Người nghệ sĩ mù lấy tiếng nhạc để vực dậy tinh thần cho những người cùng cảnh ngộ

Thứ Tư, 04/02/2015, 18:00
Sinh ra đã mất đi hai con mắt, vượt lên trên tất cả, anh Lê Văn Đến (40 tuổi) đã theo đuổi niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ. Bằng ý chí và nghị lực của mình, anh theo đuổi niềm đam mê ấy và thành thạo nhiều nhạc cụ. Giờ đây anh đứng ra dạy âm nhạc cho những người khuyết tật, người lang thang cơ nhỡ để có cái nghề kiếm sống. Ngoài ra, hai vợ chồng anh cũng nuôi một số người già và trẻ em khuyết tật, không nơi nương tựa.

Lang thang khắp miền Tây

Sinh ra trong một gia đình neo đơn ở miền Tây, có tới 6 anh chị em thì một người khiếm thị là anh và một người mang bệnh tâm thần. Với đôi mắt khiếm thị, anh Lê Văn Đến (40 tuổi, quê gốc Trà Vinh, hiện ngụ ấp Phú Hòa, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM) không sợ khó, sợ khổ mà sớm thoát ra khỏi gia đình. Với ý chí và nghị lực của mình, không muốn gia đình phải thêm gánh nặng, anh Đến tự rời bỏ nhà ra đi từ năm 13 tuổi.

Anh Đến có năng khiếu ca hát được truyền lại từ người cha làm văn công phục vụ kháng chiến. 7 tuổi, anh được một thầy khiếm thị dạy đàn miễn phí. Đầu tiên anh học đàn mandolin, sau đó anh học những nhạc cụ khác như guitar, acmonica, organ… Anh theo đuổi niềm đam mê âm nhạc đến năm 13 tuổi thì người thầy của anh chuyển nơi khác sinh sống. Chừng ấy năm học nhạc, anh Đến tự thấy mình chưa đạt được đến mức thông thạo bởi anh thấy nhiều người cũng bị khuyết tật như anh mà người ta còn biết đàn hát rất giỏi.

Từ suy nghĩ phải đi học hỏi và giải thoát gánh nặng của gia đình, anh Đến quyết định rời nhà ra đi với vài bộ quần áo và ít tiền đi lại. “Tôi đi khắp các tỉnh miền Tây để tạo dựng cho mình một sự nghiệp riêng. Đi được vài ngày tôi hết tiền, lúc này đi đến đâu tôi nhờ người đến đó. Đến bây giờ tôi không thể nào quên những kỷ niệm đó. Tôi đi và gặp rất nhiều dạng người, từ người giúp mình cho đến người xua đuổi mình” – anh Lê Văn Đến chia sẻ.

Kỷ niệm lớn nhất của anh Đến là ở một gia đình tại Cống Đôi, Phụng Hiệp, Cần Thơ. Tại đây, anh được gia đình ông Tám Sanh cưu mang, cho ở nhờ được 6 tháng.

“Trong khoảng thời gian ngắn ở đó, tôi được hai vợ chồng anh rất thương mến, cho dù tôi có là một người xa lạ. Kỷ niệm ở nhà ông Tám Sanh không thể nào quên được với tôi, bởi trong thời gian ở đó, ông Tám Sanh còn bảo tôi ở lại hẳn và sẽ mua cho tôi riêng một miếng đất. Tôi hoàn toàn bất ngờ với lời đề nghị đó, nhưng tôi không thể nhận món quà vô giá đó được. Ngay cả vợ ông cũng khuyên tôi ở lại, bà ấy còn nói với tôi là “Tôi thấy anh cùng cảnh khuyết tật như chồng tôi nên anh cũng đáng được hưởng những gì anh cần”. Bởi ông Tám Sanh bị khuyết tật cả hai chân”.

Từ chối lời đề nghị chân tình của gia đình ông Tám Sanh, trước khi không thể níu kéo sự quyết tâm của anh, anh được gia đình ông Tám Sanh cho rất nhiều tiền, nhưng anh chỉ lấy một khoản tiền để đi đường. Sau 2 năm lang thang nhiều tỉnh miền Tây, anh Đến quyết định quay trở về cho gia đình bớt lo lắng, cũng vì anh bỏ nhà ra đi đã lâu mà không về. Trở về nhà, ước vọng tìm cho mình sự nghiệp riêng vẫn thôi thúc anh. Anh lại quyết định ra đi một lần nữa, lần này anh rời khỏi gia đình hẳn, không quay về như lần trước.

Đem âm nhạc cảm hóa lòng người     

Thời gian này, anh Đến quyết định tìm đến nơi phát triển nhất là Sài Gòn để sinh sống, lập nghiệp và cũng là tìm thầy cũ để theo đuổi niềm đam mê nửa chừng của mình. Anh vừa bước chân xuống bến xe miền Tây thì bao nhiêu đồ đạc và một ít tiền đi lại đã bị kẻ gian lấy trộm mất. Không tiền, không người quen, anh lang thang ngủ lang, ngủ chợ.

Anh nghĩ, cuộc sống đói khổ không thể cứ thế mãi được, anh mạnh dạn đi vào một đại lý vé số để xin vài tờ vé số chịu, đi bán lấy tiền, may mắn cho anh người chủ cũng thương tình nên đã cho anh lấy chịu 50 tờ vé số để đi bán. Nhưng với số tiền bán vé số hàng ngày anh chỉ đủ lấp đầy bụng, còn chỗ ngủ thì anh vẫn phải lang thang. Hằng ngày, anh vừa đi bán vé số, vừa nhờ một số bạn bè tìm thầy. Vài tháng sau nhờ bạn bè dò hỏi anh đã tìm được thầy. Lúc này thầy giúp anh chỗ ăn, chỗ ở và dạy anh học nhạc.

“Tôi tìm thấy thầy Đặng Ngọc Giàu (ở phường 5, quận 8). Tôi tiếp tục được thầy cưu mang và dạy đàn. Thời gian ở cùng thầy tôi không phải đi bán vé số nữa. Nhưng tôi học nhạc của thầy không tốn một cắc, mà lại ăn ở nhà thầy mãi thế thì cũng kỳ nên tôi quyết định đi kiếm việc làm. Thời gian này tôi xin làm đủ các việc như phụ giúp bán hàng, đi làm thuê bán thời gian, ai thuê gì tôi làm đó… Có tiền tôi thuê nhà ở. Học được một thời gian thì thầy mang trọng bệnh nên tôi quyết định chuyển ra ngoài thuê một phòng trọ nhỏ nhỏ. Đến khi không có khả năng thuê nữa tôi tìm đến một miếu hoang gần đó ở”.

Thời gian ở trong miếu hoang, tôi xách theo cây đàn. Nơi hoang vu, ở chỉ có những thành phần sống lang thang nên ở đây anh Đến gặp một nhóm 5 người cũng tới đây ngủ. “Đó hầu hết là những đứa trẻ mới lớn. Mỗi đứa một hoàn cảnh, đứa thì bỏ nhà ra đi vì giận ba mẹ sống bất cần đời, đứa thì không còn cha mẹ sống lang thang… Bọn chúng tụ tập thành một nhóm, mấy đứa đều có tiền án, tiền sự. Ban đầu bọn chúng có dọa nạt tôi, nhưng khi thấy tôi bị mù, mấy đứa cũng thương tình cho tôi ở lại.

Đêm đầu tiên gặp bọn chúng, tôi đánh đàn chơi, nhưng mấy đứa bu lại và khen ngợi tôi hết lòng. Một hai lần đánh đàn cho chúng nghe, mấy đứa khoái chí bảo tôi dạy chúng cách đánh đàn. Tôi đồng ý, và sau đó còn hỏi mấy đứa “tiền đâu mua đàn để học đây?”. Bọn chúng không hề nói năng gì mà sáng hôm sau mỗi đứa xách một cây đàn mới bảo tôi dạy cho. Từ đó mấy đứa thích tôi, thích học đàn lắm, và không đi làm những chuyện “bậy” nữa. Thi thoảng mấy đứa vẫn đến đây thăm tôi. Giờ đây, mấy em đều làm ăn lương thiện, có em làm thầu công trình, có em làm ở Công ty cấp thoát nước TP Hồ Chí Minh…”.

Tấm lòng của người nghệ sĩ mù

5 năm sống lang thang và thuê phòng trọ ở, 10 năm sống trong ngôi miếu hoang, đó là những khoảng thời gian nhớ nhất trong đời anh. Cũng khoảng thời gian đó anh gặp được người phụ nữ tên Bùi Thị Kim Loan (SN 1972, cũng bị mù như anh và đang học tại trường Nguyễn Đình Chiểu) qua một người chú từng ngưỡng mộ tài năng của anh.

Đến với nhau bằng tiếng đàn và cùng cảnh ngộ, anh Đến và chị Loan quyết định lấy nhau cho dù gia đình anh Đến phản đối kịch liệt. Một hôn lễ được tổ chức chỉ một bên đồng ý nhưng vẫn mang đến cho anh chị nhiều cảm xúc. Chị Loan cho biết: “Tôi bị mù nên gia đình anh ấy không đồng ý để tôi lấy anh ấy, vì cho rằng lấy tôi thì sẽ không làm được gì… Sau khi tôi sinh đứa đầu được hai tuổi thì gia đình nhà nội mới bắt đầu nhận. Từ đó đến giờ mẹ chồng tôi quý tôi lắm, vì thấy tôi bị mù như vậy nhưng vẫn có thể cáng đáng nhiều việc. Về sau này, ngoài tình cảm tinh thần ra, mẹ tôi còn thi thoảng đưa cho tôi tiền và cho tôi mấy chỉ vàng nữa, giấu không cho bố chồng tôi biết”.

Thời gian mới lấy nhau, hai vợ chồng anh Đến và chị Loan sống rất cực khổ. Anh Đến tiếp tục đi bán vé số nhưng vì cực khổ nên anh nghỉ bán. Anh mang tiếng đàn và lời ca đến các quán ăn, nhà hàng để phục vụ khách. “Ngoài tiền bo ra thì tôi không có tiền gì khác. Vì với thân phận như tôi người ta cho mình đàn hát ở đó là hạnh phúc rồi…”. Bốn năm sau thì cuộc sống trở lại hiện trạng nghèo khó ban đầu, bởi không còn quán nào để anh vào đàn hát nữa.

Về Củ Chi sinh sống năm 35 tuổi, anh gặp ông Nguyễn Tiến Lập (giám đốc nhà hát An Nhơn Tây) thuộc ấp An Nhơn Tây. Thấy anh có niềm đam mê ca hát nên ông cho anh làm thất xô tự túc tại nhà hát. Anh chọn một khu, một phòng lớn làm quán giải khát và biểu diễn đờn ca tài tử cho mọi người nghe. Từ đây anh được mọi người biết đến và quán của anh cũng rất đông khách. Thấy anh làm được nên vị giám đốc mới giao cho anh quản lý hẳn luôn mấy khu vực gần đó.

Có tiền, hai vợ chồng anh về ấp Phú Hòa Đông mở điểm sáng văn hóa năm 2006. Từ đây cuộc sống của anh chị hoàn toàn đổi khác, vợ chồng anh có tiền sắm những dụng cụ loa đài, trống, đàn… cho thuê và mở lớp dạy nhạc. Nhiều người khuyết tật học nhạc chỗ anh ra làm nghề kiếm sống. Ngoài người khuyết tật học nhạc thì anh cũng dạy một lớp riêng cho người lành lặn. Anh chị còn xây dựng chỗ ở cho người già không nơi nương tựa, trẻ em cơ nhỡ, bị bỏ rơi… “Tôi mới vô đây được gần tháng. Tôi có hai đứa con, đứa thương yêu tôi thì cũng bị điếc như tôi vậy nên không có khả năng nuôi tôi và gửi tôi vào đây…”. – bà Nguyễn Thị Nùng (70 tuổi, ở Bình Dương) cho hay.

Ông Hồ Văn Thông (Trưởng ấp Phú Hòa Đông) cho biết: “Cơ sở của anh Lê Văn Đến hoạt động được 4 năm nay. Nhưng cơ sở của anh không có đủ cơ sở pháp lý và điều kiện để cưu mang những người cùng khổ. Chúng tôi biết anh Đến là người có tấm lòng nhân đức, nhưng nếu anh muốn làm cũng cũng phải hội đủ tiêu chuẩn thì mới được phép hoạt động”. Cũng chính vì thế mà anh Đến luôn mong ước là sẽ có một Mạnh Thường Quân nào đó giúp đỡ, hỗ trợ anh trong công cuộc cứu trợ này.
Hà Bắc – Đỗ Văn
.
.
.