Người Anh hùng với những ký ức “lửa và hoa”

Thứ Tư, 08/02/2017, 22:26
Hơn 55 năm trôi qua nhưng huyền thoại về tinh thần mưu trí, dũng cảm, ý chí kiên cường của người lính hải quân trên những con tàu không số vượt đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ vẫn mãi sống động, hào hùng. Trong những câu chuyện về người lính biển năm xưa mà tôi đã nghe, có ký ức “lửa và hoa” của một người Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT)...


Hơn 30 năm là lính biển, từng làm thuyền phó, thuyền trưởng 12 chuyến tàu không số, Trung tá, Anh hùng LLVT Hồ Đắc Thạnh không lạ gì sóng gió, biển cả; thế nhưng hôm nay mỗi khi ra biển ông vẫn thấy bồi hồi xúc động. Chẳng phải vì biển mênh mông ẩn chứa nhiều tiềm tàng, bí ẩn, chẳng phải vì nỗi trăn trở của những con sóng bạc đầu, mà trong tâm thức của ông luôn đau đáu nhớ thương những đồng đội đã nằm lại với biển.

Chiến tranh lùi vào dĩ vãng, nhưng sự kiện Vũng Rô năm xưa vẫn còn rất mới trong trang sử hào hùng. Ở đó có một thời “hoa lửa” thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của những người lính hải quân. Thời đó đã kiến tạo những chiến công vang dội, góp phần kết thúc kháng chiến thành công.

Ở tuổi ngoài 80, mái tóc Anh hùng Hồ Đắc Thạnh bạc màu thời gian, nhưng  phong cách của ông vẫn đậm chất lính biển, bình dị mà hào phóng. Chân dung ông là nguyên mẫu nhân vật chính trong bộ phim truyền hình 5 tập “Những người lính biển” của đạo diễn Trần Vịnh.

Bằng giọng trầm ấm, ông Thạnh tâm sự, duyên nghiệp lính biển đến với tôi tình cờ. Cách mạng Tháng 8 bùng nổ, tôi nhập ngũ vào bộ đội ở Phú Yên năm 16 tuổi rồi tập kết ra Bắc. Đến Thanh Hóa ngày 19-5-1955, ông về Sư đoàn 324 làm nhiệm vụ chống cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam.

Một năm sau ông vào Nghệ An đi học nghiệp vụ ở Trường hạ sĩ quan. Khóa học chưa kết thúc, Cục Phòng thủ bờ biển – tiền thân Bộ Tư lệnh Hải quân tuyển ông về Trường 45 ở Hải Phòng huấn luyện nghiệp vụ hàng hải, rồi chuyển vào khóa đầu tiên Trường sĩ quan Hải quân ở Quảng Ninh để đào tạo nghiệp vụ thuyền trưởng, kỹ thuật phóng ngư lôi và một số chiến thuật chiến đấu trên biển.

Trung tá Hồ Đắc Thạnh - Anh hùng lực lượng vũ trang kể chuyện với tác giả về những chuyến tàu không số vào bến Vũng Rô.

Gần kết thúc khóa học 4 năm, ông cùng 3 sĩ quan khác được rút về Đoàn 759 – tiền thân Lữ đoàn Hải quân 125. Sau đó ông được giao làm Thuyền phó tàu 54 - một trong những chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí vào Nam...

Gọi là tàu không số, nhưng thực ra tàu nào cũng có số hiệu. Để vượt qua tầm kiểm soát của địch với các đội hải thuyền, tàu chiến trên biển; máy bay trên không và hệ thống rada ở Cù Lao Ré, Ba Làng An, Đề Gi, Chóp Chài, Hòn Tre, Vũng Tàu… những chiếc tàu vận chuyển vũ khí đều giấu số hiệu, mang theo cờ một số nước và lắm khi vươn ra hải phận quốc tế, xuống vùng biển Malaysia mới ngược lên Cà Mau.

Lần đầu ông Thạnh làm Thuyền phó tàu 54 rời Hải Phòng ngày 12-9-1963, chở 60 tấn vũ khí vào Cà Mau. Thêm một chuyến làm Thuyền phó tàu 56 vào Bến Tre ngày 6-12-1963, ông Thạnh được làm Thuyền trưởng tàu 41, chỉ huy 10 chuyến tàu vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí vào Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Phú Yên, Quảng Ngãi.

Giữa tháng 11-1964, trong lúc tàu 41 neo đậu ở vịnh Hạ Long sau chuyến đi Cà Mau, Đại tá Nguyễn Bá Phát - Tư lệnh Hải quân chỉ đạo rời Bãi Cháy đêm 16-11-1964, vận chuyển vũ khí vào bến Vũng Rô. Khi qua vĩ tuyến 17, máy bay và tàu tuần tra địch bám sát, những thủy thủ tàu 41 giả treo cờ “ba que” và giơ cao những xâu cá, mực như những ngư dân thứ thiệt nên lừa địch rút lui.

Nửa đêm 28-11-1964, tàu 41 vào vịnh Vũng Rô nhưng không bốc hết vũ khí trong đêm để tàu rời bến trước 3h sáng. Dù vịnh Vũng Rô có mực nước sâu, núi chắn kín gió, nhưng chỉ có một cửa ra vào và không nơi cho tàu trú ẩn như rừng tràm, rừng đước ở Nam bộ.

Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh cùng cấp ủy Chi bộ tàu 41 quyết định phương án huy động bộ đội, dân công địa phương chặt cây rừng phủ lên những tấm lưới giăng từ chân núi ra Bãi Chính, phủ kín thân tàu hóa thành… “mỏm núi”. Ông Thạnh nhớ lại: “Lúc đó, đường bộ qua đèo Cả đã bị địch phong tỏa, bộ đội, dân công địa phương phải ăn sung rừng, trước khi khởi hành chuyến tàu thứ hai đêm 25-12-1964”.

Lần thứ ba, tàu 41 vận chuyển hơn 60 tấn vũ khí rời Hải Phòng đêm 28-1-1965, vượt qua nhiều trở ngại vào bến Vũng Rô gần nửa đêm 30 Tết (1-2-1965). Khi ông Trần Suyền - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên lên tàu 41 cũng là lúc chiếc radio ở phòng báo vụ âm vang lời chúc Tết của Bác Hồ kính yêu trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam.

Gần 3h sáng mùng 1 Tết Ất Tỵ, tàu chuẩn bị rời bến thì nữ dân công Nguyễn Thị Tản trao cho Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh nắm đất gói trong khăn tay, rồi bày tỏ: “Xin gửi nắm đất Phú Yên theo tàu ra Bắc. Dù mảnh đất này bom cày, đạn xới, nhưng chúng tôi vẫn giữ vững niềm tin chiến thắng khi đã có vũ khí chi viện từ miền Bắc thân yêu”.

Bây giờ, nắm đất đó lưu giữ ở Bảo tàng Hải quân Việt Nam, hình ảnh trao nhận nắm đất được tái hiện bằng bức tượng đồng tại Nhà truyền thống Lữ đoàn Hải quân 125 ở quận 2, TP Hồ Chí Minh.

Một góc Vũng Rô - Phú Yên hôm nay.

Khi tàu 41 rời Vũng Rô, ông Lê Văn Thêm - Thuyền trưởng tàu 143 cùng 17 thủy thủ được lệnh vận chuyển 63 tấn vũ khí vào bến Lộ Diêu, tỉnh Bình Định. Do có nguy cơ mất an toàn, nên Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ đạo tàu 143 chuyển hướng vào Vũng Rô đêm 15-2-1965. Mặc dù phải đón chuyến hàng ngoài kế hoạch, nhưng bộ đội, dân công bến Vũng Rô vẫn nỗ lực bốc dỡ vũ khí trước 3h30 sáng 16-2-1965.

Khi tàu rời bến thì hệ thống kéo neo bị hỏng, đến 5h sáng mới sửa chữa xong. Ra biển lúc này dễ bị lộ, nên tàu 143 neo lại Bãi Chùa. Dù đã được giăng lưới, phủ lá rừng che kín chiếc tàu nối liền chân núi để ngụy trang, nhưng sáng hôm đó, phi công Mỹ lái trực thăng từ Quy Nhơn vào Sài Gòn phát hiện “mõm núi” lạ nhô ra Bãi Chùa, nên Bộ Tư lệnh Vùng II Quân lực Việt Nam Cộng Hòa điều máy bay chụp ảnh và nhận ra nét khác biệt với những tấm ảnh trước đó.

Chiều cùng ngày, địch huy động máy bay phóng rốc két cháy lá ngụy trang, tàu 143 chao nghiêng, không thể kích hoạt chất nổ bên trong. Với quyết tâm cao nhất, Đại đội K60 cùng dân quân địa phương kiên cường chống trả các cuộc tấn công của địch, vận chuyển nửa tấn thuốc nổ phá hủy tàu 143 trong đêm 17-2-1965. Những ngày sau đó, chiến sự ở Vũng Rô diễn ra ác liệt, nên bến Vũng Rô khép lại nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí chi viện từ miền Bắc.

Với riêng Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, ông tiếp tục chỉ huy thêm 2 chuyến tàu không số vào Quảng Ngãi, Cà Mau. Khi chở 40 tấn vũ khí vào bến Phổ An, tỉnh Quảng Ngãi đêm 27-1-1966, tàu 41 bị hư hỏng chưa kịp khắc phục thì tàu chiến địch bao vây, nên thuyền trưởng chỉ đạo kích hoạt chất nổ phá hủy chiếc tàu.

Trong lúc bơi vào bờ dưới tầm đạn địch, thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ Trần Văn Nhợ đã nằm lại ở bến Phổ An, ông Thạnh cùng 18 thủy thủ ngược đường Trường Sơn về lại Hải Phòng, tiếp tục làm người lính biển…

Hơn 60 năm tuổi Đảng, 30 năm lính biển, ký ức người thuyền trưởng năm xưa đầy ắp những kỷ niệm buồn vui, nhưng đêm giao thừa trên con tàu không số nghe Bác Hồ chúc Tết Ất Tỵ giữa vùng địch ở bến Vũng Rô mãi mãi là kỷ niệm sâu sắc nhất. Từ những kỳ tích lập nên trong hành trình vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam, ngày 11-1-1973, tàu 41 được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT.

Đài tưởng niệm những chuyến tàu không số bên bến Vũng Rô.

Sau ngày đất nước thống nhất, Trung tá Hồ Đắc Thạnh làm Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, đến năm 1984 đã nghỉ hưu về cư trú ở phường 5, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Mấy lần ông chủ động rút tên trong danh sách anh hùng chỉ vì ý nguyện dành lại phần thưởng cao quý này cho những đồng đội đã hy sinh, thế nhưng nghĩa cử cao đẹp, giàu tính nhân văn của anh Bộ đội Cụ Hồ này cùng những chiến công huyền thoại luôn xứng đáng tôn vinh.

Ngày 10-10-2011, Trung tá Hồ Đắc Thạnh được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 – 23/10/2011).

Chiều xuống chậm. Vịnh biển Vũng Rô trầm lắng và dịu êm. Trong tiếng sóng biển thì thầm, dường như có tiếng của những người lính đã nằm xuống trong năm xưa vọng về từ cơn gió thoảng. 

Ngước nhìn lên phía Đài tưởng niệm sự kiện tàu không số Vũng Rô, bất chợt tôi thấy lòng mình nao nao khó tả. Một tượng đài bất diệt về sự hy sinh thầm lặng mà cao cả của các bậc cha anh mãi trường tồn với thời gian.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.