Người vẽ hình bằng dao...khắc

Thứ Ba, 01/12/2015, 17:00
Làng nghề sơn mài ở Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng với sự tồn tại hơn 200 năm qua. Nhưng có một dòng tranh, được hình thành từ sơn mài của làng có nguy cơ mai một, đó là sơn khắc. Đây là thể loại tranh giàu tính dân gian, mang dấu ấn sáng tạo độc đáo. Hiện ở làng chỉ còn gia đình nghệ nhân Trần Thành Đạt vẫn âm thầm gìn giữ và ngày đêm chạm vẽ, tô màu với những bức tranh sơn khắc sinh động và đậm chất đời sống quê hương.

Trầm tĩnh và đam mê

Gia đình nghệ nhân Trần Thành Đạt ở ngay đầu “Xóm Phố” của làng Hạ Thái. Ông là người nhỏ nhẹ, trầm tĩnh ít nói. Khi gặp ông tôi mới hiểu thêm về dòng tranh sơn khắc. Ông tự hào nói, tranh sơn khắc ra đời ở nước ta sớm nhất, và đẹp hơn cả tranh sơn khắc của Nhật. Ngay ở Trung Quốc, họ cũng đã có tranh sơn mài nhưng lại chưa có tranh sơn khắc. Nhìn bức tranh sơn khắc của ông về Hà Nội, với hình ảnh các cô gái áo dài của đất Hà thành xưa, mới thấy toát lên vẻ đẹp của Tràng An ngàn năm lắng đọng. Một người thợ của ông cũng đang đục trên một tấm vóc sơn then, những hình của một phiên chợ quê, uyển chuyển và chăm chút từng nét. Cũng với một phong thái trầm tĩnh và say sưa như ông. 

Ngôi nhà ông trở thành một xưởng vẽ tranh sơn mài và tranh sơn khắc. Riêng phòng vẽ của ông chỉ chuyên tranh sơn khắc. Đó là thế giới riêng của ông với những người thợ khéo tay nhất. Họ phải vẽ bằng những mũi dao và những mũi đục nhỏ xíu. Hàng trăm đường nét bay bổng bởi những bàn tay tài hoa mà hình thành những dáng vóc hiện lên.

Nghệ nhân Trần Thành Đạt vừa sửa lại màu của bức thiếu nữ, vừa nói cách vẽ của tranh sơn khắc khác hẳn tranh sơn mài. Sơn mài vẽ bằng chổi hay bút lông, hoặc với chất liệu mềm để quét sơn lên vóc rồi mài. Còn tranh sơn khắc là nghệ thuật của đồ họa, ăn nhau là nét chạm khắc và những mảng hình tinh tế và giầu cảm xúc. Sau đó là việc tô mầu tạo sự khắc họa mạnh do chất liệu và sắc độ rực rỡ của sơn ta vẽ lên. 

Ông giải thích thêm cho tôi biết về nguyên tắc, tranh sơn khắc là tranh tả nét, thể hiện trên tấm vóc sơn mài đã được đánh bóng. Hình khắc chìm với độ sâu bằng nhau rồi được tô mầu làm nổi bật hình tượng của bức tranh. Nói rồi ông dẫn tôi ra xem một bức tranh khổ lớn “Hội làng”, của một khách đặt hàng. Đúng là một không khí của một lễ hội phủ khắp bốn góc bức hình và phủ đầy một cảm xúc trong màu sắc, dạt dào và thành kính.

Cùng tôi ngắm lại bức tranh, nghệ nhân Trần Thành Đạt chợt nhớ đến những ngày đêm, còng lưng khắc tỉ mỉ hàng trăm hình người, và hàng ngàn chi tiết trên tấm vóc sơn ta. Có những đêm trước khi quyết định một góc hình quan trọng của bức tranh ông bị choáng váng, ủ ê đầu óc. Ông đã lấy lại sự trầm tĩnh và ngồi thiền trong một giấc mơ cùng với tiếng trống hội vang lên. Những hình tượng lung linh trong trí tưởng tượng, thế rồi như trong cơn mộng du kỳ ảo, hai bàn tay ông như vờn trên bức tranh. Một đêm trôi qua. Hai đêm trôi qua. Rồi sau nữa đó là những đêm của một mùa lễ hội tưng bừng hình thành lúc nào đó mà không hay nữa. Ông nói vẽ tranh sơn khắc là thế. Như mơ như bay trong một thế giới tâm linh mà vẽ lên bằng mũi dao.

Chính vì sự kỳ công, tỉ mỉ và khúc chiết các hình lớn nhỏ, phân bố trên một bề mặt rộng, dễ làm hoang mang cảm xúc nếu không có sự tập trung cao độ. Và đó cũng là bản chất của tranh sơn khắc. Ông còn cho tôi xem thêm một số tranh sơn khắc đã in trên các tạp chí, như “Thôn Vĩnh Mốc” của Huỳnh Văn Thuận, hay “Hội đâm trâu” của Hữu Chất, hoặc “Ca Trù” của Nguyễn Nghĩa Duyện... mới hay ấn tượng tranh sơn khắc quả là mạnh ở chiều sâu hình tượng và sắc sảo ở sự tương phản của chất liệu màu sơn ta. Ô

ng kể mãi tới năm 1945, tranh sơn khắc ở nước ta mới phát triển mạnh, và làng ông cũng bắt đầu khởi nghiệp thật sự cả hai thể loại tranh sơn mài và sơn khắc. Ông được Hợp tác xã làng nghề cử đi học từ năm 1979 ở trường Mỹ nghệ, khi vừa tròn 22 tuổi. Sau đó ông vừa làm vừa học, những bức tranh sơn khắc nhỏ một thời rất được khách hàng ưa chuộng. Gia đình ông hiện nay vẫn phát triển bằng những mối hàng tranh sơn mài khổ nhỏ chủ yếu là mặt hàng dịch vụ du lịch. Nhưng riêng ông và một số thợ chuyên làm tranh sơn khắc.

Vượt qua những băn khoăn thời cuộc

Điều mà nhiều gia đình làm tranh sơn mài ở Hạ Thái hết sức hồi hộp vì sự xâm nhập ồ ạt của tranh làm hàng của nước ngoài. Cùng với đó là sự chạy theo thị trường, nhiều nhà đã bỏ chất liệu sơn ta để mua sơn Nhật hay Thái về vẽ. Nhanh và nhiều, bóng bẩy đó là thị hiếu của tranh sơn mài thị trường. Cuộc mưu sinh của làng nghề không đơn giản nếu không có những cách tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế. 

Riêng tranh sơn khắc thì theo Nghệ nhân Trần Thành Đạt, nhiều người trong làng đã không làm nữa. Tranh sơn khắc làm mất nhiều thời gian và công sức nhưng khó bán. Họ đều tập trung làm tranh sơn mài, với chất liệu ngoại nhập cho rẻ và ít tốn công sức. Hầu như cả làng đã quay lưng, bỏ rơi dòng tranh sơn khắc vào lãng quên. Nghệ nhân Trần Thành Đạt ngậm ngùi nói khi thấy con trai ông cầm bức tranh chữ sơn khắc. Đó là chữ nhẫn màu vàng được khắc trên tấm vóc sơn then óng ả và huyền ảo. Nó như bị trôi vào dĩ vãng.

Nhưng mặc cho sự đời cuộn trôi, thời cuộc nháo nhác, nghệ nhân Trần Thành Đạt vẫn say mê với những đường nét chạm khắc trên tấm vóc. Ông còn mầy mò đi tầm sư học đạo để nâng cao tay nghề và kỹ năng sáng tạo trong hình tượng. Bởi như ông nói, dù trên diện tích bức tranh khổ lớn bao nhiêu, tranh sơn khắc vẫn cần vẽ kỹ đến từng phân vuông. Nếu chỉ sai một nét là bức tranh bị hỏng. 

Chính vì sự ngặt nghèo, tranh sơn khắc xưa nay đều đòi hỏi các họa sĩ có một bản lĩnh đặc biệt hơn người. Chả thế mà trong giới tranh khắc, những họa sĩ nổi lên có thể đếm được trên đầu ngón tay. Hồi đầu lứa họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương và Mỹ thuật Gia Định Sài Gòn, chỉ có vài người làm nên sự nghiệp về tranh khắc. Ông còn kể, hiện nay có những họa sĩ tranh sơn khắc bậc thầy nổi lên như Đặng Tin Tưởng, Thái Hà Nguyễn Khang, Vũ Hà Nam, Nguyễn Nghĩa Duyện...

Khi hỏi, vì sao tranh sơn khắc khó được thị trường ưa chuông, nhưng ông vẫn say mê đến vậy. Không trả lời vào câu hỏi, mà ông dẫn tôi đến một bức phác thảo tranh sơn khắc lớn ở ngày giữa phòng tranh, rồi nói đó là đơn đặt hàng của một doanh nhân. Với giọng nói nhỏ nhẹ nhưng lại khúc chiết như khi chạm khắc, ông nói và vẫn hy vọng vào những khách hàng tinh đời, yêu dòng tranh này. Còn những bức tranh về hoa hay về đề tài thiếu nữ của ông vẫn có chỗ bán, với giá khá cao. Chậm, chắc và không vụ lợi, đó là nguyên tắc khi làm tranh sơn khắc của ông. Tôi bật cười vì cái lý của người làm nghệ thuật trong kinh doanh, chả ai không tính lãi, vậy mà ông làm ngược lại. Ông cười xuề xòa nói, lấy công làm lãi đủ sống là được, nhưng phải làm tranh thật ưng con mắt. Giữ lấy cái nghề thật tinh xảo để truyền lại cho con cháu. Đó là cái giá trị còn lại.

Đúng là để lại cho con cháu

Quanh xưởng vẽ nhà ông, có vài người thợ trong làng, còn lại toàn con và cháu ông cả. Ông xởi lởi khoe, nào hai con trai và con gái đều tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật khoa Sơn mài. Cả con rể và các con dâu ông cũng là họa sĩ của trường. Tất cả không xin việc ở nơi khác mà đều ở nhà cùng làm tranh sơn mài và sơn khắc cùng ông. Chả thế tranh sơn mài của gia đình ông được khách hàng tìm đến, với những bố cục lạ mắt và những đường nét sống động cùng với màu sắc gợi cảm. Nhà ông không có cửa hiệu như nhiều xí nghiệp hay công ty khác ở làng nhưng lại có thương hiệu, được bày bán ở 15 cửa hàng và các Galerry thuộc các quận nội thành Hà Nội. Quan sát kho hàng tranh của gia đình ông, dày đặc những giá hàng, chứng tỏ không khí làm việc tại xưởng vẽ của ông thật sự sôi nổi.

Lúc này bất chợt cô bé cháu nội ông cũng ở trong phòng vẽ chạy ra. Nó mới ba tuổi, là con gái của họa sĩ Trần Tiến Thành, người con trai thứ hai của nghệ nhân Trần Thành Đạt. Hai tay bé giơ hai bức tranh vừa tô mầu xong. Một bức tranh trừu tượng, tôi cười nói vui, nhưng nghệ nhân Trần Thành Đạt bước đến khẳng định, đó sẽ là một bức tranh sơn khắc trong tương lai. Ông nghĩ về lứa thứ ba sẽ tiếp nối nghiệp ông là thế. Những tia sáng tràn ngập hy vọng ùa lên mắt ông làm tôi rưng rưng với niềm vui cùng với nụ cười rạng rỡ của cô bé.

Khánh Huyền
.
.
.