Đó là chính là câu chuyện về thầy giáo Mông Văn Nguyễn, người đã trèo thang, vượt núi lên tít đỉnh trời toàn đá tai mèo xám ngoét để dựng trường dạy học cho một bản làng xa xôi hẻo lánh. Thầy không chỉ sống cho người khác, mà đã chết vì người khác.
Vượt núi dựng trường
Bản Lũng Mần (xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) trước những năm 2000 là thế giới biệt lập trên đỉnh núi ngủ vùi trong mây mù. Để lên Lũng Mần, chỉ có duy nhất một con đường. Dốc cao, vực thẳm chia cắt, người ta phải bắc 4 cái thang gỗ để nối vào con đường mòn chỉ đặt vừa một bàn chân xuyên lên núi. Những cái thang gỗ buộc bằng sợi dây rừng, trời mưa trơn như đổ mỡ, sảy chân là lăn xuống vực sâu.
Ngựa không lên được Lũng Mần. Và trước giờ chỉ có chân người Mông mới trèo qua được. Thế nhưng vào năm 2000, một thầy giáo đã trèo qua con đường này để đem con chữ ðến với người dân nơi đây, đó là thầy giáo Mông Vãn Nguyễn.
Cùng đi với thầy Nguyễn lúc đó có ông Lê Bá Hùng, Bí thư xã Đức Hạnh và cũng là một sĩ quan Đồn Cốc Pàng. Ông Hùng kể: “Hồi tôi và anh Nguyễn lên đây, mỗi người cầm con dao lớn, đi đến vách đá cao quá, phải đẵn vài cây gỗ, làm mấy cái thang dây, thang gỗ để trèo. Có đỉnh đá tai mèo, 3 lần thang dựng sừng sững vẫn chưa vượt qua được”.
 |
Thầy trở thành huyền thoại của vùng núi đá nơi địa đầu lúc nào không hay… |
Tuy nhiên, đá cao vực sâu, đường đi trơn trượt, nguy hiểm chưa phải là cái khó khăn nhất trong hành trình gieo chữ của thầy Nguyễn. Khi đó, bản Mông Lũng Mần chỉ có 74 mái nhà lợp tranh lúp xúp, cây ngô hái quả xong lấy thân quây làm vách nhà, lá ngô khô dải làm ổ thay giường nằm. Một năm, cái đói hành hạ bản làng 6 tháng, phải vào rừng chặt cây móc giã ra lọc lấy bột để hấp ăn, mỗi năm thiếu nước từ 4-5 tháng. Vì thế, trẻ con trong bản bụng đói, cổ khát nên chuyện học chữ thật xa vời.
Thầy Nguyễn và Bí thư Hùng đã đến từng nhà vận động cho con em bà con đi học, nhưng câu trả lời của người dân là: “Học có ra ngô, có ra nước uống được không?”! Thế là thầy giáo Mông Văn Nguyễn lợp một túp lều làm lớp học, lấy một ống tre chế làm trống rồi đến từng nhà vận động trẻ đến trường. Dần dà, tấm lòng chân thành của thầy cũng đã “cảm hóa” được bà con trong bản. Lớp học đầu tiên mở ra có 29 học sinh đủ mọi lứa tuổi, lớn thì đã 3 con, nhỏ còn thò lò mũi xanh.
Giải cơn khát nghìn đời
Tuy ngô nghê, lố nhố nhưng đám học trò này sống tình cảm lắm, ngày nào đến lớp cũng biếu thầy một chai nước sông Nho Quế hoặc nước mưa. Thầy cũng chẳng dám dùng nhiều nước, cả tuần mới dám tắm một lần. Nước rửa mặt xong thì lấy rửa rau, rồi để dành tối rửa chân, rửa xong không dùng được nữa thì đem tưới cây hoặc cho lợn gà uống… Mỗi năm 8 tháng mùa khô, cả miền đá này quay quắt vì thiếu nước.
Nhìn thấy cái đói, cái khát luôn đeo bám bà con trong bản, thầy Nguyễn đã nhiều đêm trằn trọc tìm cách cải thiện tình hình, vì thầy biết “có thực mới vực được đạo”. Lúc đó, toàn bản chỉ 74 hộ nhưng có tới 500 dân, 100% đều thuộc diện đói nghèo. Nhà nào cũng lít nhít trẻ con, sớm chiều cùng bố mẹ lên nương trồng ngô trên hốc đá. Đất khát, bắp ngô không đầy hạt nên không nuôi nổi người. Để giúp bản làng không bị cái đói hành hạ, thầy Nguyễn đã hướng dẫn bà con cách bón phân, kỹ thuật trồng ngô giống mới chịu hạn, năng suất cao.
Dân bản nhà nào không nuôi lợn, gà, thầy trích tiền lương mua lợn nái về, vận động, hướng dẫn bà con nuôi, khi đẻ con, mỗi đàn dân trả lại cho thầy một nái để đem cho nhà khác nuôi quay vòng. Nhà không có gà, thầy mua gà con tặng. Một, rồi hai vụ ngô nhiều hạt, bản làng có ngô treo gác bếp dự trữ. Từ một hai nhà lúc đầu biết nuôi con lợn, gà thì cả bản biết nuôi lợn, gà cả đàn.
Để giải quyết “cơn khát nghìn đời” của bà con, thầy Nguyễn dạy dân bản giữ nước mưa bằng cách đào hố quanh nhà, đầm thật kĩ, hứng nước tích trữ. Sau đó, thầy đích thân xuống huyện mua xi măng gùi lên bản, dùng thuốc nổ phá đá làm một lòng chảo, xây những cái bể chứa nước mưa. Nước mùa mưa nhiều lắm, nhưng đá tai mèo lỗ chỗ lởm chởm hút hết nên 8 tháng mùa khô người dân mới khổ sở trăm bề đến thế. Thầy Nguyễn dùng xi măng chít những kẽ đá lại, lót thêm miếng vải địa kỹ thuật chống thấm lên, thế là bà con không sợ thiếu nước nữa.
Bọn trẻ con được ăn no mèn mén với cả thịt lợn treo, trứng gà..., ấm cái bụng, mới chịu ngồi học. Thầy Nguyễn còn đi tập huấn dân bản về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, dạy phụ nữ uống thuốc tránh thai, cách dùng bao cao su. Bà con tin yêu, nghe thầy Nguyễn cho con trẻ đi học đều đặn, bỏ dần tập tục đẻ nhiều con để có người đi làm rẫy...
Dẹp thầy cúng, bắt tội phạm
Cứ như vậy, thầy Nguyễn trở thành huyền thoại của vùng núi đá nơi địa đầu lúc nào không hay, chuyện gì không giải quyết được là bà con tìm ngay thầy giáo để trình bày và nhờ phân xử. Từ chuyện vợ chồng cãi nhau, đỡ đẻ, trộm trâu, trộm gỗ đến chuyện con cháu bị bắt bán sang bên kia biên giới… không việc gì là không đến tay thầy giải quyết.
Do thói quen uống nước lã, có lần trong bản bị dịch tiêu chảy chết 6 người. Thầy mo từ Hà Giang được dịp sang lừa cúng chữa bệnh, rồi lấy cả chó, gà. Cán bộ y tế đến vận động thì bà con cắm lá trước cửa nhà, cấm không cho vào để còn cúng bái. Phát thuốc cửa trước, họ vứt ra cửa sau. Đang kỳ nghỉ hè, lãnh đạo huyện phải mời các thầy lên vận động dân mới mở cửa, chịu uống thuốc. Thầy Nguyễn đến gặp thầy mo vạch mặt cái trò lừa đảo, thầy mo không dám quay lại nữa.
 |
Tấm lòng chân thành của thầy cũng đã “cảm hóa” được bà con trong bản, lớp học đầu tiên đã có 29 em. |
Năm 2009, hai con của ông Sần Mí Nù bị cặp vợ chồng người Mông bên Trung Quốc lừa sang biên giới. Cô chị bị bán làm vợ, cô em còn nhỏ bị bán để rửa bát, quét nhà. Bán đến lần thứ ba thì cô em bị Công an Trung Quốc phát hiện, đẩy về phía biên giới Việt Nam. Thầy Nguyễn xuống Lạng Sơn đón Dí về cho bố mẹ.
Năm 2010, con ông Sần Mí Lúa sang Sơn Vĩ (Hà Giang) chơi bị Sình Mí Nủ, người Trung Quốc lừa bán qua biên giới. Biết tin, thầy cầm cả sổ hộ khẩu và ảnh sang báo cho Công an Trung Quốc, 4 tháng sau thì tìm được về. Sau đó, Sình Mí Nủ lại lừa tiếp Thào Thị Già đi bán, một năm sau chị mới trốn thoát. Một hôm được tin dân báo Nủ đang ở Mèo Vạc, thầy Nguyễn cho người theo dõi, gọi điện xin ý kiến Đồn Biên phòng, rồi “điệu hổ ly sơn” mời Nủ đi uống rượu nhằm kéo dài thời gian cho đến khi chiếc còng số 8 bập vào tay tên tội phạm.
Hy sinh vì cứu người
Suốt 17 năm tận tụy, cái chữ và cái tâm của thầy Nguyễn gieo trên đỉnh núi trời trở thành niềm tin thắp sáng bản Mông. Thế nhưng, tháng 3 vừa qua thầy đã vĩnh viễn ra đi vì nỗ lực cứu người gặp nạn.
Một ngày nọ, có hai vợ chồng người Mông từ bên Mèo Vạc sang Đức Hạnh để lấy củi. Đúng lúc thủy điện Nho Quế xả nước dâng lên cao, từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm mà cả hai vợ chồng không thể qua sông về nhà được. Họ đói, sợ và tuyệt vọng nên bèn cầu cứu đến thầy giáo Nguyễn.
Thầy đã cùng họ buộc dây thừng ngang hai bờ, rồi buộc các can nhựa 20 lít để kéo cặp vợ chồng này sang sông. Thế nhưng, do nước quá lớn, chẳng may dây thừng bị đứt, người chồng bơi được nên sống sót. Riêng người vợ không biết bơi, thấy chị chới với giữa dòng nước, thầy Nguyễn không màng nguy hiểm lao ra cứu. Thế nhưng nước quá lớn, cả thầy và người phụ nữ kia đã bị cuốn trôi đi. Người ta bảo rằng, hôm đó, nước sông Nho Quế dâng cao hơn thường lệ vì phía Việt Nam và Trung Quốc đều cùng xả nước thủy điện…
Thầy Nguyễn đã ra đi nhưng câu chuyện về thầy vẫn còn khắc ghi trong trái tim tất cả những người ở lại, mãi mãi không bao giờ phai nhạt.
Như Sơn