Nghị lực phi thường của ông chủ một quán sửa xe

Thứ Tư, 11/11/2015, 09:06
Tuổi thơ lang bạt bụi đời, lấy gầm cầu, vỉa hè làm giường, Nguyễn Văn Phúc (tên thường gọi Phúc "Mập", 44 tuổi, ngụ quận 8. TPHCM) phải nếm trải tất cả những gì gai góc, khó nhọc nhất ở đời. Để không cho bản thân sa ngã vào con đường "đen", Phúc phải đi ở đợ kiếm cơm và chỗ ngủ, quyết tâm học lỏm nghề sửa xe mong thay đổi vận mệnh. Khi đã là ông chủ của chuỗi cửa hàng sửa xe có tiếng và đủ đầy về vật chất, đứa trẻ bụi đời năm xưa giang tay cưu mang những "phiên bản" của mình, tổ chức dạy nghề miễn phí cho hàng trăm người khuyết tật.
Vượt lên chính mình

Nguyễn Văn Phúc sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, khi đang học lớp 3 thì phải thôi học giữa chừng vì nhà nghèo, anh em đông. Hằng ngày, cậu bé cặm cụi ở từng con lạch, bờ ruộng mò cua, bắt ốc, cắm câu đem bán kiếm tiền mua gạo. Đến mùa vụ thì đi hái dừa thuê, cắt lúa mướn.

Dù vất vả nhưng gia đình Phúc vẫn không lo đủ cái ăn cái mặc cho mỗi thành viên, thế rồi, mấy anh em trong nhà phải tứ tán khắp nơi. Riêng Phúc một mình đu bám chuyến xe khách ngược lên TP Hồ Chí Minh tha hương cầu thực. Năm đó Phúc 14 tuổi. Một đứa trẻ từ vùng nông thôn đồng bưng kênh rạch, ngày đầu lên thành phố giống như lạc vào một mê cung. Đó là thế giới của người, xe cùng những bon chen, lấn át để tồn tại.

Phúc quay cuồng tìm hướng đi cho mình, nhưng hai bàn tay trắng, chữ nghĩa ít, tuổi đời non dại nên đi xin việc ở đâu người ta cũng từ chối. Cuối cùng Phúc làm nghề lượm ve chai. Trời nắng hay mưa, sương lạnh hay nắng gắt, trên người Phúc cũng chỉ độc bộ quần áo mỏng, rách bươm, sáng lượm ve chai, tối về sẵn chỗ nào có mái che, hay gầm cầu đều lấy làm giường.

Vài tháng sau, Phúc được một chủ quán cơm đang thiếu người nhận vào làm phục vụ. Với sức vóc mảnh mai, gầy guộc, Phúc suốt ngày bị chủ la mắng, chẳng bao lâu Phúc bị đuổi việc. Phúc lại quay về với nghề ve chai. Trong số những đồng nghiệp lượm ve chai với Phúc có nhiều đứa trẻ tỉnh lẻ, sống bụi đời, nanh nọc thường bắt nạt, cưỡi đầu cưỡi cổ "lính mới" để ra oai và chiếm phần ăn.

Phúc "Mập" đang hướng dẫn một thợ sửa xe bị khuyết tật chân.

Những đứa trẻ miệng còn hôi sữa nhưng đã xưng "đàn anh, đàn chị" đấu đá tranh giành địa bàn ngủ và nhặt ve chai khiến Phúc nhiều hôm phải nhịn đói, không có chỗ ngủ. Những tưởng Phúc sẽ giống như bao đứa trẻ bụi đời lớn lên như cỏ dại, không chóng thì chày sẽ sa chân vào cạm bẫy và những tệ nạn xã hội…

TP Hồ Chí Minh vào mùa mưa, đêm để tìm một chỗ khô ráo ngả lưng chẳng khác nào… hái sao. Đói, mệt lả, nước mưa thấm lạnh vào người, đi qua bao con phố đêm cũng không tìm được chốn ngủ, cuối cùng Phúc Mập đành nằm ngủ vạ vật trước hiên nhà người ta.

Những bao ve chai dù có đầy cũng chỉ no được cái bụng một ngày, Phúc chẳng dám mơ đến ngày mai. Giữa lúc chơi vơi, lạc lối thì Phúc được một người tốt bụng giang tay cưu mang, đưa Phúc về nhà cho ăn cơm và cho chỗ ngủ. Hằng ngày, Phúc chỉ phải làm những việc nhẹ nhàng như: Lau nhà, nhặt rau, đun nước…

Khi ân nhân của Phúc có cha bị tai biến, Phúc được giao trọng trách chăm sóc cho cụ ông. Phúc nhớ lại: "Người ta hứa, cứ chăm cụ cho tốt, khi nào cụ qua đời sẽ cho tôi học nghề kiếm sống. Năm đấy nghề sửa xe còn mới lắm, không phải ai muốn là học được. Nghe vậy nên tôi đồng ý, được ba năm thì cụ già qua đời. Từ đó tôi được cho học nghề".

Mang tiếng là được học nghề nhưng hằng ngày Phúc vẫn phải làm trăm thứ việc trong nhà từ đi chợ, nấu ăn, giặt giũ và giữ em bé cho gia chủ. Tranh thủ buổi trưa được nghỉ một tiếng đồng hồ, Phúc lao vào ngấu nghiến học. Dù vất vả, cực khổ, có những đêm Phúc gục mặt vào chăn khóc suốt vì nghĩ đến thân phận một thằng đi ở đợ.

Nhưng rồi Phúc lại thầm cảm ơn gia chủ, vì nếu họ không kéo anh ra khỏi cuộc sống bụi đời liệu anh có thành người như hôm nay không. 2 năm học lỏm nghề sửa xe, Phúc bắt đầu "mổ xẻ" được một chiếc Honda. Phúc được nhận vào học việc chính thức ở tiệm sửa xe. Gia đình ở quê khó khăn, buổi tối Phúc phải đi đạp xích lô để gửi tiền về cho cha mẹ.

Tay nghề cứng cáp, Phúc xin chủ cho ra lề đường mở "tiệm" sửa xe di động. "Tiệm" của Phúc chỉ có cái máy bơm cũ kỹ, mấy miếng xăm nhỏ lẻ nên khách đến chủ yếu là bơm, vá. Tiền Phúc nhặt cả ngày cũng chỉ được vài đồng bạc lẻ. Kiên trì bám trụ nghề, dần dần "mặt mũi" của Phúc ngồi lề đường được người dân quen, hay mang xe hỏng tới ủng hộ.

Tiệm sửa xe "dị nhân"

Nhiệt tình, tay nghề chắc, Phúc chiếm được cảm tình của hấu hết cư dân quanh vùng. Một năm sau, Phúc thuê được mặt bằng nâng cấp lên thành tiệm sửa xe hoành tráng. Nghe danh anh chàng sửa xe giỏi nghề, ăn nói duyên dáng, một cô gái ngưỡng mộ đem lòng yêu và làm vợ anh. Khi sự nghiệp thành đạt nhất, cũng là lúc Phúc nhớ lại tuổi thơ ngủ lề đường của mình. Nhìn thấy những đứa trẻ, cụ già lang thang cơ nhỡ, Phúc lại nhói lòng. Phúc nảy ra ý định sẽ tìm gặp những người có hoàn cảnh đặc biệt đưa về nhà giúp đỡ. Mới nghe ý định của Phúc, không ít người nhạo anh "ôm rơm rặm bụng". Ban đầu, vợ Phúc cũng phản đối vì anh toàn lo chuyện bao đồng.

Phúc chia sẻ: "Tôi hay xem các tin tức và đọc báo nói về những hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. Lần dò địa chỉ, tôi tìm đến nơi, nếu thanh niên trai tráng thì tôi đưa họ về dạy nghề. Còn các bậc trung niên, em nhỏ tôi mở lớp dạy chữ, phát cơm miễn phí cho họ".

Số người nghèo, người khuyết tật mà Phúc đưa về có lúc lên đến 15 người. Để có tiền lo cho họ không phải đói, ngày sửa xe, đêm Phúc đi lái taxi. Trong nhà có chỗ nào mát lành, sạch sẽ nhất là Phúc nhường cho những người già hoặc trẻ em ngủ. Miệng ăn núi lở, lại rơi vào cảnh đói rệu rạ nhiều ngày, thiếu chất trầm trọng nên "nhân lực" ăn trong nhà Phúc cứ như Thạch Sanh.

Triết lý sống của anh là cho đi sẽ được nhận lại.

Ngặt nỗi, thiếu cái nồi cơm biết hóa phép. Xong bữa ăn, nhìn mọi người cười nói hả hê, sung sướng là bao âu lo trong Phúc tan biến. Người ta bảo anh là gàn dở, hơi đâu đi lo cho người dưng, mà người dưng cần ăn miễn phí ở thành phố này nhiều không đếm xuể, liệu anh có kham nổi không? Vợ Phúc ngày nào cũng thấy chồng làm việc "thiên hạ", lúc đầu kịch liệt phản đối sau cũng quen, dần dần thì ủng hộ chồng.

Thợ sửa xe trong tiệm của Phúc "Mập" toàn là dị nhân, không thiếu tay thì mất chân. Nhưng họ học nghề tận tụy và dốc hết tâm sức, ruột gan để sửa xe. Riêng "thầy" Phúc, để thích nghi với "lớp học" anh đã buộc tay hoặc khóa chân mình mỗi ngày đứng lớp. Anh lý giải: "Dạy cho người khuyết tật việc đầu tiên là mình phải hiểu hoàn cảnh của họ. Sau đó thì hóa thân cùng họ để biết được một con người khiếm khuyết tay chân nó khó khăn, vất vả như thế nào so với người lành lặn".

Nhiều vị khách đến sửa xe đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy ông thợ sửa xe, dáng người phốp pháp, đôi tay lành lặn nhưng khi sửa xe lại co một chân lên rồi nhảy lò cò hoặc buộc một tay ra sau như người khuyết tật. Hơn 20 năm nay, tiệm sửa xe Tân Phúc Mập đã dạy miễn phí cho trên 200 học viên là những người khuyết tật, những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, anh còn mở một lớp học đặc biệt cho những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ và cả những bậc trung niên muốn đến lớp.

Học viên Lê Văn Nhiêu (21 tuổi, quê An Giang) cho biết: "Tôi bị cụt chân nên kiếm sống đã khó huống hồ là học nghề. May mắn tôi được chú Phúc đưa về đây học nghề. Tôi chưa thấy nơi nào dạy nghề miễn phí mà lại còn trả lương 2,7 triệu mỗi tháng cho học viên như chỗ này cả. Anh em chúng tôi biết ơn chú Phúc nhiều lắm".

Ngọc Thiện
.
.
.