Người cha của những đứa trẻ mồ côi

Thứ Hai, 12/09/2016, 20:33
Ông là Nguyễn Trung Chắt, SN 1952, trú tại thôn Phú Cường, xã Phú Thịnh, huyện Kim Động, Hưng Yên. Chúng tôi tìm đến Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu đúng vào lúc những đứa trẻ vừa đi tựu trường về. Đứa lớn dắt đứa bé rồi khoanh tay lễ phép chào ông Chắt.


Người lo chuyện bao đồng

Ông là Nguyễn Trung Chắt, SN 1952, trú tại thôn Phú Cường, xã Phú Thịnh, huyện Kim Động, Hưng Yên. Chúng tôi tìm đến Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu đúng vào lúc những đứa trẻ vừa đi tựu trường về. Đứa lớn dắt đứa bé rồi khoanh tay lễ phép chào ông Chắt.

Nhìn cảnh đó nếu ai không biết sẽ nghĩ rằng ông Chắt đang chào đón những đứa cháu ruột thịt của mình. Ông âu yếm cười với bọn trẻ rồi quay sang nói với chúng tôi: "Chúng đều là những đứa trẻ tội nghiệp, nhiều đứa bị bố mẹ và người thân bỏ rơi từ khi mới lọt lòng.

Những đứa trẻ ở đây đều có chung một người cha.

Đứa thì bố mẹ mất vì tai nạn, vì bạo bệnh, ông bà không nuôi được nên đành gửi vào Trung tâm này". Nói về cơ duyên thành lập trung tâm, ông Chắt chia sẻ: "Sau khi nghỉ công tác trong quân đội, năm 1992, tôi được mời phối hợp với các dự án dành cho trẻ mồ côi của UNESCO ở Việt Nam. Làm công việc này tôi được đi nhiều nơi, thăm nhiều trại trẻ mồ côi.

Bắt đầu từ những lần đó tôi cứ bị ám ảnh bởi những đứa trẻ bất hạnh. Trong tôi luôn thôi thúc phải làm một việc gì đó có ích cho chúng. Vì ngoài kia còn có quá nhiều những đứa trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ khác". Suy nghĩ ấy cứ đau đáu trong lòng người cựu chiến binh già.

Năm 2002, ông bắt đầu khởi động ý tưởng xây dựng một trung tâm dành cho trẻ mồ côi ngay tại quê hương mình. Ban đầu ông chỉ định mượn ngôi nhà cấp 4 của Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Kim Động làm tổ ấm cho những đứa trẻ mồ côi. Nhưng trong quá trình sửa chữa, vì quá cũ nên ngôi nhà đã bị sập.

Hôm sập nhà, ông Chắt bảo mình mất ngủ cả đêm vì không biết lấy đâu ra tiền để xây nhà mới. Đành gác lại kế hoạch đã định, ông dành 2 năm sau đó để đi khắp nơi vận động các nhà hảo tâm quyên góp cho dự án thành lập Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu.

"Hồi đó cũng không mấy người biết tôi là ai, hơn nữa tôi lại đi kêu gọi cho trung tâm bảo trợ ngoài công lập nên rất ít người ủng hộ. Không thể trông chờ quá nhiều vào khách quan, năm 2004 ông Chắt quyết định vay mượn và dồn toàn bộ những đồng tiền tiết kiệm của mình để xây dựng Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu.

24 đứa trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ đã được ông Chắt đi khắp nơi gom về trung tâm. Ban đầu, ông chỉ nhận nuôi những đứa trẻ bắt đầu tới độ tuổi đi học. Nhưng càng đi nhiều ông Chắt càng phải chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm nên ông quyết định nhận nuôi cả những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.

Cũng trong năm 2004, biết được việc làm của ông, một người bạn Việt kiều đang sinh sống ở Thái Lan ngỏ ý muốn giúp đỡ cho các em người dân tộc thiểu số.

Ông Chắt đã tư vấn để phối hợp cùng bạn mình mở một Trung tâm Hy vọng ở Lạng Sơn, lấy tên là Trung tâm Hy vọng Lộc Bình. Khi đó Trung tâm Hy vọng Lộc Bình ở Lạng Sơn đã nhận nuôi được 48 em.

Nụ cười hạnh phúc của ông Chắt khi nói về sự trưởng thành của các bé tại trung tâm.

Cuộc sống của trẻ em nghèo và các em có hoàn cảnh cơ nhỡ nơi đây đang đi vào ổn định thì 3 năm sau không may người bạn của ông qua đời vì tai nạn. "Nói thật lúc nghe tin bạn tôi bị tai nạn tôi sốc lắm. Thương bạn mười phần thì lo cho số phận của những đứa trẻ ở trung tâm Lộc Bình trăm phần.

Thiếu sự tài trợ của bạn, tôi chỉ lo trung tâm phải giải tán" - ông Chắt nhớ lại những ngày tháng cam go. Một mình xoay xỏa Trung tâm Hy vọng Cầu Tiên cũng khiến ông Chắt nhiều khi thấy kiệt sức. Giờ đây nếu phải "gánh" thêm Trung tâm bảo trợ của người bạn ông không biết mình sẽ phải làm gì.

Nhưng cứ nghĩ đến những đứa trẻ rồi sẽ phải quay trở lại cuộc sống cầu bất cầu bơ khiến ông Chắt đau thắt lòng. Một lần nữa ông lại đi vay tiền để duy trì Trung tâm Lộc Bình. Ông Chắt tâm sự: "Thời gian đầu khi phải duy trì cả hai trung tâm đúng là quá sức. Nhưng sau này khi việc làm của tôi được nhiều người biết đến hơn.

Họ thấy tôi thật lòng yêu thương, lo lắng cho bọn trẻ nên đã tài trợ nhiều hơn. Nhiều bà con trong làng, trong xã chứng kiến tôi vất vả họ cũng quyên góp tiền và các vật dụng thiết yếu chung tay cùng tôi nuôi các cháu".

"Thắp sáng" những mảnh đời côi cút

Mỗi đứa trẻ số phận khác nhau. Đứa bị người thân bỏ rơi từ khi mới lọt lòng, đứa thì mất hết người thân không còn nơi nương tựa. Trước khi đến với trung tâm chúng phải sống cảnh vất vưởng, màn trời chiếu đất.

Mẹ Với đang chuẩn bị bữa ăn cho các bé.

Dù chẳng phải máu mủ ruột rà nhưng ông Chắt vẫn thương chúng tới cháy lòng cháy ruột. Chỉ vào một bé gái xinh xắn đang nô đùa dưới sân, ông Chắt nói: "Đó là con bé Phương Anh. Mẹ Phương Anh bị bệnh tâm thần, chẳng may bị cưỡng bức nên sinh ra con bé.

Ông bà ngoại nghèo lắm, lại già nữa nên không đủ khả năng nuôi Phương Anh. Khi Phòng Lao động Thương binh và Xã hội của huyện Kim Động gọi tôi xuống và trao đổi về trường hợp này tôi đã xuống tận nơi đón cháu về trung tâm.

Mới mười mấy ngày tuổi mà Phương Anh đã từng một lần chết hụt rồi đấy, lần đó mẹ cháu nhét vào miệng của con bé một miếng hoa quả to làm nó bị nghẹn, tím tái người. Lúc tôi đón nó về nó mới chỉ 17 ngày tuổi thôi, bé loắt choắt chưa đầy 2kg. Chả ai nghĩ rồi nó sẽ lớn được như bây giờ".

Cũng giống như Phương Anh, hoàn cảnh của bé Huyền Tâm khiến ông Chắt nghẹn lòng. Tối 26 Tết Quý Tỵ, khi về Trung tâm cho các cháu liên hoan tất niên thì ông Chắt nhận được điện thoại từ Bệnh viện Nhi Hà Nội thông báo có một sản phụ chuẩn bị sinh con nhưng không có khả năng nuôi con mình.

Đó là một người mẹ trẻ còn đang ngồi trên ghế giảng đường, vì nhẹ dạ cả tin nên trót dại. Không muốn từ bỏ giấc mơ đại học nên người mẹ này đành phải từ bỏ cốt nhục của mình. Nghe tin đó, 11h đêm ông Chắt cùng mẹ Với (người của Trung Tâm) đã bắt taxi lên Bệnh viện Nhi Hà Nội để chăm sóc cho hai mẹ con sản phụ.

Hôm sau, ông lại bắt xe chở cả hai mẹ con về trung tâm ăn Tết. Sau khi sức khỏe đã ổn định, người mẹ trẻ xin phép trở về nhà và để con mình ở lại trung tâm.

Không chỉ chăm sóc, nuôi nấng, cho các em học hành tới nơi tới chốn, ông Chắt còn tận tình thuốc thang, chữa trị cho những bé bị bệnh. Em Đào Thị Luyến ở xã Ngọc Thanh (huyện Kim Động) bị bệnh tim bẩm sinh nên phải bỏ học.

Biết tin, ông đã đón Luyến vào Trung tâm và chăm sóc theo chế độ đặc biệt. Đến năm 2011, ông Chắt đã đưa em đi mổ tim tại Bệnh viện Việt Đức.

Kinh phí cho hai ca phẫu thuật chủ yếu do sự đóng góp của gia đình ông Chắt cộng với sự giúp đỡ của anh em bạn bè và một số tổ chức. Đến bây giờ, Luyến đã khoẻ mạnh và phát triển bình thường.

Ở Trung tâm bảo trợ xã hội Hy vọng Tiên Cầu ngoài ông Chắt còn có mẹ Với, mẹ Hương, mẹ Bình. Cả 3 người phụ nữ này đều gắn bó với trung tâm ngay từ những ngày đầu.

Trung tâm Hy vọng Tiến Cầu.

Để giảm thiểu các chi phí sinh hoạt các mẹ phải tự tăng gia sản xuất như trồng lúa, thả cá, chăn gà chăn vịt. Với những trẻ học tốt, ông Chắt bảo sẽ cho các con học tới cùng. Những trường hợp "sợ học" ông sẽ cho đi học nghề.

Ông chia sẻ: "Các con không học được cái chữ thì phải cho các con cái nghề để sau này khi ra ngoài xã hội không lo bị chết đói". Hiện nay, nhiều đứa trẻ đã được ông gửi đi học tại các trường dạy nghề như: nghề may, nghề điện, cơ khí.

Hỏi ông Chắt về những dự định sắp tới cho Trung tâm bảo trợ Hy vọng Tiên Cầu và Lộc Bình ông cười đáp rằng: "Cũng chẳng dám mơ mộng gì nhiều chỉ mong trung tâm được duy trì cho các cháu có mái ấm. Tôi chỉ tha thiết kêu gọi tấm lòng của các nhà hảo tâm hãy cùng tôi chung tay giúp những mảnh đời bất hạnh. Thực sự chúng cần lắm một mái ấm tình thương".

Ngọc Anh
.
.
.