Ngư dân xin đất dựng nhà ở Trường Sa

Thứ Hai, 27/02/2017, 09:11
Nổi danh tỷ phú làm giàu từ biển, quản lý tổ đội 16 tàu tổng công suất trên 6.000 CV, thời gian gần đây ngư dân Bùi Thanh Ninh (58 tuổi, ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) khiến nhiều người bất ngờ khi viết đơn đề nghị xin 200m2 đất trên đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) để dựng nhà dịch vụ, giúp ngư dân bám biển dài ngày và kết nối đảo với đất liền…


*Khởi nghiệp bằng chiếc ghe cũ nát

Sinh ra ở vùng quê biển Tam Quan Bắc, 15 tuổi cậu bé Ninh đã leo lên chiếc ghe nhỏ theo ra biển mưu sinh, trong lòng không khỏi ước mơ có một con tàu của riêng mình, vươn khơi đánh bắt những mẻ cá lớn. 18 tuổi, chàng thanh niên Ninh nhập ngũ làm nghĩa vụ tại nước bạn Campuchia. 

Tuy nhiên, 2 năm sau, khi đang là Trung đội trưởng trinh sát thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai - Kon Tum thì cha ông bệnh nặng, không có người chăm sóc nên ông xin xuất ngũ. Bấy giờ tài sản duy nhất của gia đình là chiếc ghe máy 10 CV cũ nát. Mỗi ngày ông dùng chiếc ghe này đánh cá nuôi sống cả nhà.

Đảo Trường Sa. Ảnh Viễn Sự (Tuổi trẻ)

Năm 36 tuổi, khi đã tích góp được gần 30 lượng vàng, ông trực tiếp đi mua gỗ, tự tay vẽ mẫu rồi thuê thợ đóng chiếc tàu theo thiết kế riêng của mình. Chiếc tàu đầu tiên do ông Ninh đóng chỉ có công suất 40 CV nhưng là nỗi ước ao của hàng vạn gia đình ngư dân nghèo khó lúc đó. Vừa làm vừa dành dụm, vài năm sau, ông Ninh đóng tiếp chiếc tàu thứ hai với công suất lớn hơn.

Dù chưa bao giờ học qua trường lớp nào về đóng tàu nhưng ông Ninh lại rất rành về thiết kế các mẫu tàu, cả việc vận hành sao cho an toàn, hiệu quả. Chính vì thế, ngư dân khắp nơi đến đặt ông đóng tàu. Có năm ông nhận đóng đến hơn 200 chiếc tàu. Tiếp đó, ông mở thêm các dịch vụ cung ứng nhiên liệu, thực phẩm cho các tàu đánh cá rồi bao tiêu luôn sản phẩm. Nhờ nguồn thu nhập này, ông tập trung đầu tư phát triển đội tàu của tổ đánh bắt thủy sản Sáu Ninh, bắt đầu vươn khơi đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Ông Bùi Thanh Ninh.

Hiện nay, ông Ninh đang điều hành một tổ đội đánh bắt thủy sản thuộc hàng lớn nhất nhì miền Trung với 16 tàu cá, tổng công suất hơn 6.000 CV; trong đó 10 chiếc do ông đứng tên sở hữu, còn lại của anh em trong tổ đội góp vào. Tổ đội đánh bắt thủy sản Sáu Ninh chủ yếu hành nghề lưới vây rút chì, hằng ngày có hơn 200 lao động làm việc trên các tàu tại các ngư trường xa.

Theo người dân địa phương, hiện cơ ngơi của ông Ninh thuộc hàng bậc nhất vùng biển Bình Định. Hằng ngày, 2 chiếc ô tô 7 chỗ và 4 chỗ liên tục đi lại để phục vụ hoạt động của tổ đội. “Tôi đang lên kế hoạch mua một chiếc ô tô 12 hoặc 16 chỗ để đưa đón ngư dân trong tổ đội mỗi khi tàu về đất liền. Mình có điều kiện, càng phải chăm lo cho anh em tốt hơn”, ông Ninh chia sẻ.

“Mình được làm ăn ngay trong ngôi nhà của mình”

Theo ông Ninh, ngày 18/7/2014, ông viết đơn gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, UBND tỉnh Bình Định, UBND xã Tam Quan Bắc trình bày nguyện vọng xin 200m2 đất tại huyện đảo Hoàng Sa, thuộc xã đảo Song Tử Tây. Đơn có xác nhận của Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc Phạm Ngọc Bảo. Ngày 18/7/2014, UBND huyện Hoài Nhơn có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc xin giao đất xây dựng Trạm dịch vụ hậu cần nghề cá tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa do Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Phạm Trương ký. Ngày 1/8/2014, UBND tỉnh Bình Định có văn bản gửi Bộ Tư lệnh Hải quân quan tâm xem xét.

Trong đơn ông Ninh ghi rõ “… Nguyện vọng tôi xin một lô đất 200m2 tại huyện Trường Sa thuộc đảo Song Tử Tây, nhằm mục đích: Một là, xây dựng trạm cho tổ đội đánh bắt thủy sản ra vào. Hai là, để giảm bớt chi phí nguyên liệu. Ba là, thời gian bám biển dài ngày hơn. Bốn là, nối đảo với đất liền gần nhau. Năm là, để khẳng định chủ quyền Tổ quốc và chủ trương bám biển”.

Ông Ninh bày tỏ: “Nhiều năm qua, cũng như hàng vạn ngư dân khác, tôi luôn mong muốn có một cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá ở Trường Sa. Đối với ngư dân, biển là ruộng, đảo là nhà. Nếu có cơ sở làm ăn ngay trong nhà của mình ở Trường Sa, tàu thuyền của ngư dân sẽ không phải mất 4-5 ngày để vào đất liền tiếp nhiên liệu, lương thực. Nhưng quan trọng nhất là mình được làm ăn ngay trong ngôi nhà của mình ở nơi đầu sóng ngọn gió, qua đó góp phần bảo vệ chủ quyền, đất đai, trời biển của Tổ quốc”.

Được biết, hoạt động của tổ đội đánh bắt thủy sản Sáu Ninh được tổ chức rất quy củ, chuyên nghiệp. Trong đất liền, ông Ninh tổ chức hai tổng đài đặt tại huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) và TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), có người trực 24/24 giờ. Mỗi ngày 3 lần, tất cả tàu đều lên sóng để cập nhật thông tin về đất liền và trao đổi liên lạc giữa các tàu. Theo ông Ninh, trung bình mỗi năm tổ đội của ông đánh bắt trên 1.000 tấn hải sản, hầu hết đều được bán ngay trên biển.

Theo một lãnh đạo tỉnh Bình Định, một ngư dân chân chất như ông Ninh nhưng có ý định xin đất, xây dựng trạm dịch vụ làm chỗ nghỉ chân cho ngư dân, kết nối biển đảo với đất liền, đó là ý tưởng rất hay và táo bạo, từ trước tới nay trong tỉnh chưa có ai dám làm được như vậy. Phía chính quyền đang liên hệ với các cơ quan để hỗ trợ nguyện vọng chính đáng đó.

Ông Phạm Ngọc Bảo - Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, cho biết: “Ông Ninh đúng là hình mẫu của ngư dân hiện đại. Quản lý đội tàu lớn nhất nhì của tỉnh, tạo việc làm cho hàng trăm ngư dân trong vùng đã là việc khó, nay đệ đơn xin đất trên đảo vừa giúp ngư dân vươn khơi bám biển lâu dài và thể hiện trách nhiệm với chủ quyền, đó là việc ít ai làm được”.

+ Lấy lợi ích bạn thuyền làm trọng

Theo ông Phạm Ngọc Bảo, hiếm có mô hình đánh bắt nào hoạt động hiệu quả, tạo được sự đoàn kết cao trong ngư dân như tổ đội đánh bắt thủy sản Sáu Ninh. Từ khi hình thành năm 2000 đến nay, tổ đội chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp quyền lợi. “Không chỉ có tài làm ăn, ông Ninh còn rất giỏi trong việc tập hợp, đoàn kết bà con ngư dân. Cách làm của ông Ninh khiến anh em trong tổ đội rất khâm phục”, ông Bảo nói.

Nhiều ngư dân tham gia đánh bắt trong tổ đội Sáu Ninh cho biết, tất cả hoạt động của tổ đội đều được ông Ninh giải quyết rất công bằng, minh bạch. “Điều quan trọng nhất là chú Sáu (tức ông Ninh) luôn lấy quyền lợi của anh em trong tổ đội làm trọng, đặt trước cả quyền lợi của cá nhân mình nên ai cũng hết lòng, hết sức gắn bó với tổ đội”, anh Trần Văn Thu (ngụ xã Tam Quan Bắc, thành viên tổ đội) cho biết.

Ngôi nhà của ông Ninh.

Một số thành viên khác của tổ đội Sáu Ninh cho biết, khi mới hình thành, tổ có 3 tàu của ông Ninh. Khi đó đã có rất nhiều ngư dân địa phương muốn tham gia tổ đội để làm ăn chung với ông Ninh nhưng họ không có vốn. Thấy vậy, ông Ninh bảo ai có vốn thì hùn vào, ai chưa có thì ông đứng ra vay ngân hàng giúp để cùng đóng tàu. Sau đó, họ sẽ trích thu nhập từ các chuyến đi biển để trả dần vốn, lãi cho ngân hàng. Nhờ vậy, số lượng của đội tàu phát triển liên tục với nhiều tàu mới, công suất lớn. Hiện nay, tất cả 16 thuyền trưởng của tổ đội đều có 25 - 50% vốn của chiếc tàu; trong đó phần lớn đều được ông Ninh cho mua nợ “cổ phần” ban đầu và sau đó trừ dần vào thu nhập.

Anh Trần Văn Thu cho biết: “Nhiều anh em ban đầu không hề có vốn, được chú Sáu cho mua nợ, giờ đã có tài sản hàng tỉ đồng, người ít nhất cũng có vài trăm triệu đồng. Điều đó càng làm anh em tăng tính trách nhiệm, vì đó là tài sản của mình mà”.

Ngoài tạo thu nhập ổn định, mỗi dịp lễ, Tết ông Ninh đều không quên chu cấp quà, hỗ trợ tiền, sẵn sàng giúp đỡ những ngư dân có hoàn cảnh khó khăn để dựng nhà, vốn mưu sinh. Anh Lý Ngọc Vinh (ngụ xã Tam Quan Bắc, thành viên tổ đội) vừa trở về sau chuyến đi biển dài ngày, chia sẻ: “Hai vợ chồng mình gắn bó với đội tàu bác Sáu lâu rồi. Mình là thuyền trưởng, vợ ở nhà phụ giúp các công việc hậu cần trong bờ. Trước kia lam lũ mưu sinh, lại không có vốn liếng được bác Ninh giúp đỡ rất nhiệt tình. Giờ kinh tế gia đình đã khá hơn, vợ chồng vẫn mang ơn bác nhiều”.

Được biết, mới đây ông Ninh được bầu là đại diện nông dân Việt Nam xuất sắc của tỉnh Bình Định (do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bầu chọn). Riêng nhà ông có 3 người con, thì một là Thạc sĩ, rưởng phòng Tổ chức của Trường ĐH Quang Trung, một là nhân viên Ngân hàng BIDV, cậu út đã tốt nghiệp Học viện Hành chính TP Hồ Chí Minh, đang học lên cao học.

Khi chúng tôi hỏi: “Trở thành tỷ phú từ nghề đi biển, sao không hướng cho con cái theo nghiệp cha?”. Ông cười: “Không hẳn cha mẹ lam lũ với biển thì cứ phải gò cho được con cái theo cái nghiệp của mình. Mỗi đứa có mỗi ước mơ, điều quan trọng là việc nó làm sau này có giúp ích được gì cho xã hội không”.

Khi được hỏi về việc ông giúp đỡ những người bạn biển, ông tâm sự: “Mình cũng từ cái nghèo mà, nên càng phải thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau. Việc mưu sinh cũng tạm ổn rồi, kinh tế cũng chỉ là một phần thôi, cốt là mình làm được gì cho dân mình, sống thế nào cho ý nghĩa”.

Đình Thu
.
.
.