Nguyễn Quang Thạch và chương trình đưa tri thức đến với mọi miền

Thứ Sáu, 27/03/2015, 08:00
Nguyễn Quang Thạch có lẽ là một cái tên khá được chú ý trong thời gian gần đây đối với không chỉ những bạn bè của anh, những người quen biết anh, mà còn có cả những phóng viên báo chí, khi anh, với tư cách là người khởi xướng chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam (SHNTVN) và anh đang có những việc làm rất thiết thực cho để thúc đẩy chương trình này.

Trả lời câu hỏi phỏng vấn của phóng viên, Nguyễn Quang Thạch đang trên đường đi bộ xuyên Việt để tăng tốc SHNTVN…

Nguyễn Quang Thạch là cử nhân tiếng Anh, đã từng trải qua nhiều vị trí, ở những công việc khác nhau ở cơ quan nhà nước và tổ chức quốc tế. Anh là người khởi xướng Chương trình sách hóa nông thôn Việt Nam và hiện là giám đốc Trung tâm hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng.

Chương trình sách hóa nông thôn Việt Nam (SHNTVN) ra đời là để giải quyết vấn đề thiếu sách ở nông thôn. Mà theo anh, sâu xa hơn, SHNTVN là nhằm nâng cao dân trí trên quy mô quốc gia, xây dựng tinh thần chia sẻ trách nhiệm xã hội. Ý tưởng này được anh ấp ủ từ khi còn là sinh viên,  năm thứ hai của Trường đại học Vinh (1997). Nhận thấy rằng, tất cả những vấn đề như bạo lực, sự dối trá giữa những con người và sự vô cảm với đồng loại....

Tất cả những thứ đó đều có gốc rễ từ sự kém hiểu biết. Thạch muốn tạo ra hệ thống thư viện rộng khắp để mọi người có thể tiếp cận tri thức. Khi dân trí tăng lên thì những vấn đề kia sẽ giảm dần.

Anh Nguyễn Quang Thạch tặng sách cho tủ sách họ Nguyễn ở xã Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.

Để có ý tưởng hình thành là một quá trình dài tích hợp thông tin từ đời sống của cá thể. Từ nhỏ Thạch đã được nghe và mắt thấy những cái xấu, cái ác... trong làng, xã của mình. "Tôi kiên trì 18 năm với Sách hóa nông thôn Việt Nam và đang đi bộ xuyên Việt tăng tốc chương trình này. Nhiều trẻ em nông thôn chỉ biết đến sách giáo khoa. Với nền đọc mỏng, khó khăn lớn nhất là thay đổi nhận thức, bởi thế chúng tôi vừa vận động để các tủ sách được xây dựng, nghiên cứu và áp dụng thành công và được nhân rộng ra toàn quốc".

Đến nay, SHNTVN đã áp dụng thành công 5 loại tủ sách tại vùng nông thôn với hơn 3.700 tủ sách được xây dựng, tạo cơ hội tiếp cận sách cho hơn 200.000 người dân nông thôn, đặc biệt là hơn 100.000 học sinh.

Đi xây dựng tủ sách nông thôn, trực tiếp đi đến các vùng sâu, vùng xa, anh thấy sự nhận thức của người dân về vai trò của sách chưa cao. Tuy nhiên cũng có những việc làm thiết thực, như gần 100.000 cha mẹ học sinh của tỉnh Thái Bình và tỉnh khác đã góp 50.000 đồng/năm học để làm tủ sách trong lớp học cho học sinh được đọc sách. Nhiều người đã hành động rất tích cực bằng những việc làm cụ thể.

Chẳng hạn, anh Nguyễn Quang Gia ở xã Sơn Lễ, Hương Sơn, Hà Tĩnh đã bán thóc để ủng hộ cho SHNTVN; cháu Uông Hải Minh Trường THCS An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình đã trích tiền có được từ các cuộc thi học sinh giỏi để góp tiền mua sách; nhiều trường học ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã cho học sinh giới thiệu sách trước giờ chào cờ để khuyến đọc...

Là người khởi xướng chương trình, Thạch thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt từ Hà Nội vào Sài Gòn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua và hiện giờ hành trình của Thạch vẫn tiếp tục. Chương trình bắt đầu từ ngày 30 Tết với lịch trình cho từng ngày:  Ngày 30 Tết:  tặng sách cho  một số gia đình ở Hà Nội;  Từ 23:30-1:00 (Giao thừa):  tặng khoảng 100 bản sách cho những người đón xuân tại khu vực hồ Gươm.

Và dưới đây là nhật ký tặng sách đêm 30 Tết của anh, ngoài người Việt, còn có cả những người nước ngoài, có những câu chuyện rất thú vị: "Hai phụ nữ người Anh thích thú với hoạt động tặng sách trong đêm 30 Tết. 2 bà không có bằng đại học nhưng trong tuổi học trò mỗi năm các bà đọc ít nhất 20 đầu sách. Hai bà cho biết: "Càng ngày chúng tôi càng đọc nhiều hơn, ít nhất một cuốn sách/tuần". Đọc nhiều sách sẽ nâng tầm hiểu biết của mỗi cá thể, cho dù xuất thân như thế nào.

Nguyễn Quang Thạch tặng sách và giao lưu với học sinh Trường THPT chuyên Hà Tĩnh.

Thời gian từ 9:00-9:30 sáng mồng Một Tết: Nhận sách từ cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh tại phòng 303, tòa nhà 15-17 phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Tặng sách cho những người dự buổi lễ xuất phát chiến dịch đi bộ vì SHNTVN.  9:30 lên đường, đi từ Hà Nội đến thị trấn Thường Tín. Vào lúc 15: 30 chiều mồng Một Tết: tặng sách và khai trương tủ sách nhà cô Nguyệt phục vụ học sinh và phụ huynh tại thị trấn Thường Tín-Hà Nội.

Trên hành trình thiện nguyện của mình, Nguyễn Quang Thạch gặp gỡ nhiều người và có nhiều câu chuyện vui, và rất nhiều người, bằng cách này hoặc cách khác, đồng hành cùng chuyến đi của anh. Dưới đây là nhật ký một số ngày Nguyễn Quang Thạch đi bộ đến các vùng miền để lan truyền chương trình SHNTVN.  "Mồng Một Tết, tôi gặp bạn Tuấn, một chủ cửa hàng điện thoại ở phố Tía, Thường Tín tại nhà bạn Bùi Văn Tiến (bạn của Thạch)..

Qua trò chuyện chúng tôi chia sẻ được nhiều thứ. Tối nay, bạn Tuấn vào Duy Tiên, Hà Nam đề nghị tặng tôi một số vật dụng đi đường gồm xạc điện thoại dự phòng, sâm mật ong và mũ che nắng. (P/S: Tôi không nhận xạc dự phòng vì nó thêm khoảng 700g vào balo vốn đang nặng).

"Tôi giao lưu, tặng sách cho học sinh thông qua thi Olympia và phổ biến cách làm Tủ sách phụ huynh tại Trường THCS Nguyễn Thiếp, xã Phù Việt, huyện Thạch Hà. Giao lưu với học sinh ở đây, tôi biết chỉ 4/700 đã từng đọc cuốn ''Những tấm lòng cao cả''.

Hay "Đang đi ở Ninh Giang, Hoa Lư, Ninh Bình, thì bạn đạp xe sóng ngang chào tôi: "Em thấy anh ở trên tivi sáng hôm qua. Chúc anh đi mạnh khỏe... Tôi hỏi bạn ấy về sách thì bạn bảo chỉ học hết cấp 2 vì nhà nghèo. Bạn xin tôi số di động để nhờ tôi tư vấn đầu sách" .

"Hình ảnh làm tôi nghĩ suốt chặng đường từ Thạch Hà đến Hà Tĩnh là một cậu học sinh chạy theo: "Chú ơi, cho cháu xin cuốn sách". Tôi đành lấy cuốn "Tập làm nhà phát minh" để dành cho học sinh năng khiếu tỉnh Hà Tĩnh trao cho em".

Một số độc giả biết được ý tưởng và Chương trình sách cho nông thôn hiện nay của anh, đã rất ủng hộ và khâm phục: "Chiều nay trên đường trở ra Hà Nội, rất vui là đã kết nối để gặp được Nguyễn Quang Thạch đang đi bộ trên đường cao tốc. 3 phút ngắn ngủi rồi Thạch lại tiếp tục lên đường xuyên Việt vì sách cho các em.

Đây là ý kiến của một người bạn khác của Thạch: "2 bé nhà mình đã tự nguyện trích tiền được mừng tuổi đóng góp theo mức 20.000đ/tháng năm 2015 cho chương trình SHNTVN. Và Thạch nên mua một cái mũ rộng vành để đội, vì đi vào miền trong rất nắng và bụi. Cần giữ sức khỏe để đảm bảo cuộc hành trình. Cảm ơn bạn Bùi Văn Tiến đã đồng hành cùng Nguyễn Quang Thạch trong 3 ngày qua.

Chương trình của Nguyễn Quang Thạch độc đáo và cách anh thực hiện cũng thật độc đáo. Cứ một mình độc đạo đi trên đường quốc lộ Bắc - Nam, đâu cũng là nhà, ai cũng là bạn cùng với những khó khăn, bao nhiêu nắng gió, cát bụi và cả những hiểm nguy trên đường. Nhiều người có quý anh, cũng không thể cùng anh đồng hành trong suốt quãng đường. Công sức của anh bỏ ra thì không biết bao nhiêu mà kể. Chỉ riêng ý nghĩ của anh thôi đã đáng khâm phục anh rồi, khâm phục cả ý chí và tinh thần của anh. Có thể nói anh là một người bình thường làm một việc thật phi thường. Chúc cho anh vạn sự hanh thông, bình an trên con đường đưa tri thức đến với mọi người.

Sau 10 nghiên cứu thiết kế các mô hình tủ sách và sau 8 năm áp dụng tại nông thôn, Chương trình SHNTVN đã thực hiện thành công 5 loại tủ sách, gồm: Tủ sách dòng họ, Tủ sách phụ huynh, Tủ sách lớp em, Tủ sách giáo xứ và Tủ sách hậu phương-quê hương chiến sĩ với hơn 3.700 tủ sách được xây dựng, giúp hơn 200.000 người dân nông thôn, đặc biệt là 100.000 học sinh nông thôn có sách đọc. Hơn nữa, SHNTVN đã vận động thành công chính sách ở cấp tỉnh, cụ thể là Sở GD&ĐT Thái Bình đã có chủ trương nhân rộng Tủ sách phụ huynh ra toàn tỉnh.
Khánh Linh
.
.
.