Người đàn ông nhịn ăn dành tiền mở tiệm sách miễn phí

Thứ Năm, 03/03/2016, 17:33
Kiếm được bao nhiêu tiền, ông đổ vào mua sách hết, ông nhịn ăn để dành tiền mua sách. Gia tài của ông ở tuổi 64 là một tiệm sách… miễn phí dành cho tất cả mọi người. Khách đến đọc sách, mượn sách hoàn toàn miễn phí, khát thì uống trà, đói ăn bánh kẹo, mì tôm xả láng mà không phải trả bất cứ khoản tiền nào. Nhiều người xót xa hỏi ông: "Sao cho nhiều thế?". Ông bình thản trả lời: "Tôi đang được rất nhiều".


Đọc sách, uống trà, ăn bánh… miễn phí

Ông chủ tiệm sách miễn phí (số 21 đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) tên đầy đủ là Nguyễn Ngọc Cần (quê Long An). Tiệm sách của ông nằm khiêm tốn giữa một quần thể nhà hàng, khách sạn sầm uất. Nếu không tinh mắt, rất khó để phát hiện ra tấm biển hiệu treo ở cửa với những dòng chữ ngay ngắn, chỉn chu mang đậm triết lý nhà Phật.

Gặp ai ông cũng cười, nụ cười thân thiện và cởi mở. Ông bảo, mình chẳng quan tâm đến tuổi, cứ sống thanh thản như vậy là hạnh phúc rồi. Thời trai trẻ, ông từng lăn xả rất nhiều nơi, nhảy việc rất nhiều lần, cho đến tuổi U60 ông vẫn "nhảy" như cơm bữa. Cho nên, về nghỉ hưu chẳng có chế độ nào cả. Ông mê sách từ nhỏ, mê đến độ quên ăn, quên ngủ. Ông có thể đứng ở nhà sách đọc cả ngày mà không thấy mỏi chân, mỏi mắt và đói bụng.

Ông Nguyễn Ngọc Cần mê sách đến độ quên ăn.

Hơn nửa đời người làm lụng, cuối cùng ông vẫn chẳng có gì để thực hiện ước mơ với sách. Ông ngỏ lời xin người em gái ở nước ngoài 500 USD, em gái ông đồng ý. Nhưng mẹ ông buông một câu: "Trời ơi, làm gì mà cho những 500 USD". Vậy là em gái ông rút xuống còn 300 USD, cộng thêm 3 tháng tiền đặt cọc thuê nhà nữa, ông hăm hở đi mua sách. Ông tìm đến các nhà sách, tranh thủ đọc ngấu nghiến những đầu sách rồi lao vào chọn lựa, ông mua bằng sạch số tiền mang theo.

Ngôi nhà của ông do cha mẹ để lại, sau khi phân chia cho người em, phần của ông chỉ còn độ 2 mét chiều ngang, 4 mét chiều dài. Diện tích ấy ông phải gò ép hết sức, tính toán hết nước mới đưa được các kệ sách vào. Lúc đầu có ít tiền, mua được ít sách thì còn chỗ ngồi, chỗ đứng nhưng qua thời gian, sách của ông lên tới mấy ngàn cuốn đã không còn chỗ ngồi nữa mà chỉ có lối đi rất nhỏ. Kệ sách của ông cũng được thiết kế đặc biệt, ông tận dụng hết khả năng sử dụng, từng chiếc khung sắt cao vút lên tận trần nhà chất đầy sách. Sách còn thừa, ông xếp ngay ngắn ở bậc thang và trên gác xép.

Từ ngày có tiệm sách, ông Cần như trẻ thêm mấy tuổi. Ông viết bảng giới thiệu và quảng bá tiệm sách của mình. Đó là một tiệm sách thứ gì cũng… miễn phí. Ai đến đọc sách thì đọc, nếu thích thì có thể lấy về nhà cũng được hoặc nếu mua thì trả bao nhiêu cũng xong. Ở ngoài hiên, ông kê sẵn chiếc ghế đá và mấy chiếc ghế nhựa, vài bình nước trà nóng các loại, ngoài ra còn có bánh kẹo, hạt hướng dương… tất cả đều phục vụ miễn phí cho "thượng đế" đến đọc sách.

Thời gian đầu, độc giả tìm đến tiệm sách chủ yếu ở tuổi lão, càng về sau thì độc giả trẻ hóa hơn. Tiếng lành đồn xa, có những độc giả tận Hóc Môn, Củ Chi bắt 3 chuyến xe bus lên tiệm của ông để đọc sách. Nhiều người ái ngại sau khi lấy sách mang về đã trả cho ông một chút tiền, nhưng có người cũng lẳng lặng đi luôn.

Ông vui lắm, không quan tâm đến chuyện hao hụt, vì ông nghĩ, sách là tri thức, nếu có mất mát thì cũng ra được bên ngoài, tới được nhiều người lĩnh hội, xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Tiền bán sách ông tích góp vào đó, khi nào hòm hòm một chút là ông lại đi, ông mua đến khi nào không còn một xu nào mới chịu thôi. Những nhà sách quen mặt ông, biết việc ông làm đã rất ưu đãi giá cả. Chỉ cần ông mua một cuốn thì họ vẫn tính giá sỉ cho ông.

Ông Cần niềm nở giới thiệu sách với độc giả.

Người đến đọc ngày càng đông mà đầu sách thì hao hụt mỗi ngày, ông rất lo. Thế là ông lại đi làm thêm để lấy tiền mua sách. Làm buổi sáng, buổi chiều ông ra tiệm sách. Chạy bở hơi tai cả ngày, ông mệt lắm nhưng vẫn phải ráng. Đêm, khi đã dọn tiệm xong, ông bắt đầu chong đèn lên đọc sách. Đêm nào cũng vậy, ông đọc đến 2 giờ sáng mới thôi. Đọc sách với ông là đam mê, đã nghiện rồi nên khó bỏ được. Vợ con ông ở quận 4, nhưng vài ngày ông mới về một lần. Được cái, gia đình không ai phản đối việc làm của ông. Trước đó ông cũng tuyên bố thẳng  là có phản đối thì ông vẫn làm, không ai ngăn cản được đâu.

Ba tháng nay, ông nghỉ hẳn công việc làm thêm để toàn tâm lo cho tiệm sách, ông muốn phục vụ chu đáo các "thượng đế". Sinh viên tìm đến tiệm sách của ông là thích nhất, vì được thoải mái đọc sách, được mang về và tha hồ uống nước, ăn bánh mà không phải trả tiền. Buổi trưa, ông còn pha mì tôm cho ăn no để có sức mà đọc sách tiếp.

Tôi được rất nhiều…

Nhiều người xem ông Cần như là người ông, người cha sẵn sàng lắng nghe và sẻ chia mọi chuyện. Có cô sinh viên năm thứ hai, tên T. ở một trường đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mấy ngày liền đến đọc sách mà tâm trạng thất thần.

Đoán chắc T. đang có chuyện, ông Cần khẽ hỏi vài câu thì T. òa khóc. T. đang bị thất tình, rất chán nản, không thể tập trung học hành. Ông Cần kéo T. ngồi lại rồi nhẹ nhàng khuyên nhủ: "Ở đây có hàng ngàn cuốn sách và hàng ngàn câu chuyện để ta đọc và suy ngẫm. Trong đó có những câu chuyện giống như của con. Biết đâu sau nỗi buồn này, con lại có thể viết ra cả một cuốn sách để dạy mình và làm bài học cho thế hệ sau. Cho nên, buồn đôi khi còn là động lực để con người sống tốt hơn".

 Lời ông Cần khuyên vĩ mô quá, trừu tượng quá, T. nghe chẳng hiểu gì càng não nề, ảm đạm hơn. Ông bảo T. nhìn thẳng vào mắt mình, ông nói: "Cha mẹ sinh ra con, nuôi con lớn đến bằng này tuổi, cho con đi học đàng hoàng, việc đầu tiên con làm là cho cha mẹ vui lòng chứ không phải ủ dột, nức nở chỉ vì một người con trai. Tuổi trẻ con còn dài, tương lai rạng rỡ, trên đường đời con sẽ gặp được rất nhiều chàng trai khác. Và bây giờ hãy nghĩ đến cha mẹ của con, đừng bận tâm về việc gì nữa".

Tiệm sách của ông rất nhỏ, chỉ đủ lối đi cho một người.

Nghe ông Cần nói, T. ngẩn ngơ rồi sực tỉnh. Vài ngày sau, T. xuất hiện trong tiệm sách với vẻ mặt hớn hở, T. cười e thẹn: "Con hết buồn rồi chú ơi". 

Lần khác là một gã giang hồ tứ chiếng, đã mỏi gối chùn chân sau một thập kỷ phiêu dạt, gã tìm đến tiệm sách của ông Cần, vì nghe nói ở đây có nhiều sách kinh Phật. Nhìn vào mắt của gã, ông Cần phát hiện ngay ra một đốm sáng đang le lói trong phần người của gã, mầm thiện đang trỗi dậy và gã muốn sám hối. Ông Cần tỉ mỉ tư vấn cho gã nên đọc cuốn sách nào, đọc chương nào, mục nào. Rồi ân cần chọn sách đưa cho anh ta mang về nhà đọc, thích thì giữ lại luôn, còn không thì mang tới trả. Hôm sau quay lại, anh ta mang theo cuốn sách và nói với ông Cần: "Thật sự tôi không đọc sách của ông, tôi đến đây để xin sự tư vấn cho cuộc đời".

Chỉ chờ có thế, ông Cần đã rút hết gan ruột nói chuyện với anh ta. Ông không tư vấn hay khuyên nhủ người đàn ông này sẽ phải quay đầu vào bờ hoặc làm thế này thế nọ. Ông chia sẻ về cuộc đời của ông, về những thăng trầm ông đã vượt qua. Ông nói về kinh Phật, về luật nhân quả, về những triết lý sống mà ông đã học được từ việc đọc sách. Sau lần trò chuyện ấy, không thấy gã giang hồ tới tiệm sách nữa.

Bẵng đi một thời gian, anh ta xuất hiện với một dáng vẻ không thể nhận ra. Đó là một con người khác, chỉn chu, lịch thiệp và vô cùng khiêm nhường. Lần này anh ta tìm đến ông Cần để mua sách về đọc chứ không phải xin tư vấn. Anh cho biết, sau thời gian đấu tranh giữa thiện và ác, giữa lòng tham và sự thù hận, giữa máu và nước mắt để chọn lựa cho mình một cuộc sống tốt đẹp nhất, thì anh đã quyết định "gác kiếm". Anh mở một quán cà phê vườn, hằng ngày tự làm tất cả các công việc của một nhân viên. Bây giờ thì anh thật sự cần những cuốn sách của ông Cần, để bồi dưỡng kiến thức văn hóa và những triết lý cần thiết cho cuộc đời mới.

 Trường hợp của anh Tài là gần gũi và hiệu quả nhất trong hành trình lan tỏa điều tốt của ông Cần. Ngày còn trẻ, anh Tài thuộc dạng lêu lổng, ăn chơi các kiểu. Sống gần ông Cần, ngày nào buồn chán thì ra tiệm sách ngồi chơi, nghe ông nói chuyện. Quý mến và thần tượng ông chủ tiệm sách, sau khi lấy vợ, anh Tài tu chí làm ăn và thuê luôn mặt bằng cạnh tiệm ông Cần bán cà phê để mỗi ngày được nghe ông Cần kể chuyện, thấy ông vui với niềm vui tri thức.

Con người ông Cần là một kho sách, hễ ai nhắc đến cuốn sách nào, của tác giả nào là ông nói vanh vách, kể chi tiết. Sách ông mê nhất là sách Phật giáo. Ông thấy ở đó, có những triết lý sống rất kỳ diệu, ông chọn lọc và ứng dụng hiệu quả vào cuộc sống của chính ông.

Thấy ông làm cái gì cũng miễn phí, nhiều người không khỏi xót xa đã thốt lên: "Sao ông cho nhiều thế, không giữ lại gì cho mình hết"? Ông cười, trả lời: "Tôi đang được rất nhiều đấy thôi…".

Ngọc Thiện
.
.
.