Người chiến sĩ gác cầu Chương Dương và chuyện gần 20 năm chưa thể làm

Thứ Sáu, 20/02/2015, 09:00
Vào một buổi sáng như một ngày, ở nơi quán quen bên cạnh Nhà thờ lớn Hà Nội, Thượng tá Lê Đức Đoàn ngồi đó như ngẫm nghĩ về những ngày tháng thăng trầm của cuộc đời và những kỉ niệm xưa cũ. Cho đến khi về hưu, quán nước nhỏ này vẫn luôn là nơi gắn bó với ông qua từng năm tháng. Bởi ở đó ông cảm nhận được sự bình yên, thư thái, một không gian tĩnh lặng khác biệt với những bộn bề, xô bồ của cuộc sống mà ông lắng nghe và theo dõi qua nét mặt của những người dân đi đường...

Có lẽ không ai có thể quên được hình ảnh người chiến sĩ CSGT cần mẫn ở trạm gác phía Nam cầu Chương Dương. Trong ngày cuối cùng làm việc, ông nước mắt lưng tròng khi nhận lấy những lời chúc, lời cảám ơn và những cái bắt tay thân mật từ người đi đường. Đó là tình cảm và cũng là tài sản quý giá nhất mà ông nhận được sau gần 20 năm làm công tác giữ gìn trật tư,å an toàn giao thông bên cây cầu Chương Dương.

Gặp ông bên quán nước quen thuộc để nghe ông kể lại một quá khứ mà ông cho là rất đỗi bình thường đối với một người chiến sĩ. Nhưng cái sự bình thường ấy lại không hề tầm thường chút nào bởi trong những câu chuyện đó, luôn có hình ảnh người CSGT già tận tụy, hết lòng vì công việc.

Thượng tá Lê Đức Đoàn chia sẻ, ông muốn gặp chúng tôi tại quán nước này bởi nơi đây là một góc bình yên trong những ngày còn công tác. Ông cho rằng, mỗi người đều có một bầu trời riêng, một nơi để mình có thể ngẫm nghĩ về cuộc đời nhưng nó không có sẵn, mà mình phải tự tạo ra nó. Cũng vì thế, trong bộn bề suy tư cuộc sống và công việc khi còn công tác, ông luôn dành một chút thời gian để ngồi tại đây, uống một cốc nước chè và tìm cho mình một phút tĩnh lặng.

Thượng tá Lê Đức Đoàn đời thường.

Ông kể: "Trước đây, cả hai đứa con tôi đều học ở gần khu vực này. Mỗi lần đi đón con, tôi lại ngồi lại nơi đây. Cũng không biết từ bao giờ mà tôi thấy thích sự bình yên ở một góc nhà thờ như vậy. Và thế là như một thói quen, mỗi lần chở các cháu đi học, tôi lại dừng ở đây để uống cốc nước chè để cảm nhận sự bộn bề lo toan đã biến mất rồi lại mau chóng trở về chuẩn bị cho một ngày làm việc...".

Thượng tá Lê Đức Đoàn chia sẻ: "Những ngày đầu mới về hưu, tôi cũng nhớ việc lắm. Nhớ những ngày hè nóng như đổ lửa, những ngày mùa đông lạnh thấu xương vì đứng ở bên cầu. Nhưng đặc biệt là nỗi nhớ với những người dân tham gia giao thông, những nụ cười, những cái vẫy tay. Đó chỉ là hành động thoáng qua giây lát nhưng cũng đủ làm ấm lòng những người đang làm nhiệm vụ...". Có lẽ với ông, có hai sự bình yên hoàn toàn khác biệt, đó là một khoảng trời bên góc nhà thờ tĩnh lặng và tình cảm của người tham gia giao thông chen chúc, tấp nập bên cầu Chương Dương.

Trong buổi nói chuyện, cứ chốc lát điện thoại của Thượng tá Lê Đức Đoàn lại đổ chuông. Ông nhấc máy và khoe rằng, đó là những người bạn của ông. Có người là bạn lâu năm, có người lại quen ngay tại nơi công tác. Nhưng họ đến với ông bằng một thứ tình cảm đặc biệt, sự ngưỡng mộ và quý mến.

Ông kể, từ ngày nhận quyết định nghỉ hưu cho đến nay, không ngày nào mà các bạn ông không gọi điện hỏi thăm, người thì mời ăn cơm, người thì rủ uống cốc bia, người thì chỉ gọi để hỏi han sức khỏe. Cứ như vậy, một buổi sáng của ông diễn ra bằng những tiếng cười, bằng những lời cảm ơn với bạn bè, một việc mà ông không làm được khi còn công tác.

Chia sẻ về gia đình, Thượng tá Lê Đức Đoàn cho biết, vợ ông mới nghỉ hưu, con trai lớn cũng đã ra trường và đang công tác trong lực lượng Công an, con gái thứ hai cũng đang học ở một trường đại học danh tiếng.

Thượng tá Lê Đức Đoàn cho rằng, cuộc sống như thế đối với ông đã quá tuyệt vời. Ông cho biết, đối với lực lượng CSGT thì các ngày lê,î Tết như Noel, Tết Dương lịch hay Tết Nguyên đán chính là lúc bận rộn nhất. Khi người người đi sắm Tết hay đi chơi cùng bạn bè thì ông cùng các đồng nghiệp lại phải thay nhau làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Vì thế nên trong thời gian công tác tại Đội CSGT số 1, ông chưa từng được đón một ngày lễ nào cùng gia đình.

Người chiến sĩ gần 20 năm gác bên cầu Chương Dương.

"Vào những ngày lễ lớn, tôi với các anh em luôn phải ứng trực ở những điểm đông nhất, căng thẳng nhất của thành phố, đó là khu vực quận Hoàn Kiếm. Trong khi người ta đang vui chơi với người thân, gia đình thì mình lại phải chen chúc trong đám đông để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Nếu không thật sự tận tâm, yêu nghề, rất dễ nản lòng", ông Đoàn chia sẻ.

Trước đây, khi gần đến ngày Tết Nguyên đán, Thượng tá Lê Đức Đoàn phải thu xếp công việc để cùng gia đình chuẩn bị về quê trước cả tháng. Thậm chí, có những năm bận rộn, ông lại phải để vợ và các con về trước, còn mình về sau. Việc đón Tết cũng vậy, trong khi các gia đình khác có thể sum họp vào đêm 30 Tết thì ông lại phải túc trực trên cầu.

Ông cho biết, đôi lúc nhìn các gia đình cùng nhau ngắm pháo hoa vào ngày Tết, ông cũng mủi lòng, nhưng vì nhiệm vụ, đôi khi người chiến sĩ phải đánh đổi hạnh phúc của cá nhân mình. Rất may mắn rằng, vợ ông luôn hiểu và cảm thông cho công việc của chồng. Còn với những đứa con, việc được nghe bố kể những câu chuyện về cuộc sống, câu chuyện ông góp nhặt được trong quãng thời gian dõi theo những người tham gia giao thông luôn làm cả hai thích thú. Cũng từ câu chuyện đó, các con ông luôn hiểu được công việc của bố vất vả thế nào và cần sự cảm thông từ phía gia đình ra sao.

Và cái Tết sắp tới đây có lẽ sẽ là một cái Tết đặc biệt đối với Thượng tá Lê Đức Đoàn bởi sau gần 20 năm, ông đã được đón một cái Tết trọn vẹn bên gia đình. Khi được hỏi rằng, ông có cùng gia đình đi xem bắn pháo hoa hay không, ông Đoàn trả lời: "Với tôi, việc ở bên gia đình quan trọng hơn bao giờ hết, có lẽ cả gia đình chúng tôi chỉ cần quây quần bên nhau là đủ". Câu hỏi ấy cũng đã kết thúc buổi nói chuyện với Thượng tá Lê Đức Đoàn bởi tôi biết được rằng, ông đang rất thỏa mãn với cuộc sống hiện tại. Một cuộc sống không có sự ồn ào, xô bồ mà rất bình yên, hạnh phúc.

Phong Trâm
.
.
.