Người "cướp cơm tử thần" dưới chân cầu Bình Lợi

Thứ Năm, 11/10/2012, 15:05
Người dân dưới chân cầu Bình Lợi không ai không biết đến ông Ba Chúc - người được mệnh danh là “kẻ cướp cơm của tử thần”. Không phải ngẫu nhiên mà ông lại được gắn cho cái biệt danh rùng rợn như vậy, bởi lẽ hơn 33 năm nay công việc mà ông vẫn thường làm là vớt xác và cứu người chết đuối trên sông...

Mọi nghề đều xuất phát từ tâm

Mon men theo con đường nhỏ dưới chân cầu Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh giữa cái nắng gay gắt của Sài Gòn, chúng tôi đã tìm được nhà ông Nguyễn Văn Chúc (sinh năm 1957) - người được mệnh danh là "kẻ cướp cơm của thần chết". Nói là nhà, nhưng thật ra "cơ ngơi" của ông chỉ là một chiếc ghe nho nhỏ. Ông Ba Chúc đã đi đám từ sớm, chỉ còn cô Nguyễn Thị Hinh, vợ ông ở trên ghe, chúng tôi được cô đón tiếp một cách rất nồng nhiệt.

Được một lúc, chúng tôi nhìn thấy một người đàn ông có nước da ngăm đen, dáng người nhỏ con, đang cười rất tươi với chúng tôi, đồ rằng ông Ba Chúc đã trở về. Tiếp chúng tôi bằng chén trà nóng hổi, chú xởi lởi: “Trà này tốt lắm, các cô uống nhiều vào nhé, ngày nào tôi cũng uống 2 đến 3 bình, nhờ vậy mà khỏe re bơi giữa dòng nước lạnh hoài mà cũng ít đau, ít bệnh".

Trò chuyện với ông chúng tôi được biết, hai vợ chồng ông quê ở Hưng Yên, Vĩnh Phúc. Năm 1954, ông theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Hằng ngày ông vẫn đều đặn lái thuyền theo con nước lớn, nước ròng để đánh bắt cá. Gia đình ông có 5 người con gái, kể tới đây ông đùa: "Ông bà mình nói, nhà nào sinh được “ngũ long công chúa” sẽ rất giàu có, ấy thế mà  hơn 33 năm nay cuộc sống của gia đình tôi vẫn thế, lênh đênh trên sông nước, chỉ có chiếc thuyền này làm nhà, làm kế sinh nhai".

Năm 15 tuổi, ông Ba Chúc đã cùng bố mình cứu sống được một gia đình khi chiếc ghe của họ đâm vào một cây cầu ở quận Gò Vấp. Năm 20 tuổi ông lập gia đình và trôi dạt đến sống dưới chân cầu Bình Lợi này. Ông nói nghe rất đơn giản: "Ở đây, không hiểu sao nhiều vụ tự tử lắm, thấy người ta hoạn nạn, mình làm ngơ sao được". Đang nói, bỗng dưng các nếp nhăn trên khuôn mặt gầy hao ấy xô lại, vẻ khổ đau, ông nghẹn ngào hồi tưởng: "33 năm trước, thấy một cô gái đang trôi giữa dòng sông, xuôi về phía cầu Bình Triệu. Tôi liền lấy mái chèo khều cô gái vào, kéo lên thuyền nhưng do lúc đó... tôi lại chưa biết cách hô hấp, sơ cứu người bị đuối nên khi đưa được đến bệnh viện thì cô ấy đã...".

Ở đây, người ta hay nói ông làm nghề vớt xác, hỏi ra, ông cười cười: "Làm nghề thì phải có công có cán chớ cô. Nhưng mà tôi đâu có làm nghề, làm vì lương tâm thôi à, để tích đức cho con cái sau này. Nhưng mà cô biết không, cứu được một sinh mạng niềm hạnh phúc đó khó gì diễn tả được lắm. Còn những khi cứu không kịp ai đó, tôi giận mình ghê gớm, cứ day dứt mãi không thôi".

Lặng một chút, ông xua tay: "Thôi, không nhắc chuyện buồn nữa. Kể mấy cô nghe, hồi năm ngoái, tôi cứu được một mạng người thành hai". Đêm ấy, đang chập chờn ngủ bỗng nhiên nghe động, âm thanh này bao nhiêu năm qua ông Ba Chúc đã quá quen thuộc. Ngay lập tức, ông nhảy ra khỏi khoang thuyền, lao xuống dòng sông lạnh giá, vớt nạn nhân lên khi người này vẫn còn thoi thóp. Người tự vẫn là một cô gái còn khá trẻ, hỏi ra mới biết cô đã có bầu được 5 tháng. Cô gái sau khi tỉnh táo, cứ một hai đòi lên bờ nhưng vợ chồng ông không cho, lỡ mai cô gái lại nghĩ quẫn thì càng khổ hơn. Suốt một đêm, cô gái không chợp mắt, vợ chồng ông cũng nơm nớp thức... canh, rồi khuyên răn, an ủi. Lúc đầu cô gái chỉ biết khóc nhưng dường như cảm nhận được tấm chân tình của đôi vợ chồng tốt bụng, cô gái đã cởi mở lòng mình.

Cô tâm sự, vì chồng đi nước ngoài làm việc, cô ở nhà lỡ có mang với người khác, do quá xấu hổ với chồng con nên cô muốn quyên sinh. Ông Ba Chúc thở dài: "Tôi nói với cô ấy, cuộc sống này do cha mẹ ban cho chúng ta, không ai được quyền hủy hoại nó, con kiến còn muốn sống, huống chi là con người. Con hãy nghĩ đến đứa con sắp chào đời của mình nó có tội tình gì đâu chứ, nhưng chút nữa con đã hại chết nó đó. Tôi còn nhớ rất rõ, lúc nói xong câu đó, cô gái khóc rất nhiều, cô để tay lên bụng mình và ngập ngừng mấy tiếng: "Mẹ xin lỗi... con", biết cô gái đã bắt đầu muốn sống, chúng tôi mới yên tâm đưa cô gái về nhà".

Cho đi mà không cần nhận lại

Gió ở mũi thuyền thổi càng lúc càng mạnh, tôi quay sang hỏi ông người ta nói "cứu vật, vật trả ơn, cứu người, người trả oán", có bao giờ... , chưa dứt câu ông đã cắt lời: "Không. Tôi cứu người đâu phải mong được trả ơn, nên ơn nghĩa với tôi, có là gì. Rất nhiều lần tôi cứu người ta sống, người ta còn chửi, sao không để họ chết đi, cứu họ làm gì, họ đang muốn chết... Thấy hoạn nạn phải cứu giúp chứ sao, không vì bất cứ điều gì cả, đơn giản mạng sống con người là quan trọng nên cho dù họ mắng chửi, nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc mà cứu những con người chán sống và khuyên họ phải sống".

Ông Ba Chúc đã cứu bao nhiêu người đến nay ông cũng không nhớ nổi vì nhiều quá, trai gái, già trẻ, lớn bé đều có, thậm chí có cả người nước ngoài. Vào những mùa bóng đá như Euro, World Cup, ngoại hạng Anh… có rất nhiều người tìm đến cây cầu Bình Lợi này để tìm đến cái chết. Đa phần do cá cược thua tiền, không trả được nợ, nên đành tìm cái chết để giải thoát. "Có người cứu được, người vớt lên chỉ còn cái xác không hồn, túi áo còn mảnh giấy ghi lịch bóng đá, tôi nhìn mà đau không kể xiết..." - ông Ba Chúc nghẹn ngào.

Nụ cười vẫn luôn rạng rỡ trên gương mặt ông Ba Chúc.

Phải tiếp xúc thường xuyên với những xác chết nhưng chưa bao giờ ông biết sợ là gì. Có nhiều khi vớt phải thi thể đã dần phân hủy mùi hôi thối bốc lên kinh khủng nhưng ông vẫn không nản lòng. Nói rồi ông cười, kể: "Có lần, còn rùng rợn hơn gặp xác người. Lần đó tôi đang đi trên sông thì thấy một người phụ nữ dạt vào bụi lục bình. Tôi liền hành lễ cầu xin bà đã đi rồi thì cho tôi được vớt xác bà lên đem về chôn cất. Vừa khấn tôi vừa cầm dây luồn vào tay người phụ nữ, thì bất chợt tay kia của bà ta chộp lấy tay tôi, tôi điếng hồn, rồi vội lấy lại bình tĩnh. Kéo người phụ nữ lên ghe, sơ cấp cứu xong rồi mà tay chân tôi vẫn còn bủn rủn".

Tôi lại ông, có ai trong số những nạn nhân chú cứu giúp quay lại thăm không, ông liền xua tay: "Cần gì đâu cô, người ta tới đây thì tôi vui, nhưng tôi lại sợ người ta lại gợi nhớ đến những chuyện đau lòng". Ông lại tiếp: "Hồi lâu, có một nhóm công nhân đang sửa chữa cầu Bình Lợi thì bất ngờ giàn giáo bị sập. Tôi đang đánh cá gần đó, liền cho ghe nổ máy đến nhanh và cứu được một đứa tên Đức, quê ở Nghệ An và một người nữa. Sau này, Đức nhận tôi làm cha nuôi, tôi không có con trai, nên vui lắm. Giờ thằng Đức lập gia đình rồi, có đứa con kháu lắm. Thỉnh thoảng, nó vẫn gọi điện từ Nghệ An vào hỏi thăm tôi. Đời tôi, chuyện vui như vậy là đủ rồi".

Cũng có người sau khi được ông cứu ngỏ ý cho vợ chồng ông tiền. Nhưng biết bao lần ông đều nhẹ nhàng từ chối: "Nghèo thì cho sạch, rách cho thơm, làm không phải để nhận được tiền mà làm để cứu người. Luật nhân quả, kiếp này mình nghèo mà mình tích phước thì kiếp sau mình sẽ sống một đời thanh thản".

Mơ ước nhỏ nhoi

Cách chiếc ghe ông Ba Chúc đang ngồi nói chuyện với tôi chừng 15m, là chiếc ghe mà ông vẫn hay cứu và vớt xác người. Chiếc ghe nhỏ lắm, ông kể chiếc ghe đó ngày xưa đã nuôi và che chở cho cả gia đình ông. Sau này các con ông lớn lên, lập gia đình, chỉ còn hai cô con gái út vẫn đang vừa đi học vừa đi làm. Ông nói, được mọi người cho tiền ông sửa chữa lại cái ghe đó để tiện cho công việc, chứ sợ mà đang chạy nó lại dở chứng thì lúc đó cứu người không kịp thì làm sao? Tôi hỏi còn cái ghe ông đang ngồi thì do đâu, ông bảo do nước ngoài tài trợ cho ông, tôi hỏi ai, ông trả lời không biết, chỉ biết họ cho mình là mình mừng lắm rồi.

Từ ngày có chiếc ghe mới này cuộc sống của ông Ba Chúc cũng tạm ổn hơn. ông vẫn đi đánh bắt cá, rồi ai kêu gì làm thêm nấy, chứ đánh bắt cá không đủ sống. Càng tâm sự với ông, tôi càng thấy ông nặng lòng với đoạn sông này. Ông nói, ông không thể bỏ nơi đây để tìm một nơi chốn khác làm ăn bởi một phần ông không thích hợp với những nghề trên bờ và phần chính có lẽ trời sinh ra ông gắn liền với cái nghiệp cứu người, vớt xác.

Vợ ông từ nãy giờ vẫn lúi húi lo cơm nước, từ trong nói vọng ra: "3 năm trước mình cũng ước có một mảnh đất nhỏ ở trên bờ để sinh sống nhưng cô cũng biết rồi đó, hai vợ chồng tôi làm gì đủ tiền mà mua nên thôi. Với lại tôi bệnh cứ đau lên đau xuống, không biết làm gì, lên bờ chắc hai vợ chồng đi bán vé số ăn qua ngày". Và khi cái tuổi xế già đã gần đến, ông cũng chưa từng ước nhà cao, cửa rộng, tiền bạc sung túc mà chỉ mong mình có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc cứu và vớt xác người.

Dòng người chen chúc trên cầu Bình Lợi vẫn ầm ào chạy qua, liệu có ai biết, dưới khúc sông này, có một người đàn ông, bất kể ngày đêm, mưa nắng miệt mài cứu người mà không nghĩ đến tính mạng hay toan tính thiệt hơn...

Phan Hằng – Phạm Diễm
.
.
.