộc mạc nhưng đầy ắp tình người.

Cô gái khuyết tật bày tỏ ước muốn rất giản đơn bằng những câu thơ nhẹ nhàng, nhưng có đủ sức rung cảm người đọc: "Em rất muốn mỗi ngày được ở/Trong vòng tay che chở thương yêu/Dù cho chẳng có gấm thêu/Chỉ cần vui, khỏe bấy nhiêu đủ rồi".

Khi phác thảo chân dung người Phú Yên, Thủy Tiên viết: "Dân xứ Nẫu phơi mình biển mặn/Bán mặt cùng mưa nắng ruộng nương/Cày sâu, cuốc bẫm gió sương/Hiền lành mộc mạc yêu thương đậm đà".

Thủy Tiên chia sẻ: "Tập thơ ra đời nhờ sự hỗ trợ chi phí in ấn của người bố nuôi, trú ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đã "kết bạn" với cháu trước đó gần một năm qua fecebook.

Khi đón nhận tập thơ trong tay, cháu đã bật khóc trong tâm trạng mừng vui khi ngỡ như mình đang giữa giấc mơ, vì khi tìm đến với thơ cháu chỉ mong được trải lòng, chia sẻ buồn vui với bạn bè trên fecebook, mà chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện trình làng một "đứa con" tinh thần với người yêu thơ".

Trong tập thơ đó, nhà thơ Trần Mai Hường - Hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh nhận xét: "Mưa sao băng" là tập thơ đầu tay của Nguyễn Thủy Tiên.

Trong lần đầu tiên trình làng tập thơ chị đã biết tiết chế câu chữ, không lan man dài dòng, hoặc chỉ đơn giản như nét phác thảo trong những bức tranh ký họa… nhưng gây được ấn tượng với người đọc"; "Tuy thua thiệt so với nhiều người khác nhưng bằng sự nhạy cảm của người làm thơ, Nguyễn Thủy Tiên đã đưa đến bạn đọc những điều trăn trở cùng những giác ngộ mang tính phổ quát nhưng sâu sắc… Nguyễn Thủy Tiên còn trẻ nhưng những cảm nhận về nhân tình thế thái đã có chín chắn nhất định".

"Mưa sao băng" đã mang "phù sa" bồi đắp nguồn cảm hứng thi ca cho cô bé khuyết tật, để hai năm sau đó, đầu tháng 7-2017 Thủy Tiên cho ra mắt tập thơ "Triền sống" - Nhà xuất bản Lao động với 37 bài thơ và một truyện thơ.

Trong tâm thức Thủy Tiên, người mẹ luôn là suối nguồn yêu thương để cô gái khuyết tật cảm nhận: "Mỗi sớm mai thức dậy/Mắt hừng dương/Con thấy được Mẹ hiền/Nắng vươn mình/Điểm thắm nụ cười duyên/Ôm lấy Mẹ/Bao muộn phiền lui gót".

Dẫu biết mình nằm lặng trên giường bệnh nhưng Thủy Tiên vẫn ước mong được viếng mộ cha: "Có một ngày/Nắng mục rữa ngoài hiên/Bấc bừng tỉnh/Mưa giăng viền nỗi nhớ/Nắng lưu luyến/Sực khóc người quá cố/Biến Nàng thơ/Đi viếng mộ Cha mình/Gió xạc xào/Đậu vòm lá non trinh/Đàn vò vẽ/Như thấu tình phụ tử/Tấu khúc nhạc/Mị sầu theo con chữ/Đá nao lòng/Nàng khản giọng gọi Cha".

Xen giữa những bài thơ viết về tình yêu người mẹ, khúc tưởng niệm người cha, sẻ chia tình cảm với người chị và trân trọng ân nghĩa với bố nuôi ở phương Nam là những câu thơ tri ân thầy, cô giáo: "Có một miền/Bụi phấn hóa thành sông/Từng thế hệ/Chảy xuôi dòng trí thức/Mực loang lổ/Nét chữ rèn tiềm lực/Ơn mẹ cha/Quyện công đức cô thầy".

Tác giả bài viết bên "nhà thơ khuyết tật" Nguyễn Thủy Tiên.

Trong lời giới thiệu, nhà thơ Trần Tộc viết: "Tập thơ "Triền sống" của tác giả Nguyễn Thủy Tiên - một người kém may mắn trong cuộc sống vì di chứng sốt cao bại liệt từ thuở ấu thơ, là một tập hợp thơ được viết bằng những cơn đau co rút từng sợi cơ gân, mong trả nghĩa cho người, cho đời".

Nhà thơ Trần Tộc cho rằng, không vội luận bàn về chất lượng nghệ thuật và giá trị sáng tạo của "Triền sống" mà bạn đọc cần "Thả hồn trải nghiệm, chiêm ngưỡng tinh thần lạc quan, ngọn lửa đam mê lao động nghệ thuật của tác giả thể hiện trong tác phẩm với góc chiếu cuộc sống qua lăng kính tin yêu cháy bỏng vào ngày mai tươi sáng.

"Triền sống" là thông điệp của tâm thức thơ đang nỗ lực vượt qua trở ngại, vươn tới giá trị cao đẹp của nghệ thuật thơ - tình bác ái".

Cùng thời điểm "Triền sống" ra mắt bạn đọc, Nhà xuất bản Văn học ấn hành tập thơ "Những vầng trăng khuyết" của 4 tác giả khuyết tật. Đó là Đàm Huyền Trang ở Quảng Ninh, Mễ Thị Thành ở Yên Bái, Mai Tư Khoa ở Quảng Bình và Nguyễn Thủy Tiên ở Phú Yên.

Trong số đó, chỉ có Thủy Tiên là người có hai tác phẩm thơ in riêng và đã phát hành nhanh gọn đến tay những người yêu thơ ở mọi miền đất nước bằng cầu nối giao lưu fecebook.

Tạm biệt Thủy Tiên khi cơn mưa chiều vừa tạnh, tôi nhận ra trong ánh mắt cô gái khuyết tật lấp lánh niềm tin và khát vọng những trang thơ mới rung cảm trái tim bạn đọc. Trên đường về tôi day dứt mãi với ước mơ nhỏ bé của Thủy Tiên về một chiếc giường đẩy.

Lúc đó cô gái khuyết tật được ra bên ngoài thưởng ngoạn vẻ đẹp không gian ngày mới hay nét huyền ảo mơ màng đêm trăng để có thêm chất liệu sống động cho những trang viết mộc mạc, thấm đẫm tình đời, tình người.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.