Nguyễn Chu Sâm: Bền bỉ, chân tình, cuộc đời sẽ đáp trả

Thứ Hai, 07/01/2019, 15:27
Là người sinh ra và lớn lên ở xứ Kinh Bắc, anh Nguyễn Chu Sâm chưa bao giờ nghĩ rằng có ngày mình lại nhận vùng đất Hà Tiên tận nơi địa đầu phía Nam của Tổ quốc để làm quê hương thứ hai. Tâm sự với chúng tôi, Chu Sâm cho biết quá trình “bén duyên” với Hà Tiên của anh cũng chính là một câu chuyện dài về cuộc đời chìm nổi của mình.


Giỏi nghề, nhạy kinh doanh

Sinh năm 1974 trong một gia đình có tới 11 anh chị em ở thôn Kim Thiều, Hương Mạc, Từ Sơn, Bắc Ninh, Nguyễn Chu Sâm chỉ có cơ hội học đến lớp 3 đã phải bỏ học do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Từ đó, anh theo người anh cả để học nghề truyền thống của làng. 

Làng Kim Thiều là một trong những làng có truyền thống về nghề chạm khắc gỗ lâu đời nhất tỉnh Bắc Ninh. Theo truyền khẩu của người dân trong làng, Vua Lý Nhân Tông (1072 -1128) khi đi kinh lý trên địa hạt Lạng Giang (địa danh thời Lý) để xem xét phòng tuyến Như Nguyệt chống giặc Tống, đã nghe tiếng làng Kim Thiều có nghề chạm gỗ bèn kén thợ để chế tác các loại đồ gỗ ngự dụng.

Nhờ sáng dạ và đặc biệt có năng khiếu, nên đến năm 13 tuổi Nguyễn Chu Sâm đã nhận được bằng khen tay nghề giỏi của tỉnh (lúc đó là Hà Bắc). Đến năm 14 tuổi, tay nghề của cậu bé Chu Sâm đã rất giỏi. Nhưng một điều khiến cậu không vui là các sản phẩm của mình làm ra chẳng sinh lợi bao nhiêu. 

Sau nhiều đêm suy nghĩ, cậu bé Chu Sâm đánh liều xin mẹ cho mình đem sản phẩm ra tận chợ Đồng Xuân để bán, thay vì chờ thương lái tới làng thu mua như trước đó. Từ làng quê Kim Thiều ra chợ Đồng Xuân chỉ khoảng 20km, nhưng lúc đó đường sá khó khăn và phương tiện chủ yếu là đi xe đạp, nên đó là một hành trình gian nan đối với một thiếu niên như Chu Sâm. Tuy nhiên, trước sự quyết tâm của con trai, mẹ cậu đã đồng ý. 

“Năm đó tôi đục tượng con rồng, Phật bà, tượng các ông Phúc-Lộc-Thọ… mang ra bán. Từ sáng sớm đã mượn xe đạp để đi. Bán được một số tiền cũng kha khá”, anh Sâm nhớ lại.

Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu nan, chuyến đi bán tượng đầu tiên của cậu bé Sâm đã trở thành công cốc. Khi về đến cầu Đuống, cậu đã bị trấn lột mất sạch tiền bán tượng và cả chiếc đồng hồ đeo tay. Tuy nhiên, Chu Sâm không hề nản mà đã nghĩ ra những cách khác nhau để giấu tiền nhằm không bị trấn lột và tiếp tục đi bán tượng. Đến năm 15 tuổi, cậu đã có tiền mua xe Simson 50, vốn được xem là xe của nhà giàu thời bấy giờ. 2 năm sau, Chu Sâm đã có thể mua liền một lúc thêm 2 chiếc xe máy 81 và 86. Cậu cũng mua một chiếc tivi màu để cho bà con cả thôn cùng xem.

18 tuổi dạy trường nghề

Sự thông minh, nhanh nhạy và giỏi nghề của Chu Sâm đã được nhiều người để ý. Vì vậy, chỉ mới 16 tuổi, cậu đã được một ông chủ lớn ở TP HCM là Hoàng Anh mời vào trông coi cơ sở mỹ nghệ hơn 100 công nhân của ông ở quận 12, với mức lương 1.000 USD/tháng.

Lương cao như vậy, nhưng chỉ làm được một năm Chu Sâm lại bỏ về quê. Đến năm 1992, anh vừa đi học bổ túc văn hóa, vừa tham gia đào tạo nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ cho các công nhân lao động xuất khẩu tại Trường cao đẳng Xây dựng Dốc Vân, Hà Nội. 

“Thời gian đó tôi vào TP HCM chủ yếu là để học làm kinh doanh. Mức lương đó nhiều người thấy cao nhưng thực sự không bằng một tháng tôi làm nghề. Chẳng hạn, một bộ bàn ghế tôi đầu tư mất 8 triệu thì phải bán được trên 30 triệu, trong khi 1 tháng tôi làm được cả chục bộ, đó là chưa kể làm tượng”, anh Chu Sâm giải thích tại sao mình bỏ công việc ngàn đô ở Sài Gòn.

Ngoài việc đi học và đi dạy ở Hà Nội, thời gian đó Chu Sâm còn mở lớp dạy ngay tại nhà. “Khi đó ở nhà tôi vui lắm. VTV3 về nhà tôi quay phim chụp ảnh rất nhiều. Lúc đó tôi đang là thầy giáo của 360 học viên. Còn nhà tôi nuôi khoảng 80 học viên”, anh Chu Sâm nhớ lại.

Trầy trật nghiệp kinh doanh

Phi thương bất hoạt, một sắc thái của người Bắc Ninh là hoạt bát, chuyển hóa nhanh, buôn bán tài hoa, đầy tính năng động, giỏi giao tiếp, xởi lởi và tình nghĩa, kết bạn rộng rãi. Trong khi đi học và đi dạy, Chu Sâm vẫn luôn đau đáu câu hỏi làm sao để giúp nâng cao giá trị các sản phẩm mỹ nghệ của làng nghề Kim Thiều. 

Nhờ thời gian đi làm cho ông Hoàng Anh ở TP HCM, anh đã quen biết với một số đầu mối thu mua đồ thủ công mỹ nghệ. Anh cũng biết rằng giá trị các sản phẩm điêu khắc gỗ sẽ cao hơn nhiều nếu được bán ở thị trường TP HCM. Vì vậy, năm 1993, Chu Sâm thuê hẳn một chiếc xe I-pha chở các sản phẩm mỹ nghệ ở thôn Kim Thiều vào TP HCM để bán. 

Khi đi từ TP HCM ra, anh lại mua các loại hàng hóa hiếm có ở ngoài Bắc để chở ra bán kiếm lời. Cứ mỗi chuyến vào ra như vậy, anh có thể lời tới hàng chục triệu đồng. Đó là số tiền rất lớn thời bấy giờ.

Tuy nhiên, đến chuyến thứ 7 và thứ 8, xe chở hàng của Chu Sâm liên tiếp gặp sự cố, nên anh quyết định bỏ luôn việc chở hàng, dồn sức cho việc làm nghề. 

Năm 1994, Chu Sâm vào TP HCM mở một xưởng lớn với hơn 200 công nhân. Nhờ nhanh nhạy và có tay nghề cao, xưởng của Chu Sâm làm ăn rất phát đạt và có nhiều bạn hàng (chủ yếu là Đài Loan). Mỗi tháng anh xuất bán cả trăm bộ bàn ghế, mỗi bộ lời từ 5 chỉ -1 cây vàng. “Lúc đó nhà anh nhiều tiền lắm, phải bỏ bao để gầm giường chứ không có két sắt như bây giờ”, anh Chu Sâm nhớ lại.

Làm xưởng phát đạt như vậy, nhưng Chu Sâm không phải là người chỉ biết ngủ quên trên chiến thắng, mà luôn tìm ra những con đường kinh doanh mới. Từ năm 1995, anh bắt đầu kinh doanh thêm xe máy. Tuy nhiên, sau một thời gian việc kinh doanh xe gắn máy cũng gặp nhiều trắc trở, anh bỏ hẳn nghề buôn xe máy, và nghĩ rằng không có nghề gì bằng nghề truyền thống của mình - điêu khắc gỗ.

Ba năm 1996-1998, Chu Sâm dồn lực phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ. Trong thời gian này, anh nhận được đơn hàng trị giá tương đương hơn 1 triệu USD. Tiền cọc của khách hàng chỉ đưa 30%, để có vốn thực hiện đơn hàng, anh đã phải bán hết đồ có sẵn và đi vay tới hơn 10 tỷ. Nhưng thật không may, khi hàng đã làm xong, chuẩn bị xuất thì Nhà nước có lệnh cấm xuất khẩu hàng mỹ nghệ. 

Để hàng khỏi xuống cấp, thỉnh thoảng anh phải bỏ ra sơn lại. Trong khi đó, bản thân anh phải tự giam mình trong phòng kín không dám ra ngoài vì ngại gặp chủ nợ. Đến khi Nhà nước cho xuất khẩu trở lại anh mới thực sự “thoát nạn”. Sau khi đối tác trả tiền hàng, em gái và em rể của anh phải mất tới 7 ngày mới trả xong hết số nợ mà xưởng của anh đã vay để sản xuất đơn hàng.

Bén duyên với Hà Tiên

Thời gian sau đó, Chu Sâm tiếp tục tập trung sản xuất đồ mỹ nghệ. Một hôm có người bạn điện thoại nói với anh ở Hà Tiên có rất nhiều gỗ tốt. Lúc đầu anh không tin, vì nghĩ vùng đồng bằng làm gì có gỗ, nhưng anh cũng đi xuống xem thử. Đến nơi anh mới thấy bạn mình nói không sai, đúng là có rất nhiều gỗ và lại rẻ. 

Gỗ Pơmu trên TP HCM bán 16 triệu đồng/khối mà dưới đó bán chỉ 6 triệu đồng/khối. Ngay lập tức, anh điện thoại cho người chú ở quê vào để cùng đi mua gỗ. Nhưng người ta đều đòi trả tiền trước mới giao gỗ, anh và chú anh sợ bị lừa đảo nên lúc đầu không mua được gỗ. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu anh mới biết ở Hà Tiên người ta đều mua bán gỗ theo cách thức như vậy, chỉ bằng uy tín chứ không hề có giấy tờ hay hợp đồng gì.

Anh và người chú lại về quê mượn thêm tiền và đến tất cả các đầu mối gỗ ở Hà Tiên để mua gỗ với giá cao hơn hẳn giá thị trường, lên đến 7 triệu đồng/khối. Bằng cách này, Chu Sâm đã đánh bật tất cả những người mua còn lại và thống lĩnh thị trường gỗ Hà Tiên trong suốt 4 năm. Đây cũng chính là thời gian anh bén duyên với Hà Tiên. 

Lúc đầu Chu Sâm chỉ có ý định đến Hà Tiên để làm ăn chứ chưa có ý định sống. Nhưng sau khi lấy vợ, anh phát hiện Hà Tiên là một vùng đất rất đỗi yên bình, không có trộm cắp, nên mua một miếng đất để sau này làm nhà, với ý định lưu giữ kỷ niệm. Nhưng càng ở lâu càng thấy mảnh đất này có nhiều điều hay và hợp với mình, Chu Sâm quyết định ở lại.

Đến năm 2004, do chính sách thay đổi nên Chu Sâm đã hợp tác với Công ty Lâm sản Hà Tiên để nhập gỗ về từ Campuchia. Nhưng được một thời gian, Công ty Lâm sản Hà Tiên ngưng hợp tác, anh bèn xuống Cần Thơ mở một cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ giống như ở Sài Gòn. Nhưng chỉ sau 1 năm Chu Sâm cho đóng cửa, vì dù cửa hàng làm ăn khá tốt nhưng không có chi phí để duy trì. Sau đó anh chuyển cửa hàng về Bến Tre, quê vợ. Nhưng về đó hàng bán càng chậm, nên Chu Sâm thua lỗ và mất cả cửa hàng.

Không chịu khuất phục trước khó khăn, năm 2006 Chu Sâm bàn với vợ “mình không thể sống trong cảnh nghèo hèn”, và để vợ con lại Bến Tre để quay lại Hà Tiên. Lúc đó gần như chỉ 2 bàn tay trắng, nhưng Chu Sâm đã cật lực làm ăn buôn bán, đi từ cái nhỏ đến cái lớn và dần dần gây dựng lại khối tài sản hàng trăm tỷ. 

Đến năm 2009, Chu Sâm xin được giấy phép nhập khẩu 500 khối gỗ, nhưng Hà Tiên lúc bấy giờ chưa cho nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển. Vì vậy, anh đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành các công tác và thủ tục để xin giấy phép nhập khẩu gỗ và hàng hóa đường biển cho cửa khẩu Hà Tiên. Đây là một đóng góp rất lớn của Chu Sâm cho ngành xuất nhập khẩu ở địa phương.

Sau khi con đường nhập khẩu thông thoáng, kinh tế Hà Tiên nhanh chóng phát triển, sự nghiệp của Chu Sâm cũng đi lên như diều gặp gió. Nhưng với bản chất năng động của người Bắc Ninh, Chu Sâm nhìn thấy một hướng kinh doanh mới, đó là vận chuyển người và hàng ra các đảo. Anh là người đầu tiên ở Hà Tiên mua tàu để đưa người ra Phú Quốc, và sau đó là đảo Hải Tặc. 

Việc tham gia thị trường vận tải Hà Tiên - Phú Quốc của Chu Sâm đã góp phần làm giảm giá cước đường thủy trên tuyến đường này. Trước năm 2016, giá vận chuyển 1 tấn hàng ra Phú Quốc tới 650.000 đồng, kể cả xác xe chở hàng. Nhưng nhờ có sự tham gia của Chu Sâm, giá đã được kéo giảm chỉ còn 150.000 đồng/tấn hàng, không kể xác xe. Chỉ riêng việc này, Chu Sâm đã góp phần giảm chi phí hàng ngàn tỷ đồng cho các doanh nghiệp và người dân Hà Tiên, Phú Quốc trong những năm qua.

Không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương, người con xứ Kinh Bắc mang tên Chu Sâm còn nổi tiếng là một nhà từ thiện rộng rãi. Anh là một trong những người làm từ thiện lớn nhất Hà Tiên, thông qua các hoạt động giúp đỡ người nghèo, hỗ trợ trẻ em nghèo hiếu học... Chu Sâm còn là nhà tài trợ lớn cho các lễ hội văn hóa ở Hà Tiên từ nhiều năm qua. Được biết anh đã đóng góp xây dựng nhiều cây cầu ở các vùng nông thôn Kiên Giang, cũng như tham gia đóng góp nhiều cho quỹ khuyến học của tỉnh.

Có thể nói, sự thành công của doanh nhân Nguyễn Chu Sâm cho đến nay không chỉ bởi giỏi nghề và nhạy bén, mà còn vì luôn mang trong mình một cái tâm thiện, sự chân tình. Chính sự chân tình, coi trọng tình nghĩa và hết mình vì người khác, vì xã hội nên Chu Sâm luôn được cộng đồng doanh nghiệp địa phương cũng như bạn bè tin yêu. “Khi gặp những rắc rối khó giải quyết, họ thường tìm đến tôi để xin tư vấn. Thậm chí, có chuyện xích mích, họ cũng tìm đến tôi”, Chu Sâm vui vẻ chia sẻ.

Và sự chân tình của người con Kinh Bắc đã rất phù hợp với một Hà Tiên, nơi con người cũng sống rất giản dị, chân tình. Mong rằng mảnh đất này sẽ tiếp tục là bệ đỡ cho những doanh nhân có tâm có tầm như Chu Sâm, để họ tiếp tục cống hiến cho công cuộc xây dựng đất nước mỗi ngày thêm giàu đẹp.

Để khởi nghiệp thành công, các bạn trẻ trước hết phải trau dồi những kiến thức cần thiết, và phải có can đảm để theo đuổi giấc mơ của mình. Điều quan trọng là phải chăm chỉ và bền bỉ, không bao giờ bỏ cuộc cho dù thất bại bao nhiêu lần đi nữa. Nhưng cũng đừng ngủ quên trên chiến thắng mà phải luôn tìm tòi sáng tạo cho mình những hướng đi dự phòng.

Doanh nhân Nguyễn Chu Sâm, Giám đốc CTCP TM-DV Kim Thủy Lâm

Long Viên
.
.
.