Người đàn ông "quái dị" với trái tim "khổng lồ"

Thứ Sáu, 06/12/2013, 10:00

Gần mười năm qua, người đàn ông "đặc biệt" ấy cứ miệt mài đến các bệnh viện, phòng khám tư để gom xác các hài nhi đưa về chôn cất. Ngày đi gom xác, tối về lại hì hụi đóng tiểu. Ông còn dành dụm tiền mua một chiếc tủ đông lạnh để tiện cho việc bảo quản xác các hài nhi xấu số khi chưa có điều kiện chôn cất.

Nhiều người bảo ông điên, người lại bảo ông bị "ma nhập" nhưng cũng không ít người đã ủng hộ việc làm tử tế ấy của ông. Ông là Nguyễn Văn Nho, thôn Từ Châu, xã Diễn Châu (Thanh Oai, Hà Nội).

Ngôi mộ vô danh và nỗi đau nhân tình thế thái

Ngôi mộ chôn cất xác của các hài nhi xấu số nằm lọt thỏm giữa bạt ngàn các ngôi mộ khác trong khu nghĩa trang thôn Từ Châu. Có điều, trên ngôi mộ đặc biệt ấy không có danh tính, ngày sinh, ngày mất mà chỉ có những dòng nhắn nhủ của người tạo ra nó tới các đấng cha mẹ, đừng vì bất cứ lý do gì mà nhẫn tâm tước đoạt quyền được làm người của chúng. Ngôi mộ sâu 3,2 mét, rộng 3 mét, được chia làm 4 ngăn. Trong từng ngăn đó là những ô rất nhỏ để chứa xác các hài nhi. Hơn 20 ngàn xác hài nhi xấu số đã được chính tay ông Nho chôn cất cẩn thận. Giờ ngôi mộ ấy đã hết chỗ trống nên mới đây ông lại tiếp tục làm đơn xin xã cấp cho thêm đất để xây dựng ngôi mộ thứ hai.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nho cũng là lúc ông vừa hay đi cắt cỏ về. Bà Linh, vợ ông mau mắn nói: "Đấy, vợ chồng tôi đã thỏa thuận, nếu ông ấy muốn theo đuổi cái "nghề" này thì phải đảm bảo hoàn thành mọi việc trong gia đình đã".

Gần chục năm nay, sáng nào ông Nho cũng thức dậy thật sớm, lo cắt cỏ cho bò, lo những việc đồng áng để đến chiều có thể thảnh thơi đi làm cái việc mà ông muốn làm vì nghĩa.

Cơ duyên để ông Nho đến với công việc "không giống ai" này cũng thật tình cờ. Năm 2008, ông Nho phải vào Bệnh viện huyện Thường Tín để chữa bệnh sỏi thận. Những ngày trong viện, ông Nho thường đi lang thang để giết thời gian. Và một lần tình cờ, ông phát hiện ra xác các hài nhi xấu số - hệ quả của những lần nạo phá thai được vứt xuống ao, xuống cống... ông Nho đã rất đau lòng. Hình ảnh đó cứ đeo bám tâm trí ông cả lúc thức lẫn trong giấc ngủ.

Sau đó, ông Nho mạnh dạn đề xuất với một số bác sĩ của phòng khám phụ khoa trong bệnh viện, xin được mang xác những thai nhi đó về chôn cất. Ông tâm sự: "Tôi không muốn những hài nhi đó không được sống mà lại còn không có cả một chỗ để chôn. Đau lòng lắm. Hơn nữa nó cũng sẽ làm giảm ô nhiễm môi trường!". Mong muốn ấy của ông đã được các bác sĩ chấp nhận.

Thế là, sau khi xuất viện, hằng ngày đều đặn ông cưỡi chiếc xe máy cà tàng từ Thanh Oai ra Bệnh viện Thường Tín để nhặt xác các thai nhi. Lúc đầu, khi thấy ông làm việc này vợ con, bạn bè và những người thân cực lực phản đối. Nhiều người còn độc mồm nói ông bị "điên", bị "ma nhập". Ông bảo: "Nhiều lúc bị nói cũng rác tai lắm. Nhưng sau tôi nghĩ việc mình làm là việc thiện nên không việc gì phải ngại, miễn sao mình thấy thanh thản là được".

Ông Nho bên ngôi mộ khổng lồ chôn các thai nhi.

Sáng ông Nho ra đồng làm ruộng, chiều đi thu nhặt xác các thai nhi và đến buổi tối thì lại lọ mọ đóng tiểu. Cứ một mình với một cái khuôn có sẵn, si măng và cát trộn trộn, chát chát. Tiểu đúc hôm trước thì sẽ dùng cho hôm sau. Ông chia sẻ: "Tất cả những xác thai nhi mà tôi đưa về đều được tôi làm đủ các thủ tục: tắm rửa, bọc vải trắng rồi sau đó đọc kinh rửa tội cho chúng (ông Nho là người Công giáo - pv) rồi mới mang đi chôn".

Việc làm của ông Nho tuy vấp phải rất nhiều sự kỳ thị, dè bỉu nhưng cũng làm lay động biết bao tấm lòng hảo tâm. Chỉ một tuần sau khi bắt đầu công việc, một người phụ nữ già đã tìm đến ông và thổ lộ bà cũng muốn được làm việc tốt như ông. Rồi sau đó, những người đến chia sẻ với công việc của ông ngày một nhiều lên. Họ giúp ông nhiều thứ, chia nhau đi đến các bệnh viện, các phòng khám tư nhân để thu xác. Không có kinh phí, nhóm của ông đã tổ chức đi bán bóng bay, nhặt rác để gom tiền từ thiện.

Khoảng 2 năm sau, ông Nho bàn với những hội viên trong nhóm sẽ trích số tiền từ thiện có được mua một chiếc tủ đông lạnh đặt ở nhà ông để đựng xác các thai nhi. Trước, ngày nào ông Nho cũng phải làm công việc chôn cất thì đến nay vài ngày ông mới làm việc đó một lần. Bởi, xác các thai nhi sau khi được thu ở các bệnh viện đem về, tắm rửa sạch sẽ, gói vải trắng rồi sẽ được đặt ngăn nắp vào tủ đông lạnh để bảo quản. "Có làm công việc này mới hiểu, tình trạng nạo phá thai ở nước ta nó nhiều đến mức nào. Có ngày một mình tôi thôi cũng đã nhặt tới 12 xác thai nhi. Thực lòng là đau xót lắm!".

Những đêm dài không ngủ vì ám ảnh

Công việc thu nhặt xác các hài nhi xấu số đã trở thành cái "nghiệp" gắn với ông Nho suốt nhiều năm qua. Mặc dù quá quen với những cảnh tượng đau lòng đó, thế nhưng ông Nho vẫn không sao thoát khỏi những ám ảnh thương tâm. "Có những thai nhi mới chỉ là cục máu, có những thai nhi đã nên hình nên dạng. Nhưng đau xót nhất là những thai nhi đã thành người. Vậy mà chỉ vì lý do này, lý do nọ người ta tìm mọi cách để phủ nhận nó. Vì cái thai quá to không thể nạo, không thể hút nên người ta phải cắt khúc hài nhi đó ra để lôi từng đoạn một. Nhìn cảnh đó, dù có là gỗ đá cũng phải quặn lòng" - Ông Nho buồn rầu tâm sự.

Bà Hạnh và ông Nho không hiểu tại sao nhóm bác ái phải hoạt động bí mật.

Với những trường hợp như thế ông Nho lại phải nhặt từng phần cơ thể rồi ráp lại. Nhưng không phải lúc nào ông Nho cũng may mắn nhặt được trọn vẹn toàn bộ các bộ phận hài nhi để mà ráp nối. Hôm nào gặp phải những trường hợp như thế là cả đêm ông Nho trằn trọc. Cứ nhắm mắt vào là cảnh tượng ám ảnh đó lại hiện ra. Nhiều đêm ông phải bật dậy để đọc kinh cầu nguyện. Ông Nho kể: "Trẻ con mới sinh ra mắt thường hay nhắm. Vậy mà có những xác hài nhi khi tôi nhặt được mắt mở chừng chừng. Phải đến khi tôi dùng tay vuốt, đôi mắt ấy mới khép lại".

Ngồi cạnh chồng, bà Linh cũng góp chuyện: "Nói thật, thời gian đầu tôi phản đối việc ông ấy làm ghê lắm. Vợ chồng cứ lời qua tiếng lại với nhau suốt. Sau thấy ông ấy vẫn đảm bảo việc nhà, lại tận mắt chứng kiến cảnh những hài nhi xấu số bị chối bỏ ấy tôi thương lắm. Ai mà biết được trong những số hài nhi người ta nạo, hút ấy nếu để thành người lại chả có những bác sĩ, những nhà khoa học, những thầy giáo phải không cô chú? Thôi thì ông nhà tôi làm việc không công nhưng tích được cái phúc, cái đức cho con cháu về sau".

Có lần, vào một buổi sáng sớm tinh mơ, ông Nho ra mộ thắp hương cho linh hồn các hài nhi xấu số. Ông Nho thấy trên mộ có đặt một chiếc túi giấy rất xinh xắn. Cứ ngỡ ai đó có lòng hảo tâm mua quà đến thắp hương các hài nhi. Ông Nho mở ra thì giật bắn mình khi trong nhiều lớp vải cuốn là xác của một hài nhi còn đỏ hỏn kèm một tờ giấy ghi "Nhờ ông Nho và nhóm Bác Ái chôn cất con cho tôi. Vì điều kiện không cho phép nên tôi không thể tự tay làm việc này cho con của mình. Tôi xin ghi lòng tạc dạ". Sau phút giật mình vì bất ngờ, ông Nho lại đưa xác đứa trẻ về nhà, tắm rửa sạch sẽ rồi mới để vào tiểu để đem chôn. Đối với những đứa trẻ đã đủ ngày đủ tháng có khi ông phải dùng hẳn một cái tiểu riêng. Nhưng đối với những hài nhi mới chỉ là những cục máu, hay mới hình thành một vài bộ phận thì có khi phải rất nhiều mới gom vào đặt chung một tiểu.

Có nhiều người đã biết đến công việc của ông Nho và ngôi mộ đặc biệt ấy nên họ chủ động đến gửi gắm xác con mình. Có nhiều gia đình hiếm muộn, sinh được đứa con nhưng chẳng may nó không được làm người cũng đưa xác con họ về tận nghĩa trang Từ Châu nhờ ông Nho chôn cất. "Vì họ nói đưa con đến đây, họ sẽ không sợ bị thất lạc và con của họ sẽ không bị cô đơn vì xung quanh còn nhiều bạn bè khác" - ông Nho kể.

Nhóm thiện nguyện đặc biệt

Chỉ trong vòng vài tháng kể từ sau khi ông Nho bắt đầu công việc đặc biệt này thì những người có tấm lòng từ bi đã tìm đến với ông. Họ thành lập nhóm Bác Ái với đủ các thành phần từ già đến trẻ. Người già nhất và cũng là người tham gia công việc này cùng với ông Nho ngay từ những ngày đầu là bà Nguyễn Thị Hạnh. Năm nay bà Hạnh đã 81 tuổi nhưng hễ cứ có thời gian rảnh là bà Hạnh lại rong ruổi trên cái xe đạp cũ đến các trung tâm y tế, những phòng khám tư nhân để gom nhặt xác hài nhi. "Cũng nhờ có bà Hạnh là mẹ của hai liệt sĩ bảo lãnh nên công việc của chúng tôi mới thuận lợi được. Chứ ban đầu nhiều người còn hồ nghi chúng tôi làm việc đó là có mục đích" - ông Nho chia sẻ.

Không chỉ đi gom xác các hài nhi xấu số mà nhóm Bác Ái của ông còn cử người đến ngồi ở các phòng khám thai với mục đích tốt đẹp sẽ can ngăn được ai đó từ bỏ ý định phá thai của họ. Nếu người mang thai là những phụ nữ chưa có gia đình, chẳng may trót dại, điều kiện kinh tế khó khăn để có thể sinh con thì nhóm Bác Ái sẵn sàng đứng ra để nuôi họ trong thời gian thai sản. Thậm chí, còn có cả một ngôi nhà "tạm lánh" để những phụ nữ lầm lỡ ấy có thể đến ở, tránh sự dị nghị, dè bỉu của những người xung quanh. Sau khi sinh, họ vẫn có thể nghĩ lại và quyết định tự mình nuôi con hay cho đi. Nếu họ không thể nuôi con, nhóm Bác Ái sẽ lại tìm cách liên hệ với những gia đình hiếm muộn để nhận nuôi đứa bé. Ông Nho buồn rầu nói: "Mặc dù tôi cùng các thành viên trong nhóm đã cố gắng hết sức nhưng số trẻ em mà chúng tôi cứu sống được cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay: 8/25 vạn".

Người đàn ông với dáng vẻ khắc khổ ấy ngày ngày lặng lẽ đi gom nhặt xác các hài nhi chỉ với một ý nguyện duy nhất, "không để cho những đứa trẻ xấu số ấy bất hạnh ngay cả khi chúng không thể thành người". Và ông luôn ao ước, giá một ngày nào đó ông và những người trong nhóm Bác Ái sẽ "thất nghiệp". Điều đó sẽ đồng nghĩa với việc sẽ không còn hài nhi nào bị chối bỏ trên đời…

Ông Nguyễn Đăng Việt, Chủ tịch UBND xã Liên Châu, Thanh Oai, Hà Nội cho biết: Đúng là ông Nho và nhóm Bác Ái đã làm việc này trong nhiều năm. Phần đất ông Nho xin của nghĩa trang là của thôn, thuộc về công giáo. Cái này chúng tôi không quản lý. Nhưng một năm trở lại đây, chúng tôi cũng đã động viên ông Nho và nhóm Bác Ái tạm dừng công việc này vì cũng sợ xác những hài nhi không rõ nguồn gốc khi được mang về sẽ kéo theo mầm bệnh.

Phong Anh
.
.
.