Người đàn ông mắc bệnh phong: Thắp lửa nhân gian

Thứ Năm, 22/11/2012, 15:33
Ông già này có vóc người nhỏ thó, những ngón tay khòng khoèo, gầy yếu, di chứng của bệnh phong. Tuổi 70, mà bước chân cứ thoăn thoắt, nụ cười sang sảng. Dường như ông chẳng quan tâm đến điều gì đang xảy ra ngoài cuộc sống kia. Mà chỉ có những tâm huyết cuối đời dành cho Đền Đô, cho những yêu thương ông đang miệt mài góp nhặt... Ông là nhà giáo, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn, người đã vượt qua bệnh tật để viết nên những câu chuyện kỳ lạ về cuộc đời mình.

Ông giáo già "đa năng"

Tôi leo lên căn gác tầng 3 góc làm việc của ông giáo Thìn. Căn phòng bừa bộn sách vở. Sách về lịch sử Đền Đô, sách bạn bè khắp nơi gửi tặng. Và ngổn ngang bản thảo cuốn tạp chí dành cho người khuyết tật mà ông là chủ biên. Ở đó ông được chia sẻ với những người khuyết tật. Để họ tìm được niềm vui.

Để thấy cuộc sống không tàn phế. Ông vui lắm. Lôi đủ các thứ trong ngăn tủ ra khoe. Nào là cuốn sách thứ 13 mà ông đang biên soạn, kỷ niệm 50 năm phong trào Nghìn việc tốt. Hàng đêm, ông già này vẫn lọ mọ bên bàn phím, dùng chiếc bút bi kẹp vào những ngón tay vẹo vọ, ấn từng bàn phím để viết, trình bày ảnh và hoàn thiện cuốn sách này. Có gần 50 nhân vật, từ cuộc phát động phong trào Nghìn việc tốt năm năm 1963 ở Trường Phổ thông cơ sở Tam Sơn - Bắc Ninh mà ông là người khởi xướng.

Người thủa xưa còn học trên lưng trâu, trên đồng ruộng. Người là những cậu bé, cô bé, giờ đều thành tiến sĩ, nhà giáo, làm những công việc có ích cho cuộc sống. Ông theo dõi hành trình của họ sau 50 năm. Có lẽ, rất nhiều người sẽ ngạc nhiên, ông già bé nhỏ, bệnh tật, ở một làng quê nghèo ấy, lại có trong tay toàn bộ tài liệu và những trang báo về từng nhân vật để kể lại với bạn đọc câu chuyện về cuộc đời họ. Ông nói: "Cuộc sống hôm nay đã khác trước nhiều, lòng tốt cũng đã mất đi nhiều, trẻ em không còn trong sáng như ngày xưa, con người vô cảm hơn. Cuốn sách này sẽ cần thiết với rất nhiều người...".

Ở tuổi 73, ông giáo già vẫn tất bật với những công việc. Nào tiếp khách ở Đền Đô. Nào làm chủ biên một tờ tạp chí cho người khuyết tật. Nào tham gia các hoạt động của người khuyết tật. Rồi về Trại phong Quỳnh Lập, dành một góc yêu thương cho những đứa trẻ sinh ra ở đây.

Tiền bán từng cuốn sách bạn bè ủng hộ, ông gom góp để về đó mua sách và đồ chơi cho lũ trẻ. Ông yêu bọn trẻ, vì ở đó, ông tìm thấy cuộc đời mình. Tôi đã đi theo ông cả ngày cùng đoàn làm phim về người đã thắp lên ngọn lửa yêu thương. Ngay từ sáng sớm, ông đã áo the khăn đóng đứng ở sân đền. Lủng lẳng một chiếc túi to gần bằng người.

Nào máy ảnh, nào máy quay. Nào những tập thơ. Và cả chiếc kèn amonica để thỉnh thoảng ngẫu hứng, ông lại cầm lên và thổi. Ông Thìn đang say sưa dẫn một đoàn khách tham quan, quên luôn cả việc mình là nhân vật chính của một phóng sự truyền hình. Hồn nhiên thế, ông dẫn chúng tôi đi theo câu chuyện của mình.

Hàng ngày, ông già này vẫn làm công việc lặng lẽ, lưu giữ những huyền tích cũng như giá trị văn hóa của Đền Đô-Từ Sơn Bắc Ninh. Tôi đã nhiều lần bắt gặp ông tất bật đi theo từng đoàn khách, giải thích cặn kẽ từng chi tiết về lịch sử ngôi đền. Ông nói: "Tôi không muốn khách đến chỉ để thưởng ngoạn, mà còn phải hiểu về lịch sử văn hóa của Đền Đô, để hiểu về lịch sử dân tộc".

Thế nên, từ lâu lắm rồi, ông đã tình nguyện làm một người canh giữ phần hồn cho ngôi đền lịch sử. Không thù lao. Cứ mỗi sáng, ông cùng chiếc xe đạp lại lên đường sang đây. Coi đó là niềm hạnh phúc.

Hãy yêu thương nhau khi còn sống

Ông Thìn người làng Đình Bảng, Bắc Ninh. Ký ức về những ngày xa xưa đôi lúc khiến ông đau lòng. Chính tại ngôi đền này, ông đã chứng kiến cảnh người chú của mình bị xử bắn vì con nhà thành phần. Ông bố ốm quặt quẹo đến chết vì buồn. Lúc đó Nguyễn Đức Thìn mới 15 tuổi, đang là thành viên của Đội du kích thiếu niên Đình Bảng. Người mẹ của Nguyễn Văn Thìn phải bỏ làng đi biệt  xứ và chết nơi đất khách quê người, tận Cai Lậy - Tiền Giang. Ông bỏ lên Tuyên Quang học.

Đến 18 tuổi, trở về quê và quyết xây dựng lại cuộc đời trên chính mảnh đất quê hương mình. Hơn 20 năm, chiến tranh, ông không có tài sản gì ngoài niềm đam mê dạy học sinh. Cuộc sống cơ cực của ông giáo Nguyễn Đức Thìn được hồi sinh từ tình yêu học trò, từ niềm tin vào con người, những ánh mắt trẻ thơ trong sáng. Tận năm 2004, khi đã có nhà, có đất, ông mới đưa hài cốt mẹ trở về quê hương, bên cạnh bố mình.

Nỗi đau đó, trong cuộc đời khiến Nguyễn Đức Thìn sớm nhận ra con đường của mình. Từ một ông giáo làng, không được học hành bài bản, cũng không có bằng cấp gì, nhưng ông đã làm được nhiều hơn khi kết nối những tấm lòng yêu thương. Từ trong chiến tranh khói lửa, phong trào Nghìn việc tốt do nhà giáo Nguyễn Đức Thìn khởi xướng đã lan tỏa khắp mọi miền đất nước. Bước chân nhỏ bé, deo dai của ông đã đi từ Cao Bằng đến mũi Cà Mau để kể về 1.000 việc tốt.

Năm 1971, tại sân khấu Berlin, ông phụ trách một đoàn thiếu nhi cháu ngoan Bác Hồ đi biểu diễn văn nghệ. Hồi đó, nước mình còn nghèo. Ông đứng trong cánh gà, thổi amonica cho các em thiếu nhi hát trống cơm khiến các bạn nước ngoài kinh ngạc. Ông nói, người dân Việt chúng ta bé nhỏ, nhưng làm được tất cả nếu có lòng đam mê. Ông học cách thổi kèn amonica từ cuốn nhạc lý mỏng tang, bắt đầu từ những nốt cơ bản, đồ, rê, mi, thế mà có thể chơi được rất nhiều bản nhạc.

Ông Thìn đang kể chuyện cho học trò tại Cây đa Bác Hồ trồng ở Từ Sơn - Bắc Ninh.

Nhưng có một biến cố trong cuộc đời của nhà giáo Nguyễn Đức Thìn, khi ông phát hiện ra mình bị bệnh phong. Đó là năm 1979. Mọi người xa lánh, nghi kỵ. Ông Thìn phải vào tận Bệnh viện phong Quỳnh Lập chữa bệnh. Đó là những ký ức buồn, nếu không nói là đau đớn trong cuộc đời ông. Để quên đi những cơn đau, ông đã làm thơ. Những vần thơ cất lên từ máu, từ nước mắt và hơn nữa từ nghị lực sống của một tâm hồn yêu cuộc sống, tha thiết với cuộc sống.

Ngôi trường đầu tiên dành cho những em bé bị phong được dựng lên trên chính bãi biển Quỳnh Lập này. Và người thầy giáo đầu tiên của các em đó chính là ông giáo bệnh tật Nguyễn Đức Thìn. Có thể nói, bằng nhiệt huyết và niềm tin yêu cuộc đời, ông đã thắp sáng lên ở trại phong u tối, lạnh lẽo này một ngọn lửa. Hơn thế làm thay đổi nhận thức của mọi người về căn bệnh này. Những người bị phong được học, được trở về gia nhập vào cộng đồng, bớt đi những kỳ thị.

Ngoài niềm vui đó ông lại làm thơ. Tập thơ Bình Minh đến sớm chưng cất từ 1461 ngày ở Trại phong Quỳnh Lập. Người ta đã ví Nguyễn Đức Thìn là một Hàn Mạc Tử. Còn ông thì tự nhận mình là Nhiệt Cảm Sinh. Dù trong đau đớn, tuyệt vọng, ở ông vẫn tỏa ra một năng lượng sống, mãnh liệt, vượt qua tuyệt vọng, vượt qua bệnh tật, để tôn tại và hơn thế, đã làm những việc có ích cho đời.

Ông viết: "Tôi yêu cuộc đời, yêu người yêu trẻ. Khát vọng được sống. Nhưng đời là bể khổ. Mỗi người có một số phận riêng. Tôi đã trải qua chiến tranh thử thách, đói nghèo, bệnh tật, mưu sinh, lớn lên là một giọt nước nhỏ trong mênh mông biển đời khổ đau và hạnh phúc, hạnh phúc và khổ đau đan xen".

Nhưng ông chưa bao giờ tuyệt vọng. "Tôi không may bị bệnh phong. Đau đớn thể xác, đau đớn tinh thần, khó khăn cuộc sống. Nhưng tôi không tuyệt vọng, làm thơ nhân ước mơ và say hành động để dù hoàn cảnh nào cũng sống là người có nhân cách, có ích cho đời... Nhiều người bảo tôi hâm. Cũng vui, chẳng sao. Miễn mình hoàn cảnh nào cũng là người sống tử tế".

Hàng ngày ông vẫn thổi kèn amônica.

Những câu thơ giản dị, có phần nôm na, nhưng đã thắp sáng một sự sống không chỉ cho một người ở Trại phong Quỳnh Lập năm xưa. "Mất cảm giác chỉ trên da thịt/ Cảm hứng cuộc đời sâu mãi trong tim".

Sau 4 năm điều trị ở Trại phong Quỳnh Lập, Nguyễn Đức Thìn trở về quê. Những ngón tay, ngón chân bị teo cơ co quắp, mất hết cảm giác do liệt dây thần kinh ngoại biên. Thế nhưng hằng ngày ông giáo ấy vẫn lên lớp, viết nên những câu chuyện cuộc đời, về tình thương và lòng nhân ái. Năm 1985 ông được Chủ tịch nước phong tặng Anh hùng Lao động. Năm 1988, ông được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân... Nhưng có lẽ đối với ông giáo già này, thì mọi danh xưng kia đâu có nhiều ý nghĩa. Hàng ngày ông vẫn cần mẫn, lặng lẽ làm việc, truyền ngọn lửa yêu thương cho mọi người.

Tôi nhớ mãi hình ảnh ông già đứng trên ngôi mộ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm vào một ngày nắng cháy. Ông đặt lên mộ 28 bông sen trắng. Rồi cầm kèn amônica thổi bài hát mà nhạc sĩ Mai Kiên đã phổ nhạc thơ của ông Con người như giọt nước/ Trong mênh mông biển trời/ Khổ đau và hạnh phúc/ Xin đừng khinh bỏ nhau/ Hãy thắp lửa nhân ái/  Cho cuộc đời bớt đau...

Nhà giáo Nguyễn Văn Thìn sinh ra ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.  Với những ngón tay khó nhọc của mình, nhưng ông đã viết nên 13 cuốn sách về lịch sử và văn hóa Đền Đô như Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô, Đình Bảng, quê hương nhà Lý. Ông cũng xuất bản nhiều tập thơ, và một cuốn tự truyện về cuộc đời mình. Ông Thìn cũng là tác giả của hai bức ảnh rất nổi tiếng đang được treo ở Đền Đô: Bát đế hiển linh và Tiếng vọng cội nguồn.

Ông Nguyễn Thạc Hoàn, Cựu đội trưởng Đội du kích thiếu niên Đình Bảng

Chúng tôi hoạt động với nhau từ những ngày còn nhỏ. Đồng chí Thìn luôn là người nhanh nhẹn và có những sáng kiến đặc biệt. Ông là một người tha thiết yêu quê hương, chính ông đã thắp sáng lên trong người dân quê tôi ngọn lửa của tình yêu thương, lòng nhân ái. Ông cũng là một trong những người có công trong việc phục dựng lại Đền Đô.

Khánh Linh
.
.
.