Nghĩa tình của người tiếp lửa trong công tác tri ân

Thứ Bảy, 14/03/2015, 10:00
Đảm trách công việc Phó Trưởng phòng Văn Xã thuộc Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình nhưng với công tác đền ơn, đáp nghĩa, anh Nguyễn Văn Thỏa khá bận rộn. Ngoài chức trách được giao tiếp nhận xử lý văn bản, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh mảng văn hóa xã hội, thì hơn hai mươi năm nay anh là chiếc cầu nối giữa Ban liên lạc Cựu chiến binh Tây Tiến với chính quyền địa phương để tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

Tâm sáng của một cựu binh

Với anh Thỏa, hoạt động đền ơn, đáp nghĩa nói chung và tham gia Ban liên lạc Tây Tiến nói riêng là một câu chuyện dài. Thiện nguyện hoạt động tri ân với anh là thiêng liêng và được coi như một kỷ niệm sâu sắc nhất cuộc đời. Mọi công việc thuộc hoạt động tri ân được anh sắp xếp chủ yếu làm ngoài giờ. Lặng thầm, bền bỉ và lâu dài qua cách nhìn nhận lịch sử và khoa học sáng tạo… chính là những gì anh đã và đang thực hiện trong công tác đền ơn mà mình tự nguyện.

Nói về tâm huyết với công tác đền ơn, đáp nghĩa dù không phải công việc chính thức được đảm trách, anh Nguyễn Văn Thỏa chia sẻ: Từng là một người lính tháng 2/1979 tổng động viên chống Trung Quốc xâm lược và nay là CCB thuộc Chi hội CCB VPUBND tỉnh Hòa Bình; Ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc phát động cuộc chiến xâm lược VN trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.

Sau 2 tuần lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, lúc đó, anh là sinh viên năm thứ 4 của Trường Đại học Y Thái Nguyên được tham gia đào hầm hào trận địa phòng tuyến tại mặt trận Lạng Sơn. Sau khi quân Trung Quốc tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam, anh trở về trường học tiếp.

Tốt nghiệp bác sỹ, anh tiếp tục được đào tạo sỹ quan dự bị chỉ huy quân y tại Trường Quân chính Quân khu I. Sau khóa khóa huấn luyện Sỹ quan được phong quân hàm Thiếu úy. Tuổi trẻ cống hiến vì đất nước, anh tình nguyện đi phục vụ ngành y tỉnh Sơn La từ tháng 10/1981 đến trước khi tách tỉnh Hòa Bình được trở về quê công tác đến nay...

Khoác áo lính trong một thời gian ngắn nhưng cũng là thời gian anh thấu hiểu những mất mát, hi sinh của người lính nơi chiến trận. Nhất là khi nhớ tới những người đồng đội đã ngã xuống. Đó chính là lí do vì sao anh dành thời gian ngoài giờ của mình để dồn tâm huyết cho hoạt động tri ân - công việc hoàn toàn tự nguyện và với cái tâm trong sáng nhất.

Anh Nguyễn Văn Thỏa (ảnh chụp nhân 1 chuyến sang nước Lào lấy di vật của những người lính Tây Tiến).

Vậy là năm nào cũng thế,  cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7, anh phần lớn thời gian dành cho hoạt động đền ơn đáp nghĩa với một tình cảm thiêng liêng. Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hòa Bình lần thứ tư năm 2012-2013, anh Nguyễn Văn Thỏa có đề tài đoạt giải Ba và được gửi đi dự thi Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12.

Đó là giải pháp sáng kiến “thuyết phục, vận động hiến tặng kỷ vật, tư liệu có giá trị khoa học lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Pháp cho Bảo tàng tỉnh Hòa Bình”.

Sau 5 năm thực hiện, anh cùng hai cộng sự đã vận động hiến tặng cho tỉnh trên 300 kỷ vật, tư liệu có giá trị khoa học lịch sử lần đầu công bố, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Đồng thời tổng hợp được trên 300 trang tư liệu lịch sử để tham gia xuất bản kỷ yếu hội thảo khoa học lịch sử “Bộ đội Tây Tiến với tỉnh Hòa Bình” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức được đánh giá cao.

Để có các tư liệu lịch sử trên, anh Thỏa đã bỏ nhiều công sức để thu thập thông tin, kể cả sang nước bạn Lào để sưu tầm kỷ vật và tư liệu lịch sử làm cơ sở để làm cầu nối tư vấn hoàn thiện hồ sơ đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho 3 liệt sỹ hy sinh anh dũng trên địa danh tỉnh Hòa Bình thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Người tiếp lửa Tây Tiến

Với mong muốn thế hệ trẻ chung tay cùng nối tiếp truyền thống lịch sử, anh Nguyễn Văn Thỏa đã trở thành “Người tiếp lửa Tây Tiến” – danh hiệu thân mật mà các cựu chiến binh Tây Tiến đã đặt.

Cơ duyên khiến anh gắn bó và tri ân với những cựu chiến binh của Trung đoàn 52 Tây Tiến bởi từ nhỏ, anh đã thuộc lòng bài thơ Tây Tiến nổi tiếng của người lính, nhà thơ Quang Dũng.

Thêm vào đó, gần chục năm công tác ngành y ở tỉnh biên giới Sơn La, rồi trở về quê hương Hòa Bình công tác đi qua những địa danh ghi dấu ấn một thời hào hùng như Mường Hịch, Mai Châu, Châu Mộc, anh luôn tâm niệm làm được điều gì đó để tri ân đoàn binh không mọc tóc.

Cuối năm 1992, khi theo học lớp sau đại học tại Trường Cán bộ Quản lý y tế, anh được gặp người thầy đáng kính là Giáo sư Thiếu tướng Lê Hùng Lâm, Hiệu trưởng nhà trường, là Trưởng Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến.

Được tháp tùng Giáo sư, người lính trẻ nhất của Trung đoàn Tây Tiến năm xưa cùng các cựu chiến binh thăm lại vùng chiến địa Tây Bắc, Nguyễn Văn Thỏa càng thêm cảm phục, yêu quý phẩm chất của người lính Cụ Hồ. Anh tự nguyện làm công việc sưu tầm kỷ vật kháng chiến và đã trở thành “Người tiếp lửa Tây Tiến” tại Hòa Bình với cái tên gọi “Như Tâm” mà các cựu chiến binh Tây Tiến đã quý mến đặt cho anh.

Hiếm có một người không phải thân nhân hay ân nhân Tây Tiến nhưng lại gắn bó với hoạt động của Ban liên lạc Tây Tiến như anh Nguyễn Văn Thỏa. Anh tâm sự: “Ngày nào cũng vậy, mở mắt ra là tôi đã nghĩ đến Tây Tiến - điều đó với tôi giống như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua các chướng ngại đời thường. Nhiều khi trong giấc ngủ chập chờn luôn văng vẳng lời cố Giáo sư Lê Hùng Lâm nhắc “Còn nhiều việc phải làm lắm… hãy cố gắng lên!”.

Làm theo di huấn của người thầy, Nguyễn Văn Thỏa đã có nhiều ý tưởng tốt đẹp và được tỉnh chấp thuận. Anh phối hợp chặt chẽ với Ban liên lạc Cựu chiến binh Tây Tiến nghiên cứu lập dự án khai thác tiềm năng tuyến du lịch Văn hóa lịch sử - Về cội nguồn nhớ Tây Tiến theo con đường của bộ đội Tây Tiến năm xưa từ Hà Nội đi Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn (Lào) qua tỉnh Hòa Bình.

Tại tỉnh Hòa Bình sẽ có 7 điểm dừng trong tổng số hơn 20 điểm dừng của tour du lịch theo con đường của bộ đội Tây Tiến năm xưa. Bút tích bài thơ do thân nhân gia đình tác giả hiến tặng được lưu trữ trưng bày tại Bảo tàng tỉnh và được trang trọng khắc trên văn bia tại đài tưởng niệm di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh tại Châu Trang, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn.

Đặc biệt, từ ý tưởng đó mà mới đây tỉnh Sơn La đã quyết định đầu tư dự án khu tưởng niệm Bộ đội Tây Tiến tại huyện Mộc Châu, với tổng mức trên 31 tỷ đồng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chấp thuận bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước.

Là người tiếp lửa có tâm huyết, tính đến năm 2014, trong hoạt động đền ơn, đáp nghĩa – cụ thể là với lính Tây Tiến, anh Nguyễn Văn Thỏa đã hoàn tất được một số việc được anh coi như dấu ấn trong cuộc sống của mình. Đó là:

1. Đề xuất ý tưởng và tư vấn tổ chức thành công “Giao lưu Tuổi trẻ Hòa Bình với Bộ đội Tây Tiến” tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc vào ngày 24 tháng 02 năm 2012/

2. Đề xuất ý tưởng và tư vấn tổ chức cắt băng khánh thành Phòng trưng bày kỷ vật tư liệu lịch sử của Bộ đội Tây Tiến tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình, cắt băng triển lãm vào ngày 25 tháng 02 năm 2012/

3. Đề xuất ý tưởng đề nghị cấp Bằng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh tại Châu Trang, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình (nơi hơn 200 chiến sỹ Tây Tiến hy sinh năm 1948 - 1949) đã thành hiện thực/

4. Tham gia đoàn đi dâng hương các đài tưởng niệm Bộ đội Tây Tiến dọc sông Mã và nước bạn Lào (Sầm Nưa), đem về được chiếc Nồi đồng lịch sử - gia bảo của gia đình đồng chí Nguyễn Văn Khuông 95 tuổi - cán bộ Việt Minh nằm vùng, ân nhân của Nhà nước Lào để tặng cho Bảo tàng tỉnh Hòa Bình/

5. Đề xuất và cung cấp tư liệu tổ chức thành công Hội thảo Khoa học lịch sử Bộ đội Tây Tiến với tỉnh Hòa Bình do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức ngày 23 tháng 8 năm 2013 (Thông báo kết luận số 629 - TB/VPTU ngày 10 tháng 9 năm 2013); Kết luận này đã chuyển tới UBND tỉnh Sơn La và đã thành hiện thực - tỉnh quyết định đầu tư lớn Dự án khu tưởng niệm E52 Tây Tiến tại huyện Mộc Châu/

6. Hoàn thiện Hồ sơ và khớp nối các bên liên quan đề xuất Nhà nước xem xét truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 03 liệt sỹ hy sinh trên địa danh tỉnh Hòa Bình thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trong đó có liệt sỹ Tây Tiến Nguyễn Như Trang chuẩn bị được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng

(như thông báo của Trung tướng Khuất Duy Tiến tại Lễ kỷ niệm Ngày Truyền thống của E52 Tây Tiến – 22/02/2014 tại Trường Đại học Y tế Công Cộng. Thuyết phục vận động cựu chiến binh và thân nhân Tây Tiến hiến tặng cho tỉnh được trên 300 kỷ vật tư liệu có giá trị khoa học lịch sử lần đầu công bố, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau …).

Đoạt 02 Giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hòa Bình (2012 -2013) về chủ đề lịch sử; trong đó có một giải được gửi tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 tại Hà Nội.

Có thể nói với anh Nguyễn Văn Thỏa, đó là niềm vui lớn nhất trong đời anh, tâm nguyện tri ân các anh hùng liệt sỹ, việc làm bền bỉ, lặng thầm của anh góp phần tiếp lửa, thắp sáng truyền thống hào hùng một thời Tây Tiến.

Vũ Nguyên
.
.
.