Người tình nguyện chuyên "giải cứu" kẹt xe

Thứ Hai, 19/03/2018, 08:11
Giữa một thành phố mà giao thông chật như nêm, chẳng mấy ai dám nghĩ, dám làm công việc như anh Nguyễn Văn Linh (46 tuổi, ngụ Bình Tân, TP Hồ Chí Minh). Vì lạ mà có lần anh bị cơ quan chức năng mời về trụ sở làm việc. Sau khi hiểu được thiện ý của anh, tất cả bắt tay cười xòa, từ đó trở nên thân tình...  

Giữa cái nóng như nung vào giữa trưa, "hiệp sĩ giao thông" Nguyễn Văn Linh như cây cột đứng giữa dòng xe cộ chật như nêm tại ngã tư đường Điện Biên Phủ - Trần Quốc Thảo (quận 3, TP Hồ Chí Minh). Từng động tác khua cây, múa tay, điều tiết giao thông của anh rất uyển chuyển, chuyên nghiệp. Tấm áo có logo hiệp sĩ giao thông ướt đẫm mồ hôi.

Dường như anh đã quen với điều đó, nên chẳng nề hà gì. Những lúc mồ hôi đầm đìa trên mặt, anh chỉ kịp lấy vạt áo đưa lên quệt ngang một cái, rồi lại dãi nắng như con thiêu thân. Quá 12 giờ trưa, những dòng xe chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, nhưng anh Linh phải về ăn cơm và làm việc thường nhật kiếm sống của mình.

Hiệp sĩ giao thông Nguyễn Văn Linh.

Đứng trên vỉa hè nhìn dòng người xếp hàng chờ đợi, còi bóp inh ỏi, anh nheo mắt lắc đầu: "Cũng phải về thôi, chiều tối ra tiếp". Từ đây, anh chạy về tiệm rửa xe của mình mãi quận Bình Tân, ước chừng gần 20 cây số đường... kẹt xe.

Theo sau anh Linh, chúng tôi bấm đồng hồ hết đúng 55 phút mới về tới nơi. Bỏ vội chiếc xe, anh Linh chỉ kịp rửa tay rồi cúi đầu ăn thật nhanh hộp cơm vì có hai vị khách đang chờ rửa xe.

Tiệm rửa xe của anh Linh nằm cạnh quốc lộ 1A nên khói bụi lúc nào cũng "ngào ngạt". Nói là tiệm nhưng không gian eo hẹp và cơ sở vật chất cũng không có gì để nói. Mùa mưa, nước chảy thũng xuống từ mái tôn gỉ sét, táp tứ bề. Mùa nắng, chẳng khác nào cái "lò bát quái" cùng tiếng nổ tí tách của kim loại bị nung chảy.

Hầu hết khách rửa xe đều quen biết anh Linh, họ thông cảm và chia sẻ với hoàn cảnh của anh nên không một lời ca thán. Bản thân bận rộn chuyện "giao thông", anh Linh đã rủ thêm mấy anh em khác về làm cùng. Cứ ai rửa được cái nào lấy tiền cái đó, chứ không trả lương. Sau này anh em thấy anh Linh "ra đường" nhiều quá, không còn thời gian rửa xe thì họ bàn nhau, tiền kiếm được trong một ngày sẽ chia đều nhau, không ai hơn ai. Mỗi người sau một ngày lao động có thể được chia vài ba trăm, hôm nào ế thì mấy chục ngàn, đều vui vẻ cả.

Giấy khen của Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh tặng anh Nguyễn Văn Linh.

Từ một người nông dân quê Hàm Tân (Bình Thuận) tha phương vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, anh Linh chưa bao giờ nghĩ có một ngày mình trở thành "cột sống" giữa đường. 13 năm trước, anh đưa mẹ vào thành phố chữa bệnh, nhưng cũng chỉ được 3 năm, mẹ đã rời xa anh mãi mãi.

Cảm thấy mảnh đất Sài Gòn dễ kiếm sống, con người lại chân tình, thân thương nên anh Linh quyết định ở lại. Từ ngày có vợ, anh thuê một căn phòng trọ vừa đủ chỗ nằm gọi là "ra riêng" của cặp vợ chồng son.

Ban đầu, anh làm nghề chạy xe ôm. Đặc thù của nghề khiến ngày nào anh cũng phải ra đường. Hôm nào gặp kẹt xe như bị cầm tù, giam lỏng, khách bực bội khó chịu. Mặc dù đã luồn lách hết mức, nhưng chỉ đỡ được phần nhỏ trước tình trạng kẹt xe khủng khiếp ở các ngã tư, vòng xoay.

Có lần đang "vẫy vùng" trong đám kẹt xe, nghe tiếng còi xe cứu thương thúc giục phía sau, anh Linh đã không thể chịu đựng nổi điều đó. Anh đưa xe lên vỉa hè rồi lao ra đường rẽ dòng người nhường đường cho xe cứu thương. Phải mất 5 phút toát mồ hôi, anh mới "giải cứu" được xe cứu thương khỏi điểm kẹt. Xong việc, anh quay lại tìm khách thì họ đã bỏ đi từ lúc nào. Hôm ấy anh trở về nhà tay trắng, mất đứt mấy chục ngàn tiền xăng.

Đêm nằm ngủ, nghĩ lại cảnh chiếc xe cứu thương lao về bệnh viện, tim anh như thắt lại. Anh nhớ tới hình ảnh đau đớn tột cùng của mẹ mình khi phải tới bệnh viện trong tình trạng nhích từng tí một giữa đường. Thế là, những ngày sau đó, cứ giờ cao điểm là Nguyễn Văn Linh lại lặng lẽ ra ngã tư khu vực An Sương, Bảy Hiền... điều tiết giao thông.

Bức tường là nơi anh Linh treo những tấm giấy khen, bài báo viết về mình.

Mới đầu đi làm nghề "khùng khùng" này, anh bị người ta nhìn bằng con mắt lạ lẫm. Nhiều người trợn mắt văng tục chửi thề với anh, quát anh tránh ra. Anh nhẫn nại đứng đó, trả lời bằng nụ cười thật tươi. Quốc lộ 1A đoạn từ cầu vượt An Sương về cầu vượt Bình Phước có rất nhiều xe tải, xe đầu kéo, có ngày kẹt xe nối dài mấy cây số. Anh băng ra giữa đường, cầm gậy hướng dẫn các xe đi đúng làn đường nhưng tài xế chẳng ai để tâm tới anh.

Có người lao thẳng xe vào anh khiến anh "ba chân bốn cẳng" nhảy ra ngoài, suýt nữa thì "toi". Chỉ đến khi anh bị húc vào chân, phải lết đi thì anh mới thấy sợ và chuyển "địa chỉ" làm việc. Anh tâm sự: "Cánh xe bus với xe tải chạy ẩu lắm, coi thường luật lệ. Họ tìm đủ cách để vượt lên miễn sao về trạm đúng giờ. Họ đâu biết mình là ai, nên họ cũng chẳng cần sợ".

Năm 2007, mải mê điều tiết giao thông ở nút ngã tư 4 xã (quận Bình Tân), anh đã bị kẻ gian lấy mất xe máy. Nó là tài sản quý nhất của anh, quan trọng hơn cả đôi chân vào thời điểm bấy giờ. Nghỉ vài ngày tìm cách tháo gỡ khó khăn, cuối cùng anh quyết định đạp xe tới điểm kẹt, rồi như có "ma làm", anh "sà" ngay vào điều tiết phân luồng.

Suốt ngày đi làm việc không công, hao mòn sức khỏe, vợ anh phản đối quyết liệt. Điều đó làm anh khổ tâm, nhưng nghĩ đến tình trạng kẹt xe, ùn ứ tức tưởi ở ngã tư, vòng xoay, anh không chịu nổi. Anh lại xách xe đi, mặc kệ sau lưng tiếng lầm bầm của vợ.

Âm thầm, bền bỉ điều tiết giao thông, cuối cùng Nguyễn Văn Linh cũng được nhiều người biết. Hình ảnh của anh ở ngã tư các con đường kẹt xe trọng điểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng cao thượng của cộng đồng, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Anh đã không còn bị quát nạt, chửi bới mà thay vào đó là lòng cảm phục, sự biết ơn "người khùng" đi làm việc chẳng giống ai.

Những hôm trời nắng như đổ lửa, một vài người đã mua nước cho anh uống. Rồi những ngày mưa lụt lội, anh làm việc đến lả đi, cô bán bánh mì cũng tặng anh một cái lót dạ. Nguyễn Văn Linh còn sẵn sàng giúp đỡ bất cứ vị khách đi đường nào gặp khó khăn, rắc rối.

Giữa dòng xe đông nghẹt, anh như cây cột đèn. 

Anh nhớ, có lần đang mải mê điều tiết giao thông thì gặp hai mẹ con người phụ nữ hối hả băng qua đường cho kịp chuyến xe bus. Lo chạy theo mẹ, đứa bé bị vấp ngã. Bà mẹ luống cuống vứt cả giỏ đồ ôm con mặc cho tiếng còi xe gầm rú xung quanh. Nhanh trí, anh Linh ra hiệu cho xe dừng lại nhưng nhiều xe vẫn cố tình băng qua, quệt vào người anh.

Anh vẫn đứng làm "lá chắn" để bà mẹ bế con vào bờ. Bình tâm lại, chợt chị ta hốt hoảng khi không thấy giỏ đồ nữa. Chị mếu máo đầy tuyệt vọng. Anh Linh đi tìm hai bên đường, chợt một người xe ôm quen thấy anh vẫy lại hỏi: "Anh tìm thứ này hả, nãy tôi lượm được ngoài đường". Anh mừng quá, vội vàng xin lại đưa cho hai mẹ con. Làm xong việc, anh mới thấy tay của mình chảy máu, áo bị rách một miếng.

Mỗi khi xong một điểm kẹt, anh cảm thấy tâm hồn thoải mái vô cùng. Để chủ động nắm bắt thông tin kẹt xe, anh nghe đài VOV giao thông rồi từ thông tin nhà đài, anh lần tìm đến điểm kẹt xe. Một số người quen biết thấy anh điều tiết giao thông đã mỉa mai: "Cơm không có mà ăn còn đi lo chuyện thiên hạ". Nghe nhiều nên anh cũng cảm thấy buồn, tự ái. Anh bắt đầu chuyển đến những đoạn đường xa nhà hơn, nhằm tránh thị phi.

Càng làm công việc này, anh càng yêu và cảm thấy thân thương lắm. Mỗi ngày anh rửa xe kiếm tiền nhưng cứ đến 10 giờ thì dù có nhiều khách đến mấy anh cũng buông tay để đi làm "nhiệm vụ" của riêng mình. Anh làm hai ca cố định, sáng từ 10 giờ đến 12 giờ, chiều 17 giờ đến khuya.

Không thu nhập, không lương thưởng, cái anh nhận được là tình cảm của người dân thành phố dành cho mình. Năm 2012, VOV giao thông đã tặng anh chiếc áo có in logo "hiệp sĩ giao thông". Đôi giày anh đeo là người tham gia giao thông cho, ngay cả chiếc cây điều tiết cũng được cho để anh thay gậy bằng ống nước luôn bốc mùi nhựa.

13 năm dầm mình trên những cung đường "ngột ngạt" nhất, chiếc áo "hiệp sĩ" đã sờn màu, logo cũng bạc chữ nhưng hiệp sĩ giao thông thì vẫn vững chãi như cột đèn đường. Việc làm của Nguyễn Văn Linh đã được biểu dương trong các hội nghị điển hình tiên tiến, gương sáng phố phường. Năm 2016, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã tặng bằng khen cho anh.

Ngọc Hoa
.
.
.