Người phụ nữ tật nguyền và ước mơ hiến xác

Thứ Hai, 06/04/2015, 15:00
Với người phụ nữ ấy những ngày vui vẻ suốt bốn mươi năm qua chắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bà xinh đẹp, có tài, đầy hoài bão vậy mà bất hạnh cứ đeo đẳng. Và khi đã nếm đủ những cay đắng, chua chát của cuộc đời này, bà lại muốn hiến thân xác mình cho y học, những mong được thanh thản ra đi…

Bà chia sẻ: "Trừ đôi chân tật nguyền trả về cho cha mẹ, phần thân xác còn lại tôi muốn hiến hết cho y học. Tôi muốn lấy những phần cơ thể khỏe mạnh của mình bù đắp cho những người không may mắn khác. Như thế tôi có chết cũng thấy nhẹ lòng".

Ước mơ dang dở và tình yêu từ quả bom câm

Chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Túy (phường Thanh Tuyền, Phủ Lý, Hà Nam) vào đúng những ngày mưa rả rích. Mấy chục năm nay, cánh cổng nhà bà Túy chẳng mấy khi cài then. Ai vào thì tự mở, ai ra thì tự đóng. Cái chính là vì nhà chẳng có gì đáng giá mà lo mất. Thấy tiếng xe máy từ ngoài cổng, bà Túy vội vã lết từng đoạn khó nhọc, mặc chiếc áo tươm nhất để đón khách. Chẳng mấy khi nhà có khách, lại là khách từ Hà Nội xuống thăm. Bà bảo, cả năm cũng chả có khách nào đi xe máy vào chơi cả. Quanh quẩn có mấy người hàng xóm

Dường như người ở làng này chẳng mấy ai còn nhớ đến tên thật của bà Túy. Đơn giản vì cả năm bà cũng chẳng bước ra khỏi nhà. Bà sống lầm lũi như con rùa già vậy. Gặp được chúng tôi lại muốn hỏi chuyện đời mình, bà Túy mừng ra mặt. Hơn 60 tuổi nhưng số ngày vui của bà có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Mong muốn hiến xác để làm việc có ích cho đời.

Hơn 40 năm trước, bà Túy nức tiếng khắp vùng bởi nhan sắc, sự thông minh và tài ăn nói. Do tài "ứng khẩu thành thơ" nên ngày ấy bà Túy được giao viết báo tường cho lớp. Không những vậy, bà còn kiêm luôn "nghề" viết thư tình hộ mấy đứa con gái mới lớn trong trường. Những tài lẻ ấy đến bây giờ bạn bè cũ còn nhắc mãi…

Chẳng ai ngờ được người phụ nữ xinh đẹp, tài năng, "nhiều người theo, lắm kẻ yêu" ấy vẫn còn cô độc và quanh năm luẩn quẩn trong căn nhà chừng chục mét vuông. Bà Túy cười rộn ràng nhớ lại những tháng ngày đẹp nhất của đời mình. Bà ước mơ được trở thành kỹ sư khai thác dầu mỏ, được theo những con tàu đi khắp mọi miền của đất nước. Ngày đó bà mơ thì đỗ Đại học Hàng Hải - cái nghề mà hầu như chỉ có đàn ông mới hứng thú.

Nói đến đây bà Túy như khựng lại, bà bắt đầu khóc. Ước mơ của tuổi 18 đang phơi phới thì bà phát hiện chân mình cứ yếu dần. Dù vẫn đi lại bình thường nhưng cứ có cảm giác như không vững. Bà Túy nghĩ chắc tại ăn uống thiếu thốn nên thành ra như vậy.

Khoảng 4 tháng sau, cảm giác lạ bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều hơn. Bà Túy bắt đầu mơ màng nghĩ đến căn bệnh của chị gái mình: "Chưa biết chừng mình lại giống chị Tính". Bà Tính hơn bà vài tuổi nhưng bị teo chân trước bà gần chục năm. Ban đầu bà Tính cũng là người bình thường nhưng càng sau chân càng teo lại. Những tháng ngày đó, mọi sinh hoạt của chị đều do bà Túy đảm nhiệm.

Bà còn nhớ như in câu nói của mẹ năm nào: "Chị con thiệt thòi nên con phải là chỗ dựa cho chị, đừng bỏ chị con nhé". Cũng vì câu nói ấy mà đến nay bà Túy còn đơn chiếc. Bà gạt nước mắt, dứt bỏ mối tình đầu đẹp đẽ để ở vậy chăm chị bệnh tật.

Chuyện tình yêu của bà Túy ngắn ngủi nhưng thật đẹp. Bà tâm sự: "Chuyện tình của tôi bắt nguồn từ một trái bom. Ông ấy là bộ đội, một lần đến Bắc Lý công cán. Chúng tôi chẳng biết nhau đâu, chỉ vì bất ngờ lúc đó quả bom rơi đánh rầm một cái. Cả hai cùng lao xuống hầm. Thế là quen nhau rồi sau đó yêu nhau".

Dù người yêu hơn hẳn bà một giáp nhưng điều đó chẳng quan trọng. Điều khiến mẹ bà Túy lo lắng nhất vẫn là khoảng cách về địa lý. "Nào có xa xôi gì đâu, chỉ cách nhau có 19km thôi mà. Nhưng tại hồi đó đường xá đi lại khó khăn, chủ yếu là đi bộ nên mẹ tôi thấy thế như thể mất con vậy nên nhất quyết không cho lấy. Hơn nữa mẹ tôi sợ tôi đi lấy chồng xa nếu sau này bố mẹ tôi chết sẽ không lấy ai là người chăm sóc chị gái tôi" - bà Túy chia sẻ.

Bi kịch bắt đầu ập đến với bà khi vừa bước sang tuổi 18. Mẹ ngăn cấm, chẳng đến được với người mình yêu, bà Túy thi trượt đại học. Mẹ quở mắng lại chịu bao áp lực, bà Túy quyết định đốt sách vở, giấy khen bao năm đèn sách có được. Xúc cảm của tuổi mới lớn dâng trào đến tột độ, bà Túy đứng trước mặt mẹ mà thề độc rằng "Mẹ đã muốn con ở nhà con thề sẽ không bao giờ bước chân ra khỏi cái nhà này nữa". Thế mà hơn 40 năm qua, lời thề ấy đã vận vào bà.

Năm 24 tuổi lời thề thực sự ứng nghiệm. Chân bà đi không còn vững, tự nhiên co quắp lại. "Tôi đạp xe thấy khác khác, rồi ngày một chậm hơn, sau đi lại cũng dò dẫm. Và khi gân co lại thì chỉ còn nước bó chân ngồi một xó. Thế là đời tôi khép lại từ đó" - bà Túy nhớ lại.

Lúc ấy, bà Túy quyết định viết thư gửi cho người yêu. Bà nói với ông rằng: "Số phận chúng ta như thể quả bom câm, sẽ không bao giờ nổ được. Ông cứ lấy vợ đi cho khỏi nhỡ nhàng". Thế nhưng, người đàn ông bà trọn đời yêu thương ấy vẫn lặng lẽ ngóng theo bà. Ông cũng chẳng vợ con, chẳng màng chuyện gia đình. Hai năm trước ông mất, vẫn chẳng có vợ con chịu tang. Cả đêm hôm biết tin ông mất, bà khóc cạn nước mắt. Bà gào lên thảm thiết trách ông trời không cho bà đôi chân để đến với ông, hay chí ít cũng chạy được đến với ông khi ông nhắm mắt xuôi tay.

Ngoài trời mưa ngày một nặng hạt, bà Túy lại rạch rạch từng bước khó nhọc bấu tay vào bậu cửa lặng lẽ nhìn phía mái gianh rồi gục mặt khóc nức nở: "Sao ông trời bất công với tôi đến vậy?".

Muốn hiến xác để thấy mình còn ý nghĩa

Bà Túy chẳng còn nhớ nổi cuộc đời mình phải chứng kiến bao nhiêu lần cảnh chia lìa người thân. Bao nhiêu lần rụng rời chân tay khi đón nhận sự mất mát khủng khiếp. Cái ngày mà người đàn ông trong mộng qua đời cũng là ngày bà không còn ai thân thích trên cõi đời này nữa.

Suốt bốn chục năm qua, bà Túy lầm lũi bên chiếc khung thêu.

Bà còn nhớ như in năm 1971, người anh cả là ông Lượng, lúc đó đang là giáo viên cấp hai qua đời khi mới 27 tuổi. Ông bị viêm màng não nhưng không được phát hiện. Rồi năm 1987, bà Tính, người chị gái tật nguyền sau một đêm đi dạy thêu về dính nước mưa cũng lặng lẽ ra đi.

Khi đó bà Túy là hy vọng duy nhất của cha mẹ già. Mọi người nhờ cậy cả vào bà, vậy mà ông trời nghiệt ngã bắt cha mẹ hầu hạ lại. Ông cụ thân sinh ra bà Túy ngoài 80 tuổi nhưng còn dẻo dai. Ông làm đủ mọi việc từ chăm con đến đồng áng. Làm đồng cả ngày, chiều tối về một mình đánh đống rơm to tướng. Thế mà sau cơn tai biến ông cụ ốm nằm liệt giường 4 năm rồi cũng bỏ bà mà đi.

Nỗi đau còn chưa nguôi ngoai, bà chưa kịp làm giỗ đầu cho bố thì mẹ bà cũng qua đời sau lần bị cảm khi đi làm đồng. "Sau đêm ấy tôi chỉ còn một mình trên cõi đời này. Không con cái, không người thân thích. Hai mươi nhăm năm rồi còn gì nữa". Dứt lời bà Túy lẩm nhẩm mấy vần thơ: "Anh em chẳng có một ai/ Cửa nhà thiếu thốn hết nơi nương nhờ/ Cố thân trước cảnh bơ vơ...".

Hơn 25 năm nay, gần như bà chẳng đi đâu khỏi căn nhà chục mét vuông. Ngày nào cũng như ngày nào, dài đằng đẵng. Đêm nào cũng vậy, con gà trống nhà hàng xóm gáy lần thứ hai là bà tỉnh giấc. Bà bảo, đi lại khó khăn ngày chỉ nấu 1 bữa thôi. Ăn xong lại để đấy bữa khác ăn tiếp. May mà còn đôi tay, hằng ngày bà lấy việc thêu thùa làm niềm vui, giết thời gian.

Chúng tôi vô cùng kinh ngạc khi biết được ước mơ cuối đời của bà Túy. Bà bảo chính vì chẳng còn người thân nên muốn hiến xác mình cho y học. Bà Túy mạnh mẽ: "Tôi chỉ bị đúng cái chân què, còn lại tất cả đều ổn. Mắt mũi, răng miệng, lục phủ ngũ tạng rất ổn. Tôi không bao giờ có bệnh gì cả. Chết đi rồi chẳng có người thân mà hương khói, thôi thì hiến xác đi cho đỡ phí. Ai thiếu gì thì lấy của tôi mà đắp vào cho họ".

Không đi được nhưng bà Túy đã nhờ người liên hệ, làm thủ tục với Đại học Y Hà Nội để xin hiến xác. "Tôi nghĩ là họ sẽ đồng ý thôi. Cuối đời tôi cũng muốn làm một việc có ích cho xã hội".

Phong Anh
.
.
.