Người họa sĩ có trái tim… bên phải

Thứ Năm, 27/11/2014, 09:00

Ông vẽ tranh từ bàn tay tài hoa, và óc sáng tạo thiên bẩm. Nhưng, trái tim mới là cốt lõi tạo nên linh hồn của sự vật. Ông có một trái tim độc nhất vô nhị ở Việt Nam, trái tim nằm bên phải lồng ngực. Trái tim mà mỗi lần nhắc đến ông cười tít hết cả mắt, nụ cười khắc khoải và cam chịu.

Sự tích Phan Phan

Tranh ông vẽ xoáy vào số kiếp người cùng khổ, những thân phận nổi trôi lạc lõng, ông vẽ vì thấy mình cần phải vẽ, vẽ rồi cất đi, để đó, không bán cũng không cho. Còn lại, định mệnh gắn với ông ở tầm vĩ mô hơn, sâu rộng hơn, đó là vẽ tranh sân khấu, truyện tranh và tranh biếm họa cho những nhà hát và các tòa soạn báo tầm cỡ. Ông tự hào rằng, gia tộc nhà mình thuộc hàng giàu có nhất xứ dừa Bến Tre. Bà cố của ông nắm trong tay hàng nghìn hécta ruộng đất. Mẹ ông là phận gái mà còn được chia gần 100 hécta làm quà về nhà chồng. Sau khi Pháp thất thủ rút quân về nước, bà cố ông bị gán cho biệt danh: Địa chủ ác ôn. Cả một vùng đất đai thẳng cánh cò bay bị thu hồi sạch, gia đình ông trở về con số 0 (không) tròn trĩnh.

Mê vẽ từ nhỏ, sau khi học xong phổ thông, ông nằng nặc đòi cha mẹ cho lên Sài Gòn học Trường Cao đẳng Mỹ nghệ Gia Định (gọi tắt là trường vẽ Gia Định). Ông lén lút đi thi, trong gần 100 thí sinh của Bến Tre lên kinh ứng thí năm ấy, ông là thí sinh đỗ đầu bảng. Năm đầu tiên là năm thử thách đầy chông gai, ông chưa được vào học chính thức. Ai không vượt qua được năm đầu tiên coi như không được bước chân vào học tại trường. Là học viên nhập học muộn hơn 3 tháng, nhưng kỳ thi thử thách năm đó, Phạm Đắc Trưởng đã đứng số 1 của khóa thi. Chưa kịp phấn khởi thì cha ông lọ mọ lên bảo về nhà ngay, vì gia đình không đủ sức nuôi ông  học 3 năm tiếp theo. Lòng buồn ủ rũ, Trưởng ôm 100 truyện tranh đi thất thểu ngoài đường, mục đích là tìm xem có nơi nào mua thì bán hoặc cho không cũng được. Vì đó là thành quả một năm thử học ở trường vẽ. Đứng trước cửa tòa soạn Báo Sài Gòn mới, Trưởng rón rén bước vào, đưa cho ông thư ký xem "tài sản" duy nhất của mình. Ông thư ký gật gù rồi hẹn đầu tuần lại đây ông sẽ trả lời. Sáng thứ hai thấy Trưởng, ông thư ký niềm nở bắt tay và thông báo, tranh của Trưởng đã được tòa soạn duyệt và đồng ý sử dụng. Giờ Trưởng muốn bán bao nhiêu tiền thì cứ ra giá.

Phận người cùng khổ trong tranh của họa sĩ Phan Phan.

Lại còn có tiền nữa, đây là điều Trưởng không nghĩ tới. Trưởng chẳng biết giá cả thế nào mà ra giá, thôi thì tòa soạn trả bao nhiêu cũng mừng. Tổng cộng số tiền của 100 truyện tranh Trưởng được nhận là bốn ngàn rưỡi, một khoản tiền có nằm mơ một cậu bé quê nghèo như Trưởng cũng không dám nghĩ tới. Nó có thể trang trải cho cả năm học tập và sinh hoạt của Trưởng. Trưởng run run ôm nắm tiền lao vun vút ra cổng, bỗng có tiếng gọi thất thanh phía sau. Trưởng tưởng họ gọi lại để đòi tiền nên cắm đầu chạy. Ông thư ký đuổi theo hổn hển nắm lấy cổ áo Trưởng kéo lại hỏi: "Thế bút danh cậu là gì để tôi ghi vào bài". Trưởng ngây người ra, chẳng nghĩ được gì, đành nói với ông thư ký: "Khoan, khoan để cháu về nghĩ rồi báo lại sau". Hôm sau, báo đăng truyện tranh của Trưởng ở phía dưới ghi bút danh là Phan Phan. Lúc này, Trưởng mới ngớ người, hóa ra, ông nói gà, thì bà hiểu là vịt, khoan khoan mà nghe thế nào ra Phan Phan. Nhưng cũng hay, vì trùng với họ của ông và từ Phan Phan nghe vừa có sắc thái lại vừa nhẹ nhàng, vun vút. Bất chợt, tôi liên tưởng đến sự tích cây Thì Là trong câu chuyện trời đặt tên cho các loài cây. Ông cười xòa, cho rằng, tự nhiên là định mệnh. Phan Phan đã trở thành tên gọi thân thương và nổi tiếng nhất nhì trong giới họa sĩ thời bấy giờ.

Phan Phan ra trường, xin được một chân vẽ ở công ty của Mỹ với mức lương hậu hĩnh. Tên tuổi Phan Phan được nhiều người biết đến, ông nổi đình nổi đám với bản vẽ sân khấu cho vở "Thầy ca tổng bồi". Sân khấu khép màn cũng là lúc những tràng pháo tay như sấm vang lên, mọi người kéo nhau đi ăn mừng. Buổi ăn nhậu kéo dài đến 4 giờ chiều, Phan Phan chân nọ đá chân kia, lơ tơ mơ bước vào công ty. Ngay lập tức, ông nhận được thông báo cho nghỉ việc vì vi phạm quy định làm việc. Vừa lúc lên mây đã bị rơi bịch xuống đất, Phan Phan buồn thê thảm, rũ rượi xách hồ sơ đi tìm việc mới. 

Dập dềnh đời cọ

Cuộc đời Phan Phan bắt đầu long đong, lận đận, trôi dạt đầu đường xó chợ khắp Sài Gòn. Năm 1968, để không phải bị bắt đi lính quân dịch, Phan Phan đã tìm cách trốn theo đoàn hát Hải Triều Hoa Phương ra miền Trung kiếm cơm. Chiến tranh loạn lạc, gánh hát nọ giày xéo gánh hát kia, đói lăn đói lóc. Những ngày hè đỏ lửa năm 1972 là thời điểm các đoàn hát tan hoang, đồng loạt giải thể, cuốn gói về quê. Có người không chịu nổi nhục nhã đã ở lại xứ người làm nghề chạy xe ba gác hoặc bán phở vỉa hè. Đang rệu rã không biết đi về đâu, thì ông bầu của đoàn Kiên Giang mời Phan Phan về đầu quân. Thôi thì nơi nào có cái ăn là đến chứ bây giờ cũng chẳng thể bấu víu vào đâu. Dù rằng, Phan Phan nắm trong tay một "kho báu" tài hoa và trí tuệ, dù tiếng tăm lan tỏa khắp vùng, nhưng không có đất dụng võ, vẫn đói quắt dạ.

Dù tuổi cao, ông vẫn ngày đêm miệt mài bên giá vẽ.

Sau giải phóng, họa sĩ Phan Phan là người cuối cùng về lại Sài Gòn, ông được đoàn hát Trung Hiếu của Bộ Công an nhận vào làm họa sĩ chuyên vẽ sân khấu. Tiếng tăm được "hồi sinh", có bàn tay của ông là những vở diễn như được tiếp thêm một nguồn năng lượng. Tranh sân khấu ông vẽ luôn chú trọng phần hồn, lột tả được thần sắc và dụng ý của kịch bản, nghệ sĩ luôn tràn trề sức diễn. Họa sĩ Phan Phan nổi tiếng đến mức nhà hát Trần Hữu Trang làm đơn xin ông về làm việc và chỉ sau 20 ngày về làm, ông được tuyển thẳng vào biên chế. Vào biên chế là niềm mơ ước của biết bao người, nhưng vào rồi ông lại thấy bị gò bó, không được tự do tự tại, không được làm những việc mình thích. Các đoàn hát trực thuộc các tỉnh khu vực miền Tây, trong đó có Bến Tre quê ông sẵn sàng trải thảm nhung gấm để đón ông về. Bao cả vợ con về cũng được, muốn bao nhiêu đất cũng được… Những đãi ngộ hậu hĩnh như thế nhưng ông đành chịu chết, bởi trót "mắc nợ" nhà hát Trần Hữu Trang. Đơn vị sở hữu họa sĩ Phan Phan như sở hữu báu vật, tất cả các sân khấu, tất cả các vở diễn lớn bé đều có bàn tay "phượng múa rồng bay" của người họa sĩ. Năm 1985, họa sĩ Phan Phan gây sóng gió ở vở diễn "Người trong cõi nhớ" của đoàn hát Tây Ninh. Sở dĩ thành công rực rỡ, bởi ông biết vận dụng trí tưởng tượng, óc sáng tạo, trong cái nhìn thẩm thấu vào cốt lõi của tác phẩm. Chỉ cần nhìn tranh sân khấu là đủ cho những cảm nhận sâu sắc và tinh tế nhất đối với mỗi khán giả, dù đó là khán giả khó tính nhất.

Yêu nghề nhưng nghề bạc quá, nên nhiều lần ông thắp hương, lắc quẻ xin được "về vườn", nhưng chẳng lần nào thánh thần, trời phật đồng ý. Có đợt, lắc tới ba lần mà quẻ vẫn trắng phớ ra, ông quyết định "cãi" lại ý của thần, không hội họa gì hết và chuyển nghề khác. Nhưng chỉ được thời gian ngắn, buôn bán làm ăn lỗ chỏng thây, thâm hụt vốn liếng, ông đành bỏ nghề, lầm lũi quay về với hội họa. Dường như, ông sinh ra chỉ để dành cho hội họa thôi, không thể khác được.

Trái tim bên phải

Phan Phan là con người đặc biệt. Tạo hóa nhào nặn thế nào mà ngũ tạng của ông nằm hết bên phải, hoàn toàn ngược ngạo với loài người. Ấy vậy mà từ bé đến tuổi "bát thập", ông chưa bao giờ biết đến bệnh huyết áp, tim mạch là gì. Chuyện trái tim bên phải của ông cũng là chuyện cười không bao giờ ngớt. Số là năm học tiểu học, cô giáo gọi ông lên bảng trả lời câu hỏi: "Trái tim con người nằm ở bên nào"? Ông sờ bên trái không thấy gì, lại sờ bên phải thì nghe tim đập. Ông dõng dạc trả lời: "Thưa cô giáo, trái tim con người nằm ở bên phải ạ". Cô giáo gõ vào đầu ông, bắt kiểm tra lại. Ông lại sờ nắn, nặn bóp bên trái nhưng không thấy gì, chỉ có sờ bên phải mới thấy nhịp tim. Ông trả lời cô giáo dứt khoát là trái tim ở bên phải. Cô giáo lấy thước gõ vào đầu, đánh vào tay, cho rằng học trò dốt quá. Trưởng đã khóc tức tưởi ngay trên bục giảng, cảm thấy mình bị đánh oan ức, ông bảo cô giáo không tin thì sờ thử xem trò nói đúng không. Cô giáo đặt tay lên ngực trái của học trò không thấy tim đâu chợt run rẩy hoảng hốt, khi đặt tay vào bên phải thì nghe tim đập khiến cô càng bấn loạn. Cô giáo cho gọi gia đình Trưởng đến yêu cầu đưa đi bệnh viện khám xem học trò bị bệnh gì. Bác sĩ ở bệnh viện khẳng định, Phan Đắc Trưởng không chỉ có trái tim mà gan, lá lách đều nằm bên phải, đảo ngược so với cấu tạo của người bình thường. Chính nhờ sự "đánh tráo" của tạo hóa đã làm nên một Phan Phan tài hoa và sống trường thọ...

82 tuổi, ông vẫn miệt mài sáng tạo, vẫn cần mẫn sáng tác hội họa. Ba người con của ông không ai theo nghiệp của cha, bởi họ không thích, và không có năng khiếu. Từ khi người vợ khuất núi, ông cặm cụi một mình trong một gian phòng chỉ có tranh và những tấm huy chương, bằng khen. Danh hiệu NSND ông cũng chẳng nhớ được trao tặng năm nào. Bởi đối với ông, niềm đam mê bất tận về tranh đã chiếm trọn thời gian và cả giấc ngủ

Ngọc Thiện
.
.
.