Người gieo chữ nơi không tiếng trống trường

Thứ Tư, 23/12/2015, 12:00
Người đàn bà ấy lần nào gặp cũng để lại trong tôi những ám ảnh khôn cùng. Ám ảnh bởi lẽ những việc chị làm quá đỗi phi thường, quá đỗi cao cả trong cuộc sống xô bồ hiện đại này. Đôi khi tôi cứ nghĩ, chị không giống người thường mà giống một bà tiên. Chị làm được cái điều mà đa số chúng ta đều né tránh: tình nguyện vào làm giáo viên dạy học cho các cháu bị nhiễm HIV ở Trung tâm bảo trợ xã hội 2, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Chị là cô giáo Đinh Thị Thủy – người gieo chữ nơi không tiếng trống trường.

Một mình một lối với yêu thương

Trước khi trở thành cô giáo của Trung tâm bảo trợ xã hội 2 (Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội), chị Thủy đang là giáo viên của Trường Tiểu học Việt – Mông. Ngôi nhà chị ở chỉ cách Trung tâm bảo trợ xã hội 2 hơn 1km đường chim bay. Trước đó chị cũng chỉ nghe nói và biết về trung tâm này như là một nơi tập trung những người mắc nghiện. Nhưng vô tình một lần xem trên tivi chiếu về cảnh sinh hoạt của các em nhỏ trong trung tâm bị nhiễm HIV, những khuôn mặt tiều tụy, hốc hác đến xót xa. 

Chị đã khóc rất nhiều. Và kể từ khi ấy hình ảnh về những đứa trẻ đáng thương cứ váng vất trong đầu chị, khiến lòng chị day dứt không yên.

Ân cần uốn từng nét chữ cho các con.

Mong muốn sẽ làm một điều gì đó giúp chúng nhưng chưa biết phải bắt đầu từ đâu và bằng cách nào thì vào một buổi chiều của niên học 2005 – 2006, chị Phương – Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội 2 đã đến ngôi trường chị dạy. Chị Phương bày tỏ nguyện vọng với Ban giám hiệu nhà trường xin cho các cháu nhiễm H của trung tâm được có cơ hội giao lưu với những đứa trẻ bình thường nhân ngày quốc tế thiếu nhi.

Tuy nhiên, ban giám hiệu nhà trường đã không dám quyết định vì sợ vấp phải sự phản đối của phụ huynh. Họ chỉ gợi ý rằng nếu Giám đốc trung tâm thuyết phục được phụ huynh thì nhà trường sẽ đồng ý. Hồi đó, cô giáo Đinh Thị Thủy đã được ban giám hiệu nhà trường giao cho công tác vận động các phụ huynh bằng lòng cho con em mình đến buổi giao lưu. 

Chị không ngờ lại vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía các bậc phụ huynh đến vậy. Họ đưa ra lý lẽ rằng, họ không ngu và điên đến mức mang tính mạng con em mình ra làm vật thí nghiệm. Chị đã cố gắng thuyết phục phụ huynh rằng căn bệnh HIV không hề dễ lây nhiễm như họ đang tưởng. Song kết quả của những ngày dài thuyết phục ấy vẫn chỉ là con số không.

“Khi ấy mình đã bật khóc vì bất lực và vì xót thương cho những thiệt thòi mà những đứa trẻ nhiễm H ở trung tâm đang phải trải qua. Không còn cách nào khác, mình đành phải mang hai đứa con trai và gom thêm mấy đứa trẻ nhà hàng xóm để buổi giao lưu được diễn ra như dự kiến” – cô giáo Thủy nhớ lại.

Lần đầu tiên đặt chân vào cổng Trung tâm, chị nhận được những tình cảm nồng ấm từ các bé bị nhiễm H. Chúng tíu tít chào chị rồi hoan hỉ hỏi: “Cô ơi bao giờ bọn con mới được đi học?”. Lúc đó chị bối rối, chỉ biết động viên chúng là: “Các con cứ ngoan ngoãn rồi sẽ sớm được đi học thôi”. Nghe chị nói chúng vui lắm, khuôn mặt đứa nào đứa nấy rạng ngời. Và, sau buổi giao lưu ấy chị cứ canh cánh về lời hứa của mình.

Sau ba tháng hè, Giám đốc của trung tâm lại tiếp tục trở lại trường để vận động các giáo viên trong trường vào dạy học cho các cháu nhiễm H. Trong buổi họp hội đồng của Trường Tiểu học Việt - Mông hôm đó cho dù đã giải thích và vận động rất nhiều, lấy tinh thần tự nguyện nhưng tuyệt không có một cánh tay nào giơ lên.

Nhớ lại buổi giao lưu trước đó, nhớ tới những khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc sau lời hứa của mình chị Thủy đã giơ cao cánh tay trước sự ngỡ ngàng của những người đồng nghiệp. Họ ra sức khuyên ngăn chị với lý lẽ rằng: “Thương chúng thì thương thật nhưng cũng không thể mạo hiểm đánh cược cuộc đời mình như thế”. Ai cũng khuyên chị hãy suy nghĩ lại. Nhưng chị quả quyết đấy không phải là hành động bốc đồng mà nó được ấp ủ từ trước đó rất lâu rồi.

Bé Bàn Thị Thanh Trúc luôn được cô Thủy quan tâm đặc biệt vì hoàn cảnh thương tâm.

Chị nhớ, khi trở về nhà, thông báo với chồng về quyết định của mình chị đã vấp phải sự tức giận của anh. Chồng chị đã quát lên rằng: “Em thương chúng nhưng có nghĩ đến bố con anh không. Nếu chẳng may em có mệnh hệ gì thì bố con anh biết sống thế nào?”.

Thời gian đó không khí gia đình chị lúc nào cũng căng như dây đàn. Biết không thể dễ dàng gì thuyết phục chồng chấp nhận ngay, chị đành dùng “chiến thuật” nước chảy đá mòn. Hễ có cơ hội là chị lại tỉ tê với chồng về những thiệt thòi mà những đứa trẻ ấy đang phải gánh chịu. Rồi chị nhờ cả đứa con trai khi đó đang học lớp 9 thuyết phục bố. Nó giải thích với bố rằng: “Chúng con cũng được trang bị những kiến thức về HIV. Căn bệnh này không dễ bị lây nhiễm đâu nên bố đừng quá lo lắng”. Cuối cùng chồng chị buộc lòng phải chấp nhận quyết định của vợ cho dù trong lòng vẫn phấp phỏng lo âu.

Mong được đồng hành cùng các con

Thời gian đầu trở thành cô giáo dạy học sinh nhiễm H, nhiều lần cô giáo Thủy tưởng mình gục gã. Bởi khi chị mới vào dạy là khi những đứa trẻ vẫn chưa được uống thuốc chống viêm nhiễm, người chúng lở loét. Toàn cơ thể là một màu xanh lét của thuốc Xanhtilen. Nước từ những vết lở loét rỉ ra, mùi tanh bốc lên khiến nhiều giờ học chị bị ói tại chỗ. Đặc điểm của những đứa trẻ bị nhiễm H là thường xuyên bị viêm mũi và chảy máu cam.

Ngày nào cũng thế, cứ mỗi giờ lên lớp chị phải dùng đến 2 cuộn giấy vệ sinh để lau mũi cho các con. Chỉ cần hắt xì một cái thôi những dòng nước xanh nhầy nhầy lại bắn tung tóe ra bàn, ra sách vở. Thoạt đầu phải làm quen với những cảnh huống ấy chị không khỏi rùng mình và cảm thấy gai gai nơi sống lưng. Quả là nếu không có tình yêu thương chân thành dành cho chúng thì có lẽ chị đã đầu hàng từ lâu rồi.

Không chỉ hàng ngày phải đối mặt với những tình huống sinh hoạt nửa khóc nửa cười của bọn trẻ mà ngay cả việc dạy làm sao cho chúng biết đọc, biết viết cũng là một thử thách to lớn đối với chị. Chúng chưa bao giờ được đi học, dù nhỏ tuổi hay lớn tuổi thì đây cũng là lần đầu tiên các con được học theo đúng nghĩa. Miệt mài dạy hàng mấy tháng trời mà các con vẫn không viết nổi chữ O khiến chị thấy nản. Nhiều lúc chị muốn buông xuôi và muốn đầu hàng. Nhưng rồi ý chí của người đảng viên lâu năm không cho phép chị chùn bước.

Một buổi tập thể dục của các con.

Có gắn bó với chúng thì mới thấy chúng đáng yêu và đáng thương biết chừng nào. Tình thương yêu của người thân dường như là một điều quá xa xỉ với chúng. Nhớ có lần chị dạy các con tiết đạo đức kể về gia đình. Tới phần liên hệ thực tế mỗi học sinh phải kể về gia đình của mình, cô hỏi mà không một cánh tay của trò nào giơ lên. Tất thảy chúng đều nói: “Thưa cô, chúng con không có gia đình đâu. Chúng con không có bố, có mẹ!”.

“Nghe các con nói mà lòng mình quặn thắt, mình phải quay mặt vào bảng đen mà khóc. Lúc đó mình cứ đứng trân trân và cầm giẻ di đi di lại một chỗ, đến mức các con phải nhắc: “Thưa cô bảng sạch rồi mà sao cô lau lâu thế!” – chị Thủy tâm sự.

Một lần khác chị dạy các con hát, bài hát về quê hương. Đến phần liên hệ thực tế chị nói con nào có thể kể về quê hương của mình cho cô và các bạn cùng nghe. Vẫn lại im ắng, không một cánh tay nào giơ lên. Lúc đó chị chỉ vào cháu Việt thì bỗng cháu Việt òa lên khóc. Chưa kịp hiểu lý do vì sao thì các con khác đã nhao nhao lên nói: “Cô ơi, bạn Việt không có quê đâu. Bạn ý bị bỏ rơi ở bệnh viện mà”.

Thế là chị lại khóc. Chị nói với chúng rằng: “Cô thương các con nhiều lắm. Bệnh tật đã cướp đi cha mẹ của các con. Giờ các con hãy coi đây là ngôi nhà, là quê hương của mình nhé!”.

Thiếu thốn tình thương yêu của người thân nên chúng coi chị như mẹ. Cứ trước giờ lên lớp hay mỗi giờ ra chơi chúng lại quây quần xúm xít bên chị. Đứa ôm ghì lấy cổ, đứa hôn tay, có đứa lại chui vào vạt áo. Đôi khi không kiềm nén được cảm xúc có cháu còn cắn nhẹ vào tay chị. Mỗi lần như thế chị lại phải nói với các con là: “Cô ốm, các con không được cắn cô mà bị lây ốm đấy!”.

Cứ mỗi dịp tết đến xuân về là các con của chị Thủy hay buồn lắm. Chúng nói chúng chẳng có gia đình lên thăm. Mỗi lần như thế chị lại phải động viên các con cứ ngoan cô sẽ xin Giám đốc trung tâm cho các con ra nhà cô ăn Tết. Có Tết chị đã xin được cho hơn 10 cháu ra ngoài nhà chị chơi. Chúng ăn uống rồi ngủ nghỉ luôn cùng các con của chị. Gặp chồng chị chúng tíu tít chào bằng bố làm anh cũng thấy vui vui.

Hơn 10 năm dạy những đứa trẻ nhiễm H trong Trung tâm bảo trợ xã hội 2 không phải là thời gian quá dài nhưng cũng không phải là quá ngắn. Khi ấy, những kỳ thị về căn bệnh thế kỷ này còn vô cùng nghiệt ngã. Người ta tránh những người nhiễm bệnh như tránh những con hủi. Vậy mà cô giáo Thủy đã không ngần ngại “lao” vào, đem tình yêu thương để sưởi ấm những trái tim thơ trẻ đầy mặc cảm đớn đau.

Từng ấy năm với biết bao nỗ lực và hy sinh, không yêu chúng và xót xa cho chúng từ tận đáy lòng mình thì có lẽ chị đã không trụ được tới ngày hôm nay. Giờ đây nhìn các con mỗi ngày một khôn lớn, nhiều con kết quả học tập rất tốt (đạt học sinh giỏi cấp huyện) chính là nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với cô giáo Thủy. Chị bảo, chỉ ước mình có thật nhiều sức khỏe để đồng hành cùng các con mãi mãi.

Phong Anh
.
.
.