Người mẹ già và 40 năm tần tảo lo cho đứa con nuôi tật nguyền

Chủ Nhật, 13/11/2011, 16:01

Người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu, giọng nói nhỏ nhẹ như, dáng người mảnh khảnh của bà, mái tóc bạc trắng càng làm tôn thêm vẻ đẹp từ con người bà. Chấp nhận hi sinh hạnh phúc riêng tư của mình, chấp nhận không đi theo người chồng đến một nơi bình yên xa xôi khác, bà đã chọn cho cuộc đời mình một con đường khó khăn hơn.

Khi bà quyết định ở lại vùng đất mỏ lấm lem, cũng có nghĩa bà đã quyết ở vậy để lo cho đứa con gái nuôi mắc bệnh úng thủy não khi mới được 4 ngày tuổi. 40 năm vật lộn với cuộc sống, chưa một ngày bà hết yêu thương, nhưng bà chỉ lo, với cái tuổi gần đất xa trời của bà, cuộc sống sau này không có bà, chị Liễu - con bà sẽ ra sao đây…

Hi sinh cả đời vì cô con gái nuôi bệnh tật

Ngồi xuống chiếc giường đơn nằm giữa phòng, trên giường chỉ có duy nhất người con gái có cái đầu to hơn bình thường, đôi mắt mở to trừng trừng nhìn chúng tôi, đôi tay co quắp, muốn làm cái gì đó mà không thể nào làm được. Đúng lúc ấy, bà Thảo cũng đi về phía chúng tôi, nhẹ nhàng vuốt tóc người con gái nằm ở giường, ngước mắt nhìn và hỏi chúng tôi một câu đơn giản: " Đố các cháu biết, chị Liễu năm nay bao nhiêu tuổi rồi." Bà vừa nói, vừa nheo mắt nhìn chúng tôi, nở một nụ cười hiền hậu. "Bà xin chị Liễu làm con nuôi khi chị được 4 ngày tuổi, và lúc ấy bà 37 tuổi. Nay, chị Liễu đã 39 tuổi rồi, còn bà thì đã 76 tuổi rồi đấy" Bà nói như thay chúng tôi trả lời câu hỏi bà vừa hỏi. Vậy là, người con gái tật nguyền, nằm bất động nguyên một chỗ kia, lại là con nuôi của bà, chứ không phải người con bà dứt ruột đẻ ra…

Bà lấy chồng sớm, chồng bà là một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Hai người lấy nhau, đắp xây một gia đình hạnh phúc, thế nhưng có một điều trớ trêu là họ lấy nhau suốt 10 năm mà không có con. Sốt sắng, bà Thảo nhờ bạn bè ở bệnh viện xin cho một đứa con nuôi để chăm bẵm, yêu thương, lấy làm điểm tựa khi về già...".

Ngày 12/8/1973 sau một đợt đi công tác về, gia đình đã đặt vào tay bà, một em bé của những ngày chờ mong, em bé đó bị bỏ lại trên bệnh viện tỉnh, mới được 4 ngày tuổi", sau bà đặt tên là Dương Thị Liễu. Giải thích về cái tên bà chọn cho cô con gái nuôi, làm bà lại nhớ về câu chuyện của những năm tháng về trước. Ngày ấy, đã là thiếu nữ rồi, mà bà vẫn gầy, cao, và có dáng vẻ mỏng manh, yếu đuối lắm. Mọi người cứ trêu và ví von bà với nhành liễu ven hồ, vì thế, khi đặt tên cô con gái, bà đã ưu ái đặt cho cái tên mà mọi người từng đặt cho bà, như thể coi cô con gái nuôi không khác gì bản thân mình vậy.

Đoạn, bà kể tiếp những tháng ngày vất vả nuôi chị Liễu, khi mà bà không có sữa. Bà đã từng phải dốc từng đồng tiền kiếm được, đi mua những giọt sữa thời bao cấp để chăm con, từng ngày từng giờ mong con lớn khôn. "Điều chua xót nhất là nuôi con đếm từng ngày cực nhọc, vậy mà không thấy con nói được, đầu con cứ to ra, hay khóc, mắt nhìn ngược lên trời... Thế là bà liền bế con đi khắp nơi khám chữa bệnh, cả những bác sĩ giỏi lẫn những thầy lang khắp các vùng miền. Đi đâu người ta cũng lắc đầu không biết bệnh gì, nói chữa thì không ai dám chữa". Bà vừa nói, đôi dòng lệ như trực trào ra trên dò má gầy guộc, nhô xương của bà.

Mãi đến khi có một giáo sư ở Hà Nội lên Quảng Ninh làm việc, bà bế đứa con mình đi khám, ông Giáo sư bảo: Con của bà bị úng thủy não, một bệnh hiểm nghèo, không thể chữa khỏi. 4 đêm liền sau đó bà ôm con khóc, không ăn không ngủ. Bé Liễu từ đứa bé xinh đẹp, hồng hào mang niềm hi vọng cho bà, nay vì bệnh trở thành khuyết tật, hết hi vọng và còn gieo đôi chút hoang mang.

Thế nhưng bà Thảo lúc này đã nghĩ: "Cứ bi lụy vậy thì không còn sức để nuôi con". Bà quyết định bật dậy, lau khô những giọt nước mắt, sự rã rời mệt mỏi để cùng con chiến đấu với cuộc sống còn nhiều khó khăn phía trước. Những cánh cửa của sự hi vọng cứ khép dần lại, chồng bà Thảo lúc này đòi trở về miền Nam sinh sống, muốn đón bà đi cùng, nhưng với yêu cầu là bà phải đem trả bé Liễu tại bệnh viện nơi Liễu sinh ra, hoặc đem Liễu gửi ở một trung tâm khuyết tật.

Lúc đó thêm một lần, bà đã mạnh mẽ dứt khoát: "Một ngày làm mẹ thì nên nghĩa cả đời làm mẹ. Mà chỉ có mẹ chăm con là tốt nhất, nếu cho Liễu lên trung tâm đông người chắc hẳn không chăm tốt bằng tôi ở nhà, con tôi không biết tự ăn, không biết gọi một tiếng mẹ, tôi càng thương con hơn..." Bà từ chối một nơi hạnh phúc, một trốn yên bình mà người vợ nào cũng muốn để ở lại một mình nuôi con khuyết tật, dẫu rằng đứa con ấy với bà không phải máu mủ.

Mong được nghe lắm một tiếng gọi "mẹ"

Những tháng ngày sau đó, bà dốc hết sức lực để làm việc và chăm con. Hằng ngày bà địu con trên lưng đi làm, đến cơ quan rải chiếc chiếu ở góc phòng cho con nằm chơi. Chị Liễu chỉ có thể ngọ nguậy và nói ú ớ, mọi sinh hoạt từ ăn uống, đi vệ sinh đều phụ thuộc hết vào bà. Chị Liễu chỉ biết mang đến niềm vui cho mẹ khi đêm về mệt nhọc. Khi thì nắn tay, nắn vai, khi thì ghé gần vào để ủ cho mẹ ấm. Tôi hỏi bà về hành trình nuôi con dài đằng đẵng, thì bà bảo mình không hề cô đơn, cũng không khóc... Đôi mắt bà biết cười, bà nhìn về con, nhìn về những tấm ảnh thời trẻ, hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng bây giờ biết lắng lại và khi phát hiện ra nó, ta lại thấy rằng hạnh phúc đó lớn hơn tất cả.

Khó khăn vất vả trăm bề là vậy, nhưng bà chưa bao giờ muốn bỏ cuộc, muốn đưa chị ra khỏi cuộc đời của mình. Nhiều người khuyên bà nên đưa chị vào trung tâm bảo trợ xã hội, ở đó, họ sẽ có trách nhiệm chăm lo cho chị Liễu, để bà có thể đi tìm hạnh phúc riêng tư cho mình. Nhưng, bà đã không làm thế. Bà bảo: " Lúc nào bà bỏ chị Liễu là lúc bà không có trên đời. Chị Liễu đã như một phần máu thịt của bà rồi con ạ"  Bà kể về những đêm dài bế con đến viện, lúc mắt con bị đục thủy tinh thể, những lúc ở nhà tranh vách đất ọp ẹp... Vất vả, chua chát, cay đắng nhưng chưa lúc nào bà cho phép mình được thỏa hiệp với ý nghĩ "bỏ con đi cho nhẹ nợ". Bà bảo rằng, mình được là mẹ của Liễu cũng là do số phận, mà người thì khó cưỡng lại được số phận.

Nói về người chồng, đã hai lần giục mình bỏ đứa con nuôi, chạy vào Nam sinh sống, bà vẫn rất mực độ lượng. Ông ấy đi một mình, ông ấy có thể lấy vợ, sẽ có con. Thế là có nguồn vui của ông ấy... Khuôn mặt bà bình thản, khi trò chuyện, dù xoáy sâu vào những điều thầm kín nhất, tôi vẫn thấy bà mạch lạc, sáng suốt, mạnh mẽ biết bao.

Lúc bà nhận nuôi Liễu thì bà 37 tuổi, và năm nay Liễu cũng tròn 39 tuổi, như vậy bà bước vào tuổi 76, mái tóc ngả bạc, tuổi già đến bà lại lo cho con nhiều hơn lo cho chính bản thân mình. Trong tâm trí của bà, sự bình an cho chị Liễu, còn quan trọng nhiều hơn so với cuộc sống của bà, lúc nào bà cũng phải tính toán kĩ lưỡng cho từng bữa ăn, từng ngày trôi qua của chị Liễu.

Biết sức mình đã không còn khỏe được như trước, trông cậy vào đồng lương hưu của công nhân cũng sẽ là rất khó khăn đối với hoàn cảnh của mẹ con bà, nhất là khi chị Liễu thường xuyên đau ốm. Có những hôm trời trở gió, chị lại kêu ú ớ cả đêm, tay hết giật tóc, lại vò quần áo, cứ trằn trọc cả đêm không ngủ. Những lúc như thế, bà chỉ biết vừa xoa bóp, vừa dỗ dành chị như nịnh trẻ con, vừa ôm chị vào lòng mà nước mắt không ngừng rơi.

Có những đêm, thức trắng để trông cho giấc ngủ của chị Liễu, nên tới buổi sáng, sức lực của bà lão gần 80 không cho phép bà đứng tiếp được nữa, dù bà đã rất cố gắng" Hôm ấy, đi nấu cháo cho chị Liễu, mà bà hoa mắt, chóng mặt, ngã rụi xuống ngay cạnh bếp than, nằm một lúc mới tỉnh dậy được." Từ đó, bà càng lo cho sức khỏe của mình bao nhiêu, thì bà lại lo cho cuộc sống sau này của chị Liễu gấp nhiều lần hơn. Cũng may, nhờ sự giúp đỡ của mọi người trong phường, bà và chị Liễu đã được vào trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh để nương nhờ quãng đời còn lại.

Từ ngày vào trung tâm, bà vẫn không bỏ qua thói quen chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho chị Liễu. Những hôm bà bị ốm, nằm liệt giường, các cô nhân viên trong trung tâm có bảo sẽ cho chị Liễu ăn cháo, tắm giặt cẩn thận cho chị, nhưng bà vẫn không yên tâm. Gắng gượng mình đứng dậy, bà lê từng bước chân yếu ớt, đôi tay run run bón từng thìa cháo cho chị Liễu. Bà bảo: "Bà còn sống ngày nào, bà còn muốn được tận tay chăm sóc chị Liễu ngày ấy. Chứ sau này đi rồi, có muốn làm cũng chả làm được cho nó nữa…" Chưa nói hết câu, mà nước mắt cứ lặng lẽ rơi trên khóe mắt bà, làm bà lúng túng lấy vạt áo lau cho khỏi ai nhìn thấy.

Những ngày này, bà vẫn chăm chị Liễu trong căn phòng nhỏ, nơi trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảnh Ninh. Dành cả cuộc đời để chăm bẵm, nuôi nấng và dành trọn tình thương cho cô con gái nuôi bệnh tật, ấy vậy mà một tiếng "mẹ" mà bà hằng mong muốn được nghe, mà sao khó quá. Nhưng, dù thế, bà không hề bi quan, trên môi bà luôn nở nụ cười rạng rỡ, vẫn không nguôi hi vọng về một ngày không xa, khi bà còn ở trên cõi đời này, chị Liễu sẽ cất được tiếng gọi "Mẹ" thiêng liêng dành tặng cho bà - một người Mẹ vĩ đại 

Di Li
.
.
.