Người phụ nữ luôn thấy mình "mắc nợ" rừng xanh

Thứ Hai, 19/06/2017, 16:36
Vẫn người phụ nữ từng chinh phục Nam Cực 20 năm về trước, nhỏ nhắn, mạnh mẽ và đầy năng lượng. Dường như "mắc nợ" với thiên nhiên, suốt nhiều năm trở lại đây, Hoàng Thị Minh Hồng đã lên rừng, xuống biển theo đuổi các dự án bảo vệ môi trường. Từ châu Phi trở về, chúng tôi lại được nghe chị kể những câu chuyện thú vị trong việc bảo tồn, gìn giữ động vật hoang dã của người Kenya…


1.Trong chuyến trải nghiệm Kenya, tất cả đều mang lại cảm giác thú vị, tràn đầy năng lượng cho "người phụ nữ môi trường" Hoàng Thị Minh Hồng. Chính tình yêu quá lớn với thiên nhiên và động vật hoang dã mà mọi khó khăn, vất vả, thậm chí là hiểm nguy chị đều cảm giác nhẹ tênh.

Chị đã thật sự hòa mình vào cuộc sống cùng thổ dân, sống trong cảnh thiếu điện và internet. Đi xe dưới trời nắng gay gắt trên những cung đường xóc, tưởng như nội tạng bay hết ra ngoài. Thiên đường của thế giới hoang dã Kenya là nơi có nhiều loài mãnh thú bậc nhất thế giới, trong đó có voi, trâu rừng, báo, tê giác...

Minh Hồng thân thiết với một chú voi rừng.

Ở đây, ngựa vằn, trâu rừng, sơn dương kéo nhau đi từng đàn, có đàn lên tới cả ngàn con. Mỗi lần dịch chuyển của chúng tạo nên một cơn địa chấn. Còn tê giác đen và tê giác trắng dù hiếm hoi nhưng vẫn sống lẩn khuất và cũng không khó để thấy chúng trong môi trường tự nhiên.

Trong cánh rừng ở Kenya có những ngôi làng độc đáo của người Samburu khiến cho bất cứ ai đến đều phải suy ngẫm. Những túp lều của họ chỉ làm từ những cành cây, bìa carton, da gia súc, những tấm nilon và bất cứ vật liệu gì họ tìm được. Mỗi túp lều ở từ 7-10 người. Tất nhiên không có điện và nguồn nước duy nhất là con sông ở cách đó 13km, hàng ngày những người phụ nữ phải cuốc bộ 26km cả đi và về để lấy nước.

Nếu nói đến nghèo thì chắc cũng đến thế là cùng. Họ sống hoàn toàn tự cung tự cấp, cả làng nuôi chung đàn gà, dê, bò, hay lừa để lấy thịt và sữa. Tất cả các nhu cầu khác đều đến từ các loại cây, từ đun nấu, đánh răng, làm thuốc, cho đến làm hàng rào chống thú dữ để bảo vệ gia súc...

Khí hậu vô cùng khắc nghiệt và họ luôn phải đối mặt với hạn hán, nhiều khi giết chết toàn bộ gia súc. Họ sống chung với voi và các loài động vật hoang dã khác, tất cả đều uống nước từ cùng một con sông.

Họ ngạc nhiên với ý tưởng săn bắt động vật hoang dã để kiếm tiền. Đối với họ, động vật hoang dã là một phần cuộc sống và cũng là sinh kế, vì nó mang tới những khách du lịch để họ có thể bán vài món đồ handmade (tự tay làm) lấy tiền. Những năm gần đây, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế giúp họ xây trường học, trạm xá, trạm bơm nước để họ có thể lấy nước từ các mạch nước ngầm gần nhà hơn…

Kenya là một đất nước có nhiều điều kỳ thú; thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa bản địa đặc sắc, con người sinh sống hài hòa với các loài động vật. Những người nghèo khó lại đối xử tử tế với môi trường thiên nhiên hơn tại nhiều nơi khá giả và phát triển.  

Chị kể, vui nhất là hôm thăm trại voi mồ côi của tổ chức David Sheldrick's Wildlife Trust. Ở đây đang nuôi 28 ''bé voi'' mồ côi mẹ, từ 5 tháng đến 3 tuổi. Các bé nghịch như trẻ con, nô đùa với các bé, thỉnh thoảng chị bị các chú voi con dẫm vào chân đau điếng hoặc đang lom khom chụp ảnh bị xô tới ngã chổng vó.

Nhìn mấy bé tranh nhau uống sữa (một ngày mỗi bé uống 24 lít sữa, được pha chế từ công thức sữa cho em bé), rồi nhiều bé chưa đủ no kêu váng lên và vùng vằng đòi thêm, mới thấy yêu và thương biết nhường nào. Voi là loài vật biết chia sẻ nhiều cảm xúc thân thiện với con người... 

Mỗi năm có hàng ngàn voi mẹ ở châu Phi bị giết lấy ngà, phục vụ đám nhà giàu khắp nơi trên thế giới. Hàng ngàn voi con hoang dã không có mẹ chăm sóc, cũng chết theo.

Với cái đà 33.000 con voi bị giết mỗi năm, trong khi chỉ còn chừng 400.000 voi hoang dã, nếu không có giải pháp bảo vệ, chỉ vài năm nữa, loài vật có vú trên cạn lớn nhất này sẽ tuyệt chủng. Một con số khiến bất cứ ai nghe đến đều giật mình. Những cánh rừng sẽ trở nên nghèo nàn, hoang hoác, các loài động vật hoảng loạn, bất an…

Hình ảnh voi bị giết lấy ngà thật thương tâm.

 Khi đoàn đang đi lang thang hưởng thụ thiên nhiên hoang dã tươi đẹp thì gặp một con voi cái nằm chết tức tưởi trên vũng máu, bầu ngực còn căng mọng sữa, hai con nhỏ của voi trở thành những "đứa trẻ" mồ côi thật đáng thương. Nhiều người có lương tri đã phải thốt lên: "Chỉ vì cái ngà để trưng, hay chỉ vì cái vòng, cái trâm cài đầu... mà con người ra tay tàn sát loài voi một cách nhẫn tâm như vậy, liệu có đáng không?". 

2.Hoàng Thị Minh Hồng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực, ôm Quốc kỳ Việt Nam tung bay giữa thiên đường băng giá. Khi ấy, chị vừa bước sang tuổi 24. Quá trình đăng ký để được đi Nam Cực là cả hành trình thi thố, thử tài đủ mọi lĩnh vực, đặc biệt về môi trường.

Tất cả các bài thi đều phải làm bằng tiếng Anh. Cuối cùng, Minh Hồng đã trở thành người Việt Nam duy nhất ghi tên mình vào chuyến đi thám hiểm Nam Cực cùng 34 người khác trên khắp thế giới. 

Thể lực là yếu tố sống còn để tồn tại xuyên suốt chặng đường. Không ai có thể hình dung và suy nghĩ lạc quan về sự thành công trong chuyến đi của Minh Hồng, bởi nó quá tầm về mọi mặt so với thể chất một cô gái nhỏ bé. Chị ra đi bằng sự khao khát chinh phục của tuổi trẻ.

Khó khăn nhất với Minh Hồng không phải là đường di chuyển liên tục qua nhiều quốc gia, nhiều vùng lạnh giá tê tái, mà là sóng biển. Khi con tàu đi vào eo biển Drake Passage, đất trời dường như "tê dại" trong đầu Minh Hồng. Những cơn say sóng liên tục ập vào người, khủng khiếp không thể tưởng tượng nổi. 

Drake Passage nằm giữa hai lục địa Nam Mỹ và châu Nam Cực, là eo biển dữ tợn nhất, từng là nỗi kinh hoàng của những người đi biển nhiều thế kỷ trước. Nơi hẹp nhất của Drake có chiều dài khoảng 800 cây số, với những núi băng chìm nổi trùng điệp, những cột sóng cao vút có thể nuốt chửng bất cứ thứ gì vào lòng nó. Biển đen, mây cũng đen, cả một bầu trời đều đen.

Nhân viên chăm sóc voi tại khu bảo tồn Samburu.

Minh Hồng không ăn nổi gì suốt hai ngày trời, toàn thân mềm lả. Nhưng rồi chị nghĩ đến Nam Cực, đến lý tưởng tuổi trẻ và lòng kiêu hãnh dân tộc để đứng lên. Chị cùng các thành viên trong đoàn vạch ra công việc cho những ngày sống trên Nam Cực. Bao nhiêu hình ảnh lung linh, tươi đẹp, thú vị của vùng đất băng giá hiện ra trước mắt, đánh tan những cơn say quay cuồng, vật vã giữa biển cả. 

Chiếc tàu lừng lững tiến về Nam Cực, những dãy núi băng hùng vĩ, trắng tươi hiện ra. Từng đàn chim cánh cụt thủng thỉnh nô đùa trong không gian bình yên, hiền hòa đến tinh khiết. Bức tranh Nam Cực xuất hiện trọn vẹn với bầu trời cao vời vợi, nước biển xanh thẫm hòa với màu tinh khôi của một thiên nhiên mênh mông, kỳ vĩ.

Đôi chân chị run lên, không phải bởi cái lạnh thấu xương, mà bởi niềm sung sướng, hạnh phúc vì được đặt chân lên miền đất hoang sơ, thủy mặc nhất hành tinh. Minh Hồng lấy lá cờ Tổ quốc được gói cẩn thận trong ba lô, cắm cùng với cờ của Liên hiệp quốc trong khu trại.

Rồi mặc cho giá rét khủng khiếp nhất, chị bận bộ áo dài truyền thống và khoác lên người lá cờ đỏ sao vàng giang tay giữa đất trời Nam Cực. Chị muốn hét lên thật to, muốn cho chim trời, cá biển nghe thấy con tim nhỏ bé đến từ đất nước Việt Nam đang rung lên niềm tự hào dân tộc.

Với người dân Kenya.

Suốt những ngày ở Nam Cực, Minh Hồng thỏa sức khám phá thế giới đầy hoang dã đang ẩn mình trong lớp băng khổng lồ. Càng đi, càng hiểu, chị càng nhận ra sự khốc liệt của tự nhiên đang tiến về thế giới loài người.

Băng Nam Cực dù khổng lồ đến mức nào, cũng đang tan chảy. Rồi nước biển sẽ dâng, môi trường sống sẽ đảo lộn… Có thể thấy rõ trăn trở, đau đớn của người phụ nữ khi phải chứng kiến sự biến đổi khí hậu nhanh và mạnh đến vậy. 

Sau chuyến trở về, Minh Hồng cùng với những người bạn tích cực tuyên truyền, kêu gọi bảo vệ môi trường. Dường như "mang nợ" với thiên nhiên, suốt nhiều năm trở lại đây, Hoàng Thị Minh Hồng như "lăn lộn" với rất nhiều dự án về bảo vệ môi trường và bảo vệ động vật hoang dã của Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), là tổ chức phi lợi nhuận do chị sáng lập và điều hành.

Ngọc Thiện
.
.
.