Người đàn bà cần mẫn vớt xác trên sông Lam và nỗi niềm bây giờ mới kể

Thứ Hai, 21/01/2013, 16:41

Dáng người đậm đà, chân chất âm giọng xứ Nghệ với một tấm lòng đôn hậu, chị khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh của một người đàn bà thân phận nhưng đầy nghị lực sống ở một miền quê nghèo thương khó của mảnh đất miền Trung. Nghề chài lưới lênh đênh trên sông nước đồng nghĩa với việc chị phải kiêm thêm nghề vớt xác người chết đuối, một nghề không phải bất cứ ai, dù một giây phút nào đó trong cuộc đời, muốn thử sức mình với nhiều nghi ngại, lo lắng, sợ hãi… Vậy mà chị đã đồng hành cùng nó, suốt chặng đường gần 50 năm…

Qua cầu Bến Thủy, chúng tôi men theo lời đồn về một người phụ nữ được mệnh danh là người đàn bà vớt xác trên sông Lam, một trong những người phụ nữ vạn chài có ngót 50 năm gắn bó cuộc đời mình với nghề sông nước dưới chân cầu Bến Thủy (thuộc địa phận thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Căn nhà nhỏ xinh xắn của chị Nguyệt nằm tĩnh lặng gần mé sông Lam, nơi chị đã gắn bó 50 năm cuộc đời. Căn nhà đơn sơ vài vật dụng cần thiết cho cuộc sống đạm bạc mà nghề vạn chài phải vất vả dành dụm mới mua được.

Khi chúng tôi đến, chị đang chuẩn bị lên thuyền đi đánh cá đêm, công việc quen thuộc kiếm sống hàng ngày của chị và gia đình. Con dâu chị vừa chơi đùa cùng con, vừa chuẩn bị bữa cơm tối cho mẹ và chồng cho kịp lên thuyền đánh cá. Như hiểu được những tò mò của tôi về chuyến đi hằng ngày, chị Nguyệt kể, chị bắt đầu dong thuyền đi từ 8h tối đến sáng sớm hôm sau khi mẻ lưới cuối cùng thu về, chị đi thẳng ra chợ. Hôm nào “thần sông” thương tình cho nhiều tôm cá, đắt hàng, thì chị kiếm được chừng 100 nghìn đồng. Thời buổi kinh tế khó khăn, môi trường thì ô nhiễm, không những nguồn cá tôm khan hiếm mà người mua cũng cân nhắc, đong đếm, mặc cả nên coi như lấy công làm lãi. Bởi vậy, những người vạn chài sống nhờ sông nước như chị cũng vất vả hơn nhiều chứ không được như ngày xưa.

Nói đến ngày xưa, chị Nguyệt kể lại câu chuyện của cuộc đời mình, gia đình chị đến nay đã có 6 đời sinh sống trên dòng sông Lam. Từ thời cụ, ông, cha chị, bây giờ đến con trai chị học xong cấp II cũng lênh đênh theo mẹ làm nghề sông nước. Gia đình chị, ngoài việc sinh sống bằng nghề chài lưới, còn phải làm một công việc để trả nợ thần sông đó là chuyên đi vớt xác người chết đuối trên dòng sông Lam.

Mấy chục năm qua, gia đình chị đã vớt được hàng trăm xác người trôi dạt trên sông Lam. Có những người chết đuối vì đắm thuyền như lần 19 em nhỏ bị lật thuyền tại bến đò Chôm Lôm (xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An), hay nạn nhân là những người thiệt mạng trong vụ đắm xe khách làm 20 người chết đuối trên dòng sông Lam vào tháng 6 năm 2011 vừa qua... Đặc biệt phần lớn trong số đó là những người xấu số buồn phiền vì chuyện gia đình, tình yêu không trọn vẹn, không lấy được nhau, bị phụ bạc, trượt thi cử… đành tìm một lối thoát dại dột là gieo mình xuống dòng sông Lam… Ngoài việc vớt xác, chị thường được người nhà nạn nhân nhờ tắm rửa sạch sẽ cho những cái xác đôi khi không còn lành lặn để họ khâm liệm.

Chị Nguyệt kể lại, gần đây, cô gái tên Lê ở thị trấn Kỳ Anh, Hà Tĩnh, 2 năm liền thi đại học đều trượt nhưng vẫn quyết tâm ôn thi lần thứ 3. Gần đến ngày thi, Lê xuống một lò luyện thi ở TP Vinh. Do áp lực quá lớn vì đã quá tam ba bận, Lê căng thẳng nên đã nghĩ đến việc uống thuốc ngủ để kết liễu cuộc đời mình nhưng may mắn có người phát hiện và kịp thời ngăn lại. Tưởng cô đã từ bỏ ý định dại dột đó, nào ngờ mấy ngày sau, đến đêm Lê lên cầu Bến Thủy và gieo mình tự vẫn. Đó là một cuộc tìm kiếm đầy khó khăn đối với những người vớt xác. Bởi cô gái nhảy trong đêm đã bị nước cuốn trôi đi xa tới cả chục ki-lô-mét. 4 chiếc thuyền câu của gia đình chị đã phải làm việc cật lực mất mấy ngày trời mới vớt được xác cô bé để trao trả cho gia đình mang về mai táng.

Chị Nguyệt.

Cũng trong dòng hồi tưởng, chị chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ như in ấn tượng từ thuở nhỏ bởi những tiếng gọi đò, những tiếng thét trong đêm thanh vắng của người nhà nạn nhân. Có những lúc tôi và các em nằm ngủ trên chiếc thuyền đi vớt xác của cha mẹ mình rồi chợt choàng tỉnh dậy vì thuyền chòng chành và hoảng hốt, sợ hãi khi nhìn thấy xác người tím tái, nhợt nhạt, bê bết bùn đất trên cơ thể được cha mẹ mình vớt lên. Nhưng cảm giác ấy cũng dần qua đi khi chính tay tôi đã giúp cha mẹ kéo những cái xác nặng trịch từ dưới sông lên thuyền. Đã gần 40 năm làm thêm nghề vớt xác, tôi coi đó là nghề làm phúc để những oan hồn được siêu thoát và phù hộ toàn thể cho gia đình mình. Đó là một công việc khó khăn nhưng không thể không làm của những người dân vạn chài chúng tôi. Cũng bởi kề cận nhiều với những xác người, hơi người nên tôi và cha tôi đều bị đau khớp, thỉnh thoảng trở trời đau buốt khổ lắm!”.

Chị Nguyệt chia sẻ rằng, có sống ở dưới chân cầu mới thấy rằng, cuộc sống trước sông nước bao la quả là quá mong manh. Con người chỉ là một cái chấm bé nhỏ trước đất trời, sông nước, bởi thế, những người dại dột vì lý do nào đó đã tìm con đường gieo mình xuống dòng Lam thì rất hiếm hoi để có cơ hội sống sót.

Trong số hàng trăm người nhảy cầu Bến Thủy từ xưa đến nay, chỉ có vài trường hợp may mắn sống sót. Và khi cứu được một người sống, có nghĩa là mình đã lấy đi “bữa ăn” của thần sông, vì thế, bản thân gia đình người được cứu sống phải làm một cái lễ hình nhân thế mạng đốt cho thần sông. Nếu không, chính gia đình thuyền chài sẽ phải chịu hậu quả. Đó là một việc làm phúc nhưng cũng là một cái nợ phải trả của những người dân thuyền chài như gia đình chị. Thậm chí, có những hôm đi đặt câu, thay vì được cá tôm, thì xác người mắc lại. Hầu hết chúng tôi vớt được những cái xác có chủ, nhưng những cái xác vô chủ thì gia đình chị lại phải tự tay đào huyệt để chôn cất họ.

Chị Nguyệt.

Đã ngót 50 năm tuổi đời, nhưng bản thân chị Nguyệt là một phận đời nhiều sóng gió. Ngoài tuổi 20 đẹp như trăng rằm, chị phải lòng một người công nhân xây cầu Bến Thủy quê ở Hải Hưng (cũ). Cầu xây xong, 2 người dắt nhau về quê ở Hải Hưng làm mấy mâm cơm giới thiệu với gia đình chồng.

Sau đó, theo lẽ thường, gia đình chồng yêu cầu chị về theo chồng về quê. Ngày ấy, đường sá, xe cộ khó khăn đủ bề, vì thương các em (mẹ chị mất sớm từ năm 1984, cha chị đã đi bước nữa) nên chị đành phải một mình trở lại quê nhà nuôi con cho đến ngày hôm nay. Cậu con trai được lấy theo tên của cha mình nay đã lớn khôn, đã có vợ và sinh cho chị một đứa cháu nội kháu khỉnh.

Giờ đây, con trai chị cũng tiếp tục nối nghiệp vạn chài của mẹ. Nghĩ lại, chị cũng có chút ngậm ngùi nhưng chị vẫn quan niệm rằng, ở đời, mọi điều đều là phận số, cũng như duyên nghiệp của chị với những cái xác trôi dạt trên sông đều nằm ngoài dự tính. Chị chỉ biết an ủi lòng rằng, mình làm điều tốt thì các con của mình sẽ được hưởng phúc phận của mình để lại. “Phúc đức tại mẫu”, chị mong sự lao động nhọc nhằn hàng ngày của mình sẽ mang lại cho các con một đời sống ấm no, để đến đời cháu chắt của chị, nếu khấm khá hơn, sẽ được học hành đến nơi đến chốn, sẽ có một công việc ổn định ở trên bờ, chứ không phải nhọc nhằn sông nước như đời bà, đời cụ của nó.

Hiện nay, cầu Bến Thủy 2 đang xây dựng cách xa chừng vài trăm mét từ cầu Bến Thủy I, dự kiến trong nay mai sẽ đưa vào sử dựng. Chị Nguyệt lo rằng, có 2 chiếc cầu thì có thể số người bị chết đuối do nhảy cầu sẽ gia tăng.

Cùng với nỗi lo lắng của chị là một câu hỏi mà chị luôn trăn trở, đó là câu hỏi thường trực, vì sao càng ngày càng có những người trẻ tuổi tự tìm đến cái chết trong khi phía trước của họ là cả một tương lai rộng mở. Nhiều trong số đó là những cô bé, cậu bé học sinh mới tốt nghiệp cấp 3, thi không đỗ đại học, sợ áp lực gia đình, lo cha mẹ trách mắng, sợ thua bè kém bạn, cũng có người vì tình duyên không như ý muốn, yêu nhau rồi bị phụ tình cũng tìm đến chiếc cầu định mệnh. Họ hoàn toàn không hiểu được sự mất mát, đau đớn của mẹ cha khi chứng kiến cảnh đứa con mình sinh dưỡng, nuôi nấng ngần ấy năm trời đã kết thúc cuộc đời vì một phút giây nông nổi. Trong khi đó, có hàng nghìn người khác trên thế giới này đang vật lộn từng ngày để được sống khỏe mạnh và có ý nghĩa.

Nghề vớt xác chỉ là một “nghề phụ” so với nghề chính là vạn chài trên sông, song cái nghề phụ ấy lại đã mang đến cho chị nhiều nỗi niềm không biết tỏ cùng ai. Có những lần tắm rửa, chôn cất cho những cái xác vô chủ, cũng phải hương hoa, thuê người đào huyệt, rồi sau đó làm một cái lễ trả nợ thần sông… Ngoài việc chị mắc căn bệnh thấp khớp vì hít phải hơi người chết, chị có một khoản vay nợ ngân hàng khoảng 15 triệu chưa trả được.

Chị Nguyệt bảo, bây giờ sông nước cũng cạn vơi tôm cá, mỗi bữa đi thuyền chài từ 20h đến 5h sáng hôm sau nhiều lắm cũng bán được chừng 80 - 100 nghìn đồng, chỉ đủ tiền trang trải trong gia đình, nói gì đến việc bớt xén, dành dụm.

Kể câu chuyện của mình, chị Nguyệt buông một tiếng thở trầm buồn không thể lý giải nhưng cũng đầy hy vọng, rằng mỗi đêm, sau chuyến đi thuyền trở về, chị không mong muốn có một tiếng kêu than ai oán của những linh hồn lạc lối, chị chỉ mong có một giấc ngủ bù bình an cho cả đêm thức trắng giăng lưới để kiếm sống, dù những gì chị kiếm được cũng chỉ là mớ tôm, mớ cá nhỏ nhoi…

Thùy Chi
.
.
.