Người chuyên "mặc áo" cho các con hẻm TP HCM

Chủ Nhật, 16/04/2017, 07:24
Thời điểm từ 12 giờ đêm trở đi là khoảnh khắc tràn đầy năng lượng và cảm xúc nghệ thuật đối với người đàn ông chuyên "mặc áo" cho những con hẻm TP Hồ Chí Minh.


Lão vẽ như một người điên không biết đến thế giới xung quanh. Những bức tường hoen ố, rêu mốc qua một đêm ngủ say đã được khoác trên mình "tấm áo" rực rỡ sắc màu... 

1. Giữa trưa nắng như đổ lửa, lão họa sĩ già Nguyễn Văn Minh (quận 4, TP Hồ Chí Minh) vẫn thui thủi một mình trong con hẻm ở đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP Hồ Chí Minh) "mặc áo" cho bức tường đã cũ mốc, phủ đầy rêu phong.

Mồ hôi đầm đìa dính bết vào thớ tóc của lão như người ta vừa tắm xong, chiếc áo lão đang mặc cũng vắt cả ra nước. Nhưng điều đó không hề cản trở sức vẽ của lão. Lão có khả năng "tức thơ" trong lúc vẽ và "tạc" thơ trên nền vẽ.

Xen những bức tranh là thơ và châm ngôn.

Nội dung chủ đạo trong tất cả các bức tranh bờ tường của lão là thơ và những câu triết lý được lão "chắt" ra từ kinh nghiệm 75 năm cuộc đời. 

Lão tự hào vì mình có tài cầm, kỳ, thi, họa từ nhỏ. Ngay từ lớp một, lão đã đứng đầu ở tất cả các môn học. Chữ lão viết đẹp như tranh và tranh lão vẽ đẹp như thật. Bạn bè ở các cấp học ghen tị với lão lắm, vì nhà trường tổ chức hội thi nào lão đều rinh giải, chẳng bao giờ cho ai cơ hội.

Lão dễ dàng thi đậu vào Trường Mỹ thuật Sài Gòn (nay là Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh) với số điểm cao chót vót. Từ TP Đà Lạt (Lâm Đồng), lão xách ba lô hăm hở đi "mài lông cọ" để thực hiện ước mơ trở thành họa sĩ tầm cỡ. Nhưng cái mơ ước giản dị ấy của lão sớm bị chiến tranh vùi dập.

Trải qua những binh biến thời cuộc, lão trôi dạt khắp nơi rồi gặp người con gái quê miệt Tiền Giang. Cô ấy mê nghệ thuật và hội họa, lão cũng mê. Hai tâm hồn nhanh chóng "phải lòng nhau" mà không hề gặp trở ngại gì. Cuộc hôn nhân của lão nhẹ nhàng đến như sự sắp đặt của tự nhiên.

Hòa bình lập lại, lão chọn nghề đạp xích lô làm kế sinh nhai. Suốt 10 năm gác lông cọ để "mài đũng quần" trên yên xích lô, lão chỉ kiếm đủ cơm cho vợ và hai người con.

Sau có người bạn giới thiệu lão vào làm tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật  tại quận 4, (TP Hồ Chí Minh) thì lão mới chính thức gác bánh xe. Ở Trung tâm, lão làm đủ thứ nghề. Lão được phân công dạy vẽ, đàn, võ cho học viên. Khi không có học viên thì lão kiêm luôn bảo vệ, giữ xe.

Bao nhiêu năm, lão gói ghém ước mơ vào trong tim, lúc nào cũng dặn lòng phải nhớ và tìm cơ hội vực dậy. Nhưng quay cuồng với cuộc mưu sinh, lão quên luôn cái đam mê nghệ thuật. Cho đến năm 2007, căn bệnh đau nửa đầu bỗng dưng tìm đến lão, hành hạ và quật ngã lão chỉ trong vài tháng phát bệnh và lão phải nghỉ làm.

Trong những con hẻm tối tăm hun hút, lão cặm cụi mài sơn để vẽ.

Ngày đau và đêm thì không tài nào chợp mắt được, dù chỉ vài phút. Lão sút liên tục 26 ký. Người gầy rộc, mắt hốc hác. Lão gõ cửa khắp các bệnh viện không khỏi, gặp rất nhiều bác sĩ cũng bất lực. Lão dùng thuốc ngủ liều mạnh để thiếp đi và quên cơn đau, nhưng càng uống thì càng tỉnh, đầu càng đau dữ dội hơn.

Căn bệnh kéo dài 7 năm, đồng nghĩa với 7 năm lão không ngủ và không thể làm được việc. Chán nản, bĩ cực, lão mặc kệ cho cuộc đời đến đâu thì đến. Tự nhiên trong một buổi chiều ngồi bó gối, lão ngáp liên tục vài cái rồi cảm giác buồn ngủ ập đến. Lão vào giường vừa ngả lưng đã thiếp đi.

Hai tiếng sau tỉnh dậy, lão không thể tin mình vừa trải qua một giấc ngủ thật sâu. Buổi tối, lão hào hứng ra bờ sông bến Vân Đồn đi dạo, gió mát và trời trong bất chợt thúc vào đầu lão cảm xúc về một bức tranh.

Thế là lão quay trở về, lấy cọ ra vẽ một bức đồng quê có cánh cò và lúa chín ngay trên tường nhà mình. Xong lão vươn vai sảng khoái rồi thèm ăn. Đó là bữa ăn ngon nhất trong suốt 7 năm trời không ngủ, chán ăn của lão. 

2. Từ ngày khỏi bệnh, lão say mê vẽ tranh đến lạ. Nhà chật chội, không có giấy vẽ, lão xách lọ sơn ra bờ tường con hẻm 64 đường Nguyễn Khoái ''múa cọ". Bức đầu tiên lão vẽ có tên "Bức họa đồng quê" với con trâu và thảm lúa vàng ươm.

Trên bầu trời, đôi cánh cò chao nghiêng trở về tổ ấm. Lão cho biết, đó chính là nỗi nhớ dai dẳng của lão về ngôi nhà tuổi thơ của mình. Cuộc đời lão trôi nổi khắp nơi, chứng kiến chiến tranh loạn lạc nên lúc nào cũng yêu cái màu bình yên đến thân thương của đồng quê. 

Khi cầm cọ, lão quên hết sự vận động của thế giới xung quanh.

Một dịp về Trà Vinh chơi, thấy người ta huấn luyện cá lóc bay thú vị, lạ mắt quá, lão đứng chôn chân nhìn ngắm không chán mắt, rồi lân la hỏi thăm. Người chủ nói rằng, cá lóc ở sông nước miền Tây thông minh lắm.

Có thể huấn luyện nó bay nhào lên không trung như cá voi ngoài biển. Gom tất cả những điều đó vào bộ nhớ, trở về nhà, lão mang đồ nghề ra ngay đầu hẻm vẽ một bức tranh cá lóc bay vô cùng sống động.

Người dân nhìn bức tranh ngạc nhiên hỏi lão hư cấu sao kỳ vậy? Lão cười khì khì trả lời: "Tranh làm gì có hư cấu, tất cả đều là thật. Ai không tin tôi cho địa chỉ tới đó mà thấy tận mắt". 

Ông bạn già hàng xóm hỏi lão biết tác phẩm "Chiếc lá cuối cùng" của O.Henry không? Lão quá rành mấy câu chuyện văn chương hội họa nên gật gù ngay. Ông bạn nhờ lão vẽ bức tranh "Chiếc lá cuối cùng" để tặng lại cho một người bạn rất thích đọc tác phẩm của nhà văn O.Henry.

Lão hì hục vẽ chiếc lá vàng mỏng manh móc vào hai cành cây khô mục, trên nền trời xám có những hạt tuyết rơi. Ông bạn tấm tắc cùng lão đi tới nhà bạn tặng tranh. Vừa nhìn thấy bức tranh, ông kia chửi vào mặt lão: "Ông khùng hay điên mà đi vẽ bức tranh này tặng tôi.

Ông muốn tôi như chiếc lá sắp rụng hả". Lần đó lão được phen quê muối mặt. Lần khác khi đang xem tivi thấy hoa anh đào nở rực trên đất nước Nhật Bản, mắt lão sáng lên, lấy ngay sơn cọ ra hẻm vẽ. Cặm cụi hơn một tiếng đồng hồ, lão biến bức tường nham nhở, hoen ố thành vườn hoa anh đào rực rỡ. Bà con nhìn anh đào mê tít, lại kéo lão tới cảm ơn. 

Lão có tật hễ ngáp là buồn ngủ và không thể cưỡng lại được, cho dù lúc đó đang ăn cơm thì lão vẫn bỏ dở để lên giường cho thỏa cơn. Đêm khuya tỉnh dậy, lão lặng lẽ ra ngoài đi… vẽ.

Thời điểm từ 12 giờ đêm trở đi là khoảnh khắc lão tràn đầy năng lượng và cảm xúc nghệ thuật. Lão vẽ như một người điên không biết đến thế giới xung quanh. Lão tự ví mình là một "con ma" vẽ tranh.

Có đêm đang ngồi vẽ thì bị ngáp, lão biết đã đến lúc phải ngủ nhưng vì bức tranh chỉ còn độ 10 phút nữa là hoàn thành nên lão cố gắng kiềm chế, gồng mình lên vẽ. Nhưng chỉ đưa được vài nét cọ, lão ngủ gục lúc nào không biết.

Mấy thanh niên đi chơi đêm về thấy lão đang dựa vào bờ tường ngáy thì hò nhau: "Ông này say rượu không biết đường về. Mình khiêng ông vào nhà đi". Bị động vào người, lão tỉnh dậy nói tỉnh bơ: "Không phải say rượu đâu, là say ngủ đó". Sau cơn "say" ấy, lão đã hoàn thành bức tranh tuyệt đẹp. 

Từ ngày nghỉ làm vì bệnh tật, thu nhập của lão không có nên cũng chật vật. Sau khi khỏi bệnh, lão nhận dạy võ cho một trung tâm. Dù không phải là môn năng khiếu sở trường nhưng lão đã đạt đến trình độ taekwondo 3 đẳng. Số tiền ít ỏi từ nghề dạy võ, lão dành ra mua sơn để đi vẽ tranh.

Con hẻm được khoác áo mới với những bức tranh sống động.

Có chừng nào thì vẽ chừng đó, nhiều khi hết tiền mà mê vẽ, lão đi lang thang nhìn ngắm những bức vẽ của mình cho đỡ nhớ nghề. Có hôm đi ngang qua một đống rác thấy người ta bỏ mấy hộp sơn tường nhà và một miếng kính to, lão khoái quá liền đi nhặt một mẩu cây đập dập ra rồi quệt sơn vung lên tấm kính thành bức tranh đa màu sắc.

Lão thẫn thờ ngắm cả tiếng đồng hồ, lòng rạo rực niềm vui. Ra đường hễ thấy giọt sơn nào bị đổ, lập tức lão đi kiếm bịch nilon rồi dùng tay hốt vào mang về nhà. Lão cười nói: "Nhìn thấy sơn tôi mê hơn tiền".  

Hơn hai năm nay, lão bỏ ra khoảng vài chục triệu mua sơn đi "bụi" vẽ tranh. Nhiều người trong hẻm chỉ trỏ bảo lão là khùng. Bản thân lão cũng thấy mình khùng thật, vì làm những việc chẳng giống ai. Thấy lão mê mẩn mà hết tiền, thỉnh thoảng vợ dấm dúi cho tiền để chồng mua sơn.

Hai người con trai của lão không có nhiều tiền nhưng ủng hộ ba hết mình. Lão dí dỏm: "Cả nhà tôi đều mê nghệ thuật. Con trai đầu làm trống, con út đánh đàn. Còn vợ tôi thì hát và múa thuộc hàng nghệ sĩ. Vì thế mà gia đình tôi ít khi cãi vã bất đồng về sở thích "khùng điên" của tôi". 

Sức sáng tạo khỏe khoắn nhất của lão là vào dịp Tết năm Đinh Dậu (2017) vừa qua. Trước Tết khoảng một tuần, lão đã "vung cọ" được 37 bức tranh đa dạng phong phú "mặc áo" mới toanh cho các bức tường cũ kỹ của con hẻm. Bà con phấn khởi lắm, thấy lão là vỗ vai khen tranh đẹp. 

Lão để dành khoảng trống bức tường ngay đầu hẻm để thực hiện ý tưởng vẽ chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Đây là ấp ủ lớn nhất của lão, chỉ cần có đủ sơn là lão bắt tay vào thực hiện ngay. Cho nên, ước mơ lớn nhất của lão là có thật nhiều sơn vẽ...

Ngọc Thiện
.
.
.