Người chế tác đàn tính nổi tiếng nơi phố núi

Thứ Ba, 06/12/2016, 10:48
Đối với các dân tộc Tày, Nùng, Thái sống trên các vùng núi cao, cây đàn tính chính là linh hồn của họ. Với niềm đam mê hát then, ông Trương Văn Đức (64 tuổi) ở tổ 5, phường Hòa Chung, thành phố Cao Bằng, đã làm ra hàng trăm cây đàn để phục vụ người dân và những người yêu thích nghệ thuật hát then.


Trong chuyến đi Việt dã về thành phố Cao Bằng, chúng tôi đã được ông Đức chia sẻ về cách làm đàn tính. Ông Đức không biết hát then nhưng lại dành tình yêu cho đàn tính và rất tỉ mẩn trong các công đoạn tạo ra nhạc cụ này.

Chế tác đàn tính  vì đam mê hát then

Chúng tôi đã từng đi rất nhiều nơi, từng khám phá rất nhiều nhạc cụ của các dân tộc khác nhau. Người Ba Na, Gia Rai, Ê Đê ở Tây Nguyên họ có đàn T'rưng.

Người Vân Kiều ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế họ có đàn Ta Lư. Người Tày, Nùng, Thái ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang…, họ có đàn tính.

Đàn tính của người Tày xuất phát từ đời sống tinh thần nên nó có sức lôi cuốn và kết nối cộng đồng. Điều khác biệt của cây đàn tính là nó chỉ có 3 dây.

Theo ông Đức, ý nghĩa của ba dây này là: Dây son tượng trưng cho tiếng thánh thót của người mẹ. Dây đồ là tiếng của người cha, dây sòn ở giữa là tiếng tâm tính của đất nước. 

Ông Đức là người Nùng, quê gốc ở huyện Quảng Uyên (Cao Bằng). Từ nhỏ ông Đức đã được tiếp xúc với nền văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt là hát then đàn tính.

Theo ông Đức, người ta cần đến then với nhiều lý do, có khi là chúc thọ cho ông bà cha mẹ, mừng đón xuân mới, mừng nhà mới, mừng sinh con đầu lòng, cầu mùa màng bội thu, trừ diệt ôn dịch, làm lễ cầu hoa cho vợ chồng muộn con.

Cũng có thể là chúc tụng ca ngợi thành đạt, làm ăn phát tài, cúng cho người ốm khỏi bệnh, tiễn hoa héo khi trong nhà có trẻ bị chết, hay làm lễ mãn tang. Chính vì vậy then có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong đời sống văn hóa của người Tày, Nùng.

Ông Trương Văn Đức là người chế tác đàn tính nổi tiếng ở thành phố Cao Bằng.

Người Tày, Nùng họ chia vũ trụ thành ba tầng: Tầng trời, tầng đất và tầng ở dưới mặt đất. Tương ứng với 3 tầng này, họ lại chia thành ba cõi: Cõi trời, cõi dưới đất và cõi trần gian. Cõi trời là cõi của ngọc hoàng, nàng tiên, then bụt và những người sống thanh bạch. Cõi trần gian là nơi sống của muôn loài, cõi dưới đất là nơi ở của yêu ma quỷ quái. Dù ở cõi nào thì họ vẫn có mối liên hệ về đời sống tâm linh với nhau. 

Ông Đức cho rằng then là thiên trời, là sinh động hóa quan niệm về thế giới ba tầng của người Tày. Trên cõi trời, ngọc hoàng sẽ sai then xuống trần gian để giúp con người bình an, khỏe mạnh. 

Thầy then sẽ là người đại diện cho cõi trời, cõi trần gian và cõi dưới đất. Công cụ của thầy then chính là cây đàn tính. Then chính là văn hóa tín ngưỡng rất đặc trưng của người Tày, bởi nó có sự hiện diện của đàn tính.

Trong các nghi lễ của người Tày không thể thiếu cây đàn tính và những khúc hát then. Cây đàn tính không chỉ đệm cho lời then thêm bay bổng mà nó còn khiến cho người nghe biết được mỗi chặng hành trình của then, lên thượng giới rồi lại trở về. 

Rất nhiều cây đàn tính do ông Đức chế tác.

Cũng theo lời ông Đức, mỗi lần đi nghe hát then, thầy then sẽ hát cả đêm, cũng có thể là theo yêu cầu của gia chủ, một đêm hay mấy ngày đêm, bởi hát then dài bất tận.

Đi xem then hay đi nghe then người ta đều thấy thú vị, bởi ở đó là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa được lưu truyền lại. Cũng có thể là đêm lầu then cấp sắc, đêm kỷ yên cầu sự ấm êm, đêm hết khoăn cầu sức khỏe. Mỗi đêm then đều có mục đích riêng nhưng tựu trung đều hướng đến sự thánh thiện, nhân văn của con người. Đó là sự cầu mong cho gia đình mạnh khỏe, thế giới bình yên, âm dương hài hòa…

Ông Đức đã từng ngồi nghe nhiều đêm then, có khi ngồi vài ngày đêm. Với mỗi đêm then, ông Đức lại có những cảm xúc khác nhau, bởi giọng hát và tiếng đàn tính của thầy then khác nhau. Ông Đức bộc bạch với chúng tôi rằng: “Nhiều lúc tôi tự hỏi: Điều gì khiến cho người ta yêu thích then đến thế. Và rồi tôi lại tự trả lời, chính tiếng đàn tính lay động tận tâm can đã làm cho người ta yêu thích then”. 

Đàn tính khiến cho then trở nên khác biệt so với các nghi lễ tín ngưỡng khác. Bởi nó là lối diễn xướng tổng hợp, phong phú nhất, khiến cho tâm hồn con người trở nên lạc quan.

Cũng bởi sự say mê hát then nên ông Đức rất tỉ mẩn trong việc làm đàn. Ông Đức tâm sự: “Cũng bởi tôi yêu thích hát then đàn tính nên mới có ý tưởng tạo ra những cây đàn. Thế rồi tôi đã mượn những cây đàn tính của các nghệ nhân về, tự nghiên cứu, tự chế tác. Qua bốn năm nay, những cây đàn của tôi làm ra đã được người dân địa phương và các nghệ nhân yêu thích nghệ thuật hát then đàn tính rất hài lòng”.

Cần đàn được đục đẽo theo hình con rồng.

Độc đáo cây đàn tính tẩu

Theo ông Đức, đàn tính có từ bao giờ không ai còn nhớ nữa. Ông Đức cũng chỉ nghe các cụ kể lại rằng: Xưa kia có anh chàng Xiên – Cân đã ngoài 30 tuổi mà chưa lấy vợ. Buồn cho số phận của mình, Xiên – Cân chỉ biết làm bạn với tiếng hát. Xiên – Cân lên trời xin nàng Dâu hạt dâu về trồng để nuôi tằm. 

Khi đã có dây tơ và quả bầu, Xiên - Cân lên rừng lấy cây “khảo hương” về làm cần đàn và sừng đàn.  Đàn của Xiên - Cân có 12 dây, khi anh gảy lên khiến muôn loài đều mê mẩn. Thấy vậy, bụt đã bắt Xiên – Cân cắt đi 9 dây và nó chính là đàn của người Tày bây giờ.

Bầu đàn là những vỏ quả bầu khô.

Ông Đức cho biết: “Để hoàn thành đàn tính phải mất hai ngày cùng rất nhiều công đoạn. Phải có bầu đàn và cần đàn. Theo kinh nghiệm dân gian mà sau này như một công thức cho tỷ lệ bầu đàn và cần đàn là “slam căm tẩu, cẩu căn càn” (tức là chiều rộng mặt bầu được đo bằng ba nắm tay, chiều dài cần đàn là chín nắm tay). Sau khi cưa quả bầu thành 1/3, tôi lại tách hột ngâm nước một tuần. Ngâm nước xong, tôi tiếp tục dùng xơ mướp đánh nhẵn phần vỏ phía ngoài rồi mới phơi khô”.

Công đoạn tiếp theo là làm nắp đàn. Nắp đàn là một tấm gỗ nhẹ, mỏng, ông Đức phải chà mịn sau mới gắn keo. Theo ông Đức ngày nay nhờ có keo con voi nên quá trình gắn nắp đàn cũng dễ hơn, chứ ngày xưa phải vào rừng để kiếm nhựa cây hồng. Việc lấy nhựa cây không phải mùa nào cũng có bởi một năm chỉ có một mùa.   

Trong tất cả các công đoạn, việc làm cần đàn đòi hỏi phải tỉ mỉ và cẩn thận. Cần đàn hoàn toàn làm bằng thủ công và phải tìm bằng được cây “páu dung” vì nó nhẹ, bền, không bị mọt. 

Để cần đàn của mình trở nên độc đáo và lạ mắt, ông Đức đã chế tác cần đàn theo hình con rồng. Sau khi lắp cần đàn vào bầu đàn, ông Đức mới đục lỗ thoát âm thanh. Phần cuối cùng là đánh nhẵn cần đàn sau mới sơn và lên dây đàn.

Nắp đàn đã được ông Đức gắn keo rất cẩn thận.

Theo các nghệ nhân, đàn tính thuộc họ đàn dây, dùng ngón tay trỏ của tay phải để gảy. Đàn gồm ba dây, dây thấp nhất lại là dây giữa, luôn luôn thấp hơn dây cao nhất một quãng 8. 

Có hai kiểu lên dây, quãng 5 (tăng nặm), quãng 4 (tàng bốc). Tên gọi của các dây như sau: Dây cao gọi là Tiền dây, thấp gọi là Hậu, dây trầm ở giữa là Trung. Cách lên dây đàn cũng có những quy định như sau: Khi đàn đang ở “táng nặm” (quãng 5) muốn đổi sang “tàng bốc” (quãng 4) hoặc ngược lại, thì chỉ có thể điều chỉnh dây hơi lên hoặc xuống chứ không bao giờ được điều chỉnh dây Tiền.

Ưu điểm của đàn tính sau khi hoàn thành là nhẹ, âm thanh vang xa. Mỗi một cây đàn đẹp, được đẽo gọt tỉ mỉ, gửi gắm vào đó là cả sự đam mê, sáng tạo có mức giá 600 nghìn đồng, tùy chọn. 

Tủ đàn của ông Đức có cả đàn bé, thấp nhất là 4 đến 5 trăm nghìn đồng, đàn to, cần đàn dài là một triệu đồng. Đàn của ông Đức chủ yếu phục vụ cho những người yêu thích nghệ thuật hát then. Ông Đức làm đàn cũng tùy theo yêu cầu của khách hàng hoặc làm theo đơn hàng từ các trường văn hóa nghệ thuật…    

Văn hóa dân gian cũng giống như những tầng phù sa theo dòng thời gian trôi về bồi đắp mãi cho những người yêu thích đàn tính. Càng đi sâu vào tìm hiểu cây đàn tính, chúng tôi càng thấy nó có sức hấp dẫn riêng biệt. Cây đàn tính rất đơn giản, dễ chế tác, dễ truyền dạy và nó đã trở thành vẻ đẹp đặc trưng của âm nhạc văn hóa Tày.

Từ bao đời nay, cây đàn tính đã được người dân tộc Tày gìn giữ cẩn thận, trở thành vật linh thiêng của các nghệ nhân. Còn đối với những người bình thường, cây đàn tính trở thành người bạn tri ân thân thiết để bộc bạch nỗi lòng hay những lúc vui buồn. 

Qua tìm hiểu cách làm đàn của ông Đức, chúng tôi cảm thấy yêu hơn, tự hào hơn về văn hóa Tày, thật sự nó đã làm phong phú cho nền văn hóa Việt Nam. Đàn tính hát then là sản phẩm của tâm hồn, trí tuệ người Tày từ thuở xa xưa cho tới bây giờ. 

Minh Phượng
.
.
.