Người đàn bà đau khổ nhất Thủ đô vượt lên số phận

Thứ Năm, 23/02/2012, 11:42

Cuộc đời của bà là chuỗi dài những tháng ngày gian truân vất vả. Cống hiến tuổi trẻ, xuân sắc cho chiến tranh bảo vệ đất nước, cho đến khi luống tuổi, chấp nhận lấy một người chồng có tiền sử bị bệnh thần kinh với suy nghĩ sẽ có được một cuộc sống yên ổn. Nhưng số phận thật trớ trêu đã đẩy bà vào cuộc sống khốn khó, chồng bị điên rồi đến các con cũng đổ bệnh…

Gánh nặng gia đình tất cả đều đổ dồn lên đôi vai gầy yếu của một người phụ nữ bệnh tật, vết thương chiến tranh cắn xé. Sống giữa mảnh đất Thủ đô, cuộc sống của gia đình tất cả đều trông cậy vào gánh báo rong của bà. Những khi trời quang mây tạnh nhà bà còn được bữa no, mỗi khi trái nắng trở trời mưa gió, cả gia đình chỉ biết nhìn nhau ngồi lặng thầm với những cơn đói buốt lòng.

Cuộc đời sóng gió của một cựu thanh niên xung phong

Đã hơn 20 năm nay, người dân ở khu phố Cầu Gỗ đã rất quen thuộc với hình ảnh bà Lưu bán báo rong. Ngày nào cũng vậy, khi tất cả thành phố vẫn chìm trong giấc ngủ thì bà đã dậy, đi lấy báo rồi rong ruổi khắp các con phố để mưu sinh. Cuộc sống của cả gia đình đều trông vào thu nhập từ việc bán báo nên chẳng mấy khi người ta thấy bà Lưu nghỉ làm. Bản thân bà cũng chẳng dám ở nhà lấy một ngày để nghỉ ngơi trừ khi ốm liệt giường.

Trên đôi vai gầy guộc của bà bây giờ là gánh nặng của một gia đình có tới ba người bị điên. Bà là người duy nhất trong gia đình còn tỉnh táo để kiếm sống, còn tất cả những người kia đều ú ớ, không đủ năng lực nhận thức. Vì lí do này mà dù sức khỏe đã quá đau yếu nhưng bà Lưu vẫn cố găng lê những đôi chân mỏi mệt qua các con phố, bán từng tờ báo, gom từng đồng tiền lẻ về để nuôi gia đình. Bao nhiêu năm nay, cuộc sống của gia đình bà vẫn chẳng thể nào thoát được cái đói, cái khổ.

Trước kia bà Lưu vốn là một người con gái có nhan sắc quê gốc ở vùng Lý Nhân (Hà Nam). Khi đến độ tuổi trăng tròn, theo tiếng gọi của Tổ quốc bà Lưu đăng ký vào lực lượng Thanh niên xung phong đi khắp các chiến trường. Từ miền Trung, rồi sang tận Lào… cho đến khi hòa bình lập lại bà mới trở về quê hương. Hoàn thành trách nhiệm với dân tộc, với quê hương bà Lưu bắt đầu nghĩ đến chuyện hạnh phúc riêng tư của mình. Nhưng do điều kiện chiến tranh liên miên, nên khi hòa bình lập lại, người phụ nữ ấy đã không còn xuân sắc, đã quá lứa, lỡ thì…

Tuy đã xác định cho mình tư tưởng sẽ chấp nhận an phận với cuộc sống cô đơn một mình để cho lòng thanh thản, nhẹ nhõm hơn nhưng số phận đã rui rủi đưa bà đến với một người đàn ông luống tuổi tên Chiến. Theo như lời của bạn bè, anh em trong gia đình thì người đàn ông này vốn có tiền sử bệnh thần kinh và khuyên bà không nên lấy. Nhưng khi gặp mặt bệnh cũ không tái phát, người đàn ông này rất hiền lành và đứng đắn. Và rồi, bà Lưu đã chấp nhận đến với người đàn ông đó giống như hai số phận cô đơn tìm đến với nhau.

Chồng bà Lưu vốn là một công nhân xây dựng, những lúc bình thường ông rất thương yêu vợ. Bà Lưu cũng cảm thấy được dư vị hạnh phúc của cuộc sống khi được chồng quan tâm chăm sóc. Nhưng những ngày tháng hạnh phúc của bà Lưu kéo dài chẳng được bao lâu. Vài năm sau khi lấy nhau, chồng bà bắt đầu đổ bệnh. Mỗi khi phát bệnh ông Chiến thường chửi bới, hò hét khiến cho bất kỳ ai chạm mặt cũng khiếp sợ. Cơn điên của ông Chiến còn khủng khiếp hơn khi mỗi lần lên cơn là những trận đòn trút xuống thân thể của bà Lưu.

Do ông mất kiểm soát lý trí nên bà Lưu thường xuyên bị ông đánh rất dã man. Cơ thể vốn đã ốm yếu do ảnh hưởng bởi bom đạn nay lại phải hứng chịu những trận đòn đau đớn càng khiến bà trở nên khô héo và tiều tụy. Mọi người xung quanh thương xót khuyên bà nên chia tay với chồng để thoát khỏi cuộc sống cơ cực đó nhưngnghĩ đến tình nghĩa vợ chồng, nghĩ đến những đứa con nhỏ dại, bà vẫn chấp nhận cắn răng chịu đựng tất cả những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần để duy trì cuộc sống gia đình với một người điên loạn.

Theo thời gian, bệnh tình của ông Chiến chẳng hề thuyên giảm mà có chiều hướng nặng hơn. Không thể lao động được nên mọi sinh hoạt trong gia đình đều trông cậy bà Lưu. Tuy nhiên, nỗi đau chồng điên dại chưa nguôi, bà Lưu lại phải đón nhận thêm những bất hạnh khác. Những đứa con của bà cứ lớn lên mà chẳng thấy đứa nào giống những đứa trẻ bình thường khác. Chúng ngờ nghệch như những đứa trẻ con dù tuổi đều đã lớn. Không tiếc tiền điều trị cho con từ thuốc đông y cho tới việc đưa con tới bệnh viện tây y của huyện, tỉnh, Trung ương… nhưng tất cả mọi nỗ lực của bà đều không có kết quả. An phận hoàn toàn với hoàn cảnh. Bà nghĩ rằng ông trời đã bắt thì chẳng thể nào cưỡng lại được.

Cuộc sống cùng cực của gia đình đau khổ nhất Thủ đô

Cuộc sống của gia đình bà Lưu cứ thế trôi qua trong sự khó khăn và cơ cực. Hàng ngày, muốn có tiền mua mớ rau, cân gạo bà Lưu phải rong ruổi đi khắp mặt các con đường ở khu phố cổ Hà Nội để bán báo. Ngày nào bán được nhiều thì gia đình còn có miếng thịt để ăn, những ngày ế thì chỉ có bát cơm, đĩa rau luộc và ít muối trắng. Khó khăn là vậy, cùng khổ là vậy nhưng cả gia đình bà Lưu vẫn gắng gượng sống qua  ngày.

Cả gia đình, ngoài bà Lưu ra tất cả đều ngờ nghệch, không có khả năng nhận thức nên mọi gánh nặng đều dồn lên vai người phụ nữ nhỏ bé này. Dù cả chồng và hai đứa con mắc bệnh nhưng gần chục năm nay, bà Lưu chẳng dám đưa người thân đến bệnh viện vì chẳng có tiền. Chỉ đến khi nào y tế phường phát cho vài viên thuốc an thần thì bà mang về cho chồng con uống mỗi khi lên cơn. “Nhiều lúc các con lên cơn vật vã có khi nằm lăn quay ra nhà nhưng cũng chẳng thể đưa đến bệnh viện, lúc đó mình chỉ xoa dầu rồi cầu nguyện cho con tỉnh lại…” bà Lưu chia sẻ.

Đứa con lớn của bà Lưu đến giờ đã đến tuổi trưởng thành nhưng nhận thức vẫn chỉ như một đưa trẻ. Nhiều lần con đòi theo đi bán báo đế lây tiền nhưng bà Lưu không dám cho vì sợ ra đường sẽ gặp nguy hiểm. Nhưng sau này, con ngày nào cũng đòi giúp mẹ nên bà phải đồng ý. Lúc đầu bà cho con đi theo để làm quen. Lần đầu tiên cho đứa con lớn đi bán một mình, bà Lưu hoảng hốt vì tưởng đã mất con dạo đó.

“Sáng mình sắp cho chục tờ báo rồi nói ngồi bán ở khu đầu ngõ của nhà còn mình thì đi bán rong. Đến trưa mình quay về không thấy con tưởng nó về nhà rồi, nhưng khi về đến nhà thì không thấy. Lúc này mới tá hỏa đi tìm, nhờ thêm cả hàng xóm, người quen đi tìm. Mỗi người đi một phố để tìm nó cả buổi chiều. Cho đến tận lúc gần nửa đêm mới thấy nó đang nằm ngủ ở phía sau tượng đại chỗ vườn hoa Lý Thái Tổ.” Từ đó cho đến nay bà Lưu không dám để con tự đi bán báo mà cho ngồi nhờ ở quán nước của người quen để dễ trông coi.

Cả gia đình bà Lưu giờ sống trong một căn nhà lụp xụp chừng hơn chục mét vuông, tối tăm và ẩm ướt. Những ngày nắng còn được ở sạch sẽ, mỗi khi trời mưa trong nhà cũng như ngoài trời, đồ đạc ướt hết. Dù rất muốn sửa lại mái nhà cho các con đỡ khổ nhưng bà Lưu “lực bất tòng tâm” đành chấp nhận sống khổ sở trong căn nhà dột nát ấy. Nói về những dự định tương lai của mình, bà Lưu buồn rầu chia sẻ “Hoàn cảnh như thế này chẳng dám tính toán gì cho tương lai, chỉ cố gắng kiếm tiền sống qua ngày cho cả nhà đỡ đói khổ. Chồng điên, cả hai đứa con cũng thần kinh nốt thì được gì cho tương lai. Sống được ngày nào hay ngày đó thôi…”.

Cuộc sống của gia đình bà Lưu vẫn trôi qua trong cơ cực. Mỗi lần bị bệnh tật hành hạ không kiếm được tiền nuôi gia đình trái tim bà lại đau như xát muối vào từng khúc ruột. Nhưng dù đã cố gắng hết sức bà Lưu cũng chẳng thể nào chống lại được số phận. Cái nghèo đói, đau khổ sẽ còn đeo đẳng bà ngày này qua ngày khác và chưa biết đến khi nào nó sẽ dừng lại. Dù vậy, người đàn bà ấy vẫn hết mình lo cho gia đình nhỏ bé của mình

Mi Mi
.
.
.