Người ươm mầm sống trên đỉnh Sảng Pả

Chủ Nhật, 21/01/2018, 18:32
Mỗi sớm, tại khu vực thị trấn Phong Hải (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai), người ta lại thấy một người phụ nữ với dáng vẻ gầy guộc tất bật chuẩn bị cho bốn đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau đến trường. Nếu ai không biết có thể nghĩ rằng đó là một người mẹ và bốn đứa con nhỏ. Nhưng thực ra, người phụ nữ ấy là một cô giáo, đã bỏ qua mọi khó khăn, tình nguyện đón 4 em nhỏ người Mông về nhà để cho các cháu được ăn học…


Chuyện lạ có thật

Người phụ nữ được nhắc đến ở trên đó là cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh – giáo viên Trường Mầm non số 2 (thị trấn Phong Hải). Việc làm của cô Minh với nhiều người thực sự khó có thể làm được, nhưng qua lời kể của cô giáo với khuôn mặt khắc khổ này, câu chuyện lạ ấy lại trở nên vô cùng đơn giản và bình thường.

Cô Minh chia sẻ: “Nhà của các cháu ở xa nơi đây lắm, phải trèo lên tận đỉnh Sảng Pả, đường đất ẩm ướt, trơn trượt khó đi vô cùng. Muốn lên tới nơi chỉ có thể đi bộ vào những ngày thời tiết đẹp, mất khoảng hai tiếng. Trong 4 cháu nhỏ mà tôi nhận về nhà nuôi thì có 2 chị em ruột là Cư Thị Chứ (2 tuổi); Cư Thị Gió (4 tuổi); còn 2 cháu khác là Cư Seo Mùi (4 tuổi); Cư Văn Hải (4 tuổi)”.

Một ngày tất bật của cô giáo Minh và 4 đứa con nuôi.

Nghĩ về con đường đến Trường Mầm non số 2 vừa đi qua, trơn trượt, vòng vèo và phải vượt qua những rặng tre sâu vào trong khe núi. Ấy vậy mà đường lên nhà các em nhỏ còn sâu, xa và khó đi hơn biết chừng nào. Theo cô Minh, trước Tết năm 2017, ở trên đó chỉ có 2 cháu mầm non 5 tuổi đi học nhờ ở điểm trường Tiểu học, còn 4 cháu chưa được học mầm non.

Sau này, khi có chủ trương xóa phân hiệu ở trên để đưa toàn bộ học sinh về phân hiệu dưới học tập, cô Minh phải đến tận nhà các em, dùng hết lí lẽ để thuyết phục bố mẹ các cháu đồng ý cho xuống núi đi học.

Thế nhưng, khi đã được sự đồng ý của gia đình, một khó khăn nảy sinh - đó là không có phòng ở. Nghĩ đến cảnh lũ trẻ thơ không có chỗ ở, có khả năng không thể đi học, cô Minh quyết định nói với gia đình các cháu rằng cô sẽ đón về nhà chăm sóc. Quá yên tâm trước sự nhiệt tình và tình yêu thương đối với các em nhỏ của cô giáo, các phụ huynh học sinh ai cũng đồng ý để con ở lại rồi trở về.

Cô Minh vẫn còn nhớ, ngày mới về nhà cô, 4 đứa trẻ mặt mũi nhem nhuốc, đầu tóc bù xù, quần áo thì rách rưới vì cũng như bao đứa trẻ khác trong cùng bản không được bố mẹ để ý vì còn bận làm nương. Sau khi về ở cùng cô Minh, các cháu được dạy dỗ cẩn thận, mọi thứ đi vào khuôn phép, đến bữa biết mời cơm, có thể tự xúc cơm ăn, gặp người lạ biết chào hỏi bằng tiếng phổ thông. Những đứa trẻ thiếu ăn bỗng chốc trở nên khỏe mạnh, béo tốt, mỗi cháu tăng liền 1-2kg.

Cô Minh kể: “Có cháu Cư Thị Chứ nhỏ tuổi nhất, tóc vàng hoe, khi đến thì trông khổ thân lắm, đầu có cả tổ chấy. Tôi phải tắm rửa, chải tóc cho cháu liên tục, giờ thì hết ngứa ngáy khó chịu rồi. Mấy ngày đầu nhìn lũ trẻ hớn hở, vui đùa vì lần đầu được tắm gội bằng xà phòng thơm, rồi được mặc áo mới cười khúc khích, tôi thương đến chảy cả nước mắt…”.

Ai cũng nghĩ rằng, cô Minh chỉ nuôi bốn đứa nhỏ tạm thời, thế nhưng cho đến nay đã nhiều tháng trôi qua, cuộc sống trong gia đình nhỏ tràn đầy tiếng cười ấy vẫn cứ êm đềm tiếp diễn. Mỗi buổi sáng, cô Minh dậy từ lúc mặt trời còn chưa lên để chuẩn bị nấu cơm cho bốn đứa trẻ.

Sau khi bữa sáng xong xuôi, 5 cô trò lại chở nhau trên chiếc xe Dream cũ kĩ, vượt chặng đường 6km để đến phân hiệu Mầm non Sảng Pả. Rồi đến đêm, cô cùng lũ trẻ lại chia sẻ khoảng trống trên chiếc giường nhỏ, 4 đứa trẻ ngủ phía trên còn cô nằm ngang dưới chân.

Nói về việc này, cô cho biết: “Nhà vẫn còn giường nhưng tôi lo chúng nó ngủ đạp chăn rồi lại rét. Nên tôi mới ngủ cùng để đêm trở lạnh còn đắp chăn cho lũ trẻ. Rồi đến lúc các cháu giật mình giữa đêm, quấy khóc thì tôi dễ dỗ dành hơn”.

Lớp học của cô Minh.

Những người hàng xóm của cô Minh còn nhớ mãi, trong một đêm lạnh giá, cháu Chứ bị viêm phổi, sốt cao, rơi vào tình trạng nguy hiểm. 2 giờ đêm, cô bế cháu bé đưa ra Trạm y tế Phong Hải cấp cứu còn nhờ người khác trông các cháu ở nhà.

Đêm hôm ấy, cô phải túc trực bên cạnh để chăm sóc Chứ. Ngày hôm sau, bố mẹ của Chứ là vợ chồng anh Cư Seo Hảng từ trên Sảng Pả xuống. Anh Hảng cho biết hai vợ chồng lấy nhau nhưng chưa đăng kí, cũng không có giấy tờ gì nên con không có bảo hiểm y tế. Lo không có tiền chữa bệnh, anh Hảng định bế con về nhà nhưng cô Minh ngăn cản.

Những ngày sau, cô giáo lại lặn lội xe máy đưa hai vợ chồng anh Hảng đi hàng chục kilomet ra huyện chụp ảnh, làm chứng minh nhân dân rồi về UBND thị trấn Phong Hải đăng kí kết hôn. Sau đó, cháu Chứ đã có giấy khai sinh và được làm thẻ bảo hiểm y tế.

Hết lòng vì những mảnh đời khó khăn 

Không chỉ lo lắng cho bốn đứa con nuôi này, cô Minh còn là một tấm gương về nhân cách, sống hết lòng vì mọi người đáng để học hỏi. Như đã nói trên, đường lên đỉnh Sảng Pả vất vả khó đi như vậy nhưng có tháng, cô Minh đi lên 3-4 lần để vận động học sinh đi học.

Nhờ có sự kiên trì cùng nhiệt huyết như vậy nên đồng bào người Mông trên đỉnh Sảng Pả vô cùng yêu quý cô giáo và đồng ý cho con xuống dưới học tập. Những nghĩa cử cao đẹp của cô cũng đánh thức được lòng tốt của mọi người. Lo cho cô vất vả, nhà trường cũng kêu gọi giáo viên và các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ gạo, quần áo và một số nhu yếu phẩm khác để hỗ trợ các em học sinh có cuộc sống tốt hơn.

Ngoài ra, khi dạy học ở phân hiệu Sín Thèn và phân hiệu Sảng Pả, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh đã có những việc làm vô cùng ý nghĩa, đó là rà soát và hướng dẫn bà con trong thôn xuống xã làm thủ tục đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 30 trẻ em người Mông. Riêng ở thôn Sín Thèn, nhờ sự tận tình giúp đỡ của cô giáo Minh, mà có 22 trẻ người Mông đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Cô Minh nói: “Do các thôn xa xôi, đồng bào vùng cao nhiều người không biết chữ, ngại giao tiếp nên không đi ra xã làm các loại giấy tờ. Nếu mình không giúp, không động viên họ đi làm thì người đầu tiên thiệt thòi chính là lũ trẻ, không có bảo hiểm y tế, ốm đau khám chữa sẽ rất tốn kém”.

Cùng với việc này, cô Minh còn thường xuyên vận động quyên góp quần áo, giầy dép, chăn ấm mang lên núi cho học sinh nghèo. Trong cái cặp sách cũ của cô, ngoài sách vở, lúc nào cũng có cuộn chỉ, cái kim để khâu vá quần áo cho các em nhỏ. Tuy không có tiền cho bà con, nhưng đó là việc cô có thể làm để giúp người dân và lũ trẻ con nhà nghèo trên những đỉnh núi cao này.

Nhận xét về cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh, cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trường Trường Mầm non số 2 thị trấn Phong Hải cho biết: “Làm nhiều việc tốt, sống vì người khác như vậy nhưng ít người biết cô Minh có hoàn cảnh đặc biệt éo le và cũng rất vất vả.

Tuy nhiên, trong gần 30 năm làm giáo viên mầm non ở thị trấn Phong Hải, cô Minh chưa bao giờ tắt ngọn lửa nhiệt huyết với nghề giáo. Tôi chưa thấy ai yêu nghề, mến trẻ, tận tụy chăm lo cho học sinh như các con của mình như vậy.

Trong 5 năm gần đây, tuy tuổi đã cao, nhưng cô Minh vẫn tình nguyện công tác ở các điểm trường vùng cao của Phong Hải như phân hiệu Sín Thèn, Sảng Pả”.

Được biết, năm 2010, chồng cô Minh đã qua đời sau một cơn tai biến mạch máu não, để lại hai con nhỏ. Một mình cô Minh vừa công tác tại điểm trường vùng cao, vừa làm lụng tần tảo để nuôi hai con ăn học. Giờ đây, con gái lớn của cô đã lập gia đình và làm việc ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, còn con trai cô mới tốt nghiệp Trường Đại học Điện lực Hà Nội nhưng chưa xin được việc làm, lên thành phố làm thuê.

Sau bao năm, cô Minh lại tiếp tục sống một mình trong căn nhà nhỏ tại thị trấn Phong Hải cho đến khi đón 4 cháu nhỏ người Mông về nhà để nuôi nấng, dạy dỗ. Trong ngôi nhà ấy, tiếng cười lại rộn ràng hơn bao giờ hết, mẹ Minh và 4 đứa con nhỏ vẫn ngày ngày đến trường để học chữ, học cách sống và chuẩn bị cho một tương lai tươi sáng hơn.

Hy vọng rằng, những đứa bé có thể học được cả cách sống vì người khác, luôn nhìn về cái thiện, ươm mầm thánh thiện trong tâm hồn để sau này nở đẹp như một đóa hoa xuân, giống như của người mẹ Nguyễn Thị Thanh Minh ấy.

Phong Trâm
.
.
.