Ngôi nhà bình yên dành cho những người kém may mắn của mẹ Hoa

Thứ Ba, 02/10/2018, 10:39
Vốn là nông dân, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” quanh năm gắn bó với mảnh ruộng, vườn rau, nhưng ngay từ khi còn trẻ, cô Đoàn Thị Hoa (thôn Thanh Oai, Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội) đã hăng hái tham gia các hoạt động từ thiện. Những tấm thân khiếm khuyết, dị dạng, với khao khát cháy bỏng tự nuôi sống bản thân mình của các em khuyết tật cứ ám ảnh cô...


Thế là để có thể biến giấc mơ của những đứa trẻ khiếm khuyết hình hài thành sự thật, cô Hoa ấp ủ dự định mở một trung tâm dạy nghề đón nhận những người khuyết tật kém may mắn nuôi dưỡng, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho họ. 

Dù gặp phải chút khó khăn ban đầu một phần do kinh phí, một phần do gia đình phản đối, nhưng cuối cùng vào ngày 28-8-2007, Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa đã chính thức ra đời ngay trên mảnh đất của gia đình chị Hoa, nằm trong con ngõ nhỏ của thôn Thanh Oai, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Mới đầu, cơ sở gồm hai dãy, một dãy nhà xưởng có diện tích 112m² và 67m² làm phòng ở. Cô vay mượn thêm của anh em, họ hàng được hơn 35 triệu đồng mua 10 chiếc máy khâu, 1 máy vắt sổ, 1 máy dập khuy và đón nhận 15 học viên khuyết tật đầu tiên vào học. Những người ở gần thì được gia đình sáng đưa đến, tối đón về, còn người ở xa thì được bố trí ăn ở tại chỗ. Cứ thế, suốt 11 năm qua, có hơn 500 em khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn đã đến đây học tập, sinh sống và nên người.

Nói về khó khăn buổi đầu thành lập, cô Hoa tâm sự: “Các em ở đây hầu hết đều có hoàn cảnh đáng thương với những số phận thiệt thòi khác nhau. Có em bị câm điếc, em bị tự kỷ, down, thiểu năng trí tuệ, có em thì đi không được… Nói chung các em đến đây đều bị khuyết tật, khó khăn về điều khiển, vận động tay, chân nhưng đều có chung một chí hướng là tìm được một công việc phù hợp với khả năng của chính bản thân”.

“Ban đầu tôi cho các em học máy khâu nhưng nhiều em không học được. Tôi nhận làm móc thảm chùi chân. Làm được 45 chiếc thì bị lỗi tới 25 chiếc. Người đặt hàng thương tình không bắt đền nhưng họ không ký hợp đồng nữa. Vậy là tôi xoay sang làm hàng mã. Nhưng làm mã cũng không ổn, bởi các em lại phải tiếp xúc với hóa chất, phẩm màu...”, cô Hoa chia sẻ. 

Hễ nghe ai mách nghề gì cô Hoa cũng đi học rồi về dạy cho các em, từ thủ công, vàng mã, thêu, hoa lụa, cho đến may công nghiệp… Sau thời gian tìm kiếm, chọn lựa, cô Hoa đã tìm được nghề phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất cho các em là nghề may, làm tranh, làm con giống bằng giấy cuộn. Để có được những sản phẩm như hôm nay, cô phải bỏ công mày mò tìm hiểu, còn các em cũng mất nhiều thời gian học hỏi.

Dạy cho người lành lặn đã khó, dạy cho các em khuyết tật lại càng khó khăn hơn. Do đó cô Hoa phải phân chia việc phù hợp với từng em, sắp xếp các em vào từng nhóm học để làm việc sao cho hiệu quả. Không những thế, cô còn phải vừa dạy vừa dỗ dành, vừa khích lệ động viên để các em không cảm thấy tủi thân và cố gắng học nhiều hơn. 

Cô Hoa cho biết có nhiều em học rất chăm chỉ, tay nghề cứng cáp nên giúp cô dạy lại các em khác. Cứ em biết nhiều dạy cho em biết ít, người cũ dạy lại cho người mới nên cô cũng đỡ vất vả hơn, mà các em lại gắn bó với nhau hơn. Có em học xong ra mở cửa hàng riêng, rồi nhận cả học viên của cô về làm việc khiến cô rất vui và hạnh phúc.

Không chỉ dạy nghề cho các em, người phụ nữ giàu lòng nhân ái này luôn coi học viên của mình như những đứa con ngoan trong nhà, chăm lo cho các em từ bữa ăn đến giấc ngủ, nhớ từng viên thuốc, từng vết thương... vì thế nên các em luôn kính trọng và yêu thương, và xem cô như là người mẹ thứ hai, trung tâm là  ngôi nhà thứ hai của mình. Học xong, không em nào muốn rời bỏ mẹ Hoa, chỉ muốn ở với mẹ Hoa như vậy cả đời.

Em Nguyễn Văn Thěn quę ở Hương Sơn, Hà Tĩnh chia sẻ: “Em vào đây được một thời gian rồi. Em học xong cao đẳng thì chân ngày càng yếu và ngày một nặng đến độ teo cơ luôn. Em cũng có thử đi làm ở một số nơi nhưng sức khỏe không chịu được. Qua bạn bè giới thiệu, gia đình đã đưa em tới trung tâm học nghề và sinh hoạt cố định ở đây. Hiện nay, em đã quen với nghề được học. Mẹ Hoa đối với chúng em rất tốt, các anh chị em ở đây cũng đều yêu thương nhau...”.

Cô Hoa chia sẻ: “Thành quả lớn nhất của Trung tâm Quỳnh Hoa không chỉ là nâng cao kiến thức, trí tuệ mà còn là nơi giúp người khuyết tật bớt đi mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng, giúp giảm bớt một phần gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Dù sinh ra không được may mắn, nhưng cuộc sống đã gắn kết những con người khiếm khuyết với nhau, cho họ một nơi để chia sẻ buồn vui, để tự tin sống, tự tin làm việc cùng với nhau, nơi ấy chính là Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa. Nơi có mẹ Hoa “là người có một không hai trên đời, không tìm được người mẹ nào thứ hai như thế, thương người hơn cả thương con mình”.

Xuân Trường
.
.
.