Nguyễn Sơn Lâm: Lại chinh phục đỉnh “Phan xi păng” mới

Thứ Năm, 03/01/2013, 15:46

Tôi đã đứng lặng người khi nghe Sơn Lâm diễn thuyết về "Đánh thức tình yêu trong cuộc sống". Khán phòng 500 người lặng im, xúc động. Tôi nhìn thấy nhiều nước mắt rơi, những cái ôm thật chặt của những con người xa lạ. Chàng trai có vóc người tí hon, vẹo vọ, di chứng của chất độc da cam, nhưng giọng nói thật vang và ấm. Sự lan tỏa trong câu chuyện về cuộc đời Sơn Lâm và những người bạn đã khiến tôi cầm bút viết bài báo này, dù tôi biết Sơn Lâm đã là một cái tên rất nổi tiếng.

Người khuyết tật quá nổi tiếng

Cái tên Nguyễn Sơn Lâm đã trở thành một biểu tượng của nghị lực và khát vọng sống từ năm 2001. Sơn Lâm bị chất độc da cam. Cơ thể cậu bé nhỏ, chưa đầy 27kg và cao khoảng 90cm. Sơn Lâm từng học Đại học Ngoại ngữ, làm phóng viên thể thao cho Vietnamnet. Và cậu cũng đã xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình, nhiều bài báo về nghị lực sống của một cậu bé tật nguyền.

Sự tự tin mạnh mẽ mà Sơn Lâm có được ngày hôm nay bắt đầu từ một cuộc đời không may mắn. Lâm sinh ra trong một gia đình nghèo ở Quảng Ninh. Sơn Lâm có một tuổi thơ dữ dội. Nơi đó, Lâm có hai người bố. Một người bố của những ký ức chiến tranh anh hùng, những trận đánh vẻ vang khiến Sơn Lâm từng nuôi dưỡng giấc mơ vào bộ đội. Nhưng có một người bố khác, của sự khắt khe, của những cơn say triền miên và những trận đòn roi nghiệt ngã. Bố Lâm đã từng vào chiến trường vào những năm tháng ác liệt nhất, Quảng Trị, Huế...

Trở về thời bình, dường như ông vẫn không thoát khỏi cuộc chiến. Bất hạnh giáng xuống gia đình ông, khi sinh ra 2 cậu con trai bị nhiễm chất độc da cam. Sơn Lâm như một cậu bé tí hon. Ốm đau, quặt quẹo. Còn người anh bị chứng viêm não, lơ ngơ. Ký ức của Sơn Lâm là nỗi thống khổ chịu đựng của mẹ và 4 đứa con trước những cơn nóng giận bất thường của bố.

Một mình bà chèo chống cả gia đình. Sơn nhớ, hồi 3 tuổi, mẹ tuyệt vọng quá, buộc chặt cậu vào người và đi ra một bến sông ở gần nhà. Phía dưới có rất nhiều xà lan. Mẹ định nhảy xuống sông tự vẫn mang theo cậu con trai tật nguyền. Sơn Lâm ngơ ngác hỏi: "Mẹ ơi, lỡ nước vào mũi con không thở được thì sao". Chỉ vì câu nói ngây thơ của con, người mẹ sựng người lại.

Bà cởi dây buộc để Sơn Lâm ngồi xuống bên bờ sông, định bỏ con lại một mình. Nhưng cậu bé khóc ngằn ngặt không chịu. Thế rồi, bà từ bỏ ý định tự vẫn, nuốt nước mắt vào trong và trở về. Sơn Lâm nói, cậu mang ơn mẹ. Bởi mẹ không chỉ sinh ra cậu, mà mẹ còn cho cậu một cuộc đời, biết yêu thương, biết chia sẻ và biết tha thứ.

Một ký ức tuổi thơ sợ hãi của những trận đòn roi bất thường, của mặc cảm về bệnh tật đã thắp lên trong tâm hồn cậu bé này một giấc mơ, không cam chịu số phận. Năm 1996, bố đau vết thương tái phát và qua đời. Năm mẹ con Sơn Lâm trải qua nhưng ngày vất vả. Lúc đó, Sơn Lâm chỉ nghĩ, mình sẽ phải học, chỉ có học, mới có thể thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ, túng bấn này. Thế nên, đều đặn, hằng ngày, cùng đôi nạng, Sơn Lâm đến trường.

Những buổi diễn thuyết xúc động của Nguyễn Sơn Lâm.

Ơn trời, số phận đã không cho em một cơ thể lành lặn, nhưng số phận lại cho em một trí tuệ thông minh, hơn thế, một tâm hồn nhiều khát vọng. Tôi hỏi Lâm, em đối mặt với những khó khăn như thế nào khi sức vóc bé nhỏ như vậy. Cậu cười. "Em không thấy mình khó khăn gì cả. Những gì em đạt được hôm nay không quá sức chịu đựng của em. Vì em đã từng gặp nhiều người còn khó khăn hơn mình nhưng họ vẫn thành công. Tốt nhất là không nên nhìn vào khó khăn, mà hãy biết cách đối mặt để giải quyết nó". Đó là cách Sơn Lâm đã sống và vượt qua những trở ngại trong cuộc đời.

Làm những điều phi thường

Sơn Lâm có thể dùng thành thạo 3 ngoại ngữ, Anh, Nhật, Pháp. Đó là một hành trình của một nghị lực sống diệu kỳ. Tốt nghiệp cấp 3 Sơn thi vào đại học. Năm đầu tiên, trượt. Lần đó, Sơn Lâm buồn lắm. Chẳng lẽ cuộc đời lại chỉ an phận trong thế giới chật hẹp này thôi ư. Sơn Lâm quyết định một mình lên Hà Nội, tự thuê nhà và học ngoại ngữ. May mắn, trời ban cho cậu một đôi tai biết nghe và một khả năng ngôn ngữ đặc biệt. Lâm học ngoại ngữ rất nhanh.

Sau một năm khổ luyện, Lâm đã thi đậu vào hai trường Đại học Ngoại ngữ và Đại học Phương Đông. Chàng trai này quyết định sẽ theo đuổi cả hai. 4 năm trời, đối với một sinh viên bình thường đã nhọc nhằn vất vả. Còn với Sơn Lâm, đó là 4 năm miệt mài. Ngày nắng cũng như ngày mưa, Lâm được bạn bè thay nhau chở sang hai trường. Mà việc học ngoại ngữ của Sơn Lâm cũng lạ lắm. Cứ nhẹ tênh tênh.

Tiếng Anh, rồi tiếng Pháp... Lâm cười, có lẽ ông trời thương em không lành lặn đã cho em một khả năng đặc biệt về ngôn ngữ. Ra trường, Lâm được nhận ngay vào làm phóng viên thể thao của Vietnamnet và sau này là Thể thao văn hóa, chuyên dịch tin thể thao và bình luận bóng đá.

Nhưng trong chàng trai tật nguyền này, cuộc sống là những khám phá và chinh phục những đỉnh cao. Năm 2011, Sơn Lâm đã có một hành trình ấn tượng, chinh phục nóc nhà Đông Dương, đỉnh Phan xi păng. Tôi hỏi, có phải Lâm muốn mạo hiểm, muốn trở thành người nổi tiếng. Cậu cười, nụ cười rạng rỡ như chưa từng biết đến nỗi buồn: "Có một câu danh ngôn em rất thích, thành công không phải là đích đến mà là những gì trải qua trên đường".

Lâm tự đưa ra một thử thách ngoài tầm kiểm soát để tự vượt qua chính mình. Nhưng cảm giác hạnh phúc không phải khi cậu đứng trên nóc nhà Đông Dương với cảm giác của một người chiến thắng chính mình mà những khó khăn Sơn Lâm vượt qua trên từng chặng đường. Lâm cùng chiếc nạng của mình phải tự bước qua những đoạn dốc cheo leo, mà chỉ sơ sểnh một chút thôi sẽ rơi xuống vực. Qua những hòn đá to hơn cả người. Qua những đoạn đất sình lầy, chiếc nạng cắm chặt vào bùn.

Qua những cây cổ thụ đổ ngay dọc lối đi. Có thể đơn giản với người bình thường, nhưng với Sơn Lâm, đó là những khó khăn ngoài tầm kiểm soát của cậu. Và Lâm đã vượt qua, cả nỗi sợ hãi ám ảnh khi cậu nghĩ đến cái chết. Hành trình của Sơn Lâm không chỉ là hành trình khám phá và chinh phục, mà đó là hành trình của ý chí, của khát vọng, được khẳng định mình và cộng đồng những người khuyết tật.

Tôi hỏi Sơn Lâm, điều gì đã nuôi trong em một khát vọng lớn đến vậy. Bởi với những người như cậu, được sống, được khỏe mạnh đã là một điều hạnh phúc. Sơn Lâm cười: "Sinh ra trên đời đã là một may mắn. Hãy làm thế nào để tận dụng sự may mắn đó, để cuộc đời không bị lãng phí. Bao nhiêu con người còn chưa kịp sinh ra, chưa kịp nhìn thấy ánh mặt trời... Thế nên, em không bao giờ nhìn vào những khó khăn của mình mà học cách đối mặt với nó".

Thành công dịch giả - mơ làm doanh nhân

Sơn Lâm ngồi chờ tôi trong quán cà phê ở sảnh tòa nhà Grand Plaza, một khu văn phòng cao cấp ở Hà Nội. Tôi thoáng chút ngạc nhiên. Văn phòng của Sơn Lâm ở tận tòa 20, nơi cậu được một người anh, cảm và khâm phục ý chí đã hỗ trợ mặt bằng. Những cuộc điện thoại liên tục, đủ biết cậu là người bận rộn. Sơn Lâm hào hứng chia sẻ về Công ty cổ phần Đào tạo Tỏa sáng, nơi Lâm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị với hàng trăm buổi diễn thuyết trong một năm qua.

Lâm nhận ra rằng, bình luận viên bóng đá chỉ là một niềm đam mê, chứ không phải là lý tưởng sống. Cậu bắt đầu một hành trình mới của mình, khát vọng trở thành một doanh nhân. Đó là nơi truyền tải được ước mơ, khát vọng cho các bạn trẻ trong cuộc sống có quá nhiều sự lựa chọn, nhưng rất thiếu kỹ năng sống hiện nay. Lâm đọc sách, nghe nhiều buổi diễn thuyết của các diễn giả nổi tiếng trên thế giới.

Và cậu biết, cậu sẽ làm được, bắt đầu từ chính câu chuyện về cuộc đời mình. "Em bắt đầu chinh phục người nghe bằng sự khác biệt của mình. Trước hết là sự khác biệt về hình ảnh. Chưa cần nghe em nói, chỉ cần nhìn thấy em, nhiều người đã hiểu vì sao em đứng ở đây. Đó là những chiêm nghiệm, những gì em đã trải qua trong cuộc sống. Từ những lời nói phân biệt đối xử, kỳ thị của xã hội đối với người khuyết tật, em hiểu rằng nỗi đau thể xác chỉ là muỗi khi mình phải đối diện với điều đó".

Hằng ngày, Sơn Lâm trên chiếc xe môtô ba bánh đi làm qua ngõ Đội Cấn. Rất nhiều lần, cậu đối mặt với những ánh mắt lạnh lùng, những câu nói miệt thị của người lớn tuổi. Sơn Lâm tự hỏi, một người tự tin, bản lĩnh như cậu còn cảm thấy bị tổn thương. Vậy những người không đủ sự tự tin (mà hầu hết những người khuyết tật đều không tự tin) sẽ không dám ra đường. Làm sao để cải thiện được điều đó??

Và Lâm muốn, kỹ năng sống phải được nhìn nhận và giáo dục lại từ chính những người lớn trong cộng đồng, để họ có góc nhìn nhân ái hơn. Những buổi diễn thuyết miễn phí của Sơn Lâm được đón nhận ở Hà Nội, Sài Gòn, Thái Nguyên, Thanh Hóa... Và những thông điệp về nghị lực sống, về mục đích sống, về tình yêu thương đã được truyền tải qua câu chuyện của Sơn Lâm. Đó là khát vọng được đóng góp một điều gì đó có ích cho xã hội, bắt đầu từ sự lan tỏa của chính mình.

Sơn Lâm và những người bạn đồng hành cùng cậu đang phải vật lộn với cuộc sống hằng ngày. Mỗi người đều phải xoay ra một công việc khác để mưu sinh và thực hiện khát vọng của mình. Bởi mong muốn của cậu là đóng góp, rồi sau mới đến khát vọng làm giàu. Hãy cho đi để nhận lại được nhiều hơn.

Khi tôi viết bài này, thì Lâm đang diễn thuyết ở một hội trường gần 500 người. Bộ phim "Cuộc đời sau trang sách", câu chuyện về nghị lực sống của những người khuyết tật mà Sơn Lâm là một nhân vật chính đã khiến nhiều khán giả rơi nước mắt. Dường như, trong trái tim chàng trai bé nhỏ này, những khát vọng sống chưa bao giờ dừng lại

Linh Chi
.
.
.