Người chơi tem đèn biển

Thứ Sáu, 21/03/2014, 10:30

Khi thấy tôi loay hoay cầm một phong bì khác lạ, có khổ giấy có in hình ngọn hải đăng Vũng Tàu, thì một anh bạn sinh hoạt trong CLB Viet Stamps nói, đây là chiếc phong bì thư tự tạo của ông Huy Khánh, một thời làm ở Công ty Bảo đảm Hàng hải TP Hồ Chí Minh, nay đã về hưu. Chuyện thật lạ! Ông ấy hay chơi cái trò tự gửi thư cho mình. Tôi ngạc nhiên chưa hiểu ra sao và cho đó là  chuyện kỳ cục.

Ngay lúc đó người bạn còn đưa cho tôi xem mấy phong bì khác có đóng dấu ở các trạm đèn biển An Bang, Ba Động, Kê Gà... rồi cho biết thêm ông ấy còn có thú chơi tem toàn in hình đèn biển của Việt Nam và quốc tế nữa. Rồi anh ta còn nói quá lên rằng, ông Khánh là người duy nhất trên thế giới sưu tầm và có bộ tem lớn nhất về đèn biển…

Chuyện tự gửi thư cho mình

Xuất thân từ một cán bộ kỹ thuật trong Công ty, ông Khánh có dịp đi tất cả hơn 80 đèn biển của nước ta và hàng chục đèn biển trên thế giới. Khi gặp ông, tôi hỏi vì sao trên thị trường lại rất hiếm tem in hình đèn biển của Việt Nam, ông bần thần tâm sự:

“Tiếc thế đấy, đèn biển ở nước mình có đến 80 cái nhưng ngành Bưu điện mới chỉ  phát hành có 4 con tem in các đèn ở Long Châu, Cù Lao Xanh, Vũng Tàu và Cần Giờ”.

Nói xong ông đưa cho tôi xem bộ ảnh các đèn biển rất đẹp ở một số trạm thuộc quần đảo Trường Sa. Đó là các đèn Tiên Nữ, Song Tử Tây và An Bang.

Tôi tò mò hỏi về chuyện ông hay đi các nơi để tự gửi thư về nhà để làm gì, thì ông gật đầu xác nhận rồi kể, đó là niềm vui thích của riêng mình. Ông muốn những con tem đèn biển của mình phải có dấu lưu hành của bưu điện; đó là những con tem sống mới có giá trị theo nguyên tắc giao lưu, trao đổi của những người chơi tem ở nước ta cũng như trên toàn thế giới. Nhưng xem ra cách chơi của ông cũng khác người.

Hầu như đến trạm đèn biển nào ông cũng chụp ảnh để lưu lại. Ông còn sưu tầm nhiều ảnh đèn biển được chụp tại các thời gian khác nhau. Sau đó, mỗi bức ảnh đèn ông đều thuê in lên các phong bì tự tạo của mình, cùng với các tư liệu thông tin về đèn ở mặt giấy sau. Ông kể thêm rằng, trên mỗi phong bì đó, ông lại dán một con tem cũng in hình đèn biển, rồi đến tất cả các trạm đèn lấy dấu xác nhận hoặc chữ ký của trưởng trạm đèn. Xong xuôi, ông đề tên người nhận là chính ông, sau đó ra trạm bưu điện gần nhất để gửi về nhà mình. Làm như vậy, ông có thêm dấu bưu điện địa phương đóng lên phong bì của mình để lưu giữ. Thậm chí, có phong bì in tem đèn biển Đá Lát ở Trường Sa ông còn xin thêm chữ ký của một sĩ quan quân đội ở ngay đảo để làm kỷ niệm trong bộ tem. Vậy đó, cứ mỗi dịp đi công tác tại các trạm đèn, ông lại tự gửi thư cho mình để lấy dấu bưu điện ghi dấu thời gian.

Ông Khánh đang đọc tem.

Ông còn nhớ có lần sau khi thiết kế xong phong bì có in hình cây đèn biển Cù Lao Xanh, một cây đèn biển có hơn 100 năm tuổi, trên đảo Cù Lao Xanh, thuộc biển đảo của TP Quy Nhơn; ông dán mẫu tem của cây đèn lên rồi ra tận đảo để gửi thư về cho mình. Đây là con tem đã được phát hành từ năm 1992. Ông muốn lấy chính dấu của trạm bưu điện xã đảo, nhưng không ngờ chị phụ trách duy nhất ở đây đã về nhà để chăm sóc con nhỏ theo tiêu chuẩn của mình, thế là ông phải nhịn ăn ngồi chờ tại trạm. Đến giờ đi làm, cô phụ trách trạm cứ ngơ ngác bởi lần đầu tiên thấy có người tự gửi thư cho mình, với một phong bì thật lạ mắt, in hình cây đèn biển mầu sắc rất đẹp.

Sau đó ông cho tôi xem phong bì thư mới nhất mà ông đã gửi cho ông về vào ngày 30/1/2012, có in hình cây đèn biển Bãi Cạnh, theo dấu bưu điện của huyện đảo Côn Đảo. Câu chuyện mỗi lúc trở nên say sưa, tôi bị cuốn hút theo và thấy thú vị với những hình ảnh kỳ lạ của những cây đèn biển. Những con tem xinh xắn được ông giữ ép cẩn thận trong ni lông trong suốt, mỏng tang…

Những bộ tem đèn biển lạ trên thế giới

Với hơn 600 bộ tem hải đăng, ông đã sưu tầm coi như gần đủ số lượng tem phát hành về đèn biển trên thế giới. Tôi chợt nhắc đến người bạn nói ông là hiện tượng độc nhất vô nhị trên thế giới có bộ sưu tầm tem đèn biển, thì ông đỏ mặt tỏ ra ngại ngần, rồi chậm rãi nói:

“Tôi chỉ có tình yêu với biển cả và ánh sáng chiếu của ngọn đèn cho những con tàu trên biển khơi trong đêm tối. Đó là công việc của chúng tôi, những người thợ đèn mà thôi…”.

Ngay lúc đó ông đưa tôi xem một bộ tem in hình cây đèn biển mang tên Alexandria của Ai Cập. Đây không chỉ là một cây đèn biển thông thường mà là một trong 7 kỳ quan cổ đại trên thế giới. Đối với những người thuỷ thủ, ngọn đèn này tượng trưng cho sự bình yên cho họ mỗi khi ra khơi. Còn với các nhà kiến trúc thì nó là một kỳ quan đặc sắc, có một không hai về bố cục và công nghệ xây dựng từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, trên cảng Alexandria. Ngọn đèn biển này cao khoảng 140m và có sức chiếu sáng tới 50km. Mặc dù đã bị huỷ hoại bởi trận động đất lớn vào thế kỷ 14, nhưng hình ảnh của nó đã được phục dựng với các loại hình nghệ thuật, theo phối cảnh trong bản thiết kế, cùng những bản vẽ còn lại; trong đó có sự hiện diện trên những bộ tem của hơn 10 nước khác nhau, từ cách đây khoảng vài ba chục năm. Vậy mà ông Huy khánh đã cất công sưu tầm sau nhiều năm đã có trong tay 4 bộ tem cổ in hình cây đèn biển này. Đặc biệt trong số đó ông có bộ tem của chính Ai Cập phát hành vào những năm 1980. Đây là một trong số tem quý và có giá trị của ông, cùng với nhiều hình ảnh đèn biển của nhiều nước khác, mà ông đã có dịp đi qua, và đã mua được từ những người chơi tem trong nước và quốc tế.

Một số thư ông Khánh tự gửi cho mình.

Ông kể thêm trong bộ sưu tập của mình còn có tem in đèn biển Macqarie ở Sydney (Úc) được dựng năm 1818, vào loại cổ nhất thế giới còn lại. Con tem cũng thuộc loại cổ phát hành đầu tiên còn in cả các chi tiết trong lòng trụ đèn mà ông sưu tầm được. Có dịp ông đã đến tận đèn để chụp ảnh kỷ niệm. Ông lật giở vài trang rồi giới thiệu bộ tem in 15 đèn biển từ thời Liên Xô (cũ) và cả bộ tem in của CHDC Đức trước đây. Chúng quý hiếm bởi các hình thái và chế độ chính trị của những đất nước này đã không còn tồn tại. Các con tem này càng ngày càng lên giá vì thế.

Trong bộ sưu tầm tem của ông còn những bộ tem quý khác như Di sản Văn hoá của Việt Nam như Mỹ Sơn, Cố đô Huế, Hội An, Phong Nha - Kẻ Bàng, Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc Cung đình Huế. Bên cạnh đó ông còn sưu tầm hàng chục bộ tem in các kỳ quan thế giới và các con tem cổ, nhưng thiệt tình ông chỉ tâm đắc và tự hào với các thành viên CLB qua bộ sưu tầm đèn biển kỳ lạ nhất.

Ánh sáng ước vọng

Chơi tem theo đề tài độc như ông quả tốn công sức và đòi hỏi sự say mê và kiên nhẫn mới có được. Rất thú vị với hàng trăm con tem đèn biển của mình, ông nói:

“Tôi sống với những ngọn đèn biển hàng chục năm qua với bao công việc gắn bó thân thiết. Nay đã về hưu nhưng những con tem này quả như cuốn nhật ký nhà nghề sinh động mà tôi muốn lưu giữ suốt cuộc đời như một báu vật vậy”.

Lật giở tiếp vài trang, ông chỉ thêm cho tôi xem bộ ảnh đèn biển ở ba địa chỉ các đỉnh cực địa đầu Tổ quốc như đèn biển Vĩnh Thực ở Quảng Ninh, đèn ở Núi Nai tỉnh Kiên Giang. Lại nữa, ông còn cho xem một bộ đèn biển đảo Lý Sơn ở Quảng Ngãi được chụp ở ba thời kỳ xây dựng khác nhau sau những lần hư hỏng vì thời tiết và nước biển.

Ánh mắt ông bỗng lấp lánh sáng. Tôi thấy trong tâm hồn ông như có niềm vui rạo rực không cùng. Quả nhiên ông khoe, mới đây ông đã có đề xuất tới công ty tem ở Hà Nội về chuyện quá hiếm tem về đèn biển Việt Nam. May sao nghe ông giám đốc công ty nói đã có kế hoạch đến năm 2013, sẽ có bộ tem mới in hình ảnh những ngọn đèn biển được phát hành trên toàn quốc. Vậy ông mừng là phải.

Đột nhiên ông đưa một con tem nhỏ lên cao và lấy kính lúp cho tôi xem thật rõ ngọn đèn thuộc quần đảo Trường Sa của nước ta. Tôi ngỡ như mình thấy ánh sáng từ ngọn đèn loé lên soi rọi một vùng biển xanh mênh mông. Và có thể lắm chứ, tôi còn nghe được tiếng sóng biển đang vỗ dào dạt trong tâm hồn ông với những ngọn hải đăng kỳ ảo giữa trùng khơi...

Mai Đỗ
.
.
.