Người đàn ông vượt qua dư luận đón người có H về nhà chăm sóc

Chủ Nhật, 03/03/2013, 16:07

Bỏ ngoài tai những lời dị nghị, những ánh nhìn không thiện cảm, suốt 3 năm qua anh Trần Văn Chiến - nhân viên tiếp cận cộng đồng ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Bến Tre đã nhận nuôi dưỡng và chăm sóc tại nhà hơn chục người nhiễm HIV giai đoạn cuối. Nhất là mỗi độ Tết đến Xuân về với tấm lòng nhân ái của mình anh đã mang lại cho họ những cái Tết vui vẻ và đầm ấm, giúp họ quên đi những đau đớn về thể xác.

Một quãng đời lầm lạc

Đến thôn 3 xã An Hiệp hỏi về anh Chiến ai cũng hồ hởi chỉ nhà, nhiều người còn níu tay chúng tôi lại bảo rằng “Thằng Chiến nó giỏi quá cả xã này đều khâm phục nó”. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ mới xây được phần thô chưa trát nằm sâu trong vườn cây ăn quả là người đàn ông có vóc dáng cao to với nước da ngăm đen dạn dày sương gió. Nhìn vẻ ngạc nhiên của chúng tôi, vừa rót nước mời khách anh vừa rụt rè kể về cuộc đời của mình cho những vị khách lần đầu tiên gặp.

“Tôi sinh ra và lớn lên ở đất Châu Thành này ba má đều làm ruộng. Ngày nhỏ chỉ học hành qua loa rồi bỏ đi làm kinh tế. Cuộc sống nay đây mai đó không ai quản lý tôi cũng từng mắc nghiện. Cứ nghĩ nghiện ma tuý như nghiện thuốc lá, rượu bỏ lúc nào cũng được, ai dè càng ngày càng lún sâu không dứt ra được. Trước ở cái ấp này ngoài tôi cũng còn có mấy anh em nữa nhưng đều nhiễm H chết rồi. Ngày đó có biết HIV/ AIDS cứ mấy người chung tiền mua thuốc về chích đến cái kim tiêm cũng không có ý thức là phải dùng riêng. Rồi bạn bè mắc bệnh chết một lúc mấy đứa, lúc này tôi mới lo sợ đi xét nghiệm, may mắn là tôi không bị nhưng từ đó cũng sợ đến mức cai nghiện luôn. Nghe tôi nói sẽ cai má tôi chỉ cười. Không cần xích chân tay gì hết tôi ra sau vườn lợp lều tự cai. Thấy tôi quằn quại mồ hôi vã ra như tắm mà không dám kêu một câu má tôi thương quá kêu người chở tôi đi bệnh viện, tôi xua tay nhất định ở nhà. Qua một tuần tôi cắt được cơn ăn uống được rồi sức khoẻ khá dần lên. Các anh chị ở trạm y tế thấy tôi quyết tâm ai cũng đến động viên. Sau 6 tháng đi thử nước tiểu, thấy tôi âm tính các anh chị liền giới thiệu tôi trở thành nhân viên tiếp cận cộng đồng. Tôi may mắn hơn bạn bè cùng cảnh ngộ là được sự quan tâm giúp đỡ cả về phía gia đình lẫn xã hội. Nên khi nhận lời làm nhân viên tiếp cận cộng đồng tôi đã cố gắng chia sẻ với những người nhiễm H nhưng thiếu bàn tay chăm sóc của gia đình và người thân”.  Anh Chiến tâm sự.

Vậy là từ một con nghiện lâu năm anh trở thành một người có ích cho xã hội. 

Xây nhà đón người có H về chăm sóc

Tham gia nhóm Giáo dục đồng đẳng của Dự án Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre do Ngân hàng Thế giới tài trợ (WB) vượt qua những mặc cảm tự ti, Trần Văn Chiến tham gia các lớp tập huấn về HIV, càng đi nhiều được tiếp xúc với những người nhiễm H nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh và lầm lạc trong trái tim tội lỗi của anh đã ươm lên những mầm xanh của lòng nhân ái.

“Tháng nào tôi cũng được tiếp xúc với những người có H. Họ luôn ở trong tình trạng chán chường, mệt mỏi và cô đơn. Nhìn thấy họ như thế tôi càng thấy mình may mắn và quyết tâm làm gì đó để giúp họ”. Anh Chiến tâm sự.

Nghĩ là làm anh về nhà bàn với mẹ xây thêm phòng để đón những bệnh nhân nặng về nhà chăm sóc. Má anh, người phụ nữ thương anh nhất mực đã ứa nước mắt vui mừng khi thấy con biết làm từ thiện. Hàng xóm láng giềng nghe tin anh xây thêm nhà đón người có H về chăm sóc người tử tế thì im lặng quan sát, kẻ ác mồm bảo anh bị hâm. Rồi xì xào bàn tán hết người này đến người kia lên Uỷ ban kêu ca chuyện anh lôi người Si da về làm ảnh hưởng đến bà con lối xóm. Nhà anh ngày càng vắng khách tới lui, họ sợ đến mức có việc gì chỉ đứng ở ngoài đường kêu chứ không ai dám bước chân vô sân cả.

Bỏ qua tất cả, anh đón các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn về nhà. Anh cho biết “Hầu hết những người tôi đón về nhà đều có hoàn cảnh éo le người thì nghiện lâu quá phá của gia đình không biết bao nhiêu tiền của nay bệnh nặng gia đình chán ghét bỏ mặc. Người thì vì mặc cảm mà không quay về. Nhìn những hoàn cảnh như vậy tôi rất thương chỉ mong mang lại chút hơi ấm, tình cảm gia đình cho phần đời ngắn ngủi còn lại của họ”. “Tiếng lành đồn xa” họ truyền tai nhau đến với anh, tính cho tới nay anh đã nhận nuôi và chăm sóc tại nhà cho 10 người nhiễm HIV và  cháu bé 4 tuổi bố mẹ em cũng chết vì AIDS.

Chỉ vào bức ảnh anh chụp cùng một người đàn ông treo trên tường anh bảo “ Nó tên Tuấn, ngày mới nhận nó chân tay nó ghẻ lở, hôm tôi đèo Tuấn lên Viện Pasteur xét nghiệm CD4 từ 3h sáng. Một tay tôi lái xe một tay phải vòng ra đằng sau ôm nó, mà cứ đi được chừng vài cây số là nó lại ói, dừng xe không kịp là nó ói luôn ra lưng mình. Suốt 7 tiếng đồng hồ như thế lúc đến viện tôi tưởng tay mình gẫy rời ra. Giờ nó khoẻ rồi đã có công việc mới tôi nghe vậy cũng mừng cho nó lắm.

Anh Trần Văn Chiến đang xem sách chăm sóc bệnh nhân H.

Hàng ngày ngoài việc đồng áng, vợ chồng anh lại cùng nhau làm công việc của một người GDVĐĐ, một nhân viên tiếp cận cộng đồng. Khi được hỏi – Có sợ không khi thấy chồng mang người có H về nhà chăm sóc? – Chị Thu vợ anh cười bảo: “Lúc đầu cũng sợ nhưng hai vợ chồng đều là tuyên truyền viên được phổ biến nhiều về cơ chế lây nên tôi không còn sợ nữa. Mỗi người bệnh đều được chúng tôi sắm cho bông, kéo và cồn để lỡ có việc gì thì họ tự biết xử lý và họ cũng rất có ý thức dùng xong thường đốt đi tránh lây nhiễm. Những lúc rảnh rỗi chúng tôi luôn nói chuyện, tâm sự để họ tránh được mặc cảm bị bỏ rơi”.

Theo chân anh ra sau vườn chúng tôi ghé thăm phòng anh H bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Hai mắt anh ta đã loà không còn nhìn rõ, thấy anh Chiến nói có khách đến chơi anh H ngồi dậy miệng nở nụ cười bảo “Em biết mình có tội với bố mẹ lắm, nay bệnh tật thế này lại làm phiền vợ chồng anh Chiến nữa. Tuy không có gia đình bên cạnh nhưng ở đây cũng vui. Vợ chồng anh Chiến tốt và rất thương anh em. Tôi ở đây cũng gần 2 năm rồi tết đến mấy anh em quây quần gói bánh, anh chị cũng tổ chức như ở nhà nên mọi người không thấy tủi. Chứ người như chúng tôi ai còn thèm nhớ đến nữa”.

Đúng vậy, những người như anh H, anh T hầu hết đều có một quá khứ lầm lạc với gia đình họ không thể thay đổi nhưng khi đến với anh Chiến bằng tình yêu thương sự cảm thông anh đã cảm hoá được họ. Có những người ngày mới đến tối nào cũng khóc lóc quậy phá thậm chí đánh nhau làm ảnh hưởng đến mọi người nhưng đã oà khóc khi thấy anh nhẹ nhàng bê từng bát cháo dỗ dành họ ăn để lấy sức.

Mỗi người đến đây đều có một hoàn cảnh nhưng chưa bao giờ anh làm tổn thương họ bởi những gì đã qua trong quá khứ. Anh chăm sóc họ bằng cả tấm lòng, không mảy may suy tính thiệt hơn. Việc anh làm không chỉ dừng lại ở một người giáo dục viên đồng đẳng mà  trong đó luôn chứa đựng một tình thương bao la, một tinh thần trách nhiệm cao.

Đã từng có gia đình trước kia khi biết con mình nhiễm H vì sợ hãi mà ruồng bỏ  nhưng khi thấy anh là người dưng lại nhận con họ về chăm sóc, yêu thương như ruột thịt. Họ đã nghĩ lại đến xin anh cho đón con về, những lần như vậy khi chia tay anh không biết nói gì chỉ rơi lệ mừng cho gia đình họ được đoàn tụ.

Anh Nguyễn Đức Nhân – cán bộ chuyên trách HIV của huyện Châu Thành nhận xét về anh như sau: “Nhiều người có thể làm Giáo dục viên đồng đẳng nhưng dám nhận những người nhiễm HIV về nhà chăm nuôi thì mới thấy có anh Trần Văn Chiến. Anh đến với họ bằng tấm lòng nhân ái không màng danh lợi và chỉ có như vậy anh mới có thể vượt qua sự kỳ thị, vượt qua khó khăn thiếu thốn về kinh tế để làm một việc mà không phải ai cũng làm được. Chúng tôi mong sao ngày càng nhiều những nhà hảo tâm cùng chung sức với anh Chiến để giúp đỡ những người có H. Tuy họ hầu hết đều có một quá khứ lầm lỗi nhưng dân ta vẫn có câu đánh kẻ chạy đi ai đánh người chạy lại”.

Chia tay vợ chồng anh Chiến, chị Thu cùng căn nhà đặc biệt chúng tôi thầm chúc cho anh chị mạnh khoẻ để cứu giúp được nhiều người hơn nữa

Vũ Văn
.
.
.