Người đàn ông "cứu" sông Thames

Thứ Ba, 07/08/2018, 09:36
Anh Dhruv Boruah đã tự chế tạo một công cụ đặc biệt để gom rác trên các con sông ở London với mong muốn truyền đi thông điệp kêu gọi mọi người cứu lấy môi trường sống của chính mình.


Hàng ngày chúng ta vì tiện dụng mà sử dụng rất nhiều đồ nhựa, không hề bận tâm nếu chúng ta tiêu thụ sản phẩm nhựa càng nhiều thì càng tạo ra nhiều phế thải, gây nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người.

Chất thải nhựa có tác hại cực kỳ lớn đến sức khỏe và cả môi trường xanh thân yêu của chúng ta. Cụ thể, sau khi bị vứt ra ngoài thiên nhiên, nhựa sẽ mất một khoảng thời gian cực kỳ lâu để tiêu hủy, nó phải mất hẳn 450 năm để tiêu hủy hoàn toàn. 

Ngoài ra, nhựa còn lẫn vào nước, ngăn chặn khí oxy làm cho các sinh vật dưới nước không thể hô hấp được. Hoặc chúng có thể bị các sinh vật như cá nuốt vào và có rất nhiều khả năng con người sẽ ăn nhầm phải và nhiễm độc.

Trong một cuộc đua thuyền từ London đến Rio de Janeiro, đội của anh Dhruv Boruah đã bắt gặp 2 con rùa bị mắc kẹt trong rác nhựa giữa lòng Đại Tây Dương. Trong lúc cố gắng giải cứu đôi rùa đáng thương, Boruah đã nảy sinh sự đồng cảm với những sinh vật đang ngày ngày chịu đựng chất thải mà con người xả ra, cướp đoạt môi trường sống của chúng. 

Do đó anh đã tự chế tạo một công cụ đặc biệt để gom rác trên các con sông ở London với mong muốn truyền đi thông điệp kêu gọi mọi người cứu lấy môi trường sống của chính mình.

Boruah năm nay 35 tuổi, người Anh, đã chế tạo ra một công cụ độc đáo và hài hước để thu hút sự chú ý, hiếu kỳ của mọi người, sau đó anh sẽ bắt chuyện với những người xem tò mò để trò chuyện và để có thể nói với họ về công việc nhặt rác trên sông cũng như về rác thải nhựa và những hệ lụy của nó. 

Dụng cụ “hài hước, nhưng được việc” mà anh Boruah lắp ráp là chiếc xe đạp bằng tre, đặt những chiếc phao màu vàng ở hai bên, thêm bánh lái và cánh quạt chạy bằng bàn đạp ở phía trước, cộng thêm một lưới đánh cá nối ở hai bên.

Trong quá khứ, Boruah là một nhà tư vấn quản lý, mỗi ngày anh dành 14 tiếng đồng hồ trước màn hình máy tính. Nhưng sau đó anh tự hỏi “Lần cuối cùng tôi nhìn thấy một ngôi sao là khi nào? Đôi mắt của tôi được sinh ra để ngắm nhìn các ngôi sao hay màn hình máy tính?”. 

Và Boruah đã tự trả lời câu hỏi trên bằng việc dọn dẹp sông Thames từ một năm trước, và giờ đây là nhiều con sông khác trên khắp nước Anh. Anh đạp xe đến một con sông chỉ với một chiếc ba lô, mất khoảng 40 phút để biến chiếc xe của mình thành một chiếc xe đạp nổi.

Anh đi đến các tuyến đường thủy 3 tuần một lần và nhận được sự giúp đỡ “gom” rác từ những người trên ca nô, thuyền...  Boruah nói rằng họ đã gom được 275 kg nhựa trong một ngày ở Birmingham, lượng rác này có thể chất đầy một chiếc xe tải nhỏ. 

Boruah nói: “Nhựa ở khắp mọi nơi, trong không khí chúng ta hít thở, nước chúng ta uống và thức ăn của chúng ta. Bạn cần phải quan tâm vì điều này là cho chính bạn, sức khỏe của bạn và sức khỏe của con cái bạn. Tại sao chúng ta lại tự hủy diệt hành tinh này?”.

Boruah thường lấp đầy lưới đánh cá của mình với những con “cá rác” - loại rác thải nhựa sử dụng một lần, chẳng hạn như chai nước. Anh nói về mối nguy hiểm khi chúng bị phá vỡ thành những mảnh nhựa nhỏ và hòa vào không khí, biển và thực phẩm của chúng ta. Những lúc không “đạp xe ngoài sông”, Boruah sẽ tiếp cận các hội đồng, doanh nghiệp và tổ chức cộng đồng để vận động họ giảm bớt rác thải nhựa và truyền cảm hứng để họ tham gia bảo vệ môi trường.

Xuân Trường
.
.
.