Người đàn bà đi qua bi kịch bằng tình yêu cuộc sống

Thứ Tư, 21/12/2011, 11:49
Không may gặp tai nạn và trở thành người khuyết tật nhưng với những gì chị đã và đang làm thì dù là người bình thường cũng phải tỏ lòng ngưỡng mộ. Với phương châm "Đã sống là phải sống cho đàng hoàng" nên chị đã cố gắng cao nhất có thể để thấy mình còn ý nghĩa. Có lẽ cũng chính bởi phương châm sống ấy đã giúp chị vượt qua những mặc cảm, những khó khăn một cách nhanh nhất và dễ dàng nhất.

Hai mươi lăm năm đã trôi qua kể từ cái ngày tai nạn bất ngờ ập xuống cuộc đời chị Nguyễn Thị Ngọc Dung. Khi ấy chị đang là một bác sĩ y khoa và là chuyên viên nghiên cứu trẻ em thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo. Vậy mà cái tai nạn chẳng thể ngờ tới đã cướp đi tương lai và suýt chút nữa nó cũng cướp đi hạnh phúc của một người vợ, người mẹ khi chị chẳng đặng nhìn chồng con vất vả vì mình. Nhưng rồi với nghị lực phi thường của bản thân cộng với sự thương yêu hết mực của người chồng, chị đã vượt qua mọi sóng gió và trở thành một vận động viên bóng bàn cừ khôi, đem lại vinh quanh cho đất nước.

Tình yêu cứu rỗi nỗi đau

Không dễ dàng gì để gặp được chị. Chẳng phải vì chị khó khăn hay xa cách gì mà đơn giản vì chị luôn rất bận. Mỗi tuần chị phải lên Trung tâm Thể thao quận Đống Đa ít nhất hai buổi để tập bóng bàn. Thời gian còn lại chị dành để cơm nước và đưa đón đứa con gái út đang học lớp 11. Thấy tôi có vẻ hồ nghi trước những việc làm mà tôi cho là "phi thường" với một người khuyết tật, thì chị cười giải thích: "Hầu hết mọi công việc trong nhà chị đều làm hết và đều nhờ cả vào cái này này". "Cái này này" mà chị nói chính là chiếc xe lăn dành cho người khuyết tật. Mọi hoạt động trong nhà chị đều nhờ vào xe lăn. Nếu có việc phải đi ra ngoài thì chị lại tự "pát sê" mình sang chiếc xe gắn máy ba bánh. Chị bảo phải cố gắng nhiều nhất có thể để không trở thành gánh nặng cho ai. Nhìn chị nỗ lực trong từng cái xê dịch của mình đủ thấy con người này đã nghị lực biết chừng nào.

Vui vẻ, hòa nhã và cởi mở với những chuyện hiện tại nhưng hễ tôi có ý nhắc tới những chuyện trong quá khứ chị lại xua tay gạt đi: "Những chuyện đó qua rồi nhắc lại chỉ càng buồn thêm thôi. Quan trọng là bây giờ, bạn nhìn này mình sống rất đàng hoàng và vẫn có một gia đình hạnh phúc như bao người khác".

Hai mươi lăm năm đã trôi qua kể từ ngày tai nạn bất thình lình giáng xuống. Hôm đó, trời mưa rất to, chị Dung vừa đạp xe ra khỏi cổng Trung tâm Bảo vệ bà mẹ và trẻ em của tỉnh thì một cây lớn trên hè phố bất ngờ đổ xuống. Chị và một đồng nghiệp bị cây đổ đè lên người. Đồng nghiệp của chị chỉ bị thương nhẹ còn chị thì kém may mắn hơn đã bị gãy cột sống và liệt hoàn toàn cả hai chân. Cô y tá sơ cứu cho chị hôm ấy đã khóc khi phải cắt bỏ mái tóc đen nhánh dài gần đến gót chân của chị. Trước chuyến đi, chị đã nói với chồng rằng sẽ đi chuyến này là chuyến cuối. Sau đó sẽ chuyển vào Đà Nẵng sinh sống cùng chồng. Ai có ngờ đâu tai nạn kia ập đến. Mọi dự định trước đó đành dang dở.

Thể thao là niềm đam mê của chị.

Khỏi phải nói cảm giác của chị khi tỉnh dậy và biết chắc chắn rằng đôi chân của mình sẽ không bao giờ còn có thể đi được nữa nó đau đớn đến thế nào. Với chị mọi thứ mới chỉ vừa bắt đầu. Chị mới có một gia đình của riêng mình. Một người chồng tốt và một đứa con thơ. Chị không đành lòng trở thành gánh nặng cho họ. Thế nên đã không ít lần chị nói muốn giải thoát cho chồng để chồng tìm hạnh phúc mới.

Nhưng ông trời đã không quá bất công với chị khi ban cho chị một người chồng yêu thương chị hết lòng. Những gì vừa xảy đến với chị cũng là một cú sốc nặng nề với anh Dũng (chồng chị) nhưng không vì thế mà làm suy giảm tình yêu của anh dành cho chị. Ngược lại, nhìn người vợ trẻ nằm đó như bất lực anh Dũng lại càng thương và muốn trở thành chỗ dựa vững chãi cho vợ. Chả thế mà sau này anh đã nghỉ việc để cùng vợ chạy chữa khắp nơi. Và dường như chính nhờ tình yêu vô bờ bến của anh Dũng dành cho chị khiến chị như thấy mình có thêm bội phần sức mạnh để vượt qua sóng gió. Thế nên trong mỗi lời nói khi nhắc đến chồng, tôi đều cảm nhận rất rõ tình yêu thương và sự trân trọng mà chị dành cho anh. Chị bảo: "Chị thật may mắn vì có anh ấy. Bạn chị kia kìa, vừa bị tai nạn chưa lâu chồng đã rũ áo ra đi và có luôn tình yêu mới. Phụ nữ khổ thật".

Hồi còn đi học chị luôn rất nổi bật không chỉ bởi thành tích học tập mà còn vì chị có một khuôn mặt đẹp. Chả thế mà vô khối anh xin chết. Anh Dũng chồng chị hiện giờ cũng là một trong số những chàng trai si tình ấy. Anh mê chị từ cái hồi chị còn là cô nữ sinh trung học của trường Trưng Vương. Nhưng lúc đó còn quá hồn nhiên chị chẳng để ý gì nhiều cũng chỉ xem anh như bao người bạn bình thường khác.

Tốt nghiệp phổ thông hai người cùng thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội nhưng vì anh Dũng đỗ điểm cao nên đã được đi du học. Chị nhớ hồi ấy nhà chị ngày nào cũng nhận được thư từ nước ngoài. Đến mức bác đưa thư còn thắc mắc nhà này có mối quan hệ gì với nước ngoài mà sao nhiều thư thế. Hồi đầu chị cũng chả quan tâm nhiều đến những bức thư và người gửi thư. Nhưng sau rồi mãi thành quen, hôm nào không nhận được thư chị lại thấy thiếu và có cảm giác hồi hộp ngóng trông.

Quả đúng như lời anh Dũng nói khi ấy "viết cho Dung có cảm giác quen với việc nhận thư và viết để Dung nhớ có một người dù ở tận xa lắc vẫn luôn nhớ và yêu Dung". Tình yêu cứ thế đến từ phía chị lúc nào không hay. Và cuối cùng tình yêu xa cách đã được bù đắp bằng một đám cưới khi anh Dũng trở về nước.

Tổ ấm của anh chị khi ấy là niềm mơ ước của biết bao người. Hai vợ chồng trẻ lại khá thành đạt và một cô con gái nhỏ đáng yêu. Hạnh phúc tưởng chừng viên mãn và bất tận, một kết thúc có hậu cho hai người yêu nhau. Vậy mà tai nạn bất ngờ ập đến như một cơn ác mộng. Chấm dứt những tháng ngày hạnh phúc thăng hoa.

Ngay sau tai nạn khủng khiếp ấy chị được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế. Một tuần sau đó chị lại được đưa ra Bệnh viện Việt - Đức Hà Nội. Nằm ở BV Việt - Đức vài tháng chị lại chuyển sang bệnh viện Xanh Pôn để phục hồi chức năng. Ban đầu ai cũng lo chị sẽ gục ngã nhưng rồi tình yêu và sự tận tụy của chồng đã giúp chị mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ngày ấy nghĩ lại chị cũng không hiểu sao mình lại có thể tập luyện điên cuồng đến thế. Tập đến mức người khỏe nhìn thấy cũng phát hoảng.

Năm 1987 - 1988, chị Dung được đoàn bác sĩ người Nga sang tham dự Hội nghị Chữ thập đỏ tại Hà Nội mời sang chữa trị. Với công nghệ tiên tiến các bác sĩ đã mổ và áp dụng nhiều phương pháp tập luyện tiên tiến. Bệnh của chị Dung ngày càng có tiến triển tốt nên chị đã quyết tâm tập luyện mong có ngày phục hồi hoàn toàn. Chị chia sẻ: "Lúc đó chị được biết có một trường hợp là diễn viên xiếc người Nga cũng bị gãy cột sống, liệt hoàn toàn, sau khi tập luyện đã có dấu hiệu rất tốt nên chị đã quyết tâm nhiều lắm". Ròng rã hai năm nơi đất khách quê người chị không ngừng cố gắng bản thân. Còn chồng chị đã luôn ở bên để động viên và cổ vũ cho chị. Anh muốn là đôi chân để chị vững tin bước tiếp những bước dài mạnh mẽ.

Trở về nước, chị tích cực luyện tập các bài như nhấc mình lên xuống, qua trái qua phải rồi vận động toàn thân. Thế rồi cơ duyên đã dẫn chị tới với môn thể thao đòi hỏi sự khéo léo, dẻo dai này cũng theo cái cách thật bất ngờ.

Thành quả của nghị lực phi thường

Năm 2002 như một cơ duyên, trong một lần tới thăm gia đình, bạn anh Dũng là một nữ huấn luyện viên bóng bàn đã đưa ra gợi ý với chị rằng: "Chị tập thử môn bóng bàn xem sao. Môn này cũng nhiều người ngồi xe lăn như chị chơi tốt lắm. Lại có lợi cho sức khỏe". Từ đó, chị lao vào tập luyện hăng say, cộng với sự dìu dắt của các thầy của Sở Thể dục Thể thao Hà Nội, chị liên tiếp dành được những thành công.

Ở tuổi 44, chị Dung mới biết đến chiếc vợt, trái bóng, thế nhưng chỉ sau một năm tập luyện chị đã là người đứng trên bục vinh quang cao nhất môn bóng bàn tại kỳ thi ASEAN Para Games 2. Cứ như vậy, chị tiếp tục đạt được những thành công tuyệt vời tại các kỳ Para Games. Para Games 3 tổ chức tại Philippines chị giành Huy chương Vàng đơn nữ. Năm 2009 chị giành được 2 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng ở kỳ Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á. Ở cái tuổi ngoại tứ tuần đó, với nghị lực, sự tập luyện phi thường chị được mọi người gọi với cái tên "đóa hoa bóng bàn nở muộn".

Không may gặp tai nạn và trở thành người khuyết tật nhưng với những gì chị đã và đang làm thì dù là người bình thường cũng phải tỏ lòng ngưỡng mộ. Với phương châm "Đã sống là phải sống cho đàng hoàng" nên chị đã cố gắng cao nhất có thể để thấy mình còn ý nghĩa. Có lẽ cũng chính bởi phương châm sống ấy đã giúp chị vượt qua những mặc cảm, những khó khăn một cách nhanh nhất và dễ dàng nhất.

Có lần bạn chị từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội và ghé vào thăm chị sau rất nhiều năm không gặp. Câu đầu tiên bạn chị nói với chị là: "Mình cứ tưởng ra thăm cậu sẽ bắt gặp một hình ảnh bi lụy, than thân trách phận, ai ngờ trông cậu vui phơi phới thế kia". Quả là với nụ cười luôn nở trên môi và ánh mắt luôn ánh lên niềm lạc quan yêu đời thì khó ai có thể tin được hiện chị đang là người khuyết tật.

Hạnh phúc lại càng rạng rỡ khi phía sau chị là một "hậu phương" vững chắc. Một người chồng hết lòng yêu vợ, thương con. Hai cô con gái, cô chị đầu từng dự thi Hoa hậu Báo Tiền phong năm 16 tuổi, đã tốt nghiệp Học viện Ngoại giao, hiện đang là chủ một shop thời trang và một công ty truyền thông. Cô con gái thứ hai tên Hồng Tâm hiện cũng là một VĐV bóng bàn chuyên nghiệp. Mới 15 tuổi nhưng cô bé có một thành tích thi đấu thật đáng nể với 3 năm liền vô địch TP Hà Nội, HCĐ đồng đội môn bóng bàn tại SEA Games 25.

Chị lại cười tươi chia sẻ: "Thành công của mình ngày hôm nay có lẽ phải chia cho gia đình một phần, thầy cô HLV, các thành viên ở CLB rồi sự động viên, chia sẻ của tất cả mọi người. Đó cũng chính là hạnh phúc lớn nhất của đời mình"

Phong Anh
.
.
.