Nguyễn Thị Oanh: Trái tim rộng mở

Thứ Tư, 31/01/2018, 10:41
Dù chưa một lần sinh nở, nhưng chị Nguyễn Thị Oanh lại rất hạnh phúc khi được làm mẹ của rất nhiều người con, tất cả đều được chị nuôi nấng tử tế và đến tuổi trưởng thành đều được cho đi du học. Bí quyết của chị: Mở rộng trái tim, trời sẽ mở đường.

Nhịn ăn nhận con nuôi

Và chị đã sống theo phương châm này từ khi còn là một cô công nhân nghèo khổ, mới chân ướt chân ráo từ miền Bắc vào TP Hồ Chí Minh để tìm cơ hội mưu sinh. Chị Oanh cho biết khi đó nghèo khổ đến nỗi chị không dám ăn cơm cho đủ no. Có lần cuối tháng được lãnh lương, để bù lại cả tháng trời nhịn ăn tằn tiện, chị quyết định mua... chuối để ăn một bữa cho thật “đã”, nhưng có lẽ vì lâu lâu mới có “một bữa no” nên chị bị đau bụng đến phải nhập viện.

Dù khắc nghiệt với bản thân như vậy, nhưng chị lại rất giàu lòng thương xót với những người xung quanh. Một hôm đi làm về, thấy một em bé bị bỏ rơi, chị đã đem về làm con nuôi, dù khi đó tuổi đời còn rất trẻ và cơm cho mình chị còn không dám ăn. Thế nhưng, chị đã dành hết tình yêu và cả chút tài chính ít ỏi của mình để chăm lo cho em bé. 

Nhưng được vài ba năm, bố mẹ của bé tìm tới xin lại con, thế là chị cũng rứt ruột cho lại họ, vì chị biết nỗi đau của bậc làm cha mẹ khi mất con. Chị chẳng thà nhận nỗi đau về mình chứ không muốn người khác phải đau khổ.

Và cứ như vậy, dường như có một cái nghiệp duyên đã ứng với cuộc đời chị, chị đã gặp rất nhiều em bé bị bỏ rơi và đều đem về làm con nuôi. Cũng có em về sau được bố mẹ xin lại, nhưng cũng có em ở lại với chị cho tới tận bây giờ. Và để có tiền nuôi các con, chị vốn đã tằn tiện với bản thân lại tằn tiện hơn nữa, trong khi lại làm việc cật lực hơn. Chị quyết phải mua được một cái nhà để có chỗ cho các con ở cho đỡ khổ sở.

Với quyết tâm và sự chịu thương chịu khó, cuối cùng chị cũng mua được mảnh đất, cất được cái nhà cho riêng mình và các con. Đó là thành quả một chuỗi dài phấn đấu của chị.

Tuy nhiên, chị nghĩ rằng với các con ngày càng nhiều, ngày càng lớn, chị không thể cứ mãi làm công nhân may mặc mà nuôi cả gia đình được. Vì vậy, chị quyết tâm đăng ký vào đại học. Ban ngày đi làm, xuống ca lại đi học vào buổi tối. Chị rất chuyên cần và nghiêm túc trong việc học. Có hôm đi làm về gặp mưa quần áo ướt nhem nhưng đã muộn giờ, chị mặc cả quần áo ướt đi học.

Đi bằng chân đất trước khi có thể đi giày cao gót

Nỗ lực, chịu khó và không ngừng học hỏi, phấn đấu nên cuối cùng từ một công nhân may chị đã thành bà chủ công ty may. Nhưng dù lúc còn là công nhân hay sau này khi đã làm bà chủ, chị luôn luôn lấy thiện đãi người. Chị cho biết dù ai không tốt với chị, hay thậm chí mắng chửi chị, chị cũng không hề hằn học mà luôn đáp lại bằng lòng tốt. Và rồi cuối cùng, họ đều nhìn thấy sự rộng lượng của chị, đều nể phục chị.

Chị chia sẻ: “Nhờ luôn đối tốt với người, luôn thành tâm và rộng mở với người, nên ông Trời luôn giúp chị, giúp việc kinh doanh của chị thành công, giúp chị vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua”.

Ngoài việc nhận nuôi những em bé bị bỏ rơi, chị còn là một nhà hoạt động từ thiện rất tích cực. Chị thường tham gia các đoàn phát quà từ thiện hỗ trợ bà con vùng sâu vùng xa, hoặc những người dân bị thiên tai bão lũ ảnh hưởng. Chị thường cùng những người khác đóng góp xây cầu cho người dân ở các địa phương khó khăn. Nhiều khi đi vùng sâu vùng xa, gặp bệnh nhân cấp cứu chị đã nhường xe của mình để chở bệnh nhân, còn chị đón xe đò để đi về.

Vì trái tim rộng mở đầy tình thương của chị, nên dù chị làm từ thiện rất âm thầm nhưng vẫn có rất nhiều người biết đến sự hảo tâm của chị. Có trường học, khi có những học sinh không có tiền đóng học phí, thầy cô đã lập danh sách gửi chị nhờ ủng hộ, và chị luôn sẵn sàng. Có những bệnh nhân ở tỉnh vào TP Hồ Chí Minh để trị bệnh nhưng không đủ tiền, được người quen bạn bè giới thiệu tìm đến chị đều giúp đỡ...

Cùng với việc các con ngày một đông, chị đã phải xông pha đủ nghề đủ lĩnh vực để có tiền trang trải. Chị hết làm may mặc lại làm nhà hàng, rồi phế liệu... Và dù ở bất kỳ một lĩnh vực nào, chị đều không ngại khó ngại khổ để đi từ những việc nhỏ nhất đến lớn nhất. Chị tin rằng phải trải qua tất cả, từ công việc nhỏ nhất, thì mình mới đủ am hiểu để làm trong lĩnh vực đó.

Từ một bà chủ công ty may, khi có ý định chuyển sang kinh doanh nhà hàng, chị đã phải đi học từ những việc đơn giản như rửa chén, nhặt rau, rồi dần dần đến các việc lớn hơn, quan trọng hơn. Hay sau đó khi từ bà chủ nhà hàng chuyển qua ngành phế liệu, chị cũng đi nhặt rác, bới bọc, học cách phân loại từng mẫu phế liệu nhỏ... Theo chị, phải có trải nghiệm thực tế mới có thể thành công, phải chấp nhận bước đi bằng chân đất trước khi có thể đi giày cao gót.

Bí quyết của “bà mẹ trăm con”

Nói như vậy không có nghĩa chị xem nhẹ chuyện học hành. Bởi khi còn là công nhân, chị vẫn quyết tâm học lên đại học. Với các con, chị quan niệm trước tiên phải cung cấp cho con một nền tảng tri thức tốt. Đó là lý do vì sao tất cả các con đều được chị lo ăn học đàng hoàng. Học trường trong nước đến một độ tuổi nhất định lại được chị gửi đi du học. “Cho kiến thức là cho tốt nhất”, chị nói.

Tuy nhiên, kiến thức ở đây không chỉ là sách vở mà cả những kỹ năng sống, và việc cho con đi học cũng không đơn thuần là chỉ học chữ. Chị tâm sự: “Nhiều người nghĩ mình giàu có nên con mình không cần học hành sau này cũng không sợ đói. Nhưng phải cho con đi học, vì ngoài kiến thức chúng còn học được kỹ năng hòa nhập cộng đồng, cùng những đức tính tốt khác”.

Ngoài giao phó con cho nhà trường, chị cũng chú ý dạy con từ nhỏ. Con chị 6 tuổi đã được chị dạy cho khả năng tiêu tiền. Mỗi ngày chị cho con 2.000 đồng. Lúc đầu khi đưa tiền chị buộc con phải cho chị biết kế hoạch tiêu tiền theo ngày ra sao, sau đó nâng dần lên kế hoạch theo tuần, rồi theo tháng... Chị cũng dạy con cách tiết kiệm tiền bằng cách bỏ ống heo. Nhờ đó, lên lớp 3 các con chị đã có thể lên kế hoạch mua các đồ dùng trong gia đình.

Theo chị, phải cho con có tài chính để con có thể tự tin hơn, và kỹ năng tiêu tiền và quản lý tiền là cực kỳ quan trọng cần dạy con từ nhỏ; tuy nhiên không nên cho con quá nhiều tiền, mà chỉ cho con một mức phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu của con.

Với các con, chị luôn gần gũi như bạn bè, để con không cảm thấy có khoảng cách với mẹ, sẵn sàng tâm sự tất cả mọi thứ với mẹ. Khi về nhà, chị thường dành nhiều thời gian chơi với các con. Vì vậy, các con rất gần gũi với chị, không chỉ vậy mà bạn bè các con cũng rất tin tưởng chị. Nhờ đó, chị đã phát hiện ra nhiều vấn đề với con và bạn bè của chúng để giải quyết kịp thời.

Với những sai phạm của các con, chị rất nghiêm khắc, thưởng phạt công minh để cho các con luôn “tâm phục khẩu phục”. Chị chia sẻ: “Tuyệt đối không được xúc phạm con trẻ mà phải nói hợp tình, hợp lý”.

“Các bạn trẻ hiện nay muốn thành công phải học để có kiến thức, phải trải nghiệm thực tế để có vốn sống, phải có quyết tâm cao chứ đừng bao giờ bỏ cuộc. Nhưng quan trọng hơn hết, phải sống với cái tâm, mọi thủ đoạn đều không thể tồn tại lâu dài. Khi mình có tâm thì không bao giờ bị tổn hại. Cho dù bị tổn hại trước mắt nhưng sẽ được lợi gấp nhiều lần về sau”.
Nguyễn Hà Anh
.
.
.