Nghĩa cử cao đẹp của cô giáo ung thư và hành trình hiến tạng

Chủ Nhật, 14/10/2018, 07:40
Với bất cứ ai mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác, không thể tránh nổi tâm lý tuyệt vọng chán chường. Nhưng với chị Nguyễn Thúy Hương, người có gần 20 năm kinh nghiệm đứng trên bục giảng, sự tuyệt vọng ấy dường như chỉ là thoáng qua. Không chỉ là một người truyền kiến thức, truyền cảm hứng, cô giáo với thân hình nhỏ nhắn này còn là một người mang đến động lực, ý nghĩa sống cho nhiều bệnh nhân ung thư khác...


Đối mặt với cái chết

Câu chuyện của chị Nguyễn Thúy Hương (39 tuổi, trú đường Tôn Thất Thuyết, P.5, TP. Đông Hà, Quảng Trị) được nhiều người biết tới qua mạng xã hội Facebook và qua bài hát "Rứa khi mô anh về" do chị tự sáng tác. Bài hát ấy đã lay động nhiều con tim, nhất là đối với những người đang ngày đêm chống chọi với căn bệnh ung thư. Theo như chia sẻ của chị Hương, chị từng có 16 năm kinh nghiệm làm giáo viên dạy âm nhạc tại Trường Tiểu học Hùng Vương (Đông Hà).

Đến năm 2016, chị Hương rời bục giảng, chuyển sang công tác tại Trung tâm Văn hóa thành phố. Trong khoảng thời gian này, chị Hương cùng các đồng nghiệp dành hết tâm huyết và công sức cho việc nghiên cứu, tái dựng nghệ thuật Bài chòi. 

Chị Hương trong đêm nhạc từ thiện.

Vào thời điểm đó, nghệ thuật Bài chòi là một loại hình nghệ thuật mới mẻ với người dân Quảng Trị nói chung và Đông Hà Nói riêng, nhưng bằng việc tích cực tham gia biểu diễn Bài chòi vào các dịp lễ, Tết, nhiều người đã biết đến loại hình nghệ thuật này hơn.

Với người dân Đông Hà, chắc cũng ít ai xa lạ với hình ảnh của "chị Hiệu" Thúy Hương trong các buổi diễn Bài chòi. Với lối dẫn dắt tự nhiên, duyên dáng, hình ảnh của loại hình nghệ thuật này đã ghi dấu ấn sâu đậm vào tâm trí của người xem, nhất là những khách du lịch đến thăm Quảng Trị trong những ngày đầu xuân đó.

Nhưng đến khoảng giữa năm 2017, khi các kế hoạch còn đang ấp ủ, chị Hương phát hiện trong cơ thể mình mầm mống căn bệnh ung thư phổi. Chị nói: "Có một thời gian, sức khỏe của mình bỗng nhiên giảm sút một cách đột ngột. Khi vào bệnh viện kiểm tra thì mới phát hiện ra bị ung thư. Gia đình đã sắp xếp công việc để chuyển mình vào Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) để tiến hành phẫu thuật, tránh cho khối u lây lan. Sau khi phẫu thuật, sức khỏe hồi phục một chút thì mình lại tiếp tục điều trị bằng phương pháp hóa trị với 4 đợt liên tiếp, bởi tế bào ung thư đã di căn qua gan".

Với bất cứ ai, quãng thời gian điều trị để ngăn ngừa sự phát triển của những tế bào ung thư đều không hề dễ dàng, nhất là với một cô giáo có thân hình bé nhỏ như chị Hương. Nhưng không rõ nhờ một "phép mầu" nào đó, chị Hương đã dũng cảm vượt qua nỗi sợ hãi, tuyệt vọng và sẵn sàng đối diện với cái chết để có thể luôn giữ được nụ cười từ ngày biết mình mang bệnh.

Chị Hương nhận thẻ hiến tạng tại Trung tâm Hiến tạng Quốc gia.

Nói về "phép mầu" này, chị Hương cười chia sẻ: "Ngày mình phát hiện ra căn bệnh ung thư, mình không tin vì nghĩ đang khỏe mạnh bình thường, tại sao lại có mầm bệnh chết người như vậy. Nhưng sau đó một tuần, khi vừa mổ xong, mình lại nghĩ rằng mình cần phải sống, phải tự mình cứu lấy mình, trước hết là bằng ý chí và niềm tin.

Tiếp đó, trong những ngày điều trị hóa chất ở bệnh viện, đau đớn, mệt mỏi, tóc rụng, thân thể mệt rã rời, nhưng những tin nhắn, cuộc gọi động viên của người thân, bạn bè, của phụ huynh các học sinh mình từng dạy, của những người mình chưa hề gặp, mình chợt nghĩ, cuộc đời này còn có gì đẹp hơn, hạnh phúc hơn khi mình được sống trong tình yêu thương của rất nhiều người",

Chị Hương cho biết chị đã học được cách chấp nhận sự thật, đối diện được với sự sợ hãi lớn nhất của cuộc đời - đó chính là cái chết. "Mình đã sẵn sàng đón nhận nó với cái tâm bình thản, an yên! Cuộc sống vốn vô thường và việc ta cứ sợ hãi sự thật hiển nhiên đó chỉ làm cho cuộc sống thêm đen tối mà thôi. 

Nỗi đau cũng có sức mạnh của riêng nó, đối với mình, nó là sự bắt đầu. Mình đã sống ý nghĩa hơn, dành quỹ thời gian quý báu để làm tất cả những việc mình yêu thích. Nếu nói nhiều về cái chết để mình sống có ý nghĩa hơn, làm được nhiều việc tốt hơn cho mọi người thì đâu việc gì phải né tránh nó", chị Hương nói.

"Rứa khi mô anh về"

Nói về ca khúc khiến câu chuyện về nghị lực sống này được chia sẻ nhiều trên cộng đồng mạng, chị Thúy Hương nhớ lại vào thời điểm 30-4, 1-5 năm 2018, chị có liên lạc với một người bạn thân ở TP Hồ Chí Minh, người đã tận tình giúp chị những ngày đầu đi điều trị. 

Trong câu chuyện, chị hỏi người bạn liệu có sắp xếp về thăm quê dịp lễ hay không. Khi nghe bạn báo bận, chị Hương mới đau đáu hỏi: "Rứa khi mô mi mới về?". Câu hỏi này cùng với những cảm xúc chất chứa trong cuộc sống, đã khiến chị Hương viết ra ca khúc để giải tỏa lòng mình.

Lúc đăng bài hát "Rứa khi mô anh về" do chị Hương cùng một người bạn thân thể hiện là ban đêm, chẳng ai tương tác nên chị nghĩ chắc bài hát của mình không hay, định gỡ xuống. Thế nhưng chỉ sau một đêm, chị Hương bất ngờ khi có tới 21.000 lượt xem và hàng trăm lượt chia sẻ. 

Khi chọn tựa đề này cho sáng tác đầy ngẫu hứng của mình, chị Hương không thể ngờ rằng, những ca từ, giai điệu mộc mạc trong bài hát của mình đã khiến nhạc sĩ Lê Trọng Lập (một người con Quảng Trị đang sinh sống tại Hà Nội) thật sự rung động.

Sau khi liên lạc trao đổi với tác giả, chính nhạc sĩ Lê Trọng Lập đã cùng với nhạc sĩ Thành Vương tiến hành hòa âm, phối khí để giao lại cho một ca sĩ chuyên nghiệp thể hiện, phát hành CD. Và đặc biệt hơn, từ câu chuyện của tác giả Thúy Hương, một chương trình nghệ thuật gây quỹ cho bệnh nhân ung thư nghèo ở Quảng Trị được tổ chức đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

CD bài hát của chị Hương được khán giả nhiệt tình đón nhận ngay tại chương trình nghệ thuật "Rứa khi mô anh về!" cũng như bạn bè, anh chị em gần xa đặt mua để ủng hộ. Số tiền bán được từ một CD sẽ được trích góp 20.000 đồng ủng hộ cho quỹ bệnh nhân ung thư nghèo Quảng Trị. "Nếu bản thân tôi đã truyền được một niềm vui sống nào đó, một niềm lạc quan nào đó cho một ai đó đang gặp khó khăn, vất vả trong đời sống này, tôi hẳn sẽ rất vui...", chị Hương chia sẻ tại chương trình.

Và rồi, cũng trong đêm nhạc từ thiện tổ chức vào ngày 7-7-2018 do CLB Kết nối từ tâm và Hội Kiến trúc sư trẻ tỉnh Quảng Trị tổ chức, cô gái nhỏ nhắn, đầu đeo khăn để giấu đi những di chứng từ việc hóa trị ôm đàn hát ca khúc của chính mình khiến bao người rung động. 

Người chồng luôn sát cánh bên vợ.

Tại đêm diễn này có khoảng 1.000 khán giả tham dự, làm khán phòng không còn một chỗ trống. Vé vào xem chương trình được phát miễn phí, nhưng khán giả sẽ ủng hộ cho chương trình bằng cách mua áo phông có in hình chị Hương, CD có bản thu bài hát "Rứa khi mô anh về" hoặc ủng hộ trực tiếp bằng tiền mặt…

Kết thúc chương trình, ban tổ chức đã thu được tổng cộng hơn 400 triệu đồng tiền mặt từ nhiều cơ quan, “Mạnh Thường Quân” ủng hộ. Ngoài 10 bệnh nhân ung thư được mời lên trao quà (5 triệu đồng/suất) ngay tại chương trình, toàn bộ số tiền còn lại sẽ được gửi ủy thác vào Hội Chữ thập đỏ (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị) để dành tặng các bệnh nhân ung thư khó khăn khác đã, sẽ điều trị tại Khoa Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị).

Sau các chương trình từ thiện, mới đây, chị Hương đã đăng kí hiến tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế và nhận thẻ hiến tạng của mình vào đầu tháng 10-2018 tại Trung tâm Hiến tạng Quốc gia trong một lần ra Hà Nội. Nói về hành động này của mình, chị Hương tâm sự, trong những tháng ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chị thường xuyên đi qua Trung tâm ghép tạng tại đây. Lúc đó, chị đã nghĩ rằng "Nếu mình mất đi mà tặng được một phần thân thể cho ai đó thì tốt biết mấy". Nhưng khi đó, đang mang trong mình căn bệnh ung thư, chị lo rằng mình không thể hiến được mô tạng.

Với niềm trăn trở ấy, khi trở về sau những tháng này điều trị mệt mỏi, chị Hương đã đến Bệnh viện Trung ương Huế để tìm hiểu thông tin. Tại đây, GS. TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện đã trực tiếp tư vấn cho chị Hương. Sau khi nghe tư vấn của GS Phạm Như Hiệp, chị Hương hiểu rằng dù mình mắc bệnh trọng nhưng vẫn hoàn toàn có thể hiến tặng được một số phần cơ thể sau khi qua đời.

Điều đáng nói, trong suốt hành trình chống chọi với bệnh tật và cho đến khi chị Hương đến bệnh viện, kí vào lá đơn xin hiến mô/tạng, chồng của chị Hương luôn sát cạnh bên cạnh để động viên, chia sẻ, giúp đỡ. Nói về quyết định của vợ, chồng chị Hương cho biết: "Ban đầu gia đình tôi cũng không đồng ý nhưng hai vợ chồng đã thuyết phục và cuối cùng các thành viên trong nhà cũng đã đều hiểu ra ý nghĩa cao cả của việc hiến tặng mô/ tạng. 

Ở Quảng Trị, có rất nhiều thế hệ đã hy sinh xương máu của mình, nhiều người đã mất đi cánh tay, 1 bên chân, một mảnh sọ... Họ vẫn trở thành những người anh hùng trong lòng của cả dân tộc. Vậy tại sao thế hệ của chúng ta hôm nay không thể chia sẻ một phần thân thể của mình với người khác nếu mình phải ra đi?".

Còn với chị Hương, để gia đình yên tâm, chị đã phải tìm hiểu rất kĩ và nói lên tâm nguyện của mình. "Nếu ai đó cần một vài bộ phận của mình để tiếp tục cuộc sống thì mình không tiếc gì để giúp họ. Mình chỉ mong hiến được nhiều bộ phận. Gia đình ban đầu ngăn cản cũng vì quá yêu thương và sợ mình suy nghĩ nhiều đến cái chết. Bởi hiến tạng cũng có nghĩa là khi đã chết. Nhưng sau đó mọi người cũng hiểu ra và tôn trọng quyết định của mình", chị Hương tâm sự.

Giờ đây, phần lớn thời gian trong một ngày của cô giáo bé nhỏ này thường trôi qua ở bệnh viện. Khi về nhà, chị Hương lại tập ngồi thiền cho tâm trí luôn tĩnh lặng và hỗ trợ cho sức khỏe. Nói về dự định sắp tới, chị Hương cho biết mình không dám nghĩ gì xa xôi, chỉ mong sức khỏe tốt hơn để hoàn thành ý nguyện tổ chức một chương trình kết nối dành cho phụ nữ bị ung thư vú ở tỉnh Quảng Trị cùng với nhóm bạn cùng làm thiện nguyện mà thôi.

Hiền Trâm
.
.
.