Người đóng sách cũ cuối cùng của Sài Gòn

Chủ Nhật, 31/05/2015, 09:00
Sống đơn thân, lại bị dị tật một bên chân, ông Rạng chọn nghề đóng sách cũ, vừa để mưu sinh, vừa gìn giữ những giá trị xưa cũ chỉ bằng vài công cụ thô sơ, cũ kỹ và cả một tấm lòng yêu nghề, yêu quý những cuốn sách của quá khứ.
"Bác sĩ" của những cuốn sách cũ

7h sáng, hàng xóm còn đang say giấc, ông Rạng đã mở rộng cánh cửa sắt hoen rỉ, với tay uống một ngụm nước đựng trong một chiếc cốc không thể cũ hơn rồi ngồi vào chiếc bàn gỗ chắn ngang cửa ra vào. Trên bàn là những chồng sách cũ xếp ngổn ngang, cuốn long gáy, cuốn rách bìa… toàn những sách xuất bản từ những năm 1930 cho đến những năm 1980. Ông Rạng chọn lấy một cuốn đã đánh dấu, cẩn thận dùng kéo cắt chỉ, tháo rời cuốn sách rồi xếp lại thành từng trang theo số thứ tự.

Với sách bị long gáy, ông Rạng dùng chỉ nilon (loại chỉ thường dùng để khâu bao bố) khâu gáy chừng 20 trang sách thành một tệp. Cùng đường khâu đó, ông tiếp tục kết nối những trang sách khác theo số thứ tự trang cho đến khi khâu hết cả quyển sách. Xong công đoạn khâu, người thợ đóng sách dùng một chiếc chổi nhỏ, quệt hồ vào gáy sách. Để chừng 30 phút chờ hồ khô, ông tiếp tục phết thêm một lớp hồ nữa rồi dán bìa phụ bằng giấy các-tông mỏng lên.

30 phút sau đó, ông dán bìa cũ của cuốn sách lên lớp bìa phụ. Nếu khách hàng yêu cầu đóng gáy cứng, dạng bài in chữ mạ vàng giống những quyển tiểu thuyết thời Liên Xô, ông Rạng sẽ ra cửa hàng photo đặt làm bìa rồi mang về nhà tự đóng. Trong góc phòng khách căn nhà, ông đặt chiếc máy nén bìa, cắt bìa thô sơ, hoàn toàn khởi động bằng tay. Sau khi dán bìa, cuốn sách sẽ được đưa vào máy, dùng lực lò xo quay tay để ép cho bìa và các trang sách dính lại với nhau một cách chắc chắn ở phần gáy sách.

Ông Rạng - "bác sĩ" của những cuốn sách cũ.

Với những cuốn sách đòi hỏi những thao tác đơn giản như vậy, một ngày ông Rạng có thể đóng được chừng 10 cuốn. Nhưng với những cuốn sách đặc biệt như bị mối mọt xông, sách bị ngấm nước, nát thành nhiều mảnh, thợ đóng sách phải mất cả tuần, thậm chí cả tháng mới hoàn thiện. Trong những trường hợp như vậy, ông Rạng phải dùng đến nhíp, kính lúp.

Tỉ mẩn như một nghệ sĩ điêu khắc, ông Rạng dùng cặp kính lão, soi qua một chiếc kính lúp vào những mảnh vụn của trang sách cũ, cẩn thận dùng nhíp gắp từng mảnh và đính lại với nhau. Loại bột để dính những mảnh sách ngổn ngang này được pha với công thức đặc biệt hơn.

Chủ nhân hòa bột năng và nước lã với tỉ lệ nhất định rồi đun lửa liu riu cho đến khi sôi. Ông tỉ mẩn dùng đầu tăm quết bột rồi đính vào từng khe nhỏ của mảnh rách, cố định chúng lại với nhau rồi đem hong nắng cho khô hô,ì đồng thời tránh những trang sách dính vào nhau.

Có những trang mảnh rách còn dính vào sách nhưng có những trang long khỏi bìa sách thành từng mảnh vụn, ông Rạng cần mẫn vuốt phẳng phiu, hong khô rồi dính từng mảnh vụn đó lại với nhau thành một trang sách hoàn chỉnh. Thời tiết Sài Gòn nóng nực nhưng người thợ đóng sách không dám bật quạt, sợ gió thổi bay đi mất những mảnh giấy mong manh, cũ mốc nhưng chứa biết bao bí mật hay những điều thú vị của nhân loại.

Kết thúc một ngày làm việc, ông Rạng xếp gọn đồ đạc, ăn cơm cùng ba anh chị em độc thân khác của mình trong ngôi nhà hai tầng rộng hơn 50m2. Tuổi trẻ từng có vài mối tình, nhưng dị tật ở chân trái cũng như tính khí trầm lặng, không thích đám đông của ông Rạng khiến ông vẫn cô độc ở tuổi ngoài 50. Sinh sống cùng ông là những anh chị em khác cũng độc thân. Cha mẹ đã mất, mấy anh chị em nương tựa vào nhau để sống. 

Thú vui của ông Rạng lúc rảnh rỗi là đạp xe vòng vòng thành phố, vào những con ngõ nhỏ cho đến khi cùng đường thì quay về.  Thời gian còn lại, ông dành đọc  những cuốn sách khách hàng mang đến. Đó hầu như đều là những cuốn sách quý, có giá trị về mặt nội dung hoặc lưu giữ kỷ niệm nào đó. Khách hàng muốn gìn giữ như một tài sản nên mang nhờ ông Rạng "trùng tu" hộ.

"Tôi đọc được khá nhiều tư liệu lịch sử, văn học, triết học từ những nghiên cứu xa xưa. Có cuốn sách còn nguyên bút tích của tác giả hay bút tích về những yêu thương của những người đã khuất dành cho nhau. Quý giá lắm.  Tôi thấy mình may mắn vì đã biết được một phần thế giới ngoài kia qua những cuốn sách chính tay mình sửa sang", ông Rạng cho biết.

Cách đây chừng chục năm, các cửa hàng sách cũ ăn nên làm ra nhờ thú chơi sách cũ. Ông Rạng làm không hết việc khi chủ những cửa hàng sách cũ thường xuyên mang sách đến nhờ ông đóng gáy, đóng bìa. Mấy năm gần đây, kinh tế khó khăn, người chơi sách cũng ít đi.

Chủ cửa hàng sách cũng tự tay sửa sang sách mà ít nhờ đến ông Rạng. Chỉ những người đam mê, quý và trân trọng, coi sách như tài sản, mới chịu bỏ ra từ vài chục đến vài trăm ngàn để nhờ ông Rạng đóng lại cuốn sách cũ. Với số tiền đó, họ có thể ra ngay hiệu, rinh một cuốn mới phát hành gây tiếng vang cho hợp với xu thế.

"Với những cuốn sách bong gáy hay cần dán lại bìa, tôi chỉ lấy từ 20 đến 25 nghìn đồng một cuốn. Còn những cuốn mà trang sách rách thành từng mảnh, giá làm lại phải lên tới cả trăm nghìn đồng. Những trường hợp như vậy, nể nang và quý trọng tấm lòng của chủ nhân cuốn sách lắm tôi mới nhận", ông Rạng cho biết.

Thú vui của ông Rạng lúc rảnh rỗi là đạp xe vòng vòng thành phố.

Khách hàng của ông Rạng thường là những trí thức cao tuổi, những người mê sách hơi dị dị một chút và một số sinh viên trẻ hứng thú với văn hóa Sài Gòn xưa. Không cần quảng cáo, không biển hiệu treo trước cửa nhà, người chơi sách truyền tai nhau và căn nhà nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Lý Chính Thắng trở thành một địa chỉ quen thuộc đối với người yêu sách cũ. Với công việc giản dị của mình, ông Rạng vừa như một chứng nhân lưu giữ lịch sử, vừa như một biểu tượng duy nhất còn sót lại của một Sài Gòn chưa xa với những nét đẹp xưa cũ.

"Nhiều khi không có việc phải qua nhà chú Rạng, tôi lại thấy buồn nhớ vẩn vơ. Có khi tôi tạt qua chỉ để nhìn chú lui cui đóng sách. Hình ảnh đó đã trở nên thân thuộc với những ai yêu mến và muốn gìn giữ những nét đẹp thanh lịch một thời", luật sư Tuấn, một khách hàng của ông Rạng chia sẻ.

Nghề đóng sách cũ ở Sài Gòn

Nghề đóng sách có từ thế kỷ V ở châu Âu, khi các vua chúa chuộng đóng sách bằng bìa da dê, gỗ hay mạ vàng. Đến thế kỷ XX, đóng sách vẫn là một nghề rất thịnh ở châu Âu, nhà nào cũng có một tủ những cuốn sách được đóng rất kỹ lưỡng.  Người Pháp đã mang sang Việt Nam thú chơi đó khi tiến hành cuộc xâm lược thuộc địa.

Trước đó, người Hoa ở Việt Nam đã đóng sách bằng cách khâu chỉ thật chặt bên ngoài. Cách đóng này tuy bền nhưng khó thao tác mở sách vì gáy sách cứng ,trong khi người Pháp đóng tinh xảo và tiện lợi hơn hẳn. Dù có thời cực thịnh, trình độ đóng sách của người Sài Gòn khi đó vẫn không thể so sánh với người phương Tây.

Từ thế kỷ XIX, người Sài Gòn đã biết đóng bìa sách bằng da, gỗ, gấm hay giả da simili. "Hầu như các quyển sách trước khi lên kệ đều phải qua tay của thợ đóng sách", nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển từng nói trong tác phẩm "Cuốn sách và tôi".

Với những cuốn sách bong gáy hay cần dán lại bìa, ông Rạng chỉ lấy từ 20 đến 25 nghìn đồng một cuốn.

Hơn một thế kỷ hình thành và phát triển tại Sài Gòn, nghề đóng sách đã trải qua nhiều thăng trầm, lúc hưng, lúc thịnh. Những người như bà Hai Công Lý, ông Văn Thơ, ông Paul Châu đã kinh qua thời kỳ vàng son những năm 1950 - 1960, khi thú chơi sách của dân Sài Thành còn phổ biến. Sau này, khi người Mỹ sang Việt Nam, nghề đóng sách có dấu hiệu đi xuống, vì người Mỹ không chuộng lối đóng sách của Pháp.

Họ cần đóng nhanh với số lượng lớn theo kiểu công nghiệp thị trường. Đến thời bao cấp, kinh tế khó khăn, dân Sài Gòn một lần nữa đành xếp lại một thú chơi phong lưu. Những người thợ đóng sách chuyển sang làm cho nhà nước hoặc các xí nghiệp in ấn. Vào những năm 1990, nghề đóng sách hưng thịnh trở lại. Nhiều người đổ xô đi sưu tầm sách xưa và có nhu cầu đóng sách giống như kiểu đóng của người Pháp thời trước.

Người đóng sách lâu đời nhất phải kể đến là ông Nguyễn Văn Châu (Paul Châu) và nhà sách cùng tên tại đường Cô Giang trước năm 1945 từng phục vụ cho rất nhiều người có tiền. Những năm đó, người dân Sài Gòn đã quen với những cuốn sách được đóng gáy bằng da cừu hoặc vải gấm do người Pháp mang sang Việt Nam. 

Đến năm 1954, ông Châu vì một số lý do đã về sống tại Hóc Môn, người em họ là Trần Thị Hai tiếp tục nối nghề đóng sách. Vợ chồng bà Hai cùng nhiều người bạn đã nhận gia công cho nhà sách Khai Trí. Thời bấy giờ, những ai là dân chơi sách chính hiệu đều biết đến bà như một người thợ kỹ tính và nghiêm túc. Bởi vậy, bà còn có tên là bà Hai Công Lý. "Bà Hai Công  Lý kỹ tính, cẩn thận lắm. Chỉ cần nhìn sơ là bà biết sách có bị sắp sai số thứ tự trang hay không", ông Rạng nhớ lại.

 Sau này, con trai bà là Lê Hoàng Vân cũng nối nghiệp mẹ. Ông Võ Văn Rạng chính là bạn học của ông Vân. Vài năm trở lại đây, ông Vân không làm nghề đóng sách nữa, chỉ có ông Rạng vẫn theo đuổi công việc từ năm 1978 đến nay.

Minh Châu
.
.
.