Người xây “Đường phố” ở Hội An cho những trẻ em khó khăn

Thứ Tư, 06/11/2013, 09:51

“Neal Bermas, một nhà tư vấn quản lý ở Mahatta đã từ bỏ công việc với mức lương không hề nhỏ của mình để tới Hội An, xây dựng một ngôi nhà, một trường học, một nơi chắp cánh cho tương lai của nhiều trẻ em với vô vàn những hoàn cảnh khó khăn khác nhau...”.

Có một nơi được gọi là “Đường phố”

Với năng lực và kinh nghiệm làm việc của mình, anh Neal Bermas đã đảm nhận rất nhiều vị trí và từng làm việc cho nhiều tập đoàn khách sạn lớn ở Đông Nam Á. 11 năm trước, anh đã tới Việt Nam. Ngày đó trước khi tới Việt Nam, anh cũng giống như bất cứ người bạn nào của mình đều đã từng nghe nói tới những mảnh đời nghèo đói, nhưng anh chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy. Tại nơi đây, một cô bé tới nài nỉ anh mua những tấm thiệp với đôi mắt vừa buồn bã vừa ngây thơ. Chính giờ phút ấy đã là giờ phút nhen nhúm trong anh về việc mình cần làm điều gì đó và cảm thấy mình có thể làm được điều gì đó cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn này. Tuy vậy phải tới năm 2008 anh mới chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ và bắt đầu những bước đi đầu tiên của tổ chức mang tên gọi STREETS International. Đây là một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận với chủ trương giúp đỡ trẻ em đường phố và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, giúp và định hướng cho các em về cuộc sống và tương lai.

Neal Bermas đã tới Hội An và chọn nơi đây để bắt đầu xây dựng cơ sở đầu tiên cho STREETS. Hội An là một nơi rất phát triển về du lịch cũng như là một môi trường để các em có thể làm quen cũng như học tập từ những kinh nghiệm thực hành thực tế. Trong nhiều chuyến đi tới Đông Nam Á của mình, anh Neal Bermas biết những nung nấu của mình không phải là mới nhưng những tổ chức có hoạt động thực sự lớn mạnh không có nhiều mà số lượng trẻ em khó khăn vẫn còn quá đông. Mô hình đào tạo của STREETS International là tuyển chọn các em có hoàn cảnh khó khăn, đào tạo trong thời gian 18 tháng tập trung vào chuyên ngành khách sạn, ngành mà Neal hiểu rõ hơn ai hết. Trong thời gian đó các em sẽ được hỗ trợ tất cả về đồ ăn, nơi ở, y tế...

Đầu tiên các em nhỏ sẽ được đào tạo tiếng Anh, ngôn ngữ quốc tế rất cần thiết trong ngành khách sạn và du lịch. Hiện tại STREETS có một đội ngũ giáo viên tiếng Anh rất xuất sắc đều là người Việt Nam. Không khó khăn gì để tìm kiếm những giáo viên tiếng Anh người nước ngoài nhưng đối với Neal, điều đó không phải có ích lợi nhất cho cộng đồng. Chính vì vậy anh sử dụng những giáo viên người Việt trong việc đào tạo tiếng Anh. Không những vậy các em nhỏ còn được học nhiều dạng tiếng Anh khác nhau để không gặp những bỡ ngỡ khi tiếp xúc với những người nước ngoài đến từ nhiều đất nước khác nhau.

Bên cạnh đó các em còn được học về việc sử dụng máy tính. Đây là những điều cơ bản bất cứ em nào cũng phải hoàn thành trong giai đoạn đầu đào tạo. Khi hoàn thành giai đoạn này, mỗi em được giúp đỡ lựa chọn một định hướng cho mình, đó là theo con đường dịch vụ khách sạn, nhà hàng chuyên nghiệp hay theo con đường ẩm thực, nấu nướng. Trong quá trình học tập và sinh sống tại đây, các em đều được quan tâm chăm sóc về sức khỏe, về kỹ năng sống và có những kinh nghiệm thực tế làm việc tại nhà hàng của trung tâm.

Neal Bermas luôn sát cánh cùng các em.

Đối với anh Neal, xây dựng lên một chương trình học chuẩn quốc tế không khó. Nhưng việc tổ chức được lớp học và truyền đạt được những thông tin trong chương trình mới là điều không dễ. STREETS International thường mời các chuyên gia nước ngoài về 3- 4 tháng, đặc biệt là trong lĩnh vực ẩm thực bởi đây không phải lĩnh vực chuyên môn của anh Neal.

Những giọt nước mắt

Ngày nay tại nhà hàng Đường Phố trên đường Lê Lợi – Hội An người ta có thể bắt gặp những cô cậu nhân viên phục vụ dù có người vẫn không giấu nổi chút bẽn lẽn của mình nhưng tất cả đều rất chuyên nghiệp. Khi mở ra nhà hàng tại nơi đây, Neal và tổ chức của mình không muốn nó trở thành nhà hàng từ thiện mà ngay từ đầu đã hướng tới xây dựng một nhà hàng chuyên nghiệp thu hút khách bởi đồ ăn ngon, phong cách phục vụ tuyệt vời. Điều này theo Neal cũng sẽ khiến cho các học viên có thêm sự tự tin và tự hào trong quá trình học.

Quá trình đi tìm các em nhỏ khó khăn cũng luôn khiến Neal và các đồng nghiệp không tránh khỏi xúc động. Được biết tới nhiều hoàn cảnh đặc biệt khiến anh như thấm thía hơn cuộc đời này. Có những đứa trẻ là nạn nhân của nạn buôn bán người. Từng đến với một gia đình có con mà bị chính cha mình bán, trước đó anh đã nghĩ rằng không hiểu tại sao một người làm cha có thể đang tâm bán cả con của mình. Nhưng phải đến tận nơi, trò chuyện và chia sẻ anh mới hiểu rằng người cha cũng là nạn nhân của những kẻ buôn người dụ dỗ sẽ đưa con trai mình tới một nơi mà cậu có thể ăn no mặc ấm, điều mà người cha ấy cố gắng những vẫn không thực hiện được. Neal hiểu hơn sự nghiệt ngã của cuộc sống. Cậu con trai ấy đến với STREETS International và hiện giờ đang làm việc tại một trong những khách sạn bậc nhất tại Đà Nẵng.

Nhận thức được những yếu thế và thiệt thòi của những người dân tộc thiểu số, Neal luôn tạo điều kiện cho các em người dân tộc cũng như tìm cách thuyết phục gia đình, tạo niềm tin cho gia đình các em. Mỗi em trước khi được nhận vào chương trình đào tạo của STREETS đều trải qua 2 vòng phỏng vấn và được yêu cầu ở lại làm việc tại Hội An trong vòng 1 năm sau khi tốt nghiệp. Neal muốn STREETS là ngôi nhà của các em khi bắt đầu bước ra tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Lúc ấy chắc chắn các em sẽ có những va vấp đầu tiên trong công việc, với đồng nghiệp, với khách hàng. Và Neal muốn hỗ trợ các em cho tới khi các em thật cứng cáp và trưởng thành.

Nhiều bạn trước khi tới STREETS đã từng có cuộc sống cơm không đủ ăn, không có nơi ngủ yên ổn. Nhưng sau những tháng ngày được học tập và đào tạo tại nơi đây, không chỉ về chuyên môn, nghề nghiệp mà còn rất nhiều điều trong cuộc sống, nhiều bạn đã trưởng thành và thành công trên con đường của mình. Ngoài những bạn làm việc tại các các nhà hàng khách sạn, có những bạn đã tự mở ra công việc kinh doanh của riêng mình: một bạn của khóa đầu tiên hiện đang kinh doanh một nhà hàng tại Đà Nẵng, khóa tiếp theo có một bạn hiện đang mở một quán cà phê to tại Huế. Vừa qua anh cũng thành công trong việc liên kết và đưa 2 học viên xuất sắc của tổ chức sang Mỹ để thực hiện việc hướng dẫn dạy nấu món ăn Việt Nam tại nơi đây.

Neal và tổ chức của mình không bao giờ đòi hỏi các em phải đạt được điều gì đó làm thành tích sau khóa đào tạo. Bởi theo anh, định nghĩa thành công ở mỗi người là khác nhau. Tất cả các học viên đều là niềm tự hào của anh. Bên cạnh đó Neal đã tìm được những người đồng nghiệp, những người cùng anh vận hành bộ máy và các công việc một cách ăn khớp và trơn tru. Thế nhưng trong lòng anh vẫn luôn đau đáu bởi chưa thể giúp thêm được nhiều trẻ em hơn nữa.

Anh Neal và các đồng nghiệp của mình cũng đang ấp ủ một dự định mở thêm một trung tâm cùng mô hình tại Sapa, nơi có nhiều người dân tộc và cũng là một nơi rất phát triển về du lịch. Anh mong rằng từng bước đi của mình sẽ luôn là những bước đi thận trọng và tổ chức của mình có thể trở thành bước đệm mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho thật nhiều trẻ em khó khăn khác nữa. Bất cứ những ai biết tới Neal đều phải thừa nhận rằng những việc làm của anh đã tạo cho họ nguồn cảm hứng vô tận về tình yêu thương giữa con người và con người. Mong rằng những điều còn ấp ủ trong trái tim Neal Bermas sẽ chóng trở thành hiện thực

PV
.
.
.