Người đàn ông bại liệt nuôi vợ thần kinh và hai con nhỏ

Thứ Sáu, 04/04/2014, 09:00

Hằng ngày anh vẫn âm thầm, lặng lẽ vượt chặng đường hơn 10 cây số đến nơi làm việc với mong muốn mang về những đồng tiền công ít ỏi, chân chính để chăm lo cho người vợ bị thần kinh và hai con nhỏ đang ở độ tuổi ăn học. Đó là hoàn cảnh đáng thương của anh là Nguyễn Văn Trượng (39 tuổi), trú tại thôn Tập Mỹ, xã La Sơn, huyện Bình Lục, Hà Nam.

Để gặp được anh Trượng, chúng tôi đành nhờ người thân đến công ty đón anh về. Đợi khoảng nửa tiếng sau thì anh Trượng có mặt. Nhìn cảnh anh gượng gạo lúc xuống xe rồi phải bò lê lết giữa nền nhà. Trong khóe mắt chúng tôi chợt rớm lệ, cảm thấy nghẹn đắng nơi cổ họng. Anh Trượng sinh ra trong gia nghèo, nhà có 4 anh chị em (2 trai, 2 gái) nhưng anh lại là thứ 3 trong gia đình và cũng là người có số phận hẩm hiu, kém cỏi nhất. 

Lúc anh được gần 4 tháng tuổi không may bị trúng phải gió độc, chân tay bỗng dưng trở lên đau đớn, teo tóp dần. Khi thấy con có triệu chứng bất thường, bố mẹ anh liền vội vã đưa đi viện, rồi cũng năm tháng ấy, bao nhiêu tiền của, thuốc thang dồn dập để chạy chữa cho anh thế rồi vẫn chỉ để là cầm chừng bệnh. Hằng ngày, thấy đám bạn cùng xóm cắp sách tới trường. Trượng thèm lắm, độc nhờ anh đưa ra ngõ để được nhìn thấy các bạn đi học.

Anh Trượng nén hơi thở dài tâm sự: "Hồi ấy xung quanh tôi cũng có rất nhiều bạn tốt, nhưng một số người lại hay gièm pha. Tôi vẫn nhớ nhất lời nói của một bạn học nghịch ngợm trong lớp. Anh ta ra đập vai tôi và bảo: ''Người như mày thì học hành làm gì. Đi học thế này càng khổ cho anh mày thêm thôi. Nghỉ học đi Trượng ạ''.  

Trở thành chàng thợ may giỏi, giàu nghị lực sống

Kể từ ngày thôi học, Trượng nằm bẹt ở nhà trên chiếc giường cũ kỹ cùng mấy quyển sách, vở viết lúc trước. Trượng lại nghĩ, nghĩ và muốn làm rất nhiều, nhưng đôi ba lần lại nhụt ý chí. Có lần đã tìm đến cái chết để giải thoát số phận. Đến năm 2000, trong một lần tình cờ, Trượng biết đến một lớp chuyên đào tạo nghề may ở nhà An Đỗ dành cho những người bị khuyết tật ở trong xã.

Nắm bắt cơ hội đấy, ước mơ, nghị lực trong Trượng trỗi dậy. Để tự thân vận động, không đi được bằng chân thì bằng tay, Trượng đã cố gắng lê lết ra khỏi giường và dần tập bò đi. Những ngày đầu khổ luyện, đôi bàn tay yếu ớt bị sưng vù, đỏ hoe do phải vận chuyển cả thân thể từng bước một và hai cánh tay phải bị khuỳnh to ra.

Cuộc sống cứ thế trôi đi, anh làm việc cho lớp nghề ít năm có được chút vốn liếng rồi chuyển về nhà mua máy khâu, đặt bảng hiệu may vá quần áo. 

Nguyễn Văn Trượng.

Cũng kể từ đây, anh lên mối lương duyên với người vợ của mình, chị là Đinh Thị Lây (43 tuổi) hơn anh 4 tuổi, tính tình hiền lành, thật thà. Chị Lây sau một bận đến nhờ anh may quần áo, giữa hai người đã nảy sinh tình cảm. Họ hiểu và đồng cảm cho số phận của nhau, bỏ qua những lời bàn tán dị nghị. Một đám cưới giản dị được diễn ra trong niềm vui khôn xiết. Hạnh phúc hơn, hai cháu Nguyễn Thị Thúy (14 tuổi) và Nguyễn Thị Thảo (10 tuổi) lần lượt chào đời.

Quãng thời gian ấy, tuy cuộc sống có đói nghèo nhưng đôi vợ chồng lúc nào cũng đong đầy hạnh phúc. Nhưng rồi, niềm vui cũng chẳng được viên mãn nữa. Năm 2007, Trượng mắc thêm căn bệnh hiểm nghèo viêm tai giữa, chị Lây lại mắc bệnh về thần kinh, suốt ngày nói lảm nhảm, không được khôn ngoan, đôi lúc mất trí nhớ không biết mình đang làm gì, khiến gia đình ngày càng một bần túng.

Ở công ty xong, tối đến về nhà anh lại nhận cắt sửa quần áo cho mọi người để kiếm thêm đồng thu nhập để trang trải. Vất vả mưu sinh là vậy, nhưng trung bình hằng tháng anh chỉ kiếm về được những đồng tiền công ít ỏi hơn 1 triệu đồng. Anh cười với chúng tôi và bảo: "Nhà có cái máy để không thì cũng phí. Trong khi đó, mọi người lại muốn nhờ tôi làm giúp. Họ nhờ mình có nghĩa là tin tưởng vào tính cẩn thận, chu đáo của mình. Trung bình mỗi chiếc quần áo tôi chỉ lấy giá 20 - 30 nghìn đồng đủ tiền công thôi. Bởi tôi hiểu rằng, cùng là dân lao động với nhau nên kiếm được đồng tiền khó lắm, không phải là chuyện dễ dàng gì. Còn tiền thì tiêu bao nhiêu chả hết. Sống làm sao phải có chữ tình ở đời các chú ạ!"

Ban ngày gắng sức là vậy, đêm về căn bệnh viêm tai giữa vẫn không ngừng hành hạ anh, vì vậy mà những giấc ngủ không được trọn vẹn. Phương pháp tối ưu nhất để có thể kéo dài sự sống chỉ còn cách mổ để cắt bỏ khối u bên trong. Thế nhưng, do thể trạng anh quá yếu ớt nên các bác sĩ không thể phẫu thuật được, khiến cho bệnh tình ngày càng trở lên nghiêm trọng hơn, giờ nó đã ăn sâu vào gần trong não bộ. Không tiền cầm chừng bệnh, anh đành phó thác cho số phận.

Ước mơ của anh bây giờ là xây được căn nhà ngói vững chắc để có được chỗ che nắng, che mưa cho hai đứa nhỏ có chỗ rộng rãi, sáng sủa hơn để học bài. Vì cuộc đời anh đã quá khổ rồi !... 

Ông Vũ Mạnh Cường, Trưởng thôn Tập Mỹ, xã La Sơn, cho biết: "Gia đình anh Trượng, chị Lây hết sức khó khăn. Bản thân anh bị bại liệt nhưng biết vượt lên số phận, đã trở thành tấm gương sáng trong xã lâu nay. Tuy nhiên, do bệnh tình nan y của cả vợ lẫn chồng nên kiếm được đồng nào đều đổ dồn vào thuốc men hết cả

Thanh Tuyền
.
.
.