Người phụ nữa hiến đất chống buôn lậu

Thứ Ba, 06/01/2015, 16:02
Nói đến Hang Dơi (Văn Lãng, Lạng Sơn) hầu như ai cũng phải rùng mình bởi nơi đây từng được coi là điểm trung chuyển hàng lậu lớn nhất nhì cả nước. Hàng trăm đường dây buôn lậu lớn bị tiêu diệt, hàng nghìn con buôn đã chịu sự trừng trị của pháp luật.

Giờ đây Hang Dơi lại trở nên rất đỗi yên bình như bao bản làng vùng biên viễn khác. Để có được sự bình yên đó là nhờ vào sự hy sinh của một người phụ nữ. Bà đã tự nguyện hiến đất, hiến nương nhà mình để lập chốt chống buôn lậu. Người phụ nữ đặc biệt ấy là Phùng Mỹ Thu, thôn Khơ Đa, xã Tân Mỹ, Văn Lãng, Lạng Sơn. 

Thường thì những tháng cận Tết, khu vực biên giới (thuộc tỉnh Lạng Sơn) trở nên nóng hơn bao giờ hết. Suốt từ sáng sớm cho đến đêm khuya, người qua kẻ lại, những chiếc container chất đầy hàng ì ạch nối đuôi nhau trở về xuôi. Thế nhưng, con đường độc đạo, vốn là điểm vận chuyển hàng lậu lớn nhất khu vực gắn với địa danh Hang Dơi lại bình yên đến lạ kỳ.

Nếu như vài năm trước, khắp thôn Khơ Đa những ngày cận Tết là những đêm không ngủ. Hàng trăm chiếc xe máy thồ hàng gầm rú ga, người người trong bản đua nhau gùi hàng vượt biên giới, đêm đến là hàng chục chiếc xe tải lớn nhỏ chờ tập kết. Rồi tiếng còi hú của cơ quan chức năng, tiếng người gọi nhau í ới, và cả những nhóm người côn đồ sẵn sàng chống lại khi bị cơ quan chức năng phát hiện. Thế nhưng, những ngày này đến đây ai cũng cảm nhận được sự yên bình. Cứ nhìn vào lán trực của lực lượng Hải quan đủ thấy được điều ấy. Các cán bộ Hải quan bảo rằng: "Để có được sự bình yên này là nhờ bà Thu, người đã hiến đất cho chúng tôi xây dựng lán trực. Không những vậy, bà Thu còn một mình chống lại những lời đe dọa của những con buôn khét tiếng trong vùng". Gặp bà Phùng Mỹ Thu, nghe bà tâm sự mới thấy sự hy sinh thầm lặng và cả lòng dũng cảm vượt qua lời đe dọa của bọn buôn lậu khét tiếng. Những câu chuyện của bà Thu không chỉ khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, mà còn khiến chúng tôi xúc động, cảm phục.

"Quả thực không đơn giản để đi đến quyết định hiến đất cho Hải quan. Đất thì tôi không tiếc nhưng vì "cướp mất bát cơm" của chúng thì quả là khó khăn".

Ở đây tiếng là vùng núi, có nhiều bà con dân tộc thiểu số nhưng những mối họa từ giang hồ không phải là ít. Việc hiến đất, hiến nương để cán bộ Hải quan lập chốt đâu phải cứ có lòng là được. Bà Thu kể: "Quả thực không đơn giản để đi đến quyết định hiến đất cho Hải quan. Đất thì tôi không tiếc nhưng vì "cướp mất bát cơm" của chúng thì quả là khó khăn".

Thôn Khơ Đa là một trong những điểm nóng trong vận chuyển hàng lậu, bởi ở đây chỉ có 1 con đường mòn độc đạo vận chuyển hàng từ bên kia biên giới về Việt Nam. Điều đặc biệt, đứng từ nhà bà Thu, con đường độc đạo hiện ra rõ mồn một. Thời điểm tại đây còn vận chuyển hàng sầm uất, dân buôn vẫn thường phải gửi hàng hóa vào nhà dân, trong đó có cả nhà của bà Thu. Chính vì vậy, kinh phí từ việc gửi hàng mà người dân cũng như gia đình bà Thu có được không phải là nhỏ. Có thời điểm nó được coi là thu nhập chính của bà con nghèo nơi đây. Đã có rất nhiều đường dây buôn lậu lớn ở Hang Dơi được triệt phá. Tuy nhiên, chưa khi nào nạn buôn lậu qua đây được xử lý dứt điểm. Cơ quan chức năng đã cho lập các trạm chốt chặn, dựng hàng rào thép gai… nhưng vẫn chưa triệt để. Cơ quan Hải quan nhận ra rằng, chỉ có thể lập một chốt chặn tại khu vực đất nhà bà Thu mới có thể ngăn chặn triệt để nạn vận chuyển hàng trái phép qua khu vực. Tưởng chừng sẽ gặp khó khăn để động viên gia đình bà Thu hiến đất, hiến nương xây lán trực. Bởi dù sao việc những con buôn chuyển hàng qua, gia đình bà Thu cũng phần nào hưởng lợi. Hơn nữa, việc hiến đất của bà Thu chẳng khác nào cướp cơm của dân buôn lậu. Không nói ai cũng hiểu rằng bà Thu sẽ là người lĩnh hậu quả trực tiếp. Tất cả cán bộ Hải quan đều sững sờ khi mới chỉ đề xuất việc hiến đất, bà Thu đã gật đầu vô điều kiện. Bà bảo: "Anh em làm việc nhà nước, mình là người dân, ở gần nhau thì giúp đỡ nhau. Đây là việc nhà nước, người ta cấm đường thì mình cũng không chối đối làm gì. Dù sao buôn lậu cũng là phạm pháp mà".

Vợ chồng bà Thu gặp không ít những lời đe dọa của các đối tượng buôn lậu.

Không chỉ cho anh em Hải quan mượn đất, gia đình ông bà đã sẵn sàng hiến một phần đất trên nương rẫy cho lực lượng Biên phòng làm lán trực. "Anh em Biên phòng đặt vấn đề cái là tôi đồng ý ngay. Sau còn cho mượn thêm đất để tăng gia trồng thêm rau, xây bể nước. Cũng phải đến hơn một sào nương đấy. Có bộ đội, có cán bộ ở cùng là vui rồi, tôi chẳng tính đến việc họ trả tiền thuê". Dứt lời, bà Thu cười hiền hậu: "Có nhiều anh em trẻ mới đến nhận công tác, không biết chuyện tôi hiến đất. Khi thấy tôi vào khu vực lán trực còn mắng: "Bà vào đây làm gì? Bà ra khỏi khu vực này ngay". Tôi nói đùa với anh em: "Thế chúng mày làm gì ở đây? Ta thấy chúng mày, ta vào thăm chút có làm sao không. Mày ra khỏi đất nhà ta, ta còn làm nương".

Không chỉ bà, Thu mà tất cả bà con trong bản đều phải thừa nhận rằng, từ khi có lán trực của Hải quan, cuộc sống ở đây bình yên hẳn. Mọi người tập trung vào công việc, không sợ va chạm với đám giang hồ từ các tỉnh khác đến. Khi con đường độc đạo này chưa có chốt trực, tình hình an ninh vô cùng phức tạp. Người dân thường xuyên bị ép đi vận chuyển hàng. Nếu không vận chuyển chúng sẽ dọa giết, dọa đánh. Có nhiều người chuyển hàng xong họ trả tiền, nhiều người có thể không được trả tiền. Những người dân mộc mạc cũng chỉ biết "ngậm bồ hòn làm ngọt" trước sự hung hãn của đám lục lâm thảo khấu. Bà Thu bảo: "Đúng là bình yên hơn, bà con ở đây bây giờ chỉ tập trung vào ruộng nương. Không còn sợ giang hồ dằn mặt. Như gia đình tôi mở quán ăn sáng, nuôi con gà, con lợn thêm vào. Cuộc sống cũng tạm ổn rồi. Sống cùng Bộ đội Biên phòng, cùng anh em Hải quan cũng thấy vui và yên tâm hơn".

Câu chuyện hiến đất của bà Thu đã đến tai những con buôn khét tiếng, họ cho rằng chính bà Thu đã "đập mất niêu cơm của mình". Không những vậy, vẫn có một phần bà con trong bản cũng cho rằng việc làm của bà Thu đã cướp đi công ăn việc làm của họ. Những ngày đầu bà và gia đình chịu quá nhiều điều tiếng, chịu quá nhiều áp lực. Khi thì giang hồ gửi thư dằn mặt, thậm chí cho cả người đến tận nhà dằn mặt rằng "phải đòi lại đất của Hải quan và Biên phòng, nếu không sẽ giết chết cả nhà". Rồi lại còn những lời qua tiếng lại của những người trong bản, họ bảo "nhà nó giàu có, không cần vận chuyển hàng, không cần tiền ký gửi hàng nên mới làm điều thất đức đó". Bà Thu tâm sự: "Họ bảo nhà tôi là không nhận tiền thì hiến đất làm gì, cắt cơm của mọi người. Lúc ấy tôi trả lời họ rằng, nhà nước làm thì phải chịu, tôi phải giúp thôi. Tôi không sợ liên lụy, con cái tôi cũng ủng hộ việc làm này mà".

Từ ngày có lán trực của cán bộ Hải quan, nạn buôn lậu tại đây giảm hẳn.

Hiểu hơn ai hết sự vất vả của lực lượng Hải quan khu vực này, ông Hoàng Văn Đoàn (Phó tổ trưởng Tổ kiểm soát chống buôn lậu, Chi cục Hải quan Cốc Nam) cho rằng, đây là địa bàn rất phức tạp, có địa hình hiểm trở. Chỉ bước qua một tảng đá nhỏ chừng 10 mét là có thể sang địa phận của nước bạn, việc đấu tranh với buôn lậu là vô cùng khó khăn. Chỉ cần tại chốt trực không có cán bộ là ngay lập tức hàng lậu có thể lại được mang vác sang Việt Nam. Ông Đoàn tâm sự: "Quả thực nếu không có sự giúp đỡ của gia đình bà Thu thì chúng tôi không biết phải xoay sở thế nào. Chỉ có lập chốt trực đúng vị trí đất của bà Thu và trực 24/24h mới có thể tiêu diệt hoàn toàn nạn buôn lậu qua khu vực này".

Chẳng nói ai cũng hiểu được sự vất vả của những cán bộ trên mặt trận chống buôn lậu vùng biên này. Những cơn gió núi đầu đông chốc lại thổi về như cắt da thịt, thế nhưng sức nóng trên mặt trận chống buôn lậu ở đâu chưa khi nào "giảm nhiệt". Thế nhưng, trước sự giúp đỡ vô điều kiện của những người dân hồn hậu ở đây, chúng tôi hiểu rằng chẳng khó khăn nào làm họ lùi bước. Dân và cán bộ đã dựa vào nhau, đã cùng nhau sống và chiến đấu vì sự bình yên của bản làng. 

Ông Hoàng Văn Đoàn, Phó tổ trưởng Tổ kiểm soát chống buôn lậu, Chi cục Hải quan Cốc Nam cho biết:

"Người dân ở đây không phải ai cũng ủng hộ việc gia đình bà Thu hiến đất để dựng lán đóng chốt. Vì vậy, để cho phép lực lượng Hải quan dựng chốt trên đất của mình là điều không dễ dàng với bà Thu. Dù sao gia đình bà Thu cũng là người dân sống ở đây, họ cần có bà con hàng xóm, tắt lửa tối đèn có nhau. Ông bà cũng phải hy sinh và chịu nhiều điều tiếng lắm. Chúng tôi biết ơn gia đình bà Thu vì đã hỗ trợ anh em Hải quan rất nhiều, không chỉ cho chúng tôi mượn đất, gia đình còn giúp đỡ từ điện đóm, nước nôi… Thậm chí, cán bộ trực tại chốt kiểm soát khi ra nhà bà Thu còn được bà cho ăn cơm, coi như người thân trong nhà vậy".

Song Anh
.
.
.