Người phụ nữ đầu tiên được trao giải "Nobel toán học"

Thứ Sáu, 26/09/2014, 14:00

Trong khuôn khổ kỳ Đại hội lần thứ 27 của Liên minh Toán học Quốc tế (IMU) vừa diễn ra tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, nhà nữ toán học 37 tuổi người Iran Maryam Mirzakhani đã được trao Huy chương Vàng Fields, phần thưởng danh giá vốn được giới khoa học 5 châu gọi là giải "Nobel Toán học", trở thành người phụ nữ đầu tiên được tôn vinh trong lịch sử hơn một thế kỷ tồn tại giải thưởng toán học hàng đầu thế giới này. 

Chào đời ngày 3/5/1977 tại thủ đô Tehran. Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông ở ngôi trường Farzanegan nổi tiếng chuyên đào tạo các nữ sinh năng khiếu, tới đầu năm 1995, Maryam là thành viên duy nhất của đội tuyển Iran tham dự kỳ thi Olympic Toán Quốc tế tại Canada giành được Huy chương Vàng, với số điểm cao tuyệt đối. Tiếp đến M.Mirzakhani theo học Khoa toán của Trường Đại học Công nghệ Sharif (SUT) ở Tehran, rồi tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc trong năm 1999.

Nhờ tài năng toán học vượt trội của mình, nữ cử nhân M.Mirzakhani đã nhận được học bổng đào tạo sau đại học của Trường Đại học Harvard hàng đầu nước Mỹ. Sau 5 năm trau dồi kiến thức dưới sự hướng dẫn của Giáo sư nổi tiếng Curtis Tracy McMullen, người từng đoạt giả Fields năm 1998, tới năm 2004 M.Mirzakhani đã được trao bằng Tiến sĩ Toán học khi mới 27 tuổi, cũng là người phụ nữ Iran trẻ tuổi nhất có học vị Tiến sĩ. Đồng thời Tiến sĩ M.Mirzakhani trở thành nghiên cứu viên của Viện Toán học Clay (CMI) ở thành phố Providence thủ phủ tiểu bang Rhode Island, rồi trực tiếp giảng dạy tại Trường Đại học Princeton danh tiếng ở tiểu bang New Jersey với học hàm Giáo sư.

Từ năm 2008, Tiến sĩ M. Mirzakhani được Trường Đại học Stanford ở tiểu bang California,  một trong những trường đại học có uy tín hàng đầu thế giới mời về giảng dạy. Vừa thường xuyên đứng lớp vừa tham gia nghiên cứu. Đề tài chuyên sâu của nữ Giáo sư Toán học M.Mirzakhani bao trùm các lãnh vực lý thuyết thuần túy, như bề mặt hình học hyperbol phi tiêu chuẩn, không gian môđun bề mặt Riemann và cấu trúc liên kết với hệ thống động lực.

Giáo sư M.Mirzakhani đang chứng minh lý thuyết toán học của mình.

Quá trình nghiên cứu không mệt mỏi của nhà nữ toán học gốc Hồi giáo M.Mirzakhani đã được đền đáp bằng những phần thưởng xứng đáng, như Giải thưởng của CMI trong các năm 2004 và 2014, giải thưởng Blumenthal trao bốn năm một lần của Hiệp hội Toán học toàn Hoa Kỳ (AMS) trong năm 2009 và giải thưởng được trao hai năm một lần mang tên nhà nữ khoa học lừng danh Ruth Lyttle Satter (1923-1989) của AMS trong năm 2013.

Với giọng nói nhỏ nhẹ trầm ấm cùng đôi mắt màu xám xanh toát lên vẻ đầy tự tin, nhà toán học M.Mirzakhani tỏ ra khiêm nhường khi đề cập tới những thành quả nghiên cứu của mình: "Thành thật mà nói, tôi không nghĩ rằng mình đã có một đóng góp to lớn nào đó. Đây là công trình chung của các nhà khoa học đầy tâm huyết". Còn Giáo sư C.McMullen từng dẫn dắt M.Mirzakhani, nhận xét: "Cô ấy luôn theo đuổi tham vọng cháy bỏng, không hề biết tới sự sợ hãi mỗi khi nói đến toán học". Về đời tư, M.Mirzakhani có chồng là Jan Vondrak, một nhà khoa học người Mỹ chuyên về lý thuyết máy tính, đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Almaden của Hãng IBM tại San Jose (tiểu bang California). Vợ chồng họ đã có một cô con gái được đặt tên là Anahita.

Giáo sư, Tiến sĩ M.Mirzakhani là người phụ nữ đầu tiên giành được Huy chương Vàng Fields. Sự mất cân bằng giới tính trong toán học vốn là truyền thống phổ biến lâu nay, bởi rất nhiều nhà nữ toán học phải tạm gác sự nghiệp của mình để chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái. Nhất là với giải thưởng Fields chỉ dành cho các nhà toán học dưới 40 tuổi. "Hiện thân Maryam Mirzakhani vốn thông thạo các phạm vi nghiên cứu đa dạng trong toán học, cũng là biểu tượng của sự kết hợp hiếm hoi giữa khả năng chuyên môn xuất sắc, với hoài bão lớn lao, tầm nhìn sâu rộng cùng tinh thần ham học hỏi", thông cáo báo chí của ICM nhấn mạnh về người phụ nữ đầu tiên giành được Huy chương Vàng Fields.

Được biết, ngoài nhà nữ toán học M.Mirzakhani người Iran ra, giải thưởng Fields của năm nay cũng được trao đồng thời cho các nhà toán học khác là Martin Hairer người Anh, Manjul Bhargava người Mỹ và Artur Avila người Pháp gốc Brazil, cũng là nhà toán học đầu tiên của châu Mỹ Latinh được trao giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực toán học. Đi kèm Huy chương Vàng Fields là tấm chi phiếu mệnh giá 15 ngàn đôla Canada (CAD), tương đương 13,7 ngàn USD

T.Hồng
.
.
.