Ngược rừng xây dựng Không gian văn hóa Mường

Thứ Ba, 19/03/2013, 10:09

Nằm cheo leo trên hẻm núi, nép mình vào những quả đồi sừng sững, Không gian văn hóa Mường rộng chừng 2ha, thuộc tổ 12, phường Thái Bình, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) mà người chủ của nó không có gốc gác Mường. Lâu dần thành quen, cái tên Hiếu “Mường” bỗng nhiên trở thành thương hiệu, một địa chỉ thân quen với tất cả người Mường của tỉnh Hòa Bình.

Công lao của Hiếu “Mường” lớn lắm, hắn đã tìm tòi, thu lượm, bảo quản hàng ngàn hiện vật là những công cụ, phương tiện hay đơn giản chỉ là những mảnh gỗ, tấm áo rách, đưa về Không gian văn hóa mường để giữ gìn, bảo tồn văn hóa Mường không bị mai một.

Câu chuyện về con người miền xuôi, ngược rừng xây dựng Không gian văn hóa Mường thực sự là câu chuyện cảm động, đáng trân trọng.

 Bỏ phố lên rừng

Vũ Đức Hiếu sinh năm 1977, quê gốc ở Nam Định, nhưng lại được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hòa Bình. Thuở nhỏ, Hiếu đã đam mê văn hóa Mường với sử thi Đẻ đất, đẻ nước và những áng mo Mường dài bất tận. 18 tuổi, Vũ Đức Hiếu bước chân vào giảng đường của Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội.

Học được một năm, anh lại thi vào Khoa Phê bình mỹ thuật của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Ra trường với một tấm bằng giỏi, một bằng thủ khoa, nhưng Hiếu lại làm lao vào làm báo, rồi giữ chức vụ Thư ký tòa soạn cho một tạp chí thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Nhớ lại thời sinh viên, Vũ Đức Hiếu thường tìm về các bản Mường xa lắc của tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa để sáng tác tranh. Xem tranh của anh, người ta cảm nhận rất rõ nét cuộc sống, sinh hoạt của các vùng quê, là nét bình dị của dân bản, là những dòng suối, ngọn thác ầm ào tuôn chảy...

Chính những tháng ngày “nếm mật nằm gai” ở các bản làng tít tắp ấy đã làm anh “bén duyên” với vùng cao, nhất là văn hóa Mường ở Hòa Bình. Anh đã mày mò học tiếng Mường để giao tiếp, để hiểu sâu hơn về văn hóa Mường.

Hiếu bảo, “Xét về một góc độ nào đó, văn hóa Mường chính là cái nôi của văn hóa Việt cổ. Vì thế, những năm đầu thế kỷ 20, khi người Pháp có mặt trên vùng đất này, họ cũng đã có những nghiên cứu rất kỹ về nền văn hóa ấy. Cuộc sống xô bồ, con người ta phải vật lộn mưu sinh, nên đã có lúc người ta vô tình lãng quên những điều gọi là bản sắc. Mình là người đi nhiều, được tiếp xúc nhiều nên khi tận mắt chứng kiến những nét văn hóa ấy đang ngày càng mai một, mình nảy ra ý định sưu tầm những thứ người ta “ném đi”.

Những ngày lang thang khắp xứ Bi, Vang, Thàng, Động (4 xứ Mường nổi tiếng Hòa Bình khi xưa), cái gì cũng hay, cũng lạ. Nhiều đêm ngủ ở bản, uống rượu cần, ăn cỗ lá, nghe những ông bố, bà mẹ kể lại tích “đẻ đất, để nước”, anh rất ấn tượng với gốc gác của người Việt cổ. Tham dự các lễ hội “khai hạ”, “khuống mùa”... lại càng thấy rõ hơn những nét độc đáo, đặc sắc của văn hóa Mường.

Không gian văn hóa Mường của Hiếu “Mường”.

Người Mường hiếu khách và khéo tay. Ẩm thực Mường phong phú. Thế rồi ý tưởng mở hẳn một bảo tàng tư nhân để trưng bày những thành quả kiếm tìm trong suốt 10 năm qua đã được Hiếu bắt tay triển khai, với tâm niệm: “Mỗi người giơ một cánh tay để nâng niu nó, chúng ta sẽ bảo tồn được nó và “nhân bản” tình yêu ấy cho nhiều người”.

Dù những người thân trong gia đình, bạn bè văn nghệ sĩ khuyên can, nhưng Hiếu “khăn gói quả mướp” bỏ lại Hà thành sôi động và những công việc hái ra tiền, “chui” lên miền ngược ăn bọ xít nhãn, lăn lóc vào các bản làng để làm bảo tàng cho riêng mình. Sau khi cất công tìm 5 địa điểm, Hiếu quyết định chọn một ngọn đồi rộng khoảng 2ha nằm sâu trong phường Thái Bình, cách TP Hòa Bình chừng 7km đường Tây Tiến – đây vốn là địa bàn sinh sống của người Mường cổ).

Sau gần một năm xây dựng, ngày 16/12/2007, Bảo tàng Không gian văn hóa Mường được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng gõ tiếng cồng khai trương và chính thức đi vào hoạt động.

Xây dựng không gian văn hóa Mường

Cuối năm, con đường Tây Tiến băng ngang cánh đồng vừa qua vụ gặt vẫn còn hương lúa thơm ngào ngạt. Đường lên bảo tàng đang được trải nhựa, một số hạng mục mới được đầu tư thêm đang rục rịch hoàn thành.

Bảo tàng Không gian văn hóa Mường được chia thành 2 khu chính: khu tái hiện và khu trưng bày những hiện vật của người Mường, từ dụng cụ sinh hoạt hàng ngày, săn bắt, đến phòng tâm linh tái hiện một số hình ảnh đám tang cổ truyền của người Mường. Hơn 300 hiện vật mà anh nhớ rất rõ về nguồn gốc, lịch sử, truyền thuyết gắn với nó, Hiếu còn kể những hiện vật này được sưu tầm vào thời gian nào, ở đâu. Anh rất tâm đắc bộ cồng chiêng của người Mường, thuộc loại quý và hiếm.

Đứng trước ngôi nhà Lang (tầng lớp thống trị cao nhất trong xã hội Mường) có niên đại hơn 100 năm, Vũ Đức Hiếu kể cho chúng tôi nghe về truyền thuyết người Mường có nhà. Anh kể rằng, ngày xưa người Mường sinh sống trong các hang núi. Một hôm, ông Đá Cần bắt được một con rùa lớn, định đem đi thịt. Lúc “ngàn cân treo sợi tóc” ấy, con rùa van xin: “Xin đừng giết rùa, rùa sẽ dạy cho người cách làm nhà”. Ông Đá Cần nghĩ đến cảnh màn trời chiếu đất của mình, nên đồng ý tha cho rùa. Rùa bảo: Hãy nhìn ta đây, bốn chân của ta như bốn cột cái của nhà. Mai rùa như mái nhà che mưa, che nắng. Và cũng từ đó, con rùa đã trở thành vật linh thiêng đối với người Mường. Hiện người Mường ở xã Tân Lạc kiêng ăn thịt rùa.

Bước vào nhà Lang, trước cửa có một thân cây được khoét rỗng đựng nước cho khách đến nhà rửa chân. Khi rửa, chiếc gáo sẽ va vào thân cây tạo nên âm thanh, báo cho gia đình chuẩn bị đón khách. Ngày xưa tầng lớp Lang thường làm nhà 3 gian 2 chái (có những nhà giàu làm tới 9, 10 gian) với những vật liệu tốt nhất như gỗ lim, nghiến... Kiến trúc nhà khá đơn giản, từ cột đến xà mắc vào nhau chỉ bằng những cái ngoãm, chưa có mộng cố định như nhà sàn của người Mường bây giờ.

Các vật dụng hàng ngày của người Mường.

Nhà Lang có hai cái bếp, một dành cho những người phụ nữ trong gia đình, một dành cho Lang tiếp khách. Khi về nhà chồng, cô gái Mường sẽ bước lên cầu thang thứ hai, dưới chân cầu thang có một bó củi và người Mường cho rằng như vậy cô gái sẽ là một nàng dâu tốt. Sau khi bước vào nhà, điều đầu tiên không phải là lạy ông bà, tổ tiên, mà lạy vua bếp.

Để thể hiện cho quyền uy, trong nhà Lang có rất nhiều đồ bằng đồng như chậu đồng, cồng chiêng, thậm chí cả trống đồng... Và những bộ cồng chiêng này sẽ được Lang đánh lên khi trong nhà có việc hệ trọng để báo cho tất cả người dân trong Mường đến giải quyết công việc.

Với người Mường, chức Lang Cun được truyền từ đời này sang đời khác. Trong trường hợp vị Lang qua đời mà không có con trai kế nghiệp, thì chức Lang sẽ truyền lại cho vợ. Khi nào vợ của Lang không thể đảm nhiệm được công việc nữa, thì dòng họ nhà Lang phải chọn một người lên làm Lang Cun hay chức Lang đó sẽ truyền lại cho người con rể với điều kiện anh ta phải bỏ dòng họ nhà mình theo dòng họ vợ.

Gần cạnh nhà Lang Cun là nhà Ậu – tầng lớp giúp việc cho Lang. Đứng đầu các Ậu gọi là Ậu Eng, hoặc Ậu Cả – những người này sẽ làm công việc quản lý đất cho nhà Lang, hay của toàn Mường, quản lý người làm công... Khi nhà Lang có việc hệ trọng như đám tang, đám cưới thì Ậu phải đến nhà Lang lo việc tiếp khách, nhận quà, thết đãi cơm rượu... Trên danh nghĩa, các Ậu sẽ được hưởng một phần ruộng đất công của nhà Lang.

Tiếp đó là nhà Nóc – thuộc tầng lớp thường dân, chiếm phần đa số trong người Mường. Cuối cùng là nhà Trọi – tầng lớp bị trị hay còn gọi là “cùng đinh” trong xã hội Mường. Những gia đình thuộc thành phần Nóc Trọi bị xã hội Mường cho rằng họ có tội với nhà Lang như: không có con trai nối dõi. Tầng lớp này sẽ bị nhà Lang tịch thu hết ruộng đất và họ sống biệt lập với làng và không được tham gia lễ hội, lễ nghi do tầng lớp thống trị tổ chức. 4 ngôi nhà này thể hiện cho 4 tầng lớp trong xã hội Mường.

Tại khu trưng bày hiện vật, chúng tôi choáng ngợp với hàng ngàn hiện vật từ dụng cụ trong lao động sản xuất, sinh hoạt, săn bắt, làm nương, đánh cá hàng ngày cho đến đạo cụ nhạc chơi trong các lễ hội, đám tang, đám cưới của người Mường. Trong một căn phòng nhỏ chừng hơn chục mét vuông, đặt một chiếc quan tài – nơi tái hiện một đám ma của người Mường. Vòng ra phía bên ngoài là một thư viện sách khá đồ sộ cũng được anh Hiếu sưu tầm trong nhiều năm qua.

Lưu giữ tinh hoa ngàn đời

Trong chiếc chòi xinh xắn sát khu trưng bày, nơi Hiếu dành để thưởng trà, nghe chim hót, anh lý giải: “Sở dĩ tôi không xây dựng bảo tàng tại Hà Nội hay đặt tại trung tâm TP Hòa Bình vì bảo tàng không chỉ đơn thuần là trưng bày các hiện vật để kinh doanh. Tôi chọn nơi đây là muốn khách tham quan không chỉ xem mà sẽ cảm nhận được cuộc sống phong phú của dân tộc Mường”.

Khi được hỏi về những khó khăn cũng như thuận lợi trong việc xây dựng bảo tàng, Hiếu e dè: “Thực ra việc mình làm thì đã có rất nhiều người làm rồi. Hiện cả nước có hơn 10 bảo tàng tư nhân. Do mình làm sau nên có nhiều thuận lợi vì cũng đã đúc kết được một số kinh nghiệm của người đi trước. Hơn nữa, lại được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và, các tổ chức ủng hộ. Việc mình cần làm bây giờ là làm thế nào để bảo tàng hoạt động có hiệu quả và “sống” với thời gian mới là điều cần phải suy nghĩ”.

Trời chiều đã nhá nhem tối mà Vũ Đức Hiếu vẫn say sưa kể về cuộc sống, văn hóa Mường. Điều đó phần nào giải thích được tại sao khi còn là sinh viên, bạn bè lại đặt cho anh cái tên Hiếu “Mường”, đúng là anh “Mường” thật rồi?! Dự định của anh về cái bảo tàng này thì nhiều lắm, nhưng hướng phát triển của anh là biến Không gian văn hóa Mường thành một không gian “mở”, một ngôi nhà văn hóa “mở” – nơi mọi người có thể chia sẻ “góc nhìn văn hóa”

Như Hùng
.
.
.