Người nguyện gắn bó với Việt Nam và những trái tim bé bỏng

Thứ Hai, 15/04/2013, 09:32

“Có một người phụ nữ Mỹ theo chồng tới Việt Nam và chợt nhận ra nơi đây có quá nhiều trẻ em bị suy tim nhưng vì hoàn cảnh khó khăn không thể có được cuộc phẫu thuật cần thiết để cứu sống tính mạng của mình. Bà muốn làm điều gì đó để giúp đỡ những đứa trẻ thiệt thòi này. Và từ đó đến nay, người ta trìu mến gọi bà là bà tiên của những đứa trẻ suy tim...”.

Những giọt nước mắt

Đó là câu chuyện của người phụ nữ có tên Robin King Austin và chương trình Nhịp tim Việt Nam (Vietnam Heartbeat). Đây là một chương trình từ thiện được rất nhiều người biết đến và yêu mến, bởi nó đã và đang giúp rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không may mắn mắc bệnh tim có cơ hội được phẫu thuật và được sống, được học tập như những gì các em xứng đáng được nhận.

Cho tới nay đã có tới 3.095 trẻ em suy tim đã được phẫu thuật, 3.095 trái tim bé bỏng đã được cứu sống. Đó là một hành trình dài đầy tự hào với sự cố gắng của rất nhiều người bên cạnh, một hành trình thấm đẫm nước mắt, của niềm vui và của những nuối tiếc.

9 năm về trước, bà Robin King Austin có cơ hội tới Việt Nam theo chồng, lúc đó là người được mời sang làm chủ tịch của Theodore Alexander - một công ty nội thất lớn tại TP HCM. Bản thân bà Robin King Austin là một người có kinh nghiệm trong việc tổ chức những hoạt động từ thiện.

Khi sang Việt Nam, bà vẫn đang công tác tại một tổ chức phi chính phủ. Tuy vậy, bà chưa từng nghĩ mình sẽ tự điều hành một quỹ từ thiện và cũng không nghĩ rằng mình sẽ bị đất nước, con người nơi đây thu hút đến thế. Sang tới Việt Nam, không chỉ những danh lam thắng cảnh, những món ăn ngon, những nụ cười thân thiện khiến bà chú ý.

Với kinh nghiệm làm việc của mình, bà nhận ngay thấy rằng ở Việt Nam có rất nhiều trẻ em mắc bệnh tim, lên tới hàng vạn em. Đặc biệt là những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn hầu hết không có đủ khả năng được nhận ca mổ không những có thể duy trì sự sống, mà còn có thể có cơ hội sống khỏe mạnh suốt đời.

Trước đó, trong các hoạt động của tổ chức phi chính phủ mà bà công tác cũng có một số dự án giúp đỡ trẻ em bị bệnh tim. Bà quyết định nghỉ việc, dành hết thời gian và công sức mình có được để thành lập một quỹ tìm cách giúp đỡ những đứa trẻ không may mắn này.

Năm 2005, tổ chức Vina Capital ra đời. Bà Robin King Austin gặp được người sau này giữ chức giám đốc điều hành của quỹ và chia sẻ những mong muốn, ấp ủ của mình. Họ tìm thấy những chí hướng và bắt tay vào thực hiện những dự định. Chi phí cho một ca mổ tim có thể lên tới chục ngàn đô la Mỹ. Họ cần gây quỹ và có kế hoạch dài hạn để cứu được nhiều đứa trẻ. Việc sàng lọc đúng và kịp thời những trẻ em cần chữa trị cũng là điều vô cùng quan trọng.

Bà Robin King Austin với các hoạt động hỗ trợ trẻ em.

Cho tới nay bà Robin King Austin luôn tự hào vì có những đội ngũ trẻ ở khắp các tỉnh, thành xuất sắc, tâm huyết với dự án. Có những người ban đầu chỉ tham gia như một buổi công tác tình nguyện. Nhưng sau đó, họ nhận ra ý nghĩa và giá trị của những hoạt động này và gắn bó với nó suốt nhiều năm.

Bà Robin King Austin cùng những cộng sự của mình thường xuyên tổ chức những phòng khám di động để sàng lọc trực tiếp tại địa các địa phương. Có rất nhiều trẻ em được phát hiện sớm bệnh tim từ những phòng khám này. Điều này rất tốt cho việc chữa trị sớm cho các em. Bên cạnh đó, tổ chức cũng liên hệ với chính quyền địa phương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội v.v. để có thể biết tới những hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ.

Bà Robin King Austin vẫn còn nhớ đứa trẻ đầu tiên được thực hiện ca mổ tim là một cô bé mới chưa đầy 4 tuổi có tên Cẩm Dung. Ca mổ đầu tiên thành công và giờ đây được thấy Cẩm Dung lớn lên khỏe mạnh, bà thấy mình đã chọn đúng con đường mình đi. Kể từ đó tới nay có rất nhiều trường hợp đã được phẫu thuật tim. Có những trường hợp phức tạp ở Việt Nam không tìm được bác sĩ nhận mổ, bà cùng tổ chức của mình tìm cách liên hệ và mời bác sĩ ở nước ngoài về phẫu thuật.

Mỗi một trái tim được cứu sống, nước mắt lại chảy xuống. Nước mắt của niềm vui, niềm hạnh phúc của những người thấy con mình được tiếp tục sống, nước mắt của niềm tự hào và xúc động của những người không ngừng nghỉ trên con đường xây dựng quỹ ngày một lớn mạnh để cứu thêm được nhiều em nhỏ nữa.

Trên khắp cả nước, lúc nào cũng luôn có tới hàng vạn em nhỏ chờ được phẫu thuật. Cũng chính vì thế có những trường hợp khiến cho những người điều hành quỹ đã phải rơi nước mắt vì buồn và thương tiếc. Có trường hợp em nhỏ qua đời ngay trước lịch phẫu thuật 1 tuần. Hay có trường hợp đã được phẫu thuật tim nhưng tái phát, gia đình không báo lại và em nhỏ không có sự điều trị kịp thời. Những mất mát ấy khiến cho bà và đội ngũ của mình thêm quyết tâm hành động nhanh hơn, nhiều hơn nữa.

Có một “Hành trình” như thế

Bà Robin King Austin còn nhớ khi Cao Hùng Vỹ được gia đình đưa tới văn phòng của bà. Lúc ấy người cậu tím tái, yếu ớt. Gia đình của Cao Hùng Vỹ cũng vô cùng mệt mỏi. Họ đã không có tiền đi xe và đã đi bộ khắp TP HCM để tìm tới văn phòng bà. Lúc ấy trong tay của người mẹ là một mẩu giấy có tên bà. Với những kinh nghiệm của mình, bà Robin King Austin không cần hỏi nhiều, yêu cầu đội ngũ của mình đưa Vỹ tới bệnh viện. Bệnh tình của cậu bé đã rất nặng và phải phẫu thuật nhiều lần để khỏe mạnh trở lại.

Cao Hùng Vỹ đã được cứu sống dưới sự nghẹn ngào của người mẹ, cảm ơn người được mệnh danh là “bà tiên của trẻ suy tim”. Nhưng đối với bà Robin King Austin, mẹ của Cao Hùng Vỹ mới thực sự là một anh hùng. Cuộc sống gia đình bà còn rất nhiều khó khăn, nhưng bà nhận nuôi những đứa trẻ không có gia đình. Cao Hùng Vỹ cũng là một đứa trẻ được nhặt về trong chiếc thùng ở bên sông, được bà mang về nuôi nấng.

Bà Robin King Austin và mẹ con Cao Hùng Vỹ.

Bà Robin King Austin vẫn còn nhớ mãi câu nói của Cao Hùng Vỹ sau hai lần được phẫu thuật, khi em với ánh mắt sáng long lanh và nụ cười rạng rỡ nói với bà: “Nhìn này, môi cháu đã hồng rồi”. Đó là dấu hiệu của sự sống, của niềm tin trong cuộc đời.

Câu chuyện của Vỹ và những trẻ em mắc bệnh tim khác đã được dựng thành phim nhằm gây quỹ với cái tên “Hành trình” gây xúc động nhiều người xem. Ngay chính bà Robin King Austin cũng không cầm được nước mắt khi xem lại bộ phim này.

Mỗi chuyến đi về vùng sâu vùng xa tại Việt Nam, bà cùng đội ngũ của mình phát hiện thêm từ 50 đến 200 trường hợp trẻ em mắc bệnh tim. Có những trường hợp bệnh đã rất phức tạp, như một bé ở Hội An, người nhà của em đã đi tìm tới nhiều bệnh viện nhưng bị từ chối vì không ai chữa được. Với mối quan hệ của mình, bà Robin King Austin đã nhờ được bác sỹ từ Mỹ về phẫu thuật thành công cho em.

Không chỉ hỗ trợ phẫu thuật cho những trái tim bé bỏng, bà Robin King Austin và tổ chức của mình còn quan tâm theo dõi tới sự phát triển sau này của các em sau phẫu thuật. Những em gia đình khó khăn nhưng có thành tích tốt trong học tập được hỗ trợ học bổng để đi học. Em nào không có quần áo được bà tặng cho quần áo mặc. Tuy vậy, bà tự nhận thấy những điều mình làm được còn là rất nhỏ bé và cần thêm sự giúp sức của rất nhiều người. Cũng chính vì thế bà Robin King Austin cùng những người trong tổ chức không ngừng tìm cách gây quỹ mỗi ngày, để nhiều trẻ em được hỗ trợ và giúp đỡ trong cuộc sống.

Sau thời gian công tác, chồng của bà đáng lẽ đã trở về nước, nhưng ông quyết định ở lại Việt Nam, mở ra một công ty tư vấn, làm nhịp cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu như khi bắt đầu tới Việt Nam, cả hai vợ chồng đều không có kế hoạch ở lại Việt Nam lâu đến thế, thì giờ đây họ lại chẳng nghĩ rằng mình sẽ rời khỏi nơi này. Bởi cả hai đều yêu Việt Nam, yêu con người và những nụ cười rạng rỡ.

Được nhìn thấy những đứa trẻ trước đây không thể tự đi lại, giờ có thể chạy nhanh hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa, lớn lên khỏe mạnh với nụ cười rạng rỡ, đó là những điều tuyệt vời nhất đối với bà mà không gì sánh được

Vỹ Dạ
.
.
.