Nguyễn Thị Huỳnh Nga: Người mẹ hiền với trẻ em khuyết tật

Thứ Năm, 30/08/2018, 07:00
Suốt 18 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Huỳnh Nga, 61 tuổi, ở phường 8, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long luôn gắn bó và dành hết tâm huyết để dạy dỗ miễn phí cho trẻ em mắc bệnh thiểu năng, trí não chậm phát triển, Down, HIV…


Với các thầy cô giáo, để dạy được tất cả các em trong một lớp học bình thường nắm được bài vở đã là việc làm vô cùng khó khăn, vất vả, và khó khăn này sẽ nhân lên gấp nhiều lần nếu thầy cô dạy các em khuyết tật. Để có thể dạy trẻ khuyết tật, các thầy cô giáo không đơn giản chỉ là dạy học mà còn phải kiêm thêm rất nhiều công việc mà có lẽ họ chỉ có thể hoàn thành với tấm lòng yêu thương vô bờ bến của người mẹ, người cha.

Khó khăn là thế nhưng suốt 18 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Huỳnh Nga, 61 tuổi, ở phường 8, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long luôn gắn bó và dành hết tâm huyết để dạy dỗ miễn phí cho trẻ em mắc bệnh thiểu năng, trí não chậm phát triển, Down, HIV…

Cô Nga kể cô tình cờ biết nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn không thể cắp sách đến trường khi công tác tại Trường tiểu học Chu Văn An, TP Vĩnh Long, lòng thương cảm thôi thúc cô thành lập lớp học xóa mù chữ, giúp các em biết đọc, biết viết…

Năm 1999, được sự động viên từ các thầy cô ở trường và chính quyền địa phương, cô Nga thành lập lớp học tình thương dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật, tạo “mái nhà” chung để các em đến học chữ, vui chơi, hòa nhập cộng đồng. Đến năm 2009, cô về hưu và dành tất cả tâm huyết, tiền bạc để duy trì lớp học này.

Với mong muốn tất cả trẻ em khuyết tật tại địa phương được đến lớp, có thể biết đọc, biết viết, cô Nga đã phải lặn lội đến từng nhà các em để vận động các em lẫn cha mẹ các em. Mỗi lần đi vận động như vậy, lúc thì cô Nga chuẩn bị vài cân gạo, bánh, kẹo để vận động trẻ đi học. Nhiều gia đình thấy cô giáo quá nhiệt tình nên cũng xiêu lòng cho con đến lớp. 

Lớp học ban đầu cũng chỉ có vài học sinh, sĩ số trong lớp học cứ liên tục bị thay đổi, vận động được em này đến lớp, thì em khác lại bỏ học. Cứ kiên trì như vậy, rồi dần dần, nhiều phụ huynh thấy con em biết đọc, biết viết, ghi tên nên cũng cố gắng cho con đi học, rồi hoàn thành hết cấp tiểu học, rồi lên trung học cơ sở và học đến lớp 12.

Cô cho biết nhiều em do mắc hội chứng bệnh nên khi đến lớp thường xuyên la hét, có khi đập phá đồ đạc, đôi khi không chịu mở lời, không tiếp xúc với các bạn. 

Nhưng nhờ sự kiên trì và tình yêu thương của cô Nga đã giúp các em xóa bỏ được sự tự ti, xóa bỏ những khiếm khuyết bệnh tật, làm lành vết thương tâm hồn, giúp các em có sự tiến bộ rất khả quan và ngoan ngoãn trong lớp học. 

Điều này khiến cô cảm thấy vô cùng hạnh phúc, vì đối với các em khuyết tật làm được những điều cô dạy đã là điều rất to lớn, các em phải rất khó khăn mới làm được.

Cô Nga cho biết thêm: “Đa phần các em đều “quậy phá”, không vâng lời người lớn. Tuy nhiên nếu biết gần gũi, động viên, quan tâm, chăm sóc chu đáo thì các em rất ngoan. Thêm nữa, mỗi em đều có những cá tính riêng biệt như: em thì trầm cảm, em thì hiếu động, em thì tính khí bất thường... từ đó mình phải nắm bắt tâm lý từng em để có cách tiếp cận hiệu quả nhất. Với những trường hợp đặc biệt khó khăn thì cần hết sức giúp đỡ trong điều kiện cho phép của mình”.

Cô Nga chia sẻ rằng những bài học ở lớp chủ yếu là cô dạy các em biết yêu thương cha mẹ, biết giữ gìn sức khỏe, bảo vệ bản thân… “Thấy các em làm được những lời dạy, những điều nhỏ nhoi như vậy, tôi cảm thấy vui lắm, ba mẹ các em và những người cảm thông với các em cũng rất vui mừng, bản thân các em cũng có niềm vui khi tái hòa nhập có bạn bè, được đến lớp, gắn bó với lớp”, cô Nga tâm sự.

Hiện tại lớp của cô có 35 học sinh, em nào cũng có hoàn cảnh rất đáng thương và mang trong mình khiếm khuyết riêng. Đáng thương nhất là em M.A, 10 tuổi, mang trong mình căn bệnh HIV, phải đi bán vé số nuôi bà ngoại. 

Cha mẹ M.A qua đời từ lúc em còn nhỏ nên em được bà ngoại đi bán vé số nuôi nấng, chăm sóc. Giờ bà già yếu, mắt mờ, bệnh tật, M.A phải thay công việc của bà. Vì vậy, cứ mỗi sáng M.A đến lớp, sau khi học xong em lại nhận vé số đi bán cho đến tối mịt mới về đến nhà, mỗi ngày em kiếm được trên 100.000 đồng, cũng đủ rau cháo cho hai bà cháu sống qua ngày.

Hay hoàn cảnh của em Lê Thị Ngọc Trinh (11 tuổi), bị hội chứng Down cũng rất đáng thương. Mẹ bỏ em đi từ nhỏ, ba bệnh tật không thể làm việc kiếm sống nên gánh nặng cơm áo gạo tiền dồn hết lên đôi vai gầy của bà nội, mỗi ngày bà phải lặn lội bán vé số nuôi em. Trinh học rất ngoan, có năng khiếu vẽ và đoạt giải thưởng cao trong Cuộc thi mỹ thuật dành cho thiếu nhi tỉnh Vĩnh Long.

Do mặc cảm với tật nguyền và những vất vả trong cuộc sống thường ngày đã làm các em sống khép kín với mọi người xung quanh. Nhưng khi được đến lớp của cô, các em có nhiều bạn bè, được cô dạy chữ, làm toán, học hát, vẽ và cả thể dục buổi sáng; giúp các em thoát ra khỏi tâm trạng mặc cảm, trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ, lễ phép… "Nếu không vì lý do sức khỏe phải nghỉ học thì lớp học sẽ là 36 em", cô Nga chia sẻ.

Cô Nga dạy ghép từ lớp 1 đến lớp 5. Khi học đến lớp 5, em nào có đủ điều kiện và muốn học tiếp, cô sẽ đăng ký với trường trên địa bàn cho các em tiếp tục hoàn thành chương trình tiểu học. Cô Nga tự hào cho biết nhiều em xuất phát từ lớp học tình thương này đang học ở những lớp cao hơn.

Nhiều em trong lớp học của cô Nga không chỉ thiếu tình yêu thương của cha mẹ, mà còn bị “thiếu” ăn mỗi ngày. Thương các em, cô thường trích một phần tiền lương hưu mua cơm, bánh mì cho các em ăn sáng. Một số nhà hảo tâm cũng đã hỗ trợ tiền mua bánh, sữa làm quà để các em nhận thấy còn nhiều người tốt quan tâm đến mình.

Nhiều người hỏi cô Nga về chuyện chồng con, cô thật thà chia sẻ: "Nếu có gia đình thì chắc gì tôi mở được lớp học này. Có lẽ vì yêu thương tụi nhỏ nên thời gian, sức khỏe tôi dành để “gieo” con chữ cho những đứa trẻ đã chịu quá nhiều thiệt thòi từ lúc sinh ra. Tôi coi các em như những đứa con của mình, tôi hằng cầu mong sức khỏe tốt, để được đứng lớp dạy dỗ các em. Tôi xem công việc này là một phần cuộc sống, một niềm vui nhỏ nhoi không thể thiếu trong những tháng ngày còn lại của cuộc đời”.

Xuân Trường
.
.
.